Cô gái Đồ Long - Hồi 074

Cô gái Đồ Long - Hồi 074

ĐẸP NHƯ TIÊN NỮ

Ngày đăng: 09-05-2012
Tổng cộng 102 hồi
Đánh giá: 9.4/10 với 1148147 lượt xem

Quả thật không biết mình ở đâu tới, bất cứ mình anh hùng hào kiệt như thế nào, rốt cuộc không tránh khỏi cái chết. Rồi lại rời khỏi trần ai, tựa như một luồng gió biến mất, không biết thổi đi phương nào cả.
Vô Kỵ thấy tay Triệu Minh lạnh buốt và hơi rung động.

Tạ Tốn bỗng lớn tiếng nói:
- Bài ca đó là bài ca tiểu khúc của Ba Tư chắc Hàn phu nhân dạy cho nàng. Hai mươi năm trước đây, có một đêm ta đang ở trên Quang Minh đỉnh cũng được nghe Hàn phu nhân ca một lần. Hà! Không ngờ Hàn phu nhân lại tuyệt tình đến như vậy, hạ độc thủ đả thương con bé nặng như thế.

Triệu Minh xen lời hỏi:
- Thưa lão gia, tại sao Hàn phu nhân lại biết ca tiểu khúc Ba Tư đó? Bản ca này chẳng là bản ca của Minh giáo là gì?

- Minh giáo truyền từ Ba Tư tới, vì vậy bản ca ấy mới có liên can đến Minh giáo. Nhưng không phải bản ca của Minh giáo, bản ca này do một thi nhân rất trứ danh của Ba Tư sáng tác cách đây đã hơn hai trăm năm rồi. Nghe nói người Ba Tư nào cũng biết ca bản ấy.
Năm xưa tôi nghe Hàn phu nhân ca bản ấy, trong lòng thấy khó chịu vô cùng. Tôi liền hỏi bà ta lai lịch của bản ca này, bà ta liền giảng nghĩa và nói rõ lai lịch của bản ca ấy cho tôi hay.
Theo Hàn phu nhân nói: "Năm xưa lúc nhà đại triết học của Ba Tư lập trường khai giảng thâu rất nhiều môn đồ. Môn hạ của nhà đại triết học ấy, có ba người đệ tử rất kiệt xuất là Nga Mạc giỏi về văn học, Ni Nhược Mâu giỏi về chính trị, Hoắc Sơn giỏi về võ công, ba người đó rất ý hợp tâm đầu và đã cắt máu ăn thề: "Phú quý có nhau, hoạn nạn cùng đương". Sau đó Ni Nhược Mâu đắc ý nhất, được làm đến Thủ tướng của Giáo Vương. Hai người bạn cũ của y đến tìm kiếm. Ni Nhược Mâu liền giới thiệu cho Giáo Vương và yêu cầu Giáo Vương ban quan chức cho hai người. Nga Mạc không muốn làm quan, chỉ xin một món tiền để được tĩnh tâm nghiên cứu thiên văn lịch pháp và uống rượu ngâm thơ thôi. Ni Nhược Mâu đối đãi với Nga Mạc rất hậu. Không ngờ, Hoắc Sơn là người có dã tâm, không chịu làm tôi tớ cho ai hết liền âm mưu nổi loạn. Nhưng việc làm của y thất bại, y liền bỏ chạy tới Nghênh Sơn và kết đảng ở đó. Sau trở nên thủ lãnh của một môn phái trong thiên hạ. Phái đó chỉ chuyên môn giết người lấy tên là Y Tư Mỹ lương phái, Thập tử quân chinh Ðông. Ở Tây Vực hễ ai nhắc tới cái tên Hoắc Sơn là mọi người kinh hoàng ngay. Lúc ấy các quân vương của các nước ở Tây Vực bị Sơn Trung lão nhân Hoắc Sơn giết chết vô số.
Theo Hàn phu nhân nói thì ở phía Tây Vực, ngoài khơi có một nước lớn, tên Anh Cát Lan. Vua ở nước ấy là Ái Ðức Hoa thất lễ với Sơn Trung lão nhân nên bị Hoắc Sơn sai người đi hành thích. Các võ sĩ thủ hạ của y đều có võ công trác tuyệt. Nên vệ sĩ của chúa ái Ðức Hoa chống cự không nổi. Quốc vương đã bị khí giới có độc chém trúng, may được hoàng hậu xả thân ra cứu, lấy mồm hút hết chất độc ở trong vết thương, nhờ vậy Quốc vương đó mới thoát chết. Hoắc Sơn không nghĩ đến ân nghĩa xưa kia liền sai người đi hành thích Ni Nhược Mâu, Thủ tướng của Ba Tư. Trước khi tắt thở vị Thủ tướng đó có ngâm câu thơ của Nga Mạc tức là hai câu trong bài ca vừa rồi: "Lai như lưu thủy hề, thệ như phong, bất tri hà xứ lai hề hà sở chung" đấy. (Theo lời chú thích của Kim thì những tuyệt cú của Nga Mạc truyền lại cho hậu thế, có tất cả một trăm linh một bài. Thơ tập đó Quách Mạc Nhược đã phiên dịch).
Hàn phu nhân nói: "Sau võ công của phái Sơn Trung lão nhân thất truyền, chỉ có Minh giáo của Ba Tư là học được thôi."
Hồi nãy võ công của sứ giả Ba Tư quái dị như vậy, chắc là võ công của Sơn Trung lão nhân truyền lại cũng nên?

Triệu Minh lại hỏi tiếp:
- Thưa lão gia, cháu thấy tính nết của Hàn phu nhân cũng tương tự như tính nết của Sơn Trung lão nhân mà lão gia vừa kể. Dù mình đối đãi với bà ta nhân nghĩa như thế nào đi chăng nữa, bà ta vẫn ngấm ngầm hại lại mình.

Tạ Tốn thở dài đáp:
- Người đời lấy oán báo đức là chuyện rất thường hà tất phải ngạc nhiên.

Triệu Minh ngẫm nghĩ hồi lâu rồi lại lên tiếng hỏi:
- Hàn phu nhân đã là người đứng đầu Tứ vương của Minh giáo, sao võ công của bà ta lại không bằng lão gia? Và tối qua, khi mụ đấu với ba người sứ giả Ba Tư, sao mụ không giở Thiên Thù Tuyệt Hộ Thủ ra?

