Ngư Trường kiếm - Hồi 19b

Ngư Trường kiếm - Hồi 19b

Tráng sĩ nhất khứ hà thời phản
Tử địa thùy tri hữu cố nhân

Ngày đăng: 11-02-2012
Tổng cộng 25 hồi
Đánh giá: 9/10 với 948281 lượt xem

Thanh kiếm nóng như lửa lập tức khoét sâu da thịt, đi dần vào, đốt cháy những sợi gân cổ và làm tê liệt hệ thần kinh lên não.
Quái điểu đau đớn kêu vang, làm chấn động cả sơn trấn, dân chúng kéo cả ra đường để xem. Cuối cùng nó mất tri giác, không vỗ cánh nữa và rơi xuống như tảng đá ngàn cân.
Mọi người rú lên sợ chàng hiệp sĩ kia sẽ tan xương nát thịt. Nhưng Kiếm Vân cơ trí tuyệt luân đã kịp ấn mạnh vào thân quái điểu, lấy đà bốc trở ngược lên, đáp xuống một ngọn cây cao ngất bên đường.
Xác của con vật càng rơi xuống nhanh hơn, giáng xuống đường quan đạo, làm chấn động cả nhà cửa trong sơn trấn. Nó giãy giụa một cái rồi bất động.
Bách tính hoan hô vang dội, chạy đến xem con quái vật đã giết hại người thân của họ. Có mấy chục người không dằn được cơn phẫn nộ, đấm đá vào xác ác điểu.
Kiếm Vân từ ngọn cây nhảy xuống đáp lên lưng nó, thu hồi bảo kiếm. Trông chàng hiên ngang như thiên tướng. Mọi người quỳ xuống lạy như tế sao.
Lão thủ lãnh phường săn bỗng cất tiếng hỏi :
- Lúc nãy tráng sĩ xưng họ Liễu, vậy có phải chính là Liễu phò mã, người đã diệt kình ngư năm xưa đấy không?
Chàng mỉm cười gật đầu. Bách tính hân hoan vì được diện kiến người anh hùng đã trở thành nhân vật truyền thuyết dân gian.
Bọn tiểu đồng trong sơn trấn nhảy múa hò hét :
- Liễu tráng sĩ! Liễu tráng sĩ!
Khương Văn đứng ở ngoài xa vuốt râu gật gù.
Kiếm Vân phải mất đến hai khắc mới thoát sự lôi kéo, mời mọc của dân chúng. Ai cũng muốn được chàng làm khách một lần.
Khương Văn dắt ngựa đến, hai người từ tạ rồi lên dường. Nhân dân đứng nhìn theo vẫy chào cho đến lúc họ khuất sau cánh rừng.
Kiếm Vân thấy họ Khương không hề tán dương và cũng chẳng nhắc gì đến chuyện vừa qua, chàng rất hài lòng. Họ tiếp tục đàm đạo chuyện đời để quên cảnh đường dài.
Chàng đã đến Thanh Hải một lần để tiêu diệt bọn Diêm Vương hội ở núi Côn Luân. Nhưng lần ấy chàng đi đường Tứ Xuyên, đến miền Nam Thanh Hải, vì vậy không rành lộ trình lắm.
Cũng may, Khương Văn là người thông thuộc đường lối nên chẳng lo đi lạc.
Sáng sớm hôm sau, hai người vượt ranh giới, đi vào địa phận đất Thanh. Còn cách thành Trang Ba vài dặm, đường quan đạo tấp nập người qua lại. Ngoài những đoàn người ngựa của bọn thương nhân, còn có những nông dân gánh gồng rau quả vào thành để bán.
Chàng cho ngựa đi rất chậm nhưng phía trước mặt lại có hai kỵ mã đang phi đến rất mau.
Bỗng đứa tiểu đồng tóc trái đào đang lon ton bên cạnh một nữ nhân gánh rau, băng qua đường để nhặt một vật xinh xắn nào đó.
Mẹ nó thét lên kinh hoàng nhưng đã quá trễ. Hai thớt ngựa không cách nào hãm kịp, cuốn đến, sắp sữa dẫm nát đứa bé.
Nhưng Kiếm Vân đã như ánh chớp lao đến ôm chặt lấy tiểu hài vào lòng, đưa lưng hứng chịu những cú đạp như trời giáng của hai con ngựa. Chúng gõ vó lên người chàng, vượt qua mấy trượng mói dừng lại được.
Hai kỵ mã xuống ngựa chạy lại xem xét thương thế của chàng. Họ là thám mã của triều đình.
Kiếm Vân đứng dậy, trao đứa bé lành lặn cho mẹ nó rồi phủi áo hỏi :
- Nhị vị đi đâu mà cấp bách quá vậy?
Họ ngượng ngùng nói :
- Mong các hạ thứ lỗi, người Tây Khương rục rịch làm phản nên bọn ta phải hồi kinh báo gấp.
Chàng gật đầu bảo :
- Không phải lỗi của nhị vị, hãy lên đường cho kịp việc quân.
Kiếm Vân giết ác điểu họ Khương không hề khen lấy một câu, nhưng lần này lão giơ ngón cái tán dương :
- Túc hạ đáng gọi là đệ nhất đại trượng phu trên thế gian này.
Nữ nhân sợ trễ buổi chợ nên chằng nhớ đến việc cám ơn, lôi con đi cho nhanh.
Thấy cạnh đó vài chục trượng có tửu kỳ phất phới, họ Khương rủ chàng :
- Chúng ta vào quán kia uống rượu nghĩ chân một lát.
Trời còn rất sớm nên chẳng ai uống rượu vào giờ này, tiểu nhị mừng rỡ mời vào quán vắng. Uống được ba chén, Khương Văn nghiêm nghị bảo :
- Lão phu hâm mộ đức độ của túc hạ, muốn nhận làm nghĩa tử có được chăng?
Chàng suy nghĩ một lát đáp rằng :
- Lão gia đã có lòng thương mến, hài nhi xin phụng ý.
