Bạch hổ tinh quân - Hồi 11a

Bạch hổ tinh quân - Hồi 11a

Quỷ kỳ tái xuất Tung Sơn loạn
Tuyết lạc Sơn Đông tán cát nhân

Ngày đăng: 17-01-2012
Tổng cộng 36 hồi
Đánh giá: 9.2/10 với 1678570 lượt xem

Đến nửa đêm thì Tử Khuê đã nghe hết cuộc hành trình giang khổ của Trác Thanh Chân từ Thiểm Tây đến đây. Nàng không một xu dính túi, chẳng chút hành trang, trên đường thiên lý sống bằng quả rừng hoặc thực phẩm cướp giật được.Và khổ thay, Thanh Chân lại là cung nữ của Lôi Đình Đế Trác Ngạn Chi. Ai dính dáng đến nàng là dính họa vào thân, chết thảm y như Bàng Nguyên Hối vậy. Nhưng Tử Khuê không làm sao thoát ra cảnh éo le này được. Đấy là chưa kể đến rắc rối trong gia sự khi chàng dắt ả ngốc của nợ này về Hứa Xương.
Còn một vấn đề khá tế nhị là Tử Khuê chẳng thể mạo danh mà lấy người tình của kẻ đã chết. Chàng không biết hai năm trước giữa Thanh Chân và Bàng Nguyên Hối đã xảy ra chuyện gì song không tiện hỏi han. Tử Khuê đánh liều, phó mặc dòng đời đưa đẩy, chờ hạ hồi phân giải. Trước mắt, chàng cố giữ khoảng cách với Thanh Chân để tránh hậu hỏa đáng tiếc về sau. May mà Thanh Chân rất mực ngây thơ, trong trắng, biết câu “nam nữ hữu biệt”, tuy đồng sàng cùng chàng nhưng nằm xa thản nhiên an giấc.
Sáng hôm sau, Tử Khuê thức giấc khá trễ, phát hiện Thanh Chân đã dậy trước mình, đang loay hoay xếp bộ võ phục để chàng thay, có cả đôi bao tay “Ngư giáp miệt”. Nàng cầm một chiếc lên xăm soi và vui vẻ khen :
- Tướng công quả là khéo tay! Chàng sơn phết tinh vi thế này thì người ngoài làm sao nhận ra “Ngư giáp miệt”!
Quả thực là Vô Tướng Quỷ Hồ Dịch Quang San đã cặm cụi mấy ngày trời, dùng một loại sơn đặc biệt phủ lên bên ngoài đôi bao tay quý giá khiến chúng trông như da thật, có cả móng lẫn những nết nhăn ở đốt ngón tay.
Tử Khuê ậm ừ cho qua chuyện rồi rủ nàng rời khách điếm, sang tửu quán đối diện dùng điểm tâm. Thực khách khá đông và trong số ấy có không ít người đã từng hiện diện hôm qua, nhưng chẳng có ai nhận ra đôi trai gái phong tư mỹ mạo chính là cặp phu thê quái gỡ chiều qua.
Tử Khuê đã mang chiếc mặt nạ khác, trở thành một hán tử tam tuần để râu mép, mặt mũi vuông vức, cương nghị. Phần Trác Thanh Chân thì quá xinh đẹp, khác xa mụ điên bẩn thỉu mà người ta từng gặp. Nhưng nếu Thiết Đảm Hồng Nhan xuất hiện nơi đây tất sẽ nhận ra y phục mình.
Lát sau, Tống Thụy bước vào, có Thiếu Lâm Thần Côn đồng hành. Tử Khuê thoáng nghe lòng mình mừng rỡ và thức ngộ rằng mình đã ghen với Lã Hoa Dương.
Tống Thụy sửng người khi nhìn thấy Trác Thanh Chân. Nàng không thể lầm được vì bộ võ phục máu gan gà mà nữ lang lạ mặt kia đang mặc cực kỳ quen thuộc. Và ngược lại, Thanh Chân cũng nhận ra ân nhân, hớn hở đứng lên vẫy gọi :
- Tống hiền muội!
Vẻ rạng rỡ chân thành của Thanh Chân đã khiến Tống Thụy cảm động, song nàng không nhận lời đồng bàn mà nhã nhặn từ chối :
- Cảm tạ nhị vị! Tiếc rằng hiền muội đã hẹn ăn sáng với Lã huyng đài.
Nói xong, nàng ngồi xuống một bàn trống gần cửa quán, Thanh Chân lộ vẻ bực bội, lầm bầm :
- Té ra cô ả chưa dứt bỏ được gã lừa trọc mắc toi kia!
Tử Khuê chău mày hỏi :
- Lã Hoa Dương nghi biểu đường chính nổi danh là bậc anh hùng hiệp nghĩa, sao Chân muội lại có ác cảm với gã như thế!
Thanh Chân tư lự đáp :
- Tiểu muội đến Lạc Dương cách nay ba hôm. Đêm ấy tiểu muội ngủ trên chạng ba một cây cổ thụ trong hoa viên của Lạc Hà đại khách điếm. Khoảng gần cuối canh ba, có một bóng đen vượt tường rào và nhảy lên lầu, đột nhập vào một phòng có ánh đèn. Tiểu muội tưởng là đạo tặc liền bám theo, rình ngoài lang cang khi nhìn qua khe cửa thì tiểu muội thấy gã họ Lã tay cố lột xiêm y của một mỹ nhân rất đẹp. Nàng ta chống cự yếu ớt và cười bảo: “Chưa lấy được “Dịch Cân Kinh” sao Lã đại ca lại đòi thưởng côn sớm như vậy?”.
Nhưng gã trọc ấy đã cởi được áo ngủ của nàng ta và vung chưởng quạt tắt đèn dầu. Tiểu muội vì xấu hổ mà quay về chỗ ngủ trên cây, không dám nghe ngóng nữa.
Tử Khuê bàng hoàng, kinh hãi, không ngờ Lã Hoa Dương lại vì nữ sắc mà bán mình. Sẵn sàng trộm cả báu vật trấn sơn của phái Thiếu Lâm. Chàng bâng khuâng nhớ đến Võ Đương Thần Kiếm Mộ Duy Lộ, một nạn nhân tương tự.
Tử Khuê quyết định sẽ tìm cơ hội thuận lợi, dùng thân phận thật mà cảnh báo sư muội của mình và chùa Thiếu Lâm.
Hơn khắc sau, Lã Hoa Dương vẫn chưa đến và ngoài cửa quán vang lên tiếng ồn ào, náo nhiệt. Người ta kháo nhau rằng đã tìm thấy tung tích của Phi Điểu Thần Ma Lục Doãn Ngôn, tại ngọn Độc Nha Sơn cách núi Ngũ Nhũ chừng ít dặm về hướng bắc.
Thế là thực khách vội vã gọi tiểu nhị tính tiền, hoặc quăng đại bạc lên bàn rồi rời tửu quán. Tống Thụy cũng vậy.
Tử Khuê đến đây để tìm Quân Sơn chân nhân chứ chẳng phải vì “Diêm Vương quỷ kỳ” nên không vội, điềm nhiên ăn nốt bữa sáng.
Thanh Chân nhìn theo bóng Thiết Đảm Hồng Nhan và nhận xét :
- Tội nghiệp Tống Thụy hiền muội! Chắc nàng ta rất buồn khi gã trọc kia đã hẹn mà không đến!
Tử Khuê đã giới thiệu tên họ của Tống Thụy Thụy cho Thanh Chân biết nhưng không tiết lộ quan hệ sư huynh, sư muội. Nghe thấy Thanh Chân cứ đòi làm chị, chàng bật cười bảo :
- Thiết Điểm Hồng Nhan năm nay đã hăm sáu, hăm bảy tuổi. Chân muội niên kỷ bao nhiêu mà sao cứ gọi nàng ta là em!
Trác Thanh Chân bối rối đáp :
- Chết thật! Thế mà tiểu muội tưởng Tống Thụy mới tuổi đôi mươi!
Nói xong, nàng ta bưng chén trà lên uống, ánh mắt rất kỳ lạ, và rốt cuộc Tử Khuê cũng không biết tuổi của Thanh Chân.
Ăn xong, Tử Khuê nghiêm nghị bảo :
- Ta đến đây với mục đích tầm thù, cuộc chiến nguy hiểm khó lường, Chân muội hãy ở khách điếm mà chờ đợi!