Tạ Tốn đáp:
- Thiên Thù Tuyệt Hộ Thủ là gì? Hàn phu nhân đâu có biết môn võ công đó? Trước kia bà ta là một mỹ nhân tuyệt sắc. Bà quý sắc đẹp hơn sinh mạng của mình. Như thế, khi nào bà ta chịu luyện môn võ công đó?

Vô Kỵ, Triệu Minh, Chỉ Nhược đều ngẩn người, nghĩ thầm:
- Mặt Kim Hoa Bà Bà xấu xí như thế thì dù bà ta có trẻ hơn ba bốn chục năm đi nữa cũng không thể nào gọi là tuyệt sắc mỹ nhân được! Mũi ngửng lên trời, mặt vuông, tai to, hình thù như thế thì Bà Bà đẹp làm sao được?

Triệu Minh vừa cười vừa hỏi:
- Lão gia, cháu thấy Kim Hoa Bà Bà mặt mũi như thế sao gọi là đẹp được?

Tạ Tốn đáp:
- Cô không biết, trước kia khi Tía Sam Long Vương đẹp như tiên nữ. Hai mươi năm về trước, bà đã từng nổi danh đệ nhứt hoa khôi trong võ lâm, dù bây giờ bà ta có lớn tuổi đi chăng nữa, thì khuôn mặt của bà ta cũng không sao đến nỗi xấu xí cho lắm!... Hà! Tiếc thay, mắt tôi đã mù không thấy gì!

Triệu Minh nghe lời nói của Tạ Tốn trịnh trọng như vậy đoán chắc bên trong cũng có điều gì bí ẩn đây. Nàng thấy Kim Hoa Bà Bà lại là Tía Sam Long Vương, người đứng đầu trong nhóm Tứ Ðại Hộ Giáo Pháp Vương trong Minh giáo, nàng đã ngạc nhiên rồi, lại nghe nói Kim Hoa bà bà xấu xí như thế mà lại là đệ nhất mỹ nhân trong võ lâm năm xưa, nàng lại càng khó hiểu thêm nữa, liền ngẫm nghĩ một hồi rồi hỏi tiếp:
- Lão gia danh trấn giang hồ. Năm xưa ở Vương Bàn sơn giương đao lập oai, thiên hạ ai cũng hay biết cả. Bạch Mi ¦ng Vương tự sáng lập một môn phái để tranh nhau xưng hùng xưng bá trong võ lâm, ngót hai mươi năm trời nay mà Bạch Mi giáo vẫn hùng mạnh như thường. Thanh Dực Bức Vương thần xuất quỷ mạt ngày nọ ở trong chùa Vạn Pháp đã doạ nạt cháu và định hủy bộ mặt cháu, cho tới ngày nay cháu vẫn còn hoảng sợ. Võ công của Kim Hoa bà bà tuy cao siêu thật, cơ mưu tuy thâm thật nhưng bằng sao được ba vị mà lại đứng đầu cả ba vị thì lạ thực, không xứng đáng chút nào! Như vậy là nghĩa lý gì hở lão gia?

Tạ Tốn đáp:
- Ðó là ba anh em chúng tôi nhường lại cho bà ta đấy!
Triệu Minh lại hỏi tiếp:
- Nhưng tại sao ba vị lại chịu nhường cho bà ta?

Hỏi tới đó, nàng bỗng khúc khích cười và nói tiếp:
- Có phải bà ta là đệ nhất mỹ nhân, các vị anh hùng không qua được ải của mỹ nhân nên cả ba vị mới phải chịu nhường nhịn như thế hay không?

Nàng là gái Mông Cổ, nghĩ gì là nói ra, Tạ Tốn cũng phải phì cười rồi lão anh hùng thở dài một tiếng rồi nói tiếp:
- Cam phận làm thần tôi cho bà ta không riêng gì ba anh em chúng tôi. Lúc ấy người trong giáo và người ngoài giáo có hơn trăm người để ý đến bà ta, ai cũng muốn lấy bà ta làm vợ thì mới cam tâm.

Triệu Minh lại hỏi:
- Hồi trẻ bà ta tên là gì?

Tạ Tốn đáp:
- Ðại ỷ Ty!

- Ðại ỷ Ty là Hàn phu nhân à? Sao tên bà ta lại kỳ dị thế?
- Nàng ở Ba Tư tới, tên đó là tên của nước Ba Tư.

Vô Kỵ, Triệu Minh, Chỉ Nhược cùng giật mình kinh hãi và đồng thanh hỏi:
- Thế ra bà ta là người Ba Tư đấy à?

Tạ Tốn ngạc nhiên hỏi lại:
- Như vậy chả lẽ các người không hề hay biết bà ta là người Ba Tư sao? Nàng là người lai Trung Hoa với Ba Tư, tóc và mắt tuy đen, nhưng mũi cao và lộ khác thiếu nữ Trung Hoa nhiều! Chỉ thoáng trông đã nhận ra liền.

Triệu Minh lại hỏi tiếp:
- Không không! Bà ta mũi tẹt, mắt ti hí như chuột chứ không giống như lão gia vừa tả đâu. Có phải vậy không hả Trương công tử!

Vô Kỵ đáp:
- Phải! Chả lẽ bà ta cũng giống như Khổ đầu đà mà cố ý tự hủy gương mặt của mình hay sao?

Tạ Tốn hỏi lại:
- Khổ đầu đà là ai thế?

Vô Kỵ đáp:
- Khổ đầu đà chính là Quang Minh hữu sứ Phạm Dao đấy.
Nói tới đó chàng liền kể chuyện Phạm Dao tự hủy mặt đi vào Nhữ Dương vương phủ làm nội ứng như thế nào, kể tất cả lại cho Tạ Tốn nghe.
Tạ Tốn thở dài và nói tiếp:
- Cử chỉ ấy của Phạm huynh thực là khổ tâm và là công lớn với bản giáo. Phạm huynh quả là một dị nhân, người thường không ai có thể làm được chuyện đó! Hà...! Sở dĩ Phạm huynh làm như vậy cũng do Hàn phu nhân khiêu khích mà nên!

Triệu Minh ngạc nhiên vô cùng, vội hỏi tiếp:
- Thưa lão gia, xin lão gia kể lại chuyện đó cho chúng cháu nghe đi! Ðừng có úp úp mở mở như thế nữa.