Chàng sụp xuống vái lão chính lạy, hai người cạn chén, Kiếm Vân bùi ngùi nói :
- Can gia không phải là khách võ lâm nên không biết giang hồ muôn vàn nguy hiểm, chuyện sinh tử khó lường trước được. Thú thực rằng hài nhi đang trên đường đến hồ Thanh Hải để phó hội với một nhân vật cực kỳ lợi hại. Chỉ nắm được có ba phần sống sót. Nếu can gia có lòng thương, rằm tháng tư này hãy đến hồ lo giùm hậu sự. Thi hài thì hỏa táng, rải xuống thượng nguồn hai giòng sông Hoàng Hà, Trường Giang. Còn bảo hiếm và Bảo Y thì nhờ Phân đà Cái bang ở Tây Ninh đem về Trung Nguyên cho thê tử. Nếu được vậy, hài nhi nguyện kiếp sau kết cỏ ngậm vành đền đáp.
Khương Văn nghiêm nghị bảo :
- Té ra ngươi định tử đấu với Thanh Hải Long Vương? Nhưng đã biết mình không thắng nổi thì đến đấy làm gì?
Chàng cười khổ đáp :
- Hài nhi nào phải vì chút hư danh mà đi vào tử địa? Nhưng nếu không đi thì Long Vương kéo môn đồ vào càn quét võ lâm, sẽ hao tốn biết bao máu xương đồng đạo. Lúc ấy, hài nhi dù có tiêu diệt được lão ta, cũng hối hận suốt đời.
Khương lão xúc động :
- Nghĩa tử yên tâm! Ta sẽ đến.
Kiếm Vân sực nhớ đến lời của hai gã thám mã, cau mày nói :
- Người Tây Khương thần phục Minh triều đã hơn trăm năm nay, sao bỗng nhiên lại tạo phản? Vừa hết nạn đao binh ở phía Bắc, đã đến khói lửa Tây Nam. Lê thứ vùng biên lại lâm cảnh lầm than chết chóc.
Khương lão phì cười :
- Vân nhi thật lạ lùng, thân mình sắp chết không lo, lại lo đến chuyện thiên hạ. E rằng Vương Thu Bị cũng chẳng sánh bằng người đâu.
(Vương Thu Bị là chức quan của Vương Dương Minh).
Chàng gượng cười :
- Vân nhi đâu dám sánh với công lao đánh Đông dẹp Bắc của họ Vương, chẳng qua chỉ tận lực noi gương mà thôi. Tiếc rằng chỉ còn tháng rưởi nữa, muốn đi Tây Khương cũng không kịp. Đành trông chờ vào binh tướng triều đình thôi.
Khương Văn nghiêm nghị hỏi :
- Vân nhi có biết tại sao Thanh Hải Long Vương võ công tuyệt thế mà không vào Trung Thổ dương danh, xưng bá, lại suốt đời ở đất Thanh Hải hoang vu, lạnh giá này không?
Chàng lắc đầu tỏ ý không biết, họ Khương tự đáp :
- Đó là vì muốn trấn áp hai xứ Tây Khương và Tây Tạng, nếu không họ đã làm phản từ lâu rồi.
Kiếm Vân toát mồ hôi :
- Hóa ra Long Vương lại là người có tâm huyết với sơn hà đến thế sao? Nếu vậy, hài nhi có phải chết dưới tay lão cũng vui lòng.
Khương lão không đồng ý :
- Vân nhi nghĩ sai rồi, Trung Nguyên mới là nơi nhiều sóng gió, có ngàn vạn lê dân sinh sống. Họ chỉ trông mong có được một người như Vân nhi, để nền hành chính bớt hà khắc vì lũ tham quan, ô lại, cường sơn, thảo khấu. Hãy cố sống vì họ, không được xuôi tay chịu chết. Hơn nữa, Thanh Hải Long Vương dạy con không nghiêm, buông lung cho nghĩa nữ tung hoành, cũng là có lỗi.
Kiếm Vân cười buồn :
- Hài nhi cũng đâu cam tâm chịu chết, nhưng Lôi Âm chưởng là tuyệt học Phật môn, cộng với công lực trăm năm, khó mà địch lại được.
Khương Văn tươi cười :
- Ta không biết võ công nhưng trong nhà có một pho quyền phổ tổ truyền nên tên gọi là Lôi Đình thần quyền, khi đánh ra cũng long trời lở đất như Lôi Âm chưởng. Vân nhi hãy về Mã Đa chơi với ta ít ngày, học thử pho quyền này, biết đâu lại có tác dụng?
Chàng thấy thời gian cũng còn dài nên nhận lời. Hai người rẽ trái đi về phía thượng nguồn Hoàng Hà, chứ không theo đường bên hữu đến hồ Thanh Hải nữa.
* * * * *
Chính vì vậy là Đại Lực Ma Quân Tô Tháo, Thiết Quyền Thuờng Luyện không gặp được chàng.
Kể cả hơn ngàn hào kiệt Trung Nguyên do Hàn minh chủ dẫn đầu có mặt ở Thanh Hải trấn từ hôm hai mươi tháng tư cũng không tìm ra bóng dáng Kiếm Vân.
Thì ra, sau khi bọn Tô Tháo đi rồi, đám phụ nhân lăn ra khóc lóc. Đúng lúc Hàn minh chủ đến thăm cháu chắt, lão giận dữ bảo :
- Kiếm Vân dám chết vì đồng đạo, chẳng lẽ đồng đạo lại để y chết một mình hay sao? Lão phu sẽ phát võ lâm thiếp, kéo quân sang Thanh Hải ngay mới được.
Nan Đề lão nhân nhắc nhở :
- Hàn đại ca đừng quá nóng, chúng ta cứ tiên lễ hậu binh, mượn cớ đi đến mừng thọ lão. Biết đâu Long Vương vì e ngại tấm lòng quyết tử của mấy ngàn người mà nhẹ tay, không dám giết Vân nhi?
Ai nấy đều khen phải. Bộ máy truyền tinh khổng lồ của Cái bang lập tức phát động.