Thanh Chân lắc đầu, phụng phịu nói :
- Phu thê sống thác có nhau. Vả lại Thanh Chân thừa sức tự bảo vệ, chẳng để chàng phải vướng bận.
Tử Khuê hổ thẹn với vong linh Bàng Nguyên Hối nên đã dạy Thanh Chân cách xưng hô đại ca, tiểu muội, không cho nàng gọi mình là tướng công và xưng thiếp nữa. Chàng cũng căn dặn Thanh Chân không tiết lộ cái danh tính Quách Tử Khuê của mình. May thay, Thanh Chân rất ngoan ngoãn, nhất nhất vâng lời.
Nhớ đến tài khinh công quỷ khốc thần sầu của nàng,Tử Khuê tạm yên lòng đồng ý cho nàng tháp tùng. Nhưng chàng cẩn thận dặn dò :
- Chân muội cứ đứng ngoài quan chiến, khi thấy ta đào tẩu thì lập tức chạy theo!
Thanh Chân tủm tỉm cười :
- Té ra đại ca thông đạt hơn người, không thí mạng vô ích như phần lớn bọn đại hiệp trong thiên hạ.
Tử Khuê nhếch mép cười buồn :
- Ta vì an nguy, hạnh phúc của người thân mà phải suốt đời giấu mặt và chạy trốn, thiếu lúc cũng tủi phận, nào dám xem mình là hiệp khách Thanh Chân che miệng cười khúch khích :
- Vô danh thì đã sao! Bọn nữ nhân tiểu muội cần một trượng phu còn sống chớ không mong phải thờ phụng một vị đại hiệp chết non.
Câu nói mộc mạc giản dị ấy chứa đầy chân lý khiến Tử Khuê được an ủi, gật đầu khen phải. Thanh Chân cẩn thận mua vài chục cái bánh bao không nhân và một bầu nước nhỏ. Nàng vui vẻ phân bua :
- Lỡ chúng ta có phải đào tẩu vào rừng thì cũng có cái mà ăn.
Hai người rời quán, đuổi theo đám quần hào. Thật ra, họ không đơn độc vì hàng ngàn người khác cũng đang rời khu liều vải mà tiến về hướng Độc Nha sơn.
Qua câu chuyện của mọi người, Tử Khuê hiểu đại khái rằng sáng nay khá nhiều kẻ dậy sớm đã phát hiện một cánh chim ưng thật lớn bay vần vũ trên bầu trời. Họ lập tức cắt rừng vượt núi tiến đến vị trí ấy, bắt gặp con linh điểu tại Độc Nha sơn.
Chim không chết thì Phi Điểu Thần Ma cũng phải còn sống. Hoặc giả gã họ Lục có qua đời rồi thì trong xác vẫn còn “Diêm Vương quỷ kỳ”. Nhưng khổ thay, địa hình Độc Nha sơn cực kỳ cổ quái và hiểm ác, khiến những kẻ đến trước phải chùng chân.
Độc Nha sơn là một ngọn núi nhỏ chỉ cao độ năm sáu chục trượng tựa như chiếc răng sói nhọn hoắt dựng ngược, cây cối ít ỏi, trơ màu đá xám xịt.
Hình dáng núi chẳng dọa được ai nhưng vùng đất xung quanh núi lại sụt xuống thành một chiếc hào thiên nhiên sâu hun hút, sương mù mờ mịt.
Con đường duy nhất để vào Độc Nha sơn là phần đất còn lại chưa sập xuống thành vực thẳm. Tuy nhiên, do nước mưa xói mòn nhiều năm mà đỉnh của dải đất dài mười mấy trượng ấy mỏng lét, chẳng khác đường sống lưng trâu. Tất nhiên là con đường rất ghập ghềnh, có đoạn chỉ đặt vừa lòng bàn chân. Và kẻ nào sơ xuất sẽ rơi xuống khe núi mà về với ông bà.
Đó là lý do Độc Nha sơn vắng dấu chân người, và giờ đây khiến lòng kẻ học võ mấy chục năm phải ngao ngán.
Cuối giờ Thình thì quần hùng đã tề tựu đông đủ, kẻ dưới đất người trên cây, ngắm cảnh Độc Nha sơn mà lắc đầu.
Đứng gần bờ vực vì con đường duy nhất chính là năm phái Bạch Đạo và những bang hội hùng mạnh như Chiết Mai bang, Bích Huyết bang, Xoa Lạp cốc, Thần Đao bảo.
Bảo chủ Tần Minh Viên đứng cạnh Minh chủ Võ lâm Âu Dương Mẫn, công khai mối liên minh giữa hai người. Lực lượng Xoa Lạp cốc do Thiếu cốc chủ Nhạc Cuồng Loạn thống lĩnh, ở vị trí sát với Thần Đao bảo tựa như cùng một phe. Họ Nhạc còn bàn bạc với Tần Minh Viên và Âu Dương Mẫn.
Trong hàng Chiết Mai bang và Bích Huyết bang không thấy có Nam - Bắc Thiên Tôn nên xem ra họ khá kém thế. Nhưng chẳng phải vì hùng mạnh hơn mà phe Âu Dương Mẫn dám nhanh nhẩu tiến vào Độc Nha sơn.
Vào thì được nhưng lúc ra sẽ khó toàn thây khi kẻ địch trấn giữ đầu đường độc đạo mà tấn công. Dẫu võ nghệ siêu phàm cách mấy thì cũng toi mạng khi mãnh đất dưới chân quá hẹp và sẵn sàng sụp lỡ bất cứ lúc nào.
Nghĩa là trước khi tiến bước thì phải chiếm được khoảnh đất đầu đường sống trâu kia. Nhưng lúc ấy, phe mạo hiểm sẽ trở thành kẻ địch của mấy ngàn người còn lại, và ở thế quay lưng vào vực thẩm. Do đó, chưa lực lượng nào dám liều mạng cả.
Tử Khuê và Thanh Chân đã nhảy tót lên một ngọn cây du núi cao vút.
Nhận ra Nhạc Cuồng Loạn, Tử Khuê lo ngại chỉ cho nàng thấy :
- Chân muội! Gã công tử áo xanh, búi tóc cài ngân quang kia là Thiếu cốc chủ Xoa Lạp cốc, tên Nhạc Cuồng Loạn. Gã ta đã từng học võ ở Lôi Đình thần cung nhiều năm, tất sẽ nhớ mặt nàng. Chân muội hãy tránh đừng cho gã gặp mặt!
Thanh Chân mỉm cười đắc ý :
- Đại ca yên tâm! Trước đây gã mắc toi ấy chưa nhìn thấy tiểu muội lần nào.
Tử Khuê yên tâm và thầm ngạc nhiên song không muốn hỏi cho rõ.
Chàng chú mục quan sát Độc Nha sơn, phát hiện trên vách đá đoạn gần chân núi có rất nhiều hang động. Cái sát mặt đất, cái ở cao năm sáu trượng. Có lẽ không phải chỉ ở mạn nam này mà chung quanh núi đều lỗ chổ hang hốc như thế. Hiện nay, con chim ưng đã sà xuống và biệt tăm, chẳng rõ chui vào xó nào.
Nghĩa là, khi sang được bên ấy, người ta cũng khó mà biết đích xác Phi Điểu Thần Ma ở đâu trong hàng trăm hang động tối tăm kia.
Bổng quần hùng ồn ào hẳn lên, xôn xao bảo nhau rằng Nam Thiên Tôn và Bắc Thiên Tôn đã giá lâm.
Tử Khuê hiếu kỳ nhìn xuống, thấy thấp thoáng một toán bảy, tám người đang tiến vào rất nhanh. Cuối cùng họ đã đến mảnh đất quang đãng không cây cối, gần mép vực, Tử Khuê mới nhìn rõ hơn.
Không khó để nhận biết lai lịch của hai vị đại kỳ nhân vì phong thái bất phàm cũng như vũ khí thành danh của họ. Bắc Thiên Tôn Phùng Thịnh Đoan mặc áo bào trắng, áo cừu cũng trắng và trong hình thái cực tiên chiếc mũ đạo sĩ có đính hai viên bảo ngọc, một đỏ một xanh. Bộ râu năm chòm của lão cũng trắng muốt, tô điểm cho gương mặt phương phi, đỏ hồng thêm phần tiên khí.