Tạ Tốn "ừ" một tiếng rồi ngửng đầu nhìn lên trời một lúc rồi mới thủng thẳng kể lại câu chuyện cho mọi người nghe:
- Hai mươi năm trước đây, lúc ấy Minh giáo do Dương Phá Thiên giáo chủ thống lãnh phồn thịnh vô cùng. Ngày hôm đó trên Quang Minh đỉnh có ba người Ba Tư, tay cầm phong thư của tổng giáo chủ bên Ba Tư tới. Ba người đó vào yết kiến Dương giáo chủ dâng luôn phong thư ấy lên. Trong lá thư đó nói trong tổng giáo bên Ba Tư có một vị Tịnh Thiện sứ giả vốn là người Trung Hoa đến Ba Tư đã lâu gia nhập Minh giáo lập được rất nhiều công trạng nên đã lấy được một người con gái Ba Tư làm vợ, sinh được một người con gái, một năm trước đây Tịnh Thiện sứ giả đã qua đời. Lúc sắp chết có nhớ đến cố thổ để di chúc bảo đứa con gái của ông về đất Trung Hoa, tổng giáo chủ tôn trọng ý muốn của vị sứ giả đó mới sai người đem cô gái đó về Quang Minh đỉnh mong Minh giáo Trung thổ nuôi nấng dạy dỗ cho. Tất nhiên Dương giáo chủ phải nhận lời ngay và mời thiếu nữ ấy vào. Thiếu nữ vừa bước vào khách sảnh, đột nhiên khách sảnh như bừng lên! Nàng đẹp không thể tưởng tượng được! Khi nàng quỳ xuống lạy Dương giáo chủ, tả hữu Quang Minh sứ, ba phán vương, năm Tảng nhân, Ngũ hành kỳ sứ đều chấn động. Ba sứ giả ở trên Quang Minh đỉnh một đêm, ngày hôm sau giã từ Dương giáo chủ đi luôn! Còn thiếu nữ tuyệt đẹp tên là Ðại ỷ Ty thì ở lại trên Quang Minh đỉnh.

Triệu Minh vừa cười vừa hỏi tiếp:
- Lão gia! Lúc ấy có phải lão gia cũng mê cô gái Ba Tư không? Lão gia khỏi cần phải hổ thẹn, cứ nói thật ra cho chúng cháu nghe đi.

Tạ Tốn lắc đầu đáp:
- Không! Lúc ấy tôi mới lấy vợ, vợ chồng tôi rất âu yếm nhau và vợ tôi có mang, khi nào tôi có ý niệm bậy bạ đó?

Triệu Minh kêu "ủa" một tiếng và biết mình đã lỡ lời, vì nàng biết vợ con của Tạ Tốn đều bị Thành Khôn giết chết, bây giờ mình vô ý nhắc nhở đến chuyện đó thể nào cũng làm cho lão anh hùng xúc động, nên nàng vội xoay giọng nói:
- Phải đấy! Phải đấy! Thảo nào bà ta nói năm xưa khi bà ta lấy Ngân Diệp tiên sinh, người trên Quang Minh đỉnh ai ai cũng phản đối, riêng có giáo chủ với lão gia là không phản đối mà còn đối xử với bà ta rất tử tế nữa. Có lẽ Dương giáo chủ phu nhân không những là một mỹ nhân mà còn có thủ đoạn rất lợi hại nên mới khiến chồng ngoan ngoãn như vậy.

Tạ Tốn gật đầu đáp:
- Cô nương đoán không sai! Dương giáo chủ khẳng khái hào hiệp, còn Ðại ỷ Ty tuổi chỉ bằng con gái ông ta, huống hồ giáo chủ tổng giáo ở nước Ba Tư đã nhờ ông ta trông nom hộ nàng. Dương giáo chủ đối với nàng ta thật là nhân chí nghĩa tận. Như vậy khi nào ông ta lại có lòng tà? Riêng phu nhân là sư muội của giáo chủ và lại là sư thúc của tôi. Dương giáo chủ, Thành Khôn, Dương phu nhân ba người là sư huynh muội đồng môn. Dương giáo chủ là đại sư bá của tôi, năm xưa đã chỉ điểm cho tôi rất nhiều võ công và đối với tôi tử tế lắm.

Thành Khôn đã giết cả nhà Tạ Tốn, mối huyết thù này nặng lắm, nung nấu trong lòng đại hiệp đã lâu, nhưng khi đại hiệp nói đến tên Thành Khôn, coi tên đó như một người thường nên chỉ nói lướt qua thôi.
Triệu Minh đột nhiên nghĩ tới một việc liền hỏi:
- Quang Minh hữu sứ Phạm Dao hồi trẻ cũng là một thanh niên đẹp trai và rất mê nàng Ðại ỷ Ty phải không?

Tạ Tốn gật đầu đáp:
- Phải! Hai người mới gặp đã yêu nhau rồi! Sự thực không riêng gì Phạm huynh mà còn rất nhiều người nữa cũng yêu nàng. Nhưng vì luật lệ của Minh giáo rất nghiêm và ai nấy đều kính mến giáo chủ nên ai ai cũng không dám làm bậy, chỉ có tương tư mà thôi! Và những người mê nàng đều là những người chưa có vợ. Không ngờ nàng tuy đẹp nhưng đối với ai cũng đều tỏ ra lạnh lùng cả, không thèm chuyện trò với ai và cũng không hề tỏ ra có tình ý với ai hết. Hễ ai không biết điều mà chọc ghẹo là đều bị nàng mắng ngay. Dương phu nhân có ý muốn làm mai nàng cho Phạm Dao hữu sứ nhưng nàng cự tuyệt. Thấy Dương phu nhân nói nhiều quá nàng ta còn giơ kiếm lên định tự vẫn và nói với mọi người rằng: nàng quyết không lấy ai hết, nếu cứ ép buộc, nàng đành chết chứ không bao giờ ưng thuận. Vì vậy, ai cũng chán nản, không còn dám để ý đến nàng nữa. Nửa năm sau, có một người ở Linh Xà đảo tại hải ngoại tới tự xưng là họ Hàn tên là Thiên Diệp, là con trai của kẻ thù Dương giáo chủ năm xưa, y nói y lên Quang Minh đỉnh để trả thù cho cha. Mọi người thấy thanh niên họ Hàn ấy mặt rất tầm thường mà dám đơn thân độc mã lên đây tầm thù, ai nấy đều ha hả cười nhưng Dương giáo chủ rất nghiêm nghị đón tiếp người đó như một vị đại khách vậy! Giáo chủ còn thết tiệc khoản đãi y nữa! Thì ra năm xưa giáo chủ với cha y đã vì một lời nói mà giáo chủ đã dùng Ðại Cửu Thiên Thủ đánh cha của tên nọ bị thương nặng. Lúc ấy cha y có nói: Sau này phải trả được mối thù ấy mới thôi! Nhưng y tự biết võ công còn kém giáo chủ xa. Nếu sau này y không gọi con trai thì cũng gọi con gái đến mà trả thù. Dương giáo chủ liền trả lời cha tên nọ rằng: Bất cứ con trai hay con gái của mấy người tới đây ta cũng nhường cho ba thế võ trước.
Người nọ lại nói:
- Khỏi cần phải nhường như vậy, nhưng còn đấu như thế nào phải để cho con cái của ta lựa chọn lấy! Dương giáo chủ liền nhận lời ngay. Không ngờ, câu chuyện đã trôi qua mười mấy năm và Dương giáo chủ cũng đã quên hẳn đi rồi, ngờ đâu con của người họ Hàn ấy đã tới nơi thực.
Mọi người đều nói rằng:
- Người này dám một thân một mình lên Quang Minh đỉnh này tất phải có võ nghệ kinh người mới dám lên đây như thế! Nhưng công lực của Dương giáo chủ đã luyện tới mức cao siêu tuyệt diệu, người trong võ lâm không có ai đương cự nổi với ông ta cả, chưa chắc người họ Hàn nọ đã thắng nổi Dương giáo chủ một miếng hay một thế võ.