Hào kiệt tam sơn ngũ nhạc kéo nhau lên đường cho kịp kỳ hạn. Nhưng toàn bộ đều là những cao thủ hàng đầu mới dám đem chuông đi đánh xứ người. Hơn nữa, đường xa đến mấy ngàn dặm, đâu thể đi bằng đôi bàn chân và chiếc túi rỗng.
Họ đi không phải vì lòng hiếu kỳ, muốn xem cho được trận đấu vô tiền khoáng hậu, giữa đệ nhất cao thủ Trung Nguyên và tuyệt thế kỳ nhân đã thành danh gần trăm năm. Họ đi với lòng quyết tử, báo đền những gì chàng đã làm mấy năm qua.
Kiếm Vân đã vào sinh ra tử, đối đầu với những tên ma đầu lợi hại nhất. Họ đi vì không tin rằng chàng sẽ sống sót dưới Lôi Âm chưởng của Thanh Hải Long Vương.
Ai cũng thủ sẵn một dải khăn trắng trong hành lý. Khi chàng nằm xuống, họ sẽ chít khăn tang lên đầu, đem máu mình nhuộm đỏ nước hồ Thanh Hải.
Năm vị nương tử của Kiếm Vân đều có mặt trong đoàn người. Họ ngồi trong hai chiếc xe tứ mã tốt nhất.
Tổng đốc Thanh Hải Hồ Chi nghe nói có Công chúa Vĩnh Sương giá lâm, vội đến bệ kiến, và dành mọi tiện nghi tốt nhất trong trấn cho đám hào khách.
Nàng rỉ tai lão phán ràng :
- Sáng ngày hai mươi tư, khanh hãy kéo ba ngàn quân cung nỏ ẩn mình thật kín ở cánh rừng phía Nam, cách hồ vài dặm và cho trinh sát đến gần lễ thọ chờ đợi. Khi nào nghe tiếng khóc của bọn ta mới được tiến lên chờ lệnh. Nếu Phò mã an toàn thì thôi, khanh cứ âm thầm rút quân về, tuyệt đối không được để lộ ra kế hoạch của ta.
Hồ tổng đốc tuân chỉ ra về. Vĩnh Sương tính tình nóng nảy, đâu chịu để trượng phu chết oan. Nàng thề sẽ tru di tam tộc Thanh Hải Long Vương.
* * * * *
Đang lúc đó thì Kiếm Vân ở Khương gia trang, trong thành Mã Đa.
Tiền sảnh suốt ngày nhiệt náo, bệnh nhân ra vào tấp nập. Dưới tay Khương Văn còn có hơn mười lang trung, họ làm việc đến toát mồ hôi mà vẫn không kịp.
Ba chục công nhân lo việc phơi phóng, sao nấu, bào chế dược liệu.
Việc chữa bệnh hoàn toàn miễn phí, chẳng ai phải tốn một đồng trinh nào cả. Những bệnh nhân từ xa đến, nằm lại điều trị còn được cung cấp ăn uống.
Khương phu nhân tuổi trạc ngũ tuần, da dẻ mịn màng, trắng trẻo. Nhưng lạ thay, ai cũng gọi bà bằng lão thái và Khương Văn bằng lão thái công.
Lúc mới đến, Kiếm Vân xưng tên ra mắt can nương, bà hơi sửng sốt nhưng chợt hiểu ra, tươi cười đón tiếp.
Hôm sau, Khương Văn trao cho chàng một quyển sách mỏng, thơm mùi giấy mới :
- Đây là bản sao của pho Lôi Đình thần quyền, Vân nhi luyện thử xem sao.
Chàng đem vào phòng lật ra đọc, kinh hãi nhận ra pho quyền này lợi hại phi thường, so với Như Lai tâm chưởng chỉ có hơn chứ không hề kém.
Khẩu quyết từng chiêu được chú giải tỉ mỉ, rõ ràng, chứng tỏ tổ phụ họ Khương đã luyện môn công phu này đến mức đại thành.
Nhờ vậy, trong vòng hai mươi ngày, chàng đã luyện xong. Dù chỉ có tám chiêu nhưng thay đổi, biến hóa thành cả ngàn chiêu cũng chưa dứt.
Chàng đã thử dồn ba thành công phu vào đã nghe quyền phong nổ ì ầm như sấm vọng.
Chỉ còn sáu ngày nữa là đến kỳ hạn, chàng cùng phu thê họ Khương lên đường đi hồ Thanh Hải.
Đến nơi đã là ngày hai mưoi hai. Vừa đến đầu trấn, Khương Văn bảo chàng :
- Bọn ta có việc phải ghé nhà bằng hữu, đúng giờ Tỵ ngày mốt sẽ đến nơi phó hội.
Kiếm Vân lững thững thúc ngựa vào trấn tìm chỗ trọ.
Chàng dừng cương trước Thanh Hải lữ điếm là khách sạn hạng đẹp nhất vùng này.
Kiếm Vân lột nón rộng vành, định xuống ngựa vào hỏi trọ. Bỗng nghe trên đầu có những tiếng gọi thất thanh quen thuộc :
- Tướng công!
Năm bóng người từ lầu trên nhảy xuống ôm chặt lấy chàng. Thì ra năm nữ nhân đã ra cả lan can trông ngóng bóng trượng phu.
Chàng biến sắc hỏi :
- Sao các nương tử lại đến đây làm gì?
Vĩnh Sương công chúa dẩu mỏ nói :
- Phu thê đồng mệnh uyên ương, chàng định chết một mình hay ao?
Kiếm Vân cảm động bảo :
- Có được nương tử như các nàng, ta chết sao đành?
Võ Lâm Chí Tôn đã ra lan can quát lớn :
- Tên tiểu tử ngỗ nghịch kia, còn không mau lên đây chịu tội, đứng dưới ấy làm gì?
Chàng kinh hãi hỏi Phụng Hương :
- Chẳng lẽ mọi người đều kéo hết đến đây rồi sao?
Xuân Mi cướp lời :
- Tướng công! Không chỉ có thân quyến mà cả ngàn đồng đạo võ lâm cũng đã có mặt.
Chàng rầu rĩ để mặc các nàng lôi kéo lên lầu.