Theo sau Bắc Thiên Tôn là một đạo sĩ bạch y tuổi quá bốn mươi, mặt không râu, gân guốc, cương nghị, thân thể lực lưỡng. Hắn ta tên gọi là Lã Bất Thành, chính thị đại đệ tử của Bắc Thiên Tôn.
Thực ra, Phùng lão vốn sở trường nghề đánh trường kích, vũ khí thành danh của Lữ Bố thời Tam Quốc. Trường kích dài và nặng nề, chẳng phải thứ mà ai cũng múa nổi, nhất là đàn bà. Cho nên, Lã Bất Thành sức lực hơn người, chân truyền pho “Bạch Vân kích pháp”. Còn Dương Tố Vy Bang chủ Chiết Mai bang thì chỉ được học nghề đánh kiếm, sở đoản của Bắc Thiên Tôn.
Tuy Lã Bất Thành không xuất đạo, chỉ quanh quẩn nơi đất Sơn Tây, song võ lâm đều biết bản lĩnh của gã chỉ kém Bắc Thiên Tôn vài bậc. Ba mươi mấy năm ròng, Bất Thành tận tụy hầu hạ sư phụ, khổ công rèn luyện, chả biết mùi tửu sắc, còn đáng mặt tiên ông hơn cả Phùng Thịnh Đoan. Cho nên, thành tựu của họ Lã rất cao. Nếu ngày nào đó gã đánh bại sư phụ của mình thì cũng là điều dễ hiểu.
Nhưng giờ đây, con người hiếu võ thành tật ấy đang lặng lẽ vác cây “Bạch Vân kích” dài sáu xích, nặng ba mươi cân, theo hầu Bắc Thiên Tôn. Lã Bất Thành cũng có một cây dài kích nặng y như thế, do sư đệ của gã vác hầu.
May mà gã ấy gầy gò, học kiếm pháp, không thì lại có thêm một gã khác ôm kích theo sau.
Phần Nam Thiên Tôn Từ Tôn Chiến thì ngược lại. Gã này chuộng màu đen cả da dẻ cũng đen đen. Chỗ trắng trẻo trên người lão là mớ tóc bạc và bộ râu ngắn ngủn, lưa thưa. Hàm răng thì không tính vì đã vàng ố và rơ mất vài chiếc.
Tuyệt học khí công Trung Hoa có thể giúp người ta khỏe mạnh, sống lâu song bất lực trước sự tồn vong của những chiếc răng. Chúng thản nhiên tàn tạ mục nát, hoặc lung lay rồi rơi rụng bất kể vị chủ nhân già có đến hàng trăm năm công lực. Ngay Trương Tam Phong cũng còn móm xọm chứ đừng nói ai.
Răng bền chắc hay không là tùy thuộc vào những yếu tố khác. Ví dụ như dân Giao Chỉ chẳng hạn. Họ có tập quán nhuộm răng đen và ăn trầu nên hàm răng cực kỳ tốt, dẫu đến tuổi tám mươi mà vẫn chưa hề lay chuyển chiếc nào.
Tóm lại, đại đa số các cao thủ lão thành của võ lâm Trung Hoa đều thiếu vài chiếc răng khi đến tuổi bảy mươi, thậm chí năm sáu mươi, không chỉ riêng mình Nam Thiên Tôn. Chẳng qua lão xui xẻo rụng nhầm răng cửa trông không được đẹp mắt đấy thôi!
Vác vũ khí theo hầu Từ lão là một đạo sĩ trung niên, thân hình phốp pháp, to béo, mặt tròn nung núc thịt, thần sắc thật thà, kém oai phong hơn Lã Bất Thành.
Gã ta tuổi mới bốn hai, tên gọi Khổng Đam, biệt hiệu Hồ Đồ Thần Thương. Một người mang họ của Khổng Từ và tên của Lão Tử thì tại sao lại có thể không sáng suốt nhỉ. Thế mà Khổng Đam lại ngốc không thể tưởng được.
Học võ từ năm mười bốn tuổi, đến tam thập thì Khổng Đam hạ sơn, tự xưng là Giang Nam Thần Thương. Gã tự cho mình là hiệp sĩ nên can thiệp vào đủ mọi chuyện trên đường giong ruổi, gây những chuyện cười ra nước mắt.
Có lần, Khổng Đam gặp cảnh năm đánh một liền hớn hở xông vào giúp kẻ thế cô. Nào ngờ, đấy là năm vị bộ đầu mặc thường phục truy bắt hung thủ cướp của giết người. Rốt cuộc tên đạo tặc trốn thoát, còn Khổng Đam bị bắt giải về phủ Trường Sa. May mà Nam Thiên Tôn rất được quan lại Hồ Nam nể trọng nên cứu được đứa học trò đại ngốc khỏi cảnh tù tội.
Từ đó giới gian hồ gọi Khổng Đam là Hồ Đồ Thần Thương. Và gã cũng bị sư phụ bắt về núi, không cho đi rong nữa.
Tuy tư chất kém cỏi nhưng Khổng Đam có thần lực kinh nhân, đường thương nặng như núi Thái. Cho nên dẫu Trịnh Bá Nghiêm được Từ lão ưu ái, hết dạ tài bồi mà vẫn không hơn được họ Khổng.
Nghĩa là, sau này Lã Bất Thành cùng Khổng Đam sẽ đại diện cho Bắc Thiên Tôn, Nam Thiên Tôn để đấu với Quách Tử Khuê, trong cuộc phó ước Tam Tôn.
Văn tự thì dài dòng song Tử Khuê nhận biết bốn nhân vật kể trên đã từ lâu, qua lời tường thuật của nghĩa phụ Trung Thiên Tôn. Chàng đặc biệt chú ý đến lão đạo sĩ áo xanh, lưng đeo trường kiếm đang đi giữa Nam - Bắc Thiên Tôn. Tử Khuê bồi hồi, linh cảm rằng đây có thể là Quân Sơn chân nhân Đường Mai Giãn, kẻ đã hại chết Tam sư thúc của mình. Lão ta hơi bị gù lưng, trán hói cao, rất giống lời mô tả của Lỗ phán quan.
Và lời phỏng đoán ấy đã được xác nhận khi Song Tôn đến vị trí của phe Bạch Đạo. Sáu vị Chưởng môn nhân đều bước ra thi lễ vì Song Tôn là bằng hữu của sư phụ họ.
Bắc Thiên Tôn vui vẻ giới thiệu bạn đồng hành :
- Này lục vị! Đây là Quân Sơn chân nhân Đường Mai Giãn ở Trường Sa, sư đệ của bần đạo.
Tử Khuê thoáng giật mình, không ngờ lão quỷ này là đồng môn với Bắc Thiên Tôn. Việc này sẽ khiến việc trả thù của chàng thêm phần khó khăn.
Lục vị Chưởng môn cũng cùng tâm trạng như Tử Khuê. Họ căm giận Đường Mai Giãn đã ám hại vị ân nhân là Cửu Hoa Thánh Y, song không có bằng cớ nên đành cố nhịn. Tuy cả thiên hạ đều tin rằng có âm ty, có ma quỷ, nhưng họ chẳng thể đưa Lỗ phán quan ra làm chứng được. Nay Quân Sơn chân nhân lại dựa hơi Bắc Thiên Tôn thì càng khó bắt tội lão ta.
Sáu vị long đầu cắn răng gật đầu thủ lễ, nhìn Đường Mai Giãn với ánh mắt lạnh tanh. Bắc Thiên Tôn không hiểu ẩn tình, phật ý bởi cho rằng đáng lẽ đối phương phải “vị thần nể cả cây đa”, vì lão mà tôn trọng sư đệ của lão.
Quân Sơn chân nhân thì chột dạ tự nhủ :
- Chẳng lẽ họ biết ta giết Cỗ Sĩ Hoành? Không thể được, chẳng ai chứng kiến việc ấy cả!