Người họ Hàn đó dù có rủ thêm năm ba người nữa đến vây đánh, Dương giáo chủ cũng không hề nao núng. Nhưng mọi người lo lắng nhất là không biết người đó sẽ giở vấn đề gì ra thôi.
Sáng ngày hôm sau, Hàn Thiên Diệp đã nhắc lại câu chuyện xưa ở trước mặt mọi người, y còn dùng lời lẽ khôn khéo khiến giáo chủ không thể nào nuốt lời được. Rồi y mới đem vấn đề ra mà nói sau. Thì ra y đòi cùng Dương giáo chủ vào trong đầm nước lạnh ở trên Quang Minh đỉnh để quyết thắng bại, nếu ai thua sẽ tự vẫn trước mặt mọi người. Thấy y nói như vậy, ai ai cũng kinh hãi ngẩn người ra vì nước trong Bích Thủy hàn đầm đó giá lạnh buốt xương, ngay mùa nóng nực không ai dám xuống huống hồ là mùa đông giá lạnh?
Giáo chủ tuy võ công cao siêu thật nhưng không biết bơi lội, như vậy xuống tới nước cũng đủ rét lạnh mà chết. Dù không sợ rét, giáo chủ không biết bơi lội cũng bị chết đuối mất.
Lúc ấy quần hùng ở trong nghị sảnh đều đồng thanh quát mắng.

Vô Kỵ lại nói tiếp:
- Việc này khó xử thực. Ðại trượng phu nhất ngôn ký xuất tứ mã nan truy. Năm xưa Dương giáo chủ đã nhận với người họ Hàn ấy là khi con cái của người đó đến đòi tỷ võ dù bằng phương pháp nào cũng phải để cho người đó tự chọn lấy. Hàn Thiên Diệp tiền bối đã lựa chọn thủy chiến và theo đúng lý thì Dương giáo chủ không có cách gì từ chối hết.

Triệu Minh khẽ nắm tay chàng bóp một cái rồi vừa cười vừa nói:
- Phải đấy! Ðại trượng phu nhất ngôn ký xuất tứ mã nan truy. Là giáo chủ của Minh giáo, có khi nào lại nuốt lời hứa mà thất tín thiên hạ chứ? Khi ông ta đã nhận lời người nọ rồi thì dù sao ông ta cũng phải làm cho được.

Lời nói của nàng chỉ có một mình Vô Kỵ biết là nàng định nói gì thôi, còn Tạ Tốn thì làm gì biết được chuyện đó.
Nên Kim Mao Sư Vương lại nói tiếp:
- Chính thế. Hôm đó Hàn Thiên Diệp lớn tiếng nói: "Tại hạ một thân một mình lên trên Quang Minh đỉnh này chỉ mong chết ở trên này thôi. Quý vị anh hùng hào kiệt cứ việc múa đao phân thây tại hạ đi. Như vậy chỉ có người của Minh giáo biết thôi, còn người trên giang hồ không ai biết chuyện này cả. Tại hạ chỉ là một tên vô danh tiểu tốt, quý vị giết một kẻ hèn này thì có nghĩa gì đâu? Quý vị muốn giết thì cứ việc ra tay giết đi, hà tất phải nói nhiều như thế làm chi? ".
Mọi người nghe nói đều im lặng hết không dám ồn ào như trước nữa.
Dương giáo chủ ngẫm nghĩ giây phút rồi đáp:
- Hàn huynh! Năm xưa tại hạ quả có hứa hẹn như vậy với lệnh phụ thực. Người hảo hán phải quang minh mới được. Tại hạ nhận thua trận đấu này. Hàn huynh muốn xử trí như thế nào tuỳ ý.