Quanh chiếc bàn lớn, chẳng thấy thiếu một ai trong số những tay đầu não võ lâm Trung Thổ.
Thiên Nhất thần tăng mở lời :
- A Di Đà Phật! Liễu thí chủ có lòng Bồ Tát, muốn đơn thân đi vào địa ngục để cứu vãn tai kiếp cho võ lâm. Nhưng rất tiếc, bọn lão phu cũng chẳng hề lưu luyến hồng trần, nên đến đây đi chung một chuyến cho vui.
Chàng xúc động, vòng tay chào mọi người rồi an tọa.
Nan Đề lão nhân hỏi :
- Dọc đường, bọn ta đã được nghe chuyện Vân nhi trừng trị tham quan ở Vị Nam và trừng trị quái điểu ở sơn trấn. Nhưng sau đó ngươi đi đâu mà lại đến đây trễ như vậy?
Chàng kính cẩn đáp :
- Đồ nhi đi xuống Mã Đa chơi nhà một vị nghĩa phụ và học được pho Lôi Đình thần quyền. Hiện nay tự tin có thể qua được ba trăm chiêu của Thanh Hải Long Vương.
Mọi người ồ lên mừng rỡ.
Nam Cung Sách cau mày :
- Lạ thật, lão phu chưa từng nghe nói đến pho quyền này. Nhưng chẳng lẽ nó còn lợi hại hơn Như Lai tâm chưởng?
Chàng ngượng ngùng nhìn Chưởng môn phái Thiếu Lâm rồi gật đầu :
- Thưa phải! Quyền phong như bão táp, nổ vang tựa sấm rền. Đồ nhi chưa vận hết toàn lực nhưng cho rằng Lôi Âm chưởng cũng chỉ đến thế là cùng.
Hàn minh chủ cười khà khà :
- Nếu thế thì không lo nữa, chúng ta nhân dịp này uống sạch hầm rượu của lão Long Vương, cho bõ công lặn lội đến đây.
* * * * *
Đếm ấy, năm nữ nhân lén lút rủ nhau lẻn vào phòng Kiếm Vân. Chàng giang vòng tay đón lấy những thân hìnhkiều diễm. Mấy tháng cách xa, lo lắng khiến họ nhớ nhau nhiều.
Chàng là người chính trực, đối với mỹ nữ trong thiên hạ, dù có đẹp như tiên cũng chẳng hề nẩy tà tâm, nhưng đối với các ái thê lại rất cuồng nhiệt. Chàng không cho cảnh Nhất Long Hí Ngũ Phụng là dâm đãng, vì họ là vợ chàng.
Chính những lần cùng nhau chìm vào hoan lạc như vậy đã nối kết năm vị phu nhân thành một khối, họ không có cớ để ganh tỵ với nhau. Họ còn thân hơn cả chị em ruột vì có chung một bí mật phòng the. Không ai dám có ý muốn dành lấy chàng cho riêng mình.
* * * * *
Trong bữa điểm tâm sáng ngày hai mươi ba, Viên Long báo rằng :
- Trong rừng liễu thưa cạnh hồ Thanh Hải đã bày hơn trăm bàn tiệc. Dường như Thanh Hải Long Vương chuẩn bị chiêu đãi chúng ta.
Kiếm Vân nói với mọi người :
- Theo tại hạ được biết, Thanh Hải Long Vương là người nặng tâm huyết với sơn hà xã tắc. Lão hy sinh cả cuộc đời, sống ở đất Thanh Hải để trấn áp người Khương Nhung và Tây Tạng, khiến họ sợ hãi không dám phản lại Đại Minh. Vì vậy, nếu tại hạ có mệnh gì, xin chư vị tuyệt đối không được gây chiến với Long Vương. Nếu không tại hạ sẽ chết mà chẳng nhắm mắt.
Hàn minh chủ bàng hoàng :
- Nếu đúng như vậy thì lão ta quả là đáng khâm phục!
Vĩnh Sương công chúa bướng bỉnh nói :
- Một mình lão làm sao dọa được bọn Nhung, Địch? Thiếp e rằng đó không phải là sự thực.
Kiếm Vân nghiêm mặt bảo :
- Lôi Âm chưởng phát ra sấm sét, bọn người man rợ dốt nát rất khiếp sợ, nàng không hiểu đạo lý dó hay sao?
Chàng chợt nhớ đến tính tình của Vĩnh Sương liền quắc mắt hỏi :
- Vĩnh Sương! Ta biết nàng rất yêu thương ta. Nhưng nếu nàng đem quân triều đình tiêu diệt Thanh Hải Long Vương để trả thù, thì đừng xem ta là trượng phu nữa.
Công chúa toát mồ hôi, ấp úng :
- Tướng công đã dạy, thiếp đâu dám không tuân?
* * * * *
Đầu giờ Tỵ ngày hôm sau, hào kiệt Trung Nguyên rầm rộ kéo đến hồ Thanh Hải. Họ mặc y phục mới, mặt hớn hở như thực lòng đến chúc thọ.
Trưởng tử của Long Vương là một lão già đã quá thất tuần, tươi cười đón khách :
- Không ngờ lễ khánh thọ bách tuế của gia phụ lại được hào kiệt Trung Nguyên ưu ái, lặn lội đường xa đến dự. Thật vô cùng vinh hạnh, kính thỉnh chư vị an tọa dùng trà.
Hàn minh chủ cười khà khà :
- Long Vương là thiên hạ đệ nhất kỳ nhân, trấn giữ Thanh Hải tạo phúc cho lê thứ vùng Tây Nam Trung Hoa. Bọn lão phu ngưỡng mộ công ân ấy nên có chút lễ mọn để tỏ lòng thành.
Thiết Quyền Thuờng Luyện bưng rương lễ vật trao cho chủ gia.
Trang viện của Long Vương nằm ở cạnh Tây hồ Thanh Hải, quay mặt về cánh rừng rậm ở phía Nam.
Ba ngàn quân của Tổng đốc Thanh Hải đang phục kích trong cánh rừng này.