Lúc này Bắc Thiên Tôn đã đổi sắc, nghiêm nghị nói sang sảng :
- Kính cáo Hội đồng Võ lâm cùng toàn thể chư vị anh hùng. Bần đạo nay đã tám mươi sáu tuổi, gần đất xa trời, nhưng quyết đem sức tàn phù trì xã tắc, giữ vững cơ đồ Đại Minh. Bởi vậy, bần đạo mới cần đến cây “Diêm Vương quỷ kỳ” làm phương tiện để phá tan những đạo quân Mông Cổ đang uy hiếp biên thùy phía Bắc.
Lão chắp tay, cúi đầu rồi nói tiếp :
- Thánh thượng anh minh tất hiểu tấm lòng trung nghĩa của bần đạo nên đã hạ Thánh chỉ truyền bần đạo thu dụng linh kỳ. Phiền chư vị cùng quỳ xuống để nghe khâm sai đại nhân Đổng Phúc của Đông Xưởng tuyên đọc Thánh chỉ!
Nói xong, lão lùi lại vài bước, kính cẩn mời một hán tử áo gấm, mang đao, thần thái kiêu ngạo. Gã này nãy giờ đứng cạnh Lã Bất Thành phía sau Song Tôn.
Nghe nhắc đến Thánh Thượng và Đông Xưởng thì ai cũng chột dạ, hiểu rằng linh kỳ khó thoát khỏi tay lão mắc dịch họ Phùng. Và tất nhiên sẽ chẳng có đánh đấm gì cả!
Tiếc công lặn lội đường xa và dầm sương gội gió bấy lâu nay, một gã cứng đầu bực bội buột miệng chửi thề :
- Mẹ kiếp! Cả lũ đang bám trên cây như khỉ thế này thì quỳ thế quái nào được!
Quả thật vậy, trừ những lực lượng mưu đồ tranh đường đi tiên phong vào Độc Nha sơn, kỳ dư đều tìm vị trí tốt để quan sát, và không ít người đã chọn ngọn cây.
Khách gian hồ quen thói phóng túng, ngang ngược và chẳng ưa gì triều đình. Bởi họ đã chứng kiến qua nhiều cảnh lầm than khổ ải của lê dân. sưu cao, thuế nặng và sự nhũng nhiễu tham tàn của bọn quan lại địa phương đã khiến dòng máu hiệp sĩ sục sôi. Từ đó, trong lý tưởng “Trừ bạo an dân” bao hàm cả việc giết quách vài gã quan tham cho dân dễ thở.
Với tâm lý ấy, quần hào chán ghét khi nghe nhắc đến Thánh chỉ. Họ ồ lên tán thành ý kiến của cái gã đang đánh đu trên cây. Và khổ thay, một gã dốt kinh khủng nào đó đã oang oang hỏi lớn với giọng thơ ngây :
- Lạ thật! Thánh thượng là cái lão quái nào thế nhỉ? Lão ta đã chết chưa mà cứ bắt chúng ta quỳ lạy mãi thế?
Gần nửa vạn người phá lên cười muốn lộn ruột, làm chấn động cả vùng núi Tung Sơn. Thậm chí có kẻ còn cười đến nổi rơi từ trên cây xuống.
Họ không thể không cười vì kẻ phát ngôn chính là Hồ Đồ Thần Thương Khổng Đam, đại đệ tử của Nam Thiên Tôn.
Từ lão tái mặt nạt học trò :
- Câm ngay! Ngươi muốn bị tru di tam tộc hay sao mà dám phạm tội khi quân. Mau quỳ xuống nhận tội!
Rồi lão quay sang van nài phân bua với vị khâm sai đại nhân họ Đổng ở Đông Xưởng, Nam Thiên Tôn còn nháy nhó lia lịa, ra hiệu rằng sẽ chuộc lỗi cho đồ đệ bằng vàng ròng chứ chẳng phải nói suông.
Đổng Phúc hiểu ý, xuề xòa phán rằng :
- Khổng Đam ngu muội, hồ đồ khét tiếng võ lâm, ai ai cũng biết, nên bổn nhân chẳng chấp nhất làm gì. Nếu là kẻ khác thì không khỏi tội chém ba họ.
Khổng Đam đang quỳ dưới đất, rung như cầy sấy, nghe vậy thì mừng rỡ, dập đầu lạy Đổng Phúc như tế sao.
Họ Đổng xua tay bảo gã đứng dậy rồi nghiêm nghị nói với toàn trường.
Người của Đông Xưởng đều là tay võ nghệ khá nên giọng của Đổng Phúc vang rền, hùng mạnh :
- Đúng là địa thế này không thích hợp để giữ đúng triều nghi nên chư vị hảo háo có thể đứng yên mà nghe Thánh chỉ cũng được!
Nói xong, Đổng Phúc cầm luôn lịnh kỳ bằng hai tay hướng về phương bắc mà vái ba vái. Nào ngờ từ trên ngọn cây của một cây tùng cao ngất nào đó, phía sau quần hào có một bóng xám lao vút xuống như tên bắn. Thành ngữ “Nhanh như cắt” thường được dùng để miêu tả, tung xưng tốc độ bay của loài chim ưng nhỏ của vùng thảo nguyên, sa mạc. Chim cắt khá giống diều hâu nhưng nhanh nhẹn hơn nhiều.
Và khổ thay, mục tiêu của con chim hung hãn ấy là cuộn lục Thánh chỉ trong tay Đổng Phúc. Họ Đổng vừa đưa lên vái cái thứ ba thì bị giật mất.
Sự cố này xảy ra trong chớp mắt khiến chẳng ai kịp phản ứng. Ngay cả hai vị đại kỳ nhân Nam - Bắc Thiên Tôn cũng ngơ ngác. Khi họ định thần thì con chim mạt cắt đã bay lên cao mười mấy trượng. Toàn trường xôn xao, ớ lên vì kinh ngạc, trố mắt nhìn cánh chim đang lã lướt trên không trung. Nó không bay thẳng về hướng nào mà lại lượn lờ theo hình xoắn ốc trên đầu quần hùng và bốc dần lên cao.
Con chim quái ác đã sai lầm vì đã quên rằng nơi đây có sự hiện diện của Trung Nguyên Thần Tiễn Phan Nguyên Kết.
Phan lão đã đủ thì giờ tra tên, giương cung trổ tài thiện xạ. Mũi trường tiễn xá không gian, đón lấy chim cắt ngay trên quỹ đạo bay của nó.
Do quá vội vã, không kịp tính toán đến sức gió thổi, nên Phan Nguyên Kết, chỉ thành công một nữa. Mũi tên của ông ta không cắm trúng mục tiêu và chỉ làm rụng vài chiếc lông cánh của con chim.
Nhưng như thế cũng đủ khiến cho chú chim phạm thượng kia sợ hãi, buông rơi Thánh chỉ, bay về hướng Độc Nha sơn.
Cuộn lụa vàng bung ra, như chiếc diều đứt dây, lão đảo rơi xuống khu rừng cạnh bờ vực, nơi quần hào đang nhốn nháo.
Tuy Thánh chỉ chẳng phải là cứt chim nhưng nó vẫn thản nhiên đáp xuống cái đầu xui xẻo của Quách Tử Khuê. Chàng đưa tay chụp lấy, bâng khuâng chẳng biết phải xử trí thế nào.
Cây cổ thụ mà Tử Khuê và Trác Thanh Chân đang đứng nằm ngay sau lực lượng Chiết Mai bang, Bích Huyết bang. Bởi vậy, bang chúng của hai bang ấy lập tức vây chặt lấy gốc cây và Trịnh Bá Nghiêm đã lên tiếng bảo Tử Khuê :
- Phiền các hạ mang Thánh chỉ xuống giao lại cho Trịnh mỗ!
Nhớ đến lời dạy của nghĩa phụ Trung Thiên Tôn, Tử Khuê chẳng muốn “Diêm Vương quỷ kỳ” lọt vào tay kẻ xấu. Nhưng việc cướp đoạt Thánh chỉ là một việc mà chàng không hề nghĩ đến.
Chợt cô ả Trác Thanh Chân thỏ thẻ :
- Quách đại ca! Năm trước, tiểu muội từng được nghe Lôi Đình Đế Quân tiết lộ rằng Bắc Thiên Tôn đã bí mật gã con gái út cho một vị vương tử Mông Cổ. Do đó tiểu muội không tin rằng Phùng lão quỷ lại muốn đánh nhau với con rể của mình. Ngược lại, có thể lão ta sẽ dùng “Diêm Vương quỷ kỳ” để giúp quân Mông vượt Vạn Lý Trường Thành, xâm chiếm Trung Hoa lần nữa kìa!