Thiên Diệp lật ngửa cổ tay một cái, mọi người đã thấy tay y cầm một con dao sáng bóng và đang dí mũi dao vào giữa ngực và nói tiếp:
- Con dao găm này là của tiên phụ để lại. Tại hạ chỉ mong Dương giáo chủ vái lạy con dao này ba lại thôi.
Quần hùng nghe y nói như vậy ai nấy đều phẫn uất vô cùng vì đường đường giáo chủ của Minh giáo khi nào lại chịu nhục như thế?
Nhưng Dương giáo chủ đã nhận thua, theo đúng quy củ của giang hồ thì giáo chủ phải tuân theo đối phương mà làm.
Lúc ấy tình thế đã tỏ rõ cho mọi người thấy, phen này Thiên Diệp tới đây là đã quyết tâm hy sinh rồi. Y nhận ba lễ của giáo chủ xong liền đâm ngay lưỡi dao găm vào ngực tự tử. Vì y biết nếu y không tự tử chết thì thế nào cũng bị quần hào của Minh giáo giết chết liền. Lúc ấy trong đại sảnh không có một tiếng động nào hết.
Quang Minh tả hữu sứ, Bạch Mi ¦ng Vương và Bành hòa thượng các người ngày thường đều là những người túc trí đa mưu, nhưng lúc này gặp vấn đề nan giải ấy, ai nấy cũng đều thúc thủ và vô kế khả thi.
Cử chỉ của Thiên Diệp là muốn bức tử Dương giáo chủ để trả thù cho cha mình rồi y mới tự sát.
Ðang lúc cuộc thế rất gay go thì Ðại ỷ Ty bỗng vượt mọi người tiến lên nói với Dương giáo chủ rằng:
- Thưa cha! Người ta có một người con trai hiếu thảo như vậy chẳng lẽ cha lại không có một người con gái hiếu thảo hay sao? Vị Hàn gia này tới đây để báo thù cho cha. Vậy con xin phép cha cho con được thay mặt để đối địch Hàn gia mấy hiệp. Việc của người đời trước đã có người đời trước đối xử, việc người đời sau đã có người đời sau tiếp tay, không thể làm loạn vai vế như thế được.
Mọi người nghe nàng nói đều ngạc nhiên vô cùng và nghĩ thầm: "Sao nàng lại gọi Dương giáo chủ là cha như thế? ".
Nhưng mọi người lại hiểu ý ngay và nghĩ tiếp: "Nàng ta giả mạo nhận là con gái cua giáo chủ để giải vây cho giáo chủ đấy thôi".
Nghĩ tới đó ai nấy đều nghi ngại: "Nàng yếu ớt ẻo lả như vậy không biết nàng có biết võ công không. Dù nàng có biết võ chăng nữa chưa chắc cao siêu hơn ai, chứ đừng nói vào trong đầm nước lạnh tử chiến nữa".
Dương giáo chủ chưa kịp trả lời thì Thiên Diệp đã cười nhạt nói tiếp:
- Cô nương muốn thay cha đấu với tại hạ cũng được. Nếu cô nương thua, tại hạ vẫn bắt buộc Dương giáo chủ vái lạy con dao găm của tiên phụ như lời tại hạ nói. Y thấy nàng đã đẹp mà lại yếu ớt nên không coi nàng vào đâu hết.
Ðại ỷ Ty lại hỏi:
- Nếu ngài thua thì sao?
Thiên Diệp đáp:
- Nếu tôi thua thì cô nương muốn xử trí thế nào cũng được. Thôi được! Chúng ta đi ngay đến Bích Thủy Hàn đầm đi.

Nói xong nàng liền dẫn đường đi trước.
Dương giáo chủ thấy vậy vôi xua tay và lớn tiếng kêu gọi:
- Không được! Việc này không liên can gì đến con đâu...
Ðại ỷ Ty đáp:
- Thưa cha, cha khỏi lo cho con.
Nói xong nàng quỳ xuống vái lạy, coi như là đã vái Dương giáo chủ làm nghĩa phụ rồi.
Dương giáo chủ thấy nàng có vẻ tự tin lắm. Vả lại ngoài cách ấy ra không còn cách gì nữa cả. Giáo chủ đành phải để mặc nàng muốn làm sao thì làm. Thế rồi mọi người cùng đi lên trên đỉnh núi đến Bích Thủy Hàn đầm.
Hồi ấy gió bắc đang thổi rất mạnh, chỉ đứng bên cạnh đầm cũng thấy lạnh buốt xương rồi. Người nào nội lực hơi kém một chút không sao chịu đựng nổi. Nước trong đầm đã đóng thành băng, có một vài nơi chưa đóng băng nhìn xuống không sao thấy đáy được, đủ thấy đầm đó sâu như thế nào rồi.
Giáo chủ nghĩ thầm: "Không nên vì ta mà để cho Ðại ỷ Ty mất mạng nơi đây".
Nghĩ đoạn, giáo chủ liền nghênh ngang nói:
- Con gái ngoan ngoãn của ta! Cha không cam đành nhận hảo ý của con. Ðể cha tiếp Hàn huynh đây vài hiệp. Nói xong, Dương giáo chủ cởi áo bào ra, tay cầm thanh đơn đao định nhảy vào trong đầm nước lạnh để kết liễu tính mạng của mình.
Ðại ỷ Ty liền mỉm cười đỡ lời:
- Thưa cha! con gái cha sinh trưởng ở bờ bể từ hồi còn nhỏ nên rất giỏi về môn bơi lội. Nói xong, nàng liền rút trường kiếm ra, phi thân nhảy vào trong giữa đầm, đứng trên mặt băng dùng kiếm rạch một lỗ vuông và dùng chân trái dẫm mạnh một cái, miếng băng đó đã chìm luôn xuống đáy đầm rồi. Lúc ấy gió lạnh của mặt bể thổi tới, khiến áo của mọi người đều bay tung lên.

Tạ Tốn kể tiếp:
- Lúc ấy Ðại ỷ Ty mặc một bộ quần áo màu tím nhạt, đứng trên mặt băng như Lăng ba tiên nữ vậy. Ðột nhiên, nàng lẳng lặng nhảy ngay xuống dưới nước, khiến quần hào đứng cạnh đó kinh ngạc vô cùng. Thiên Diệp thấy nàng nhảy vào nước có lẽ thạo lắm, y không còn kiêu ngạo như trước nữa, tay cầm dao găm cũng nhảy vào trong đầm liền. Lúc ấy nước đầm màu xanh thẫm, đứng ở trên bờ đầm không sao trông thấy tình hình trận đấu của hai người như thế nào, chỉ thấy nước đầm rung động thôi. Một lát sau mặt nước ngưng hẳn, không bao lâu mặt nước lại sủi bọt như trước.

Quần hào của Minh giáo lo âu vô cùng, vì thấy hai người lặn xuống nước đã lâu, vả lại nước lạnh như vậy làm sao mà ở lâu được? Lại qua một hồi nữa, đột nhiên thấy có máu tươi, cứ theo bọt nước sủi lên.
Mọi người lại lo âu thêm, không biết máu của Thiên Diệp hay của Ðại ỷ Ty.
Một lát sau nữa, Thiên Diệp bỗng trồi lên và đứng trên tảng băng thở hồng hộc.
Mọi người thấy y lên trước, liền giật mình đồng thanh hỏi:
- Ðại ỷ Ty đâu? Ðại ỷ Ty đâu? Mọi người thấy Thiên Diệp hai tay không, dao găm thì cắm trên ngực bên trái, hai má đều có vết thương. Mọi người đang kinh ngạc thì Ðại ỷ Ty tựa như một con cá bay từ trong nước nhảy vọt lên, tay vẫn cầm trường kiếm ra khỏi mặt nước. Nàng còn lượn trên không hai vòng rồi mới hạ chân đứng xuống mặt băng. Quần hùng vỗ tay khen ngợi không ngớt.
Dương giáo chủ liền tiến lên cầm tay nàng, mặt tỏ vẻ mừng rỡ. Không ai ngờ một cô bé ẻo lả yếu ớt như vậy mà lại có tài bơi lội giỏi như thế.