Phía Tây và Bắc trang viện có dãy đồi thấp trồng đào, cây cối um tùm, hoa trái đầy cành, trông phong cảnh rất hữu tình.
Gió xuân thổi qua mặt hồ, được nước hấp thu bớt độ lạnh, sưởi ấm cho thực khách.
Giữa giờ Tỵ, tiệc rượu đã bày xong.
Thanh Hải Long Vương với chiếc mặt nạ đầu rồng bằng vàng, che kín nửa mặt, bước ra. Chỉ cần nhìn râu năm chòm đen nhánh và làn da mịn màng, đủ biết lão chẳng hề già nua chút nào cả.
Long vương tươi cười vòng tay nói :
- Lão phu làm trái mệnh trời. Sống tròn bách tuế, lòng cũng vô cùng áy náy. Nhưng không ngờ lễ khánh thọ này lại được Hàn minh chủ và hào kiệt Trung Nguyên giá lâm đông đảo. Lão phu bội phần hoan hỉ. Xin mời chư vị nâng chén, cùng uống với lão phu chén rượu nhạt.
Cử tọa hân hoan cạn chén. Hàn minh chủ đứng lên cao giọng :
- Bọn áo vải Trung Nguyên chúng tôi đến đây, trước là vì ngưỡng mộ công đức trấn giữ cương thổ của lão huynh, sau là thưởng lãm cuộc phó hội của họ Liễu...
Long Vương mỉm cười ngắt lời :
- Mọi việc đều có thứ tự trước sau, chúng ta cứ vui say rồi hãy bàn đến cuộc phó ước.
Thấy phong thái lão vui vẻ, hòa nhã, quần hùng cũng yên tâm phần nào.
Kiếm Vân vẫn bình thản, ngồi với năm vị phu nhân, chẳng hề lộ chút vẻ lo âu.
Đến cuối giờ Ngọ, Nan Đề lão nhân cười khà khà bảo :
- Chúng ta ăn uống thế này đã đủ làm sạt nghiệp Long Vương. Vân nhi hãy ra lãnh giáo ba trăm chiêu Lôi Âm chưởng của đệ nhất kỳ nhân xem sao.
Chàng tuân lệnh sư phụ, đứng lên vòng tay, hướng về phía Long Vương kính cẩn nói :
- Tiểu bối là Liễu Kiếm Vân, hôm nay theo lời phó ước, đến đây xin tiền bối chỉ giáo.
Long vương cười hiền hòa :
- Nan Đề lão nhân nói sai rồi, danh xưng thiên hạ đệ nhất kỳ nhân phải dành cho Liễu đại hiệp mới đúng. Lão phu rất vinh dự được so tài với đại hiệp.
Quần hùng nhất tề rời bàn tiệc, theo Long Vương và Kiếm Vân ra bãi cỏ xanh rộng rãi, cách rừng đào ở phía Tây chừng ba chục trượng.
Kiếm Vân vận khí lưu chuyển toàn thân, chợt phát hiện dường như công lực mình sung mãn hơn trước.
Trong hai mươi ngày ở Khương gia trang luyện công, Khương lão thái mỗi bữa đều cho chàng ăn cơm với cá, chỉ có cá mà thôi. Chàng làm khách nhà người đâu dám có ý kiến gì. Cũng may, loại cá này ăn rất ngon nên đỡ ngán.
Long Vương điềm đạm ra dấu mời chàng xuất thủ trước, Kiếm Vân theo chắp tay chào theo thế “Đồng Tử Bái Quan Âm” rồi lướt đến tấn công.
Chàng muốn để dành Lôi Đình thần quyền đến phút tối hậu, nên đem pho Kim Trảm phối hợp với Hàng Long thập bát chưởng ra thi thố. Từng loạt chiêu liên hoàn đánh ra với tốc độ kinh hồn, chưởng kình cuồn cuộn như bảotáp.
Thanh Hải Long Vương nhẹ nhàng như chiếc lá bay lượn trong cuồng phong, dùng Lôi Âm chưởng tấn công.
Tiếng sấm động ngày càng vang rền khiến mọi người lo sợ cho Kiếm Vân.
Nhưng chàng vẫn bình thản dùng ngay pho “Ảo Ảnh Thần Bộ” của Thánh Thủy cung và Kim Ưng thân pháp, tránh né chưởng kình cùng những tia chớp lửa lâu lâu lóe lên, chụp xuống đầu chàng.
Ly Hỏa chân khí phổ vào song thủ, tạo nên màn chưởng phong màu hồng rữc rỡ, thỉnh thoảng ập đến va chạm trực diện với Lôi Âm chưởng phát ra tiếng nổ kinh hồn.
Quần hùng đứng ngoài quan chiến, thấy thân ảnh chàng chia thành năm sáu bóng, vây chặt lấy Long Vương, không chịu kém dù chỉ nửa chiêu, họ phấn khởi hoan hô vang dội.
Đến chiêu thứ một trăm, Long Vương cười ha hả, dồn thêm công lực. Chưởng kình Lôi Âm Khí thế uy mãnh như núi đổ, màn lửa chớp dầy đặc hơn trước.
Kiếm Vân vội đem bốn chiêu Như Lai tâm chưởng ra chống đỡ.
Một màn chân khí âm nhu dệt bằng muôn ngàn chưởng ảnh, tựa tấm lưới mềm mại nhưng bền chắc, hứng chịu sấm sét mà không hề suy suyển.
Thiên Nhất thần tăng hài lòng vuốt râu. Nhưng Long Vương thay đổi đấu pháp, lão tung mình lên không, vỗ xoáy những luồng chưởng phong mãnh liệt như trời giáng, khoét những lỗ sâu hàng gang tay trên mặt cỏ, đất đá bay tung tóe. Bãi cỏ lỗ chỗ những đám cháy đen vì tia chớp lửa.
Như Lai tâm chưởng bắt đầu mất tác dụng, Kiếm Vân quát vang, giở pho Lôi Đình thần quyền ra phản kích.
Chàng đã dồn hết tám thành Ly Hỏa chân khí nên quyền phong tỏa sắc hồng chói lọi, nổ ì ầm, khí thế chẳng kém gì Lôi Âm chưởng.