Nghe xong, Tử Khuê toát mồ hôi hột, hiểu rằng không thể Phùng Thịnh Đoan chiếm được cờ báu. Và muốn ngăn cản lão ta thì trước tiên chàng phải đoạt lấy đạo Thánh chỉ này. Khi Song Tôn không còn hậu thuẫn của triều đình, các lực lượng khác sẽ chẳng để hai lão tự tung tự tác.
Tử Khuê nhìn vòng vây đen kịt dưới gốc cây mà ngao ngán, biết mình khó toàn mạng khi đem Thánh chỉ đào tẩu. Nhưng nghĩ đến cảnh Bắc Thiên Tôn vũ lộng Quỷ kỳ, dẫn quân Mông Cổ vào giày xéo giang sơn, gieo rắc tang tóc cho lê thứ, thì Tử Khuê vô cùng phẫn hận. Chàng nghiêm nghị bảo Thanh Chân :
- Chân muội! Có thể Song Tôn là tay sai của rợ Mông. Bởi vậy, ta quyết liều thân, không để họ đoạt được “Diêm Vương quỷ kỳ”. Nàng hãy ở yên trên này, chờ ta xuống gây rối hàng ngũ đối phương rồi hãy thoát đi.
Chàng vừa nói đến đây thì Nam Thiên Tôn nóng nảy thúc giục :
- Này tiểu tử kia! Ngươi không sợ chết hay sao mà cứ kiên trì mãi vậy?
Mau mang Thánh chỉ xuống đây nạp!
Tử Khuê hoãn binh bằng một câu :
- Tại hạ muốn xin ít tiền thưởng. Từ lão tiền bối nghĩ sao?
Trong lúc Nam Thiên Tôn hội ý với đồng đảng thì Thanh Chân mỉm cười bảo Tử Khuê :
- “Uyên ương đồng mệnh”, thiếp quyết chẳng rời chàng một bước.
Nhưng thật ra, sự tình nào đến nổi bi đát như thế. Đại ca cứ giả vờ đem Thánh chỉ xuống giao cho gã khâm sai, rồi bất ngờ chúng ta chạy thẳng vào Độc Nha sơn. Nếu tìm được “Diêm Vương quỷ kỳ” thì lo gì không giết được Song Tôn?
Bằng không, với địa hình đầy hang động kia thì lo gì họ tìm ra đôi ta!
Dẫu đây không phải là thượng sách còn hơn đâm đầu vào chỗ chết, Tử Khuê cao hứng khen ngợi và vui vẻ sửa sai :
- Chân muội giỏi lắm! Nhưng muội quên một điều là chúng ta không hề biết câu thần chú điều khiển linh kỳ. Nếu tìm được cờ thì cũng chẳng làm gì nổi đối phương.
Ánh mắt Thanh Chân rực sáng, mặt rạng rỡ vẻ hí hửng trẻ thơ. Nàng đắc ý đáp :
- Sao đại cao lại nghĩ rằng tiểu muội không biết câu thần chú ấy?
Cùng lúc, tiếng Nam Thiên Tôn vọng đến :
- Lão phu đồng ý thưởng cho ngươi hai chục lượng vàng. Xem ra số ngươi cũng may mắn lắm đấy!
Tử Khuê nhếch mép cười đau khổ khi có kẻ khen mình số đỏ. Chàng cao giọng phúc đáp :
- Cảm tạ Từ tiền bối! Tại hạ sẽ tận tay dâng nạp Thánh chỉ để nhận phần thưởng.
Nói xong, chàng cùng Trác Thanh Chân chậm rãi chuyền xuống gốc cây, cố tỏ ra rằng võ công mình thấp kém.
Trịnh Bá Nghiêm, Dương Tố Vy cùng bọn bang chúng trố mắt nhìn gương mặt kiều diễm và thánh thiện của Trác Thanh Chân. Nàng ta không rực rỡ như Đông Nhạc Tiên Hồ Dịch Thái Vân, không quyến rũ một cách kính đáo như Thiết Đảm Hồng Nhan Tống Thụy, mà mang vẻ đẹp ngây thơ, trong trắng của một cô bé mười bốn, mười lăm tuổi.
Tử Khuê và Thanh Chân đủng đỉnh đi xuyên qua vòng vây, tiến về hướng bờ vực. Lúc này các lực lượng Hắc - Bạch đang đứng thành hình cánh cung trước đầu con đường hiểm đạo dẫn vào Độc Nha sơn.
Khi lọt đến khoảng đất trống trước mặt họ, thay vì rẽ phải vài trượng để gặp Song Tôn, hai người bất ngờ lướt nhanh như gió thoảng.
Khoảng cách bảy tám trượng chẳng là gì đối với kẻ có tài nghệ khing công cao cường như Tử Khuê. Thi triển “Thao Quang thân pháp”, chàng hóa thành chiếc bóng mờ lao vút đi, đặt chân lên con đường rồi thì kẻ địch mới kịp có phản ứng. Thanh Chân bám sát chàng như bóng với hình, môi nở nụ cười tươi chẳng chút sợ hãi. Tử Khuê không hề lo lắng cho ả vợ hờ vì biết khinh công của Thanh Chân còn cao hơn mình.
Nam - Bắc Thiên Tôn cùng những người chứng kiến diễn biến này hốt hoảng ồ lên và nhất tề tung mình đuổi theo hai kẻ liều mạng kia.
Tùy theo bản lĩnh và khoảng cách xa gần mà thứ tự những người truy đuổi được phân biệt. Đi đầu là Bắc Thiên Tôn, kế đến là Nam Thiên Tôn, rồi Quân Sơn chân nhân, Thiếu chủ Cáp Lộc Xoa Nhạc Cuồng Loạn, Minh chủ võ lâm Âu Dương Mẫn...
Như đã nói ở trên, con đường xuyên vực này cực kỳ hiểm trở, nhỏ hẹp và không vững chắc. Đất đá trên mặt đường có thể vỡ ra bất cứ lúc nào. Do vậy, Tử Khuê phải sử dụng đến phép “Đăng bình độ thủy” (Đạp bèo qua sông). Yếu quyết của phép khinh công này chính là sức phóng đi cực mạnh lúc ban đầu.
Lực quán tính sẽ được bổ sung bằng hàng ngàn phản lực nhỏ bé do mũi giày của Tử Khuê chạm vào mặt đất. Nghĩa là, bước chân của chàng rất ngắn, chỉ độ hai gang và liên tục điểm trên đất đá. Dẫu chúng có sập lỡ thì thân hình chàng cũng lướt qua rồi.
Bèo thì quá nhẹ nhưng với công phu này người ta có thể hoàn toàn chạy một đoạn trên mặt nước, khi dưới chân có những khúc gỗ hoặc phên tre nổi lềnh bềnh.
Giờ đây theo từng bước chân của Tử Khuê, những viên đá, những mảnh đất lỏng chỏng, hờ hững bám trên mặt đường bị long lỡ, rơi xuống vực thẳm như mưa rào. Điều này sẽ gây khó khăn cho người đuổi theo chàng, nhất là Trác Thanh Chân. Nhưng Tử Khuê và nàng đã liên kết thành một khối. Thanh Chân nắm chặt lấy chốt bao của thanh kiếm mà tay phải Tử Khuê đưa về sau, thản nhiên tiếp bước. Thân hình nàng nhẹ nhàng như đám mây không trọng lượng bồng bềnh bám lấy Tử Khuê. Dù đôi lúc chân nàng chẳng chạm vào điểm tựa nào, vì chúng đã bị Tử Khuê đạp rơi mất, thì sức nâng của trường kiếm cũng giúp nàng không lỡ bộ.
Nhưng ngược lại, Bắc Thiên Tôn và những người đang ở phái sau lão phải luôn giữ một khoảng cách an toàn để tránh cảnh tan xương nát thị dưới vực sâu. Do vậy mà họ đã chậm chân, để đôi trai gái cổ quái nọ thoát được sang bờ bên kia.