Nàng liếc mắt nhìn Thiên Diệp một cái và nói:
- Người này khá giỏi về môn bơi lội đấy. Con thấy y có lòng hiếu thảo trả thù cho cha, nên con mới không giết y. Còn y có tội với giáo chủ, mong cha tha thứ cho y đi. Tất nhiên Dương giáo chủ phải nhận lời, liền ra lệnh cho thần y Hồ Thanh Ngưu chữa vết thương cho Thiên Diệp.
Tối hôm đó, trên Quang Minh đỉnh thết tiệc, ai ai cũng khen Ðại ỷ Ty là đại công thần của Minh giáo, nếu không được nàng đứng ra giải quyết thì tên tuổi của Dương giáo chủ bị tiêu tan hết. Thế rồi Dương phu nhân mới tặng cho nàng một cái mỹ hiệu là Tía Sam Long Vương và cho nàng được ngang hàng với Ưng vương, Sư vương và Bức vương ba người.
Tam vương chúng tôi đều cam tâm tình nguyện để nàng đứng đầu bốn người. Vì ngày hôm đó thực sự công lớn của nàng đã lấn át hết cả Tam vương.
Không ngờ sau trận thủy chiến đó, kết quả lại ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Thiên Diệp tuy bại trận, không hiểu tại sao y lại chiếm được lòng yêu của nàng Ðại ỷ Ty. Có lẽ vì ngày nàng đi thăm y xem vết thương đã lành mạnh chưa mà rồi vì thương hại mới sinh ra tình yêu. Chờ tới khi Thiên Diệp lành mạnh hẳn thì nàng bỗng xin phép Dương giáo chủ để kết hôn với thanh niên đó.
Mọi người hay tin đó đều đau lòng và thất vọng vô cùng.
Có người còn hậm hực nói rằng:
- Hàn Thiên Diệp là đại địch của bản giáo, ngày nọ y đã áp bức giáo chủ và mọi người đứng vào thế khó xử, sao nàng Ðại ỷ Ty lại chịu lấy y như vậy?

Tất nhiên không ai muốn nàng Ðại ỷ Ty lấy y. Có một số anh em nóng tính một chút liền sỉa xói vào mặt Thiên Diệp mắng chửi.
Ngờ đâu nàng Ðại ỷ Ty lại cương liệt đến thế: nàng cầm kiếm đứng trước cửa sảnh, lớn tiếng nói với mọi người rằng:
- Từ nay trở đi Hàn Thiên Diệp là chồng của tôi, nếu ai nói nhục tới chàng thì Tía Sam Long vương này nhất định không để yên cho đâu. Mọi người thấy nàng nói như vậy đành hậm hực mà giải tán. Cuộc hôn lễ của Thiên Diệp với nàng rất giản dị, có già nửa số anh em không đi mừng hai người. Chỉ có Dương giáo chủ với tôi cảm ơn đức giải vây của nàng nên hết sức nâng đỡ cho nàng được thành hôn với Thiên Diệp. Vì vậy mới không có chuyện gì xảy ra nhưng khi Thiên Diệp định gia nhập Minh giáo bị rất nhiều người phản đối. Dương giáo chủ không dám trái ý đại chúng.
Không bao lâu, đột nhiên Dương giáo chủ mất tích, mọi người trên Quang Minh đỉnh đều bàng hoàng, rồi chia nhau đi bốn phương tìm kiếm.
Quang Minh hữu sứ Phạm Dao thấy Hàn phu nhân tức nàng Ðại ỷ Ty trong hầm bước ra.

Vô Kỵ nghe tới đó, rùng mình kinh hãi và xen lời hỏi:
- Nàng ở trong đường hầm ra à?

Tạ Tốn đáp:
- Phải! Quy luật của Minh giáo rất nghiêm, đường hầm đó chỉ có một mình Minh giáo giáo chủ mới được ra vào thôi.
Phạm Dao vừa kinh hãi vừa tức giận, liền tiến lên chất vấn.
Hàn phu nhân đáp:
- Tôi đã phạm trọng tội của bản giáo, muốn giết, muốn mổ bụng cũng không sao. Tuỳ bạn đấy!
Tối hôm đó quần hào đại hội.
Hàn phu nhân cũng vẫn nói mấy lời như vậy.
Mọi người hỏi nàng vào đường hầm làm chi? Dương giáo chủ đi đâu?
Nàng trả lời là không biết, nàng chỉ nhận tội là đã trót vào trong hầm đó thôi. Nàng chỉ bảo nàng đã vui lòng nhận tội rồi, sao mọi người hà tất phải hỏi lôi thôi làm chi? Ðáng lý nàng không tự vẫn thì phải tự chặt một cánh tay nhưng Phạm Dao vẫn còn nhớ tình xưa, cố hết sức chống chế cho nàng. Hơn nữa có tôi bên cạnh nói giúp nên quần hào liền quyết định giam nàng mười năm cốt ý là để cho nàng hối cải.
Ngờ đâu nàng lại trả lời mọi người rằng:
- Dương giáo chủ không có ở đây, không ai có quyền xét xử tôi cả.

Nghe tới đó Vô Kỵ liền xen lời hỏi:
- Nghĩa phụ! Hàn phu nhân lén vào trong đường hầm để làm chi?