Mọi người nín thở theo dõi cuộc so tài khoáng cổ tuyệt kim, giữa hai cao thủ tuyệt thế. Nếu không tận mắt chứng kiến, sao có thể tin được rằng chân khí con người tạo ra sấm sét?
Hàn minh chủ và trưởng tử của Long Vương cao giọng đếm chiêu thứ hai trăm.
Long Vương hạ thân, xông đến cùng Kiếm Vân đối diện, chưởng quyền chạm nhau thẳng thắn, không hề tránh né.
Kiếm Vân nhận thấy công lực mình chẳng thua sút đối phương, cho rằng Long Vương đã nương tay.
Thời gian dài như vô tận, quần hùng hồi hộp theo từng tiếng đếm. Đến chiêu thứ hai trăm chín mươi, Long Vương ra liền chín chiêu liên hoàn. Kiếm Vân đỡ được hết nhưng hai cánh tay tê dại, không cách nào nhấc lên được nữa, buông xuôi theo người, để trống toàn bộ thân trước.
Mọi người đều nhận ra, kinh hoàng không nói nên lời. Long Vương lạnh lùng vung song thủ đánh chiêu cuối cùng.
Trong lúc tuyệt vọng, chiêu “Cuồng Phong Nghịch Đảo cước” hiện ra trong tâm trí, Kiếm Vân lăn tròn trên mặt cỏ, bật dậy trước mặt Long Vương. Đôi chân chàng dẻo như không hề có xương, đá liền mấy chục cuớc vào những đại huyệt trên thân đối thủ.
Cổ nhân có nói: Có tật có tài. Vô Thủ lão nhân sinh ra đã thiếu hai tay nên dồn hết tâm huyết vào pho cước pháp. Lão lại là người có thiên bẩm cực cao nên pho “Cuồng Phong Nghịch Đảo cước” đáng gọi là tuyệt học hãn thế, ngàn năm có một.
Vì vậy, trong lúc bất ngờ, Long Vương làm sao tránh kịp? Luồng cương khí hộ thân trăm năm công lực của lão ung ung đón nhận những đòn như trời giáng. Chỉ có cú đá cuối cùng là mang lại đôi chút kết quả, đánh bay chiếc mặt nạ rồng.
Hàn minh chủ quát vang như sấm :
- Ba trăm!
Quần hùng vui mừng đến phát cuồng, nhảy múa, reo hò, hoặc ôm nhau khóc nức nở.
Nhưng họ lại sững sờ khi thấy Kiếm Vân sụp xuống hô lớn :
- Nghĩa phụ!
Thì ra, chiếc mặt nạ đầu rồng rơi xuống, để lộ dung mạo hiền hòa của Khương Văn.
Lão nhìn chàng mỉm cười thân thiết, bước đến đỡ chàng lên, thì thầm :
- Bây giờ thì ngươi đã là đệ nhất cao thủ rồi đấy!
Chàng ứa nước mắt, biết lão đã thành toàn cho mình.
Long Vương cười ha hả giải thích với mọi người :
- Cuối năm ngoái, nghĩa nữ của lão phu là Bách Lý Nhu mang thương tích chạy về Thanh Hải, khóc lóc rằng Liễu Kiếm Vân muốn làm bá chủ võ lâm Trung Nguyên nên mới kéo cao thủ đến thiêu hủy Thánh Thủy cung. Lão phu lúc đó hồ đồ, viết thư phó ước, định sẽ giết họ Liễu để trừ họa cho võ lâm. Nhưng sau đó, khi đến Mã Đa tiếp tục trị bệnh cho bách tính, thì được nghe một số bệnh nhân ở Tứ Xuyên, Thiểm Tây hết lời tán dương nhân phẩm và công đức của Kiếm Vân. Sau hết, lão phu quyết định vào Trung Nguyên để thẩm tra sự thực. Nào ngờ, giữa đường lại gặp y mang gươm đi phó ước. Lão phu bèn không đến Lạc Dương nữa mà bám theo y. Cuối cùng, thức ngộ được rằng họ Liễu quả là kỳ nam tử của thế gian, nên nhận làm nghĩa tử. Lão phu đã dạy cho y pho Lôi Đình thần quyền là biến thể của Lôi Âm chưởng, đồng thời cho y ăn ba chục con Lân Đầu Thủ Vĩ Ngư để bồi bổ công lực. Trận đấu hôm nay chỉ là để thử nghiệm thành tựu của y mà thôi. Ai ngờ Kiếm Vân lại biết cả chiêu “Cuồng Phong Nghịch Đảo cước” đánh thắng lão phu, thật là đáng mừng.
Mọi người vỡ lẽ ồ lên vui vẻ. Năm vị nương tử của Kiếm Vân chạy đến, quỳ xuống ra mắt :
- Chúng tức nữ bái kiến can gia.
Long Vương cười khà khà bảo :
- Cũng may là lão phu đã nhận Kiếm Vân làm nghĩa tử. Nếu không, sau cuộc đấu mà Vân nhi có mệnh hệ gì, chắc các nàng xé xác ta ra mất.
Vĩnh Sương công chúa chột dạ, mặt đỏ bừng.
Hàn minh chủ nghiêm giọng :
- Bách Lý Nhu nắm Thánh Thủy cung, mỗi năm giết hại hàng trăm nam nhân tuấn tú, lại bắt cóc thê thiếp của Kiếm Vân hòng gài bẫy hại y. Chính vì vậy quần hùng mới thiêu hủy ổ tà ma ở núi Ly Nhung. Nay đã là người nhà cả, mong Khương lão huynh giáo huấn mụ ta nghiêm khắc hơn.
Long Vương biến sắc, buồn rầu bảo :
- Phụ thân của Bách Lý Nhu là bái đệ của lão phu. Y mất sớm nên lão phu đã nhận Bách Lý Nhu làm nghĩa nữ. Nhưng vì ở quá xa nên đâu biết Thánh Thủy cung là sào huyệt của ma quỷ? Lão phu sẽ bắt mụ phải xuống tóc quy y hầu chuộc lại lỗi lầm.