Khi vừa đặt chân lên mặt đất vững chắc, hai người thở mạnh đổi hơi rồi dùng toàn lực vào song cước lao đi. Họ không nhắm đến động khẩu gần nhất ở trước mặt cách gần chục trượng, mà lướt về hướng trái, chạy vòng ra sau núi, nơi con đại ưng của Phi Điểu Thần Ma đã đáp xuống. Vả lại, họ muốn đối phương bị khuất tầm mắt, không nhân ra họ đã chui vào cửa nào trong gần trăm cái hang quanh sườn núi.
Thực ra, Tử Khuê cũng chẳng thể biết Thần Ưng và Thần Ma đang ở chỗ nào. May thay, khi đến gần mạn sau của Độc Nha sơn, chàng tình cờ thấy vài cọng lông chim rơi trên mặt cỏ vàng úa. Tử Khuê mừng rỡ kéo Thanh Chân đình bộ. Hai người cúi xuống nhặt nhanh mấy cọng lông ấy rồi đề khí tung mình lên cao hai trượng, chui vào một động khẩu nhỏ hẹp trên vách đá.
Có thể đây chưa chắc là nơi Phi Điểu Thần Ma ẩn mình song ít nhất cũng đánh lạc hướng được bọn cường địch. Quả thế, chỉ lát sau truy binh đã lướt qua bên dưới, không biết con mồi đã trụ lại.
Trong lúc Tử Khuê và Thanh Chân ngồi thở dốc, nhìn nhau cười cợt, thì số người tiến vào Độc Nha sơn mỗi lúc một đông. Tất nhiên, họ là những cao thủ thượng thừa, đủ dũng khí và tài khinh công để vượt qua độc đạo ghê hồn kia. Nhưng rồi những kẻ kém cũng sẽ qua được bằng cách căng dây sang bên tìm chỗ mà bám víu.
Họ không muốn đứng nhìn nữa bởi vì Minh chủ võ lâm Âu Dương Mẫn đã vận công tuyên bố vang rền khắp Độc Nha :
- Minh chủ võ lâm sẽ tặng năm ngàn lượng vàng cho bất kỳ ai may mắn tìm được “Diêm Vương quỷ kỳ” và mang đến đây nạp!
Bắc Thiên Tôn giận dữ ứng tiếng :
- Âu Dương Mẫn chớ loạn ngôn! Lão phu đã được Thánh Thượng ban cho cờ báu, sao ngươi lại dám tranh giành?
Âu Dương Mẫn cười khanh khách :
- Thánh chỉ chưa được tuyên đọc thì sao ta biết Thánh ý thế nào?
Dẫu tức đến thở ra khói mà Phùng Thịnh Đoan vẫn phải cố nén giận vì lực lượng đối phương rất hùng hậu. Hơn nữa, đánh nhau trong lúc chưa tìm thấy linh kỳ thì quả là bất trí. Bắc Thiên Tôn hờ hững bảo :
- Dẫu ngươi có mang được Quỷ kỳ về Tổng đàn Võ lâm thì sau này cũng phải ngoan ngoãn dâng nạp khi lão phu có đạo Thánh chỉ trong tay. Chỉ sợ lúc ấy ngươi lại tiếc rẻ năm ngàn lượng vàng đấy thôi.
Câu hăm dọa rất có uy lực vì Bắc Thiên Tôn hoàn toàn có thể tìm thấy cái gã đã đoạt Thánh chỉ trong tuyệt địa này. Nhược bằng thất bại, lão vẫn có khả năng xin một đạo Thánh chỉ khác. Khi đó, Âu Dương Mẫn mà cố giữ bảo vật thì sẽ mang tội khi quân, chết ba họ chứ chẳn chơi.
Nhưng dường như Âu Dương Mẫn đã có chủ ý nên chẳng hề sợ hãi chỉ cười khẩy.
Hào kiệt tứ hải cùng bang chúng các tà bang đã vào đầy những hang động ở mạn sườn núi phía Bắc Độc Nha sơn. Nhưng bọn thủ lĩnh, long đầu thì cứ đứng cả ở bên ngoài chờ đợi tin tức chứ không dại gì “Mò kim đáy biển”.
Từng phe bàn bạc kế sách hành động khi có người tìm ra cờ báu. Sắc diện ai nấy đều trầm trọng nghiêm trang vì cuộc chiến trước mắt sẽ cực kỳ tàn khốc.
Khổ tâm nhất chính là Hội đồng Võ lâm, đại diện cho chính khí giang hồ.
Là những kẻ tu hành, trừ Thất Bổng Cái Thạch Kính Tường, các Chưởng môn nhân đều không hề muốn đưa đệ tử vào cảnh máu chảy đầu rơi. Nhưng họ lại không thể đứng nhìn bảo vật rơi vào tay kẻ dữ, di hại đến võ lâm và xã tắc.
Trong lúc do dự bất quyết này, họ tiếc nuối biếc bao bậc tài trí là Cửu Hoa Thánh Y Cổ Sỹ Hoành.
Giờ đây, sáu phái chỉ còn cách dùng kế “Án binh bất động”, chờ xem sự thể diễn biến thế nào. Đệ tử của họ đều ở cả bên ngoài chân núi, không vào hang tìm linh kỳ.
Thiết Đảm Hồng Nhan chẳng tìm Thiếu Lâm Thần Côn trò chuyện. Nàng thơ thẩn dạo quanh, lơ đãng quang sát những người tìm cách vượt sườn núi, trèo lên những hang động trên cao. Ánh mắt nàng tràn ngập lo âu và pha chút đắng cay, hờn giận. Tống Thụy cho rằng đối phương sẽ tìm thấy hán tử đoạt thánh chỉ, vì đã nhận ra đấy chính là Tử Khuê, người mà nàng thương nhớ bấy lâu nay, cũng buồn phiền vì mỗi lần gặp nhau là bên cạnh Tử Khuê lại có thêm một nữ nhân khác.
Trong đám người của Kỹ Lưu Tiên, Thiết Đảm Hồng Nhan cũng đã phát hiện Trình Thiên Kim, Dịch Tái Vân đồng bàn cùng với Tử Khuê. Với linh cảm của nữ nhân, nàng hiểu rằng hai ả nọ chẳng phải chỉ là khách của nhà họ Kỹ.
Tống Thụy vô cùng ân hận khi đã đồng hành cùng Lã Hoa Dương khiến Tử Khuê không dám đến hỏi han lúc gặp nhau trong tửu quán. Chàng vào quán ấy vì đã nhìn thấy nàng.
Đang miên man suy nghĩ, Thiết Đảm Hồng Nhan bỗng giật mình bởi phía sau có tiếng người gọi :
- Tống nữ thí chủ! Lục vị Chưởng môn nhân mời thí chủ đến đàm đạo!
Tống Thụy quay lại bắt gặp nụ cười tinh quái và gương mặt dễ mến của Linh Tuệ, đệ tử Võ Đương. Nàng gật đầu, đi theo Linh Tuệ đến vị trí mà Hội đồng Võ lâm đang ngồi. Sáu tảng đá đã được sắp xếp dưới bóng một cây bách để các thủ lĩnh già nua đỡ mỏi chân.
Tiết trời mùa Đông lạnh giá, chẳng cần người quạt và trà cũng thiếu nên không ai khác lãng vãng gần nơi ấy. Quy củ của võ lâm là thế, bọn vãn bối không được phép ngồi nghe câu chuyện của các bậc trưởng thượng!
Thiếu Lâm Thần Côn Lã Hoa Dương đả mau mắn vác đến cho Tống Thụy một tảng đá để ngồi rồi rút lui.
Thiết Đảm Hồng Nhan ôm quyền thi lễ với Hội đồng Võ lâm :
- Chẳng hay lục vị có điều chi dạy bảo?
Thất Bổng Cái nóng nảy xua tay :
- Dạy bảo cái cốc khô gì! Ngươi cứ ngồi xuống cho bọn lão phu hỏi vài câu!
Đại Giác thiền sư, Phương trượng của chùa Thiếu Lâm cũng hiền hòa bảo :
- Nữ thí chủ cứ việc an tọa! Đây không phải là chốn để thủ lễ!
Tống Thụy vái tạ rồi khép nép ngồi xuống. Thất Bổng Cái Thạch Kính Tường nhăn mặt hỏi ngay :
- Này Tống Thụy nha đầu! Phải chăng cái gã áo xanh đã đoạt Thánh chỉ là sư huynh của ngươi?