Tạ Tốn đáp:
- Câu chuyện này nói ra thì dài lắm. Trong Minh giáo chỉ có một mình ta biết thôi. Lúc ấy ai cũng nghi nàng có liên can đến sự mất tích của Dương giáo chủ, nhưng ta cực lực cải chính cho nàng. Thế rồi, mỗi người nói một lời, không sao giải quyết được vấn đề ấy, rốt cuộc Hàn phu nhân rút lui ra khỏi giáo phái rồi đi luôn.
Từ đó trở đi, nàng không còn dính dấp với Minh giáo của chúng ta nữa. Nàng là người rút lui ra khỏi Minh giáo trước tiên. Rồi nàng cùng Thiên Diệp xuống núi ngay.
Về sau không ai biết hai người đã đi đâu.
Các anh em trong Minh giáo phái người tìm mãi không thấy giáo chủ đâu cả.
Mấy năm sau vì tranh chấp chức giáo chủ, đâm ra nghi kỵ và ghét hận lẫn nhau.
Bạch Mi Ưng vương cũng rút lui ra khỏi Minh giáo và tự sáng lập ra Bạch Mi giáo phái. Ta khuyên mãi Bạch Mi Ưng vương nhất định không nghe. Vì vậy mà hai anh em ta giận nhau. Hai mươi năm trước đây Bạch Mi giáo giương đao lập oai ở trên núi Vương Bàn sơn. Kim Mao Sư vương này vội đến đó để phá đám. Sở dĩ ta tới đó là muốn cướp được thanh bảo đao Ðồ Long, hơn nữa ta cũng muốn làm mất sĩ diện của Hân huynh để bõ tức giận năm xưa và cũng để cho Hân huynh biết sau khi y rời khỏi Minh giáo, chưa chắc đã làm nổi trò trống gì. Hà, ngày hôm nay ta nghĩ lại hồi ấy ta thật quá nóng nảy.

Nói tới đó lão anh hùng thở dài một tiếng, tỏ vẻ rất ân hận.
Mọi người đều yên lặng, không nói năng gì, giây phút sau Triệu Minh lại lên tiếng hỏi:
- Thưa lão gia, sau Kim Hoa, Ngân Diệp oai trấn giang hồ, tại sao người trong Minh Giáo không nhận ra nàng ta? Có phải Ngân Diệp tiên sinh là Hàn Thiên Diệp không? Tại sao y lại trúng độc chết như thế?

Tạ Tốn đáp:
- Ðiều đó tôi không được rõ lắm, chắc vợ chồng họ thành đạo trên giang hồ cố hết sức tránh người của Minh Giáo.

Vô Kỵ bỗng đùi kêu "bốp" một tiếng và nói:
- Phải rồi, từ đó trở đi Kim Hoa bà bà không dám gặp người trong Minh Giáo nữa khi sáu đại môn phái vây đánh Quang Minh Ðỉnh, tuy bà ta có mặt ở đó mà không chịu ra tay cứu viện.

Triệu Minh lẩm bẩm tự nói:
- Tía Sam Long Vương là người đẹp như tiên nữ, tại sao lại biến thành xấu xí đến thế, xem mặt bà ta không bị hư hỏng gì cả, tại sao lại xấu đến thế.
Tạ Tốn liền đỡ lời:
- Theo sự ức đoán của tôi thì bà ta thể nào cũng dùng một phương pháp khéo léo để thay đổi bộ mặt. Các người nên biết Hàn phu nhân suốt đời hành sự rất quái dị, mà sự thật trong nội tâm của bà ta cũng có nhiều nỗi thống khổ lắm! Suốt đời đào tẩu tránh né, chỉ sợ người của Tổng giáo Ba Tư sang đây tìm kiếm. Ngờ đâu đến lúc tuổi già mà vẫn không sao thoát khỏi bàn tay độc của Tổng giáo Ba Tư.

Vô Kỵ với Triệu Minh đồng thanh hỏi:
- Tổng giáo Ba Tư cho người tới đây tìm kiếm bà ta để làm chi?

Tạ Tốn đáp:
- Ðó là một bí mật lớn của Hàn phu nhân đang lẽ ta không nên nói ra, nhưng ta mong các người quay trở vể Linh Xà đảo cứu bà ta, bây giờ ta phải nói cho các người hay.

Triệu Minh kinh hãi hỏi tiếp:
- Chúng ta lại quay trở về Linh Xà đảo ư, lại tái đấu với sứ giả của Ba Tư hay sao!

Tạ Tốn không trả lời câu hỏi của nàng, cứ tiếp tục kể chuyện.
Từ nghìn năm xưa tới giờ, Giáo chủ Minh giáo từ Trung cổ đều cho đàn ông đảm nhiệm, trái lại bên Tổng giáo Ba Tư toàn đàn bà phụ trách. Giáo chủ phải do thanh nữ ấy đảm nhiệm để duy trì sự trong sạch thiêng liêng của Minh giáo. Bất cứ một vị giáo chủ nào cũng vậy khi được đảm nhiệm Giáo chủ xong, là phải lựa sẳn ba người con gái của nhân sĩ có địa vị cao cả nhất trong giáo để làm thánh nữ. Ba thánh nữ ấy phải thề độc trước bàn thờ tổ rồi đi du hành bốn phương để lập công tích đức cho Minh Giáo. Tới khi Giáo chủ tạ thế, các bô lão liền tụ họp xét xem công đức lớn nhất làm Giáo chủ. Nhưng trong ba thánh nữ đó mà có một người mất trinh tiết thì phải khép tội hỏa thiêu. Dù chạy tới chân trời góc biển cũng bị người của Minh Giáo rượt bắt để duy trì trinh thiện của thánh giáo...

Nói tới đó, Kim Mao Sư vương vương bỗng thấy Triệu Minh thất thanh lớn tiếng hỏi:
- Chẳng lẽ Hàn phu nhân là một trong ba thánh nữ của Tổng giáo hay sao?

Tạ Tốn gật đầu đáp:
- Chính thế, khi Phạm Dao phát hiện nàng lén vào trong đường hầm, thì sự thực tôi đã phát giác trước Hữu sứ. Hàn phu nhân coi tôi là người tri kỷ, mới đem sự thực kể hết cho tôi hay, Nàng nói khi xuống dưới đầm nước đấu với Hàn Thiên Diệp, vì đụng độ với nhau nàng bỗng có tình với kẻ địch. Sau khi hai người kết hôn, Hàn phu nhân biết Tổng giáo thế nào để chuộc tội đó. Sở dĩ nàng lén vào trong đường hầm là muốn tìm cuốn bí phổ Càn Khôn Ðại Nã Di, cuốn sách đó là sách của Tổng giáo thất truyền đã lâu, nhưng bản sao của Trung thổ hãy còn tồn tại. Vì vậy Tổng giáo phái nàng tới Quang Minh Ðỉnh để lấy cuốn bí phổ đó.