Bỗng có tiếng cười ghê rợn vang lên. Thánh Thủy cung chủ Bách Lý Nhu cầm trường kiếm kê sát vào cổ một phụ nhân, từ trong trang bước ra. Kiếm Vân kinh hãi gọi vang :
- Can nương!
Thanh Hải Long Vương giận đến run người :
- Ngươi quả là loài súc sinh đê tiện, dám xúc phạm cả đến nghĩa mẫu của mình. Ngươi muốn gì?
Bách Lý Nhu cười nham hiểm :
- Ta với lão chỉ có chút hư danh cha con, nào có đáng kể gì. Nếu lão chịu vung chưởng đánh chết tên tiểu tử họ Liễu, ta sẽ tha mạng cho bà lão tội nghiệp này.
Khương lão thái thở dài nói :
- Thiếp năm nay đã tám mươi sáu tuổi, có chết cũng chẳng sao, phu quân đừng để con tiện nhân này đe dọa.
Bách Lý Nhu mắt lộ hung quang, kéo nhẹ lưỡi kiếm khiến cổ lão thái rướm máu.
Long Vương đau lòng quát lên :
- Bà ấy không biết võ công, ngươi không được làm vậy.
Nan Đề lão nhân cất giọng quái dị :
- Ngươi chỉ có một mình, dù Long Vương giết Kiếm Vân, ngươi cũng chẳng dám thả lão thái ra vì sợ bị vây đánh.
Bách Lý Nhu cười gằn :
- Lão thất phu nói sai rồi, thử nhìn lại sau lưng xem.
Thì ra, từ cánh rừng đào phía Tây và Bắc đã có mấy trăm tên Lạt ma tràn đến, đứng thành hình bán nguyệt vây lấy mọi người. Họ cầm những hộp nhỏ bằng sắt, chĩa về phía quần hùng. Hàn minh chủ cả kinh :
- Làm sao các ngươi lại có được mấy trăm hộp Bạo Vũ Lê Hoa châm của Đường gia?
Lão Lạt ma râu dài bạc trắng cười khanh khách đáp :
- Các ngươi đều sắp chết, ta cũng không nỡ giấu, Đường tam công tử đã là đồ đệ của Hoạt Phật Tây Tạng, nên đã chế ra mấy món đồ chơi này để chúng ta sử dụng.
Tô Tháo gầm lên :
- Không ngờ gã Đường Khâu Minh lại khốn nạn đến như vậy.
Kiếm Vân bỗng lên tiếng :
- Bách Lý cung chủ! Ta công nhận mụ hoàn toàn chiếm thượng phong. Chúng ta đều là người võ lâm, chẳng màn đến tử sinh. Nhưng can nương của ta không biết võ công, chẳng đáng phải chịu chết. Liễu mỗ cam tâm đem sinh mạng mình đổi lấy an toàn cho lão thái. Mụ phải thề độc rằng sau khi ta chết, sẽ thả bà ra khỏi nơi này rồi mới phát động Bạo Vũ Lê Hoa châm. Nếu mụ không đồng ý, Vân này sẽ liều mạng tử chiến đến cùng.
Khương lão thái cảm động nói :
- Can nương đã già rồi, Vân nhi bất tất phải hy sinh như vậy. Hãy lo cứu lấy quần hùng.
Kiếm Vân quỳ xuống thưa :
- Vân nhi đã nhận người làm mẹ, tất phải lo tròn chữ hiếu. Nếu không dẫu chết cũng chẳng yên lòng.
Bách Lý Nhu vốn ngán sợ võ công của chàng, mụ thầm tính toán rồi lập thệ :
- Ta thề rằng nếu không giữ được an toàn cho Khương lão thái sẽ bị thiên lôi đả tử.
Mọi người xôn xao, nhốn nháo cả lên.
Kiếm Vân bảo mụ :
- Để ta từ giã thân quyến, bằng hữu xong sẽ chịu chết.
Vĩnh Sương công chúa bỗng gào lên khóc rất lớn. Lát sau, bốn người kia cũng khóc theo. Tiếng khóc vang dội cả hồ Thanh Hải, theo gió bay đi rất xa.
Kiếm Vân thấy cả Phụng Hương cũng gào lên, chàng không khỏi lấy làm lạ vì tính nàng chẳng bao giờ khóc lớn tiếng.
Chàng ngượng ngùng trước tiếng khóc chói tai, bước đến định bảo họ đừng khóc nữa? Bỗng thấy Vĩnh Sương nháy mắt ra hiệu rồi nhào đến ôm lấy chàng thì thầm :
- Tướng công cố kéo dài thời gian, ba ngàn quân cung thủ của triều đình đang tiến vào rừng đào, phục sau lưng bọn Lạt ma.
Chàng mừng rỡ nói lại :
- Ta cũng đâu có chịu chết, đây chỉ là khổ nhục kế để cứu can nương mà thôi. Khi nương tử thấy ta đã đắc thủ thì lập tức truyền lệnh cho cung thủ ra tay.
Bách Lý Nhu thấy lâu, sốt ruột :
- Mau lên! Lão nương không chờ được nữa rồi.
Thanh Hải Long Vương đã được chàng truyền âm dặn dò từ trước nên giả đò bối rối, vò đầu, bức tóc, dậm chân nhưng không nói một lời.
Kiếm Vân đến trước mặt lão quỳ xuống nghẹn ngào nói :
- Can gia! Chúng ta trước sau gì cũng bỏ mạng dưới độc châm. Hài nhi chẳng muốn chết vô ích nên đi trước một bước để cứu mạng can nương. Xin can gia thành toàn cho lòng hiếu thảo của hài nhi.
Long Vương thực sự cảm động, sa lệ bảo :
- Con cứ đi trước, can gia sẽ theo sau.
Dứt lời, lão phá lên cười như điên loạn, múa song chưởng tạo nên một luồng kình phong cuồn cuộn, mờ mờ lơ lửng trên đầu Kiếm Vân. Tiếng sấm nổ vang rền, và từ trong đám chân khí ấy, một tia chớp lóe lên giáng vào lưng chàng.