Tống Thụy ngượng ngùng gật đầu :
- Bẩm phải! Nhưng tiểu nữ chỉ nhận ra khi Hàn sư huynh thi triển khinh công.
Thất Bổng Cái đắc ý vỗ đùi bảo năm người kia :
- Ngũ vị thấy chưa, lão phu đoán việc nào có sai! Chỉ mình y mới dám vì võ lâm mà chuyện động trời như thế.
Các Chưởng môn nhân gật gù khen ngợi, tán dương dũng khí và công lao của chàng trai trẻ. Nếu chàng không liều lĩnh cướp Thánh chỉ chẳng ai dám tiến vào Độc Nha sơn, để mặc cho Nam - Bắc Thiên Tôn thu nhặt linh kỳ.
Vân Thiên Tử luôn áy náy vì để mất “Diêm Vương quỷ kỳ” nên càng tri ân Tử Khuê. Ông nghiêm nghị nói :
- Không biết Vu Diệp hiền diệt con cái nhà ai mà hành vi lại chính nghĩa thế nhỉ? Sau này Hội đồng Võ lâm phải tuyên dương công trạng của y trước giang hồ để song thân của y được vui lòng.
Thiên Sư giáo chủ vừa mấp môi định khai ra thì bị Thất Bổng Cái cướp lời. Lão ăn mày già hỏi Tống Thụy :
- Tống diệt nữ! Con chim mạt cắt đã cướp Thánh chỉ lúc nãy có phải là của Trung Thiên Tôn hay không?
Suy đoán này của Thạch Kính Tường chẳng phải là vô căn cứ. Trung Thiên Tôn Trần Ninh Tĩnh vốn có thói quen nuôi chim ưng.
Đã lâu không quay lại Tung Sơn nên Tống Thụy chẳng thể khẳng định được. Nàng bâng khuâng đáp :
- Bẩm Thạch bang chủ! Lúc tiểu nữ rời núi thì gia sư vẫn chưa tìm ra con chim ưng nào khác để thay cho con đã chết.
Thất Lâm Tử, Chưởng môn phái Hoa Sơn, thất vọng thở dài :
- Phải chi Trần lão thí chủ di giá đến đây thì mới mong vãn hồi được cục diện này.
Thất Bổng Cái gật gù tán thành rồi hỏi tiếp Tống Thụy về việc Thiếu cốc chủ Xoa Lạp cốc Nhạc Cuồng Loạn uy hiếp Tống gia ra sao. Câu chuyện của họ khá dài dòng nên chúng ta sẽ quay lại với Quách Tử Khuê xem thế nào.
Nhắc lại, Tử Khuê cùng Thanh Chân nhảy lên cửa động nhỏ ở mạn Tây Bắc Độc Nha sơn để tránh sự truy đuổi của Song Tôn.
Chẳng riêng Nam - Bắc Thiên Tôn mà tất cả mọi người đều không nghĩ đến việc do thám cái hang ấy. Lý do là vì nó quá nhỏ hẹp, bề ngang chưa đầy một sái tay, trong khi sải cánh của đại ưng rộng gần đến hai trượng. Hơn nữa, cửa hang lại có vài dây leo buông mành và một bụi cỏ rám héo úa nên trông càng nhỏ hẹp.
Sau nữa khắc nghỉ ngơi, Tử Khuê và Thanh Chân thận trọng tiến vào trong hang. Nhưng chỉ được bốn năm trượng thì trước mặt họ hiện ra một cái giếng sâu hun hút, đường kính độ gần trượng. Và đấy cũng là chỗ tận cùng của thạch động.
Tử Khuê mỉm cười ngao ngán vì cái vận mệnh đen đủi dai dẳng theo bám mình. Chàng nghĩ đến chuyện nào thì y như rằng nó sẽ xảy ra.
Tử Khuê quăng một cục đá to bằng nắm tay xuống giếng và lắng tai nghe ngóng. Thật lâu sau, những tiếng va chạm lọc cọc của viên đá mới im bặt. Điều ấy có nghĩa là cái lỗ đen ngòm này có độ dốc song lại sâu khủng khiếp.
Dưới ánh lửa chập chờn của hỏa tập, Thanh Chân nhận ra vẻ thất vọng của Tử Khuê liền vui vẻ bảo :
- Đây đâu phải lỗi của đại ca. Tại con chim mắc dịch làm rơi mấy sợi lông nên chúng ta mới bị mắc lừa.
Tử Khuê nghe lòng được an ủi, thôi không ngượng ngùng chua chát nữa.
Sực nhớ đến đạo Thánh chỉ trong ngực áo, chàng liền lấy ra ném ngay xuống giếng sâu.
Hai người lần ra ngoài, ngồi cạnh xuống cửa hang mà ăn uống, thỉnh thoảng vạch bụi cỏ xác xơ, ngó xuống dưới đất. Họ chờ cơ hội vắng người là nhảy xuống đào tẩu ngay.
Khổ thay, quần hào cứ lần lượt kéo vào, nói cười vui vẻ như là đi xem hội vậy. Qua câu chuyện của họ, Tử Khuê biết rằng đường độc đạo đã được gia cố bằng cách cắm hàng loạt những cành cây theo dọc hai bên, đồng thời còn có một sợi dây chão lớn căng song song nữa. Do đó, ngay cả những kẻ kém khinh công nhất cũng có thể qua được.
Nhưng đầu đường bên trong đã bị hai bang Bích Huyết bang, Chiết Mai bang trấn giữ. Họ không cấm vào nhưng lại tra xét gắt gao những kẻ đi ra để tìm “Diêm Vương quỷ kỳ”. Nhân số ở chốt ấy đông đến hàng trăm.
Nghe vậy, Tử Khuê biết rằng không thể nào đào tẩu ngay lúc này. Chàng suy nghĩ một hồi lâu rồi bảo Thanh Chân :
- Chắc Chân muội cũng đã hiểu được hoàn cảnh hiện nay của chúng ta!
Mối thù với Quân Sơn chân nhân ta có thể tạm gác lại, chờ lúc lão ra khỏi Độc Nha sơn. Nhưng ta phải có trách nhiệm phải báo cho Đại Giác thiền sư biết dã tâm của gã phản đồ Lã Hoa Dương. Vì vậy, Chân muội cứ ngồi yên trên này, để một mình ta xuống dưới. Khi cục diện náo loạn, xảy ra hỗn chiến, ta sẽ quay lại rồi cùng nàng thoát đi.
Sắc diện của Trác Thanh Chân u ám hẳn đi. Nàng trầm ngâm đáp :
- Đại ca tính thế cũng phải, tiểu muội xin tuân mệnh. Tiểu muội cũng hiểu rằng chúng ta cùng đồng hành sẽ rất nguy hiểm, dễ bị phe đối phương nhận ra, ngay cả trong lúc hỗn loạn hoặc đã ra đến chân núi Ngũ Nhũ. Cho nên, nếu có biến cố gì thì tiểu muội sẽ về thẳng Quách gia trang ở Hứa Xương mà đợi chàng.
Tử Khuê ngạc nhiên hỏi :
- Sao nàng biết nhà ta ở Hứa Xương?
Thanh Chân mỉm cười tinh quái :
- Nguyệt lão đã chỉ giáo thiếp việc ấy. Con dâu lẽ nào lại không biết nhà mẹ chồng ở đâu.
Tử Khuê vô cùng hoang mang, bực bội. Chàng nghiêm nghị hỏi :
- Thanh Chân! Phải chăng nàng biết trước ta không phải là Bàng Nguyên Hối?
Thanh Chân đỏ mặt gật đầu khiến Tử Khuê càng thêm tức tối vì bị lừa dối. Chàng chua chát bảo :
- Nàng đã là tình nhân của Bàng Nguyên Hối thì đâu thể làm vợ ta được.
Thanh Chân lườm chàng và cười khúch khích đáp :
- Làm gì có việc ấy! Gã họ Bàng mò vào Lôi Đình thần cung để ăn cắp “Hắc Ngọc tiên đào”, kỳ trân của võ lâm, bị lạc vào “Mê Hồn trận” nằm chờ chết. May mà thiếp tình cờ đến đấy, cứu y ra khỏi trận đồ. Sau này, Thần cung phát hiện mất bảo vật, liền cho điều tra quanh vùng, biết được sự hiện diện của Thiết Thủ Thần Tiêu. Họ truy sát và đánh trọng thương Nguyên Hối nhưng không bắt được. Một năm sau, thiếp quay lại hái quả thứ hai thì bị lộ. Lúc ấy họ mới biết Bàng Nguyên Hối vô tội. Tóm lại, thiếp và gã ta chẳng có ân tình gì cả.