Nghe tới đo Vô Kỵ bỗng kêu "ủa" một tiếng, chàng cảm thấy trong lòng hình như có một việc gì nan giải, nhưng việc đó là việc gì, nhất thời chàng chưa nghĩ ra được.
Chàng đang thắc mắc thì Tạ Tốn lại kể tiếp:
- Hàn phu nhân lẻn vào trong đường hầm mấy lần, nhưng không sao kiếm ra cuốn võ công tâm pháp đó. Ta nghe nàng kể ró nguyên nhân đó xong mới trịnh trọng khuyến cáo nàng, không nên tái phạm nữa, vì lẻn vào đường hầm như thế, thế nào cũng bị xử trảm.

Triệu Minh bỗng xen lời nói:
- Ủa, tôi biết rồi. Sở dĩ Hàn phu nhân nhất quyết rút lui ra khỏi Minh giáo, là muốn tiếp tục lẻn vào trong đường hầm để tìm kiếm cuốn sách kia, vì bà ta rút lui ra ngoài Minh giáo bà ta không bị luật lệ của Minh giáo bó buộc nữa.

Tạ Tốn gật đầu đáp:
- Triệu cô nương thông minh thực, nhưng Quang Minh Ðỉnh là căn cứ địa của bổn giáo, khi nào để cho người ngoài tuỳ tiện đi lại được. Lúc ấy tôi cũng đoán được Triệu cô nương vậy. Sau khi Hàn phu nhân đi khỏi, tôi liền đến cạnh miệng đường hầm để canh gác. Hàn phu nhân đã lẻn lên trên núi ba lần, nhưng lần nào cũng thấy mặt tôi nàng ta cũng tỏ ra nản chí tỏ vẻ ăn năn và đi luôn...

Nói tới đi Kim Mao Sư vương ngửng đầu lên nghĩ ngợi một hồi lâu rồi bỗng hỏi Vô Kỵ và Triệu Minh rằng:
- Quần áo của ba sứ giả Ba Tư có khác quần áo của người Minh giáo ở Trung thổ không?

Vô Kỵ đáp:
- Họ đều mặc áo bào trắng của họ viền đen, chỉ có điểm đó là khác thôi.

Tạ Tốn vỗ vào thành thuyền một cái và nói:
- Phải đấy, Giáo chủ của Tổng giáo tạ thế, người Tây Vực để tang mặc màu đen chứ không mặc màu trắng. Vì vậy áo bào trắng của chúng mới có viền đen như vậy. Chắc Giáo chủ của họ mới chết. Bây giờ họ đang tuyển lựa tân giáo chủ. Vì vậy chúng mới không ngại đường sá xa xôi tìm kiếm Hàn phu nhân.

Vô Kỵ lại hỏi:
- Hàn phu nhân đã ở Ba Tư tới, tất nhiên phải biết được võ công quái dị của ba sứ giả kia, sao bà ta đấu chưa được ba hiệp đã bị đối phương kiềm chế là nghĩa lý gì?

Triệu Minh vừa cười vừa đỡ lời:
- Sao công tử dốt thế, đó là Hàn phu nhân giả bộ, bà không muốn để cho ai biết nguồn gốc của mình, nên không dám dở võ công của Ba Tư ra. Theo sự ước đoán của tôi thì lúc ấy nếu Tạ lão gia nghe lời của ba sứ giả ra tay giết bà ta thì bà ta thể nào cũng có kế thoát thân.

Tạ Tốn lắc đầu nói:
- Bà ta không muốn cho người ta biết nguồn gốc, điều đó rất đúng, nhưng bảo bà ta bị ba sứ giả điểm trúng yếu huyệt rồi mà vẫn thoát thân được thì chưa chắc.
Theo ý tôi thì bà ta đành để cho tôi giết chết, chứ không muốn để cho sứ giả bắt đem về hỏa thiêu, thì đúng hơn.

Triệu Minh lại hỏi:
- Tôi bảo Minh giáo ở Trung thổ là tà giáo, ngờ đâu Minh giáo ở Ba Tư lại càng tà hơn! Tại sao nhất định gái đồng trinh mới được làm giáo chủ? Tại sao thánh nữ thất trinh lại bị hỏa thiêu?

Tạ Tốn liền trách mắng:
- Cô bé ăn nói bậy bạ, giáo phái nào cũng có một quy củ riêng biệt, cũng như hòa thượng ni cô không được ăn mặn. Ðây chả là quy luật của Phật giáo là gì? Như vậy cô nương gọi là tà được?

Mọi người đang chăm chú nghe Tạ Tốn kể, thì bốn nghe tiếng "cập, cập, cập" ai nấy đều quay đầu nhìn, mới hay Hân Lý vì quá rét nên hai hàm răng va chạm nhau tạo thành âm thanh đó!
Vô Kỵ liền sờ trán nàng, thấy nóng như thiêu, chắc lúc này nàng vừa nóng vừa lạnh, bệnh thế rất trầm trọng, nên chàng nới với Tạ Tốn rằng:
- Nghĩa phụ, con muốn trở về Linh Xà đảo ngay, vì bệnh của cô nương rất trầm trọng, phải kiếm thuốc chữa ngay cho cô ta mới được. Chúng ta cố sức mà cứu chữa cho hai người, dù không cứu được Hàn phu nhân thì ít nhất cũng phải cứu chữa cho Hàn cô nương hết bệnh.

Tạ Tốn đáp:
- Con nói rất phải, Hân cô nương có cảm tình với con như vậy, thế nào cũng phải cứu cho cô ta mới được. Còn Chu cô nương và Triệu cô nương nghĩ sao?

Triệu Minh đáp:
- Vết thương của cô nương nặng hơn vết thương của tôi nhiều, nếu không trở về Linh xà đảo thì lấy gì để chữa cho cô ta đây?

Chỉ Nhược lạnh lùng trả lời Vô Kỵ:
- Lão gia bảo trở về thì chúng ta cứ việc trở về.

Vô Kỵ lại hỏi tiếp:
-Nếu muốn quay trở về cũng phải đợi cho sương mù tan hết thì mới biết đường đi mà đi chứ? Nghĩa phụ, hồi nãy Lưu Vân Sư lộn luôn hai vòng mà cũng có thể dùng Thánh hỏa lệnh đả thương con, như vậy là nghĩa lý gì?

Hồi trước Hồi sau

Bán sạc cáp, linh kiện máy tính
Anh em cùng cài Pi Network đào tiền ảo nhé, nhập mã mời "kiemhieptruyen" lấy ngay 1 Pi.
Trước khi thanh toán tiền mua hàng thì nhấn hộ dùm mình link nầy nhé: shopee ở đây còn lazada ở đây.