Thân hình Kiếm Vân bốc cháy như ngọn đuốc, văng lên rơi xuống trước mặt Bách Lý Nhu. Thanh Ngư Trường kiếm rớt ngay cạnh tay chàng, lửa vẫn tiếp tục đốt cháy y phục, xông mùi khét lẹt.
Quần hùng ồ lên kinh ngạc, năm nữ nhân dù đã được báo trước vẫn kinh hoàng ồ lên khóc lóc thảm thiết.
Tô Tháo gầm lên định xông ra thì bị Hàn minh chủ nắm lại rỉ tai :
- Đồ ngốc! Vân nhi đâu có sợ lửa!
Bách Lý Nhu thấy thần kiếm vỏ bằng vàng sáng rực, lồ lộ năm chữ Hồng Võ Ngư Trường kiếm, nhận ra đây chính là thanh bảo kiếm khét tiếng võ lâm, có một không hai. Mụ nổi lòng tham nhưng vẫn còn tỉnh táo, bảo Khương lão thái :
- Bà bước đến nhặt thanh kiếm cho ta!
Lão thái gạt lệ tuân lệnh. Bách Lý Nhu vẫn dí mũi kiếm vào lưng bà, đề phòng Long Vương tập kích.
Nào ngờ, khi lão thái vừa cúi xuống nhặt kiếm, thì xác chết bốc lửa kia chụp lấy tay bà, quăng mạnh về phía quần hùng rồi chồm dậy, quất hai đạo chưởng kình đỏ rực vào tâm thất Bách Lý Nhu. Thân hình mụ bốc cháy, xương lồng ngực vỡ nát, văng ra sau hơn trượng, hồn du địa phủ.
Cùng lúc đó, Vĩnh Sương công chúa thét lên :
- Xạ thủ!
Ba ngàn mũi tên chia nhau bay vào đích đã nhắm nãy giờ.
Bọn Lạt ma đang đắc ý vì đã hoàn toàn khống chế được cục diện. Chúng chỉ lo đối phó với quần hùng ở trước mặt, sợ họ bất ngờ phản công, nên đâu nghĩ gì đến mặt sau.
Chỉ có chừng bốn chục tên đứng ở hàng đầu là thoát chết, nhưng đã bị quần hùng hợp chưởng đánh cho tối tăm mặt mũi.
Lôi Âm chưởng của Long Vương đã xuất đủ mười hai thành công lực nên cực kỳ khủng khiếp. Chớp lửa giáng xuống như mưa, biến bọn Lạt ma thành những cây đuốc sống.
Quần hùng reo hò vang dội, vui mưng vì thoát nạn một cách diệu kỳ. Tô Tháo, Thuờng Luyện giúp Kiếm Vân dập lửa và cởi bỏ bộ y phục cháy nham nhở.
Chàng nhảy đến ôm lấy Vĩnh Sương công chúa hôn liền mấy cái vào má. Nàng sung sướng, thẹn thùng nói :
- Tướng công chẳng biết xấu hổ hay sao?
Nhờ có thần mưu của Vĩnh Sương công chúa mà quần hùng thoát được tai kiếp này.
Mọi người hết lời tán dương Công chúa, khiến nàng hổ thẹn, núp sau lưng Kiếm Vân.
Hồ tổng đốc bước đến ra mắt :
- Lão thần Hồ Chi, Tổng đốc Thanh Hải, khấu kiến Phò mã cùng Công chúa.
Chàng tuơi cười bảo :
- Hồ khanh hành sự chuẩn xác, chu đáo, lập được đại công. Khanh muốn ân thưởng gì cứ nói?
Họ Hồ nguợng ngùng tấu rằng :
- Lão thần năm nay đã bảy mươi, sắp đến ngày cáo lão. Ngặt nỗi, bao năm qua trấn giữ đất Thanh, lương bổng có hạn mà con cháu lại quá đông nên chẳng tích lũy được gì. Cúi mong điện hạ tâu với Thánh thượng ban cho lão thần mảnh ruộng để cày cấy nuôi nhau.
Thần thái lão rất thành thực khiến chàng vô cùng kinh ngạc. Lẽ nào một Tổng đốc quyền uy lại không có đến mấy mẫu ruộng dưỡng già?
Long Vương cười bảo :
- Hồ tổng đốc là vị quan thanh liêm hiếm có trên đời. Lão có đến năm vị phu nhân và hàng trăm con cháu nên nghèo là phải. Vân nhi nên nghĩ cách giúp lão.
Kiếm Vân mỉm cười bảo :
- Té ra khanh cũng đa mang không kém gì ta! Đại Minh có được bầy tôi liêm khiết như khanh là điều đại phúc. Bổn Phò mã thừa ân Thánh thượng, ban cho Hồ khanh tòa Thiên Thai đại khách điếm ở Thiểm Tây. Khi cáo lão, khanh và gia quyến không lo đói nữa rồi.
Hồ Chi đã từng ghé qua nơi ấy, nên mừng rỡ dập đầu :
- Phò mã rộng lượng như biển, lão thần xin đội ơn.
Lão cáo từ, cho quân mang theo mấy trăm xác chết, trả lại vẻ thanh bình của một vùng cây cỏ xanh tươi.
Đêm ấy, mọi người ở lại vui say đến tận cuối canh ba, đuốc đèn sáng rực mặt hồ Thanh Hải.
Trưa hôm sau họ mới kéo nhau trở về Trung Thổ. Đoàn người vui vẻ nói cười, gõ kiếm ca hát vang trời.
Nhưng những dải khăn tang vẫn nằm dưới đáy bọc hành lý, vì kiếp giang hồ chẳng bao giờ biết chắc được ngày mai.

Hồi trước Hồi sau

Bán sạc cáp, linh kiện máy tính
Anh em cùng cài Pi Network đào tiền ảo nhé, nhập mã mời "kiemhieptruyen" lấy ngay 1 Pi.
Trước khi thanh toán tiền mua hàng thì nhấn hộ dùm mình link nầy nhé: shopee ở đây còn lazada ở đây.