Tử Khuê tỉnh ngộ song vẫn còn thắc mắc, chàng cau mày hỏi :
- Vậy sao nàng lại đi tìm ta?
Thanh Chân thẹn thùng kể :
- Do tội ăn trộm tiên đào mà thiếp bị giam cầm trong thạch lao của Lôi Đình thần cung suốt hơn một năm. Đêm rằng tháng bảy vừa rồi, Nguyệt lão giáng mộng, bảo rằng thiếp có duyên tiền định với tướng công. Ông ta kể rõ lai lịch chàng, chỉ vẽ đường đi nước bước để tìm kiếm. Thiếp giật mình tỉnh dậy thì thấy cửa ngục đã mở toang nên tinh rằng thật và làm theo lời Nguyệt lão.
Đôi mắt huyền trong vắt của Thanh Chân không hề có chút gì giả dối khiến Tử Khuê phải nghi ngờ. Chàng rầu rĩ tự nhủ :
- Phải chăng do số ta xui xẻo tận mạng nên trong tình duyên cũng gặp cảnh éo le? Kẻ đa thê nào có sung sướng gì cho cam. Nhưng số phận đã thế thì ta còn phiền muộn làm chi nữa.
Tử Khuê ăn nốt cái bánh bao, uống ngụm nước rồi chia cho nàng một sấp ngân phiếu để phòng thân. Thanh Chân cầm lấy song ánh mắt lộ vẻ ngượng ngùng.
Hai người đều mang theo tay nải nên giờ đây Tử Khuê có thể thay một bộ võ phục khác. Chàng chọn màu đen để thân hình trông có vẻ gầy hơn cái gã đã đoạt Thánh chỉ. Chàng còn cẩn thận xoa ít bụi bẩn lên mặt, cố che bớt chân diện mục. Lộ mặt thật là điều rất nguy hiểm, song lúc này chàng chẳng còn cách nào khác. Cả hai chiếc mặt nạ đã được sử dụng, phải phá hủy để xóa mọi dấu vết liên quan đến việc cướp Thánh chỉ.
Chờ Tử Khuê thay y phục xong, Thanh Chân bùi ngùi nói :
- Tướng công! Thiếp về làm vợ chàng mà không có đến nữa phân bạc làm của hồi môn, lòng vô cùng hổ thẹn...
Tử Khuê nghe lòng bất nhẫn khi thấy gương mặt thiên thần kia u ám, héo úa tựa chiều Đông, liền đưa tay bịt miệng nàng rồi kéo vào lòng an ủi :
- Chân muội đừng nghĩ quẩn! Nhan sắc tiên nga và tấm lòng chân tình của nàng chính là của hồi môn quý nhất thế gian.
Thanh Chân sung sướng áp mặt vào lồng ngực rộng của chàng một lúc lâu. Sau đó, nàng lùi khỏi vòng tay chàng và vui vẻ bảo :
- Tuy lòng dạ tướng công rộng rãi khoáng đạt thế nhưng thiếp vẫn muốn tặng chàng một vật.
Thanh Chân mở túi hành lý nhỏ, lấy ra một quyển sách mỏng, bìa da dê đưa cho Tử Khuê. Bốn chữ “Lôi Đình Bí Lục” bên ngoài đã khiến Tử Khuê choáng váng, bồi hồi.
Từ ngày nhận lời khiêu chiến của Nhạc Cuồng Loạn, lòng Tử Khuê canh cánh không yên. Chàng đã khổ công rèn luyện kiếm pháp để dành phần thắng.
Nhưng Trung Thiên Tôn Trần Ninh Tĩnh nghe được tin ấy, đã gởi thư khuyên chàng không nên đi phó ước. Ông đã từng giao đấu với Cung chủ Lôi Đình thần cung, biết rằng “Lôi Đình kiếm pháp” quỷ dị và oai mãnh tuyệt luân, đáng gọi là tuyệt học đứng đầu tà phái. Nay, Nhạc Cuồng Loạn lại sở hữu đến sáu mươi năm công lực, cao hơn cả Trác Ngạn Chi thưở trước, thì Tử Khuê sẽ khó mà địch lại. Dẫu chàng có muốn dùng “Tảo Thiên kiếm pháp” mà đổi mạng thì cũng thiệt thòi vì lớp cương khí hộ thân của đối phương rất dày.
Tử Khuê đã hứa với nghĩa phụ và những người thân rằng sẽ bội ước, khai tử Hàn Thiếu Lăng, nhưng trong thâm tâm, chàng vô cùng đau đớn, hổ thẹn.
Hơn nữa, chắc gì gã họ Nhạc chịu để yên. Một là gã tưới máu giang hồ, buộc chàng phải xuất hiện. Hai là tìm đến La Sơn quấy nhiễu Trung Thiên Tôn.
Giờ đây, khi có quyển bí kíp này, hiểu được sở học của đối phương thì chàng chẳng còn phải sợ hãi nữa. Tử Khuê không háo danh song cũng không chịu được cảnh rùa rụt cổ, để mặc người khác vì mình mà mang họa.
Gánh nặng ngàn cân trong lòng được trút bỏ, Tử Khuê hoan hỉ phi thường, bất giác tri ân người vợ bất đắc dĩ kia. Chàng xúc động, ôm lấy Thanh Chân mà thủ thỉ :
- Cảm tạ Châm muội! Tặng vật này của nàng quý giá hơn tất cả châu báu trên thế gian.
Thanh Chân mỉm cười sung sướng, ánh mắt long lanh, dào dạt ân tình, trông cực kỳ đáng yêu và xinh đẹp. Tử Khuê bồi hồi cúi xuống hôn lên gò má mịn màng với cả tấm lòng thương mến.
Hai chữ ân tình thường đi đôi với nhau. Do bản năng mà con người luôn yêu mến người đã giúp đỡ mình. Nay, nhờ Thanh Chân nên Tử Khuê có thể ngẩng cao đầu sống trọn kiếp đại trượng phu thì bảo sao chàng không thương nàng cho được. Hơn nữa, nàng lại rất kiều diễm và chân thật.
Lát sau, chờ khi phía dưới không người, Tử Khuê nhanh nhẹn nhảy xuống đất, ung dung đi về hướng mạn Bắc Độc Nha sơn.
Chàng đã để mũ và áo lông cừu lại động khẩu nên chàng không giống cái gã đã đoạt Thánh chỉ. Thật ra, Tử Khuê đã gầy hơn trước vì mẫu thân chàng muốn thế. Sau khi nhận được thư của Trung Thiên Tôn, Kỹ nương vô cùng lo sợ, liền bắt con trai ăn uống kiêng khẹm, chẳng chút dầu mỡ, ngày ngày uống thuốc đắng nghét. Bà mong Tử Khuê gầy đi thật nhanh, để chẳng có gì giống gã Hàn Thiếu Lăng to béo kia nữa.
Sức mạnh của tình mẫu tử quả là mãnh liệt, rốt cuộc, chàng đã sụt đi hơn chục cân. Tất nhiên, phải kể đến công lao của Dịch Tái Vân, những đêm ái ân say đắm cuồng nhiệt đã khiến Tử Khuê chẳng thể nào không giảm trọng.
Đi được vài bước thì Tử Khuê chợt nhìn thấy chiếc nón rộng vành cũ kỹ nằm lây lất. Chàng mừng rỡ nhặt lên, đội lên đầu sau khi nối lại dây quai bị đứt. Có lẽ, trong lúc vội vã tiến vào hậu sơn, kẻ nào đó đã quẳng chiếc nón chết tiệt, đứt quai không đúng lúc.

Hồi trước Hồi sau

Bán sạc cáp, linh kiện máy tính
Anh em cùng cài Pi Network đào tiền ảo nhé, nhập mã mời "kiemhieptruyen" lấy ngay 1 Pi.
Trước khi thanh toán tiền mua hàng thì nhấn hộ dùm mình link nầy nhé: shopee ở đây còn lazada ở đây.