Anh hùng Bắc Cương - Hồi 05

Anh hùng Bắc Cương - Hồi 05

Cầm chính đạo để tích tà cự bí

Ngày đăng: 15-06-2014
Tổng cộng 40 hồi
Đánh giá: 8.6/10 với 177575 lượt xem

Mỹ Linh kính cẩn mở tất cả ba mươi tờ giấy ra, trao cho Sử Anh. Sử Anh đưa ra trước đọc lớn:
- Hai mươi mốt tờ có chữ Khai-Quốc vương. Bẩy tờ có chữ Lý Long-Bồ. Một tờ có chữ chú hai, một tờ có chữ Bồ nhi. Tổng cộng đủ ba mươi tờ.
Trần Tự-An vẫy tay gọi Khai-Quốc vương:
- Vương gia! Mời Vương-gia lại đây.
Ông tóm lược mọi truyện cho Vương nghe, rồi kết luận:
- Những người viết Khai-Quốc vương hay Lý Long-Bồ khó biết là ai. Nhưng người viết Bồ nhi chắc của sư thái Tịnh-Huyền. Còn người viết chú hai hẳn công chúa Bình-Dương.
Khai-Quốc vương định từ chối, đại sư Huệ-Sinh vẫy tay:
- Đây không phải danh dự gì, mà một nhiệm vụ khó khăn cao cả. Vương gia chẳng nên chối.
Vương thấy sư phụ dạy, chối không nổi. Vương đưa mắt nhìn công chúa Lĩnh-Nam Bảo-Hòa, vua Bà vùng Bắc-biên như hỏi ý kiến. Bà xua tay:
- Cố đi cậu. Ngoài cậu ra, ai đương nổi.
Khai-Quốc vương kính cẩn chắp tay:
- Được các vị cao nhân tiền bối tín nhiệm. Nhất là sư bá, sư phụ cùng cô mẫu truyền lệnh. Long-Bồ này xin tuân theo.
Quần hùng vỗ tay hoan hô.
Đoàn Huy nhớ ơn Thuận-Thiên hoàng-đế ân xá cho ông tội sang Đại-Việt dò thám. Lại thâm cảm Thanh-Mai xả mệnh cứu ông sống. Ông đứng lên nói:
- Chúng ta đã bàn rằng có ba việc phải giải quyết. Một là các phái võ của người Việt, hiện không ở trong lãnh thổ Việt. Hai là vấn đề ủng Lê, ủng Lý. Ba là cử người đấu với Hồng-thiết giáo. Vấn đề thứ ba xin Khai-Quốc vương đảm nhận. Còn hai vấn đề trên. Mong chư vị giải quyết gấp. Riêng phái Thiên-tượng của tại hạ, nguyện làm bất cứ việc gì ngăn cản Hồng-thiết giáo, không thể để họ lộng hành.
Chưởng môn phái Trường-sa đứng lên:
- Phái Trường-sa của tại hạ hứa sẽ tỏ thái độ cương quyết với Hồng-thiết giáo. Chứ không buông xuôi tay đâu.
Thế rồi Kim-Sinh phái Cửu-long. Phủ-Van phái Vạn-tượng. Rat-ta-Na phái Pha-nôm. Chế Ma-Thanh phái Phật-Thệ cùng bang trưởng các bang Hồng-hà, Đông-hải, Quảng-nguyên cũng cương quyết tỏ thái độ với Hồng-thiết giáo.
Khai-Quốc vương đứng dậy nói:
- Thế là nhờ Quốc-tổ, Quốc-mẫu linh thiêng phù hộ cho các vị cùng hướng về đại nghĩa. Chúng ta giải quyết được hai vấn đề. Còn vấn đề ủng Lý, ủng Lê.
Vương đưa mắt nhìn Hồng-Sơn đại phu:
- Hôm qua phụ vương tại hạ đã họp các em, các con. Người cương quyết trả lại quyền cho giòng dõi vua Lê. Người chỉ mong Hồng-Sơn đại phu hứa cho ba điều. Một là không trả thù những tướng lĩnh, quan lại của triều Lê theo Lý. Điều này tại hạ cam kết với phụ vương rằng Hồng-Sơn đại phu làm thầy thuốc, cứu người chưa xuể, hơi sức đâu mà trả thù.
Huệ-Phương ngồi sau đại phu xen vào:
- Đa tạ Vương-gia! Đúng như Vương-gia nói. Phu quân tiện thiếp thấy người ta trầy da, đau bụng còn xót xa. Huống hồ trả thù. Điều này muôn ngàn lần không thể xẩy ra.
Khai-Quốc vương tiếp:
- Hai là giữ nguyên những luật lệ phụ vương tại hạ đã ban hành bấy lâu, khiến cho dân chúng được ấm no, hạnh phúc.
Hồng-Sơn đại phu mỉm cười:
- Còn điều thứ ba?
- Điều thứ ba, xin đại phu hết sức chăm sóc cho các nước Chiêm, Lào, Chân, Xiêm. Bởi họ cũng là con cháu Quốc-tổ, Quốc-mẫu. Sau đó liên kết với Mân-Việt, Đại-lý. Chúng ta dần dần tìm cách thống nhất Việt tộc lại.
Hồng-Sơn đại phu tính vốn trầm lặng. Ông là thiên tài võ học, thiên tài y học. Cho nên trong tâm nuôi chí phục hồi sự nghiệp của vua cha, bị họ Lý chiếm mất. Ông được Tống hứa. Được phái Đông-a hứa giúp. Sau này có bàn tay của Tống, thêm Nguyên-Hạnh với lực lượng Sơn-tĩnh. Nùng Dân-Phú với lực lượng Quảng-nguyên. Thêm vào đó đạo Chiêm, Lào cùng người Hoa ở đất Việt. Nếu ông khởi binh, đương nhiên thành công. Nhưng thành công rồi, đất nước điêu tàn. Võ phái Sài-sơn, Đông-a đại chiến với Tiêu-sơn, Tây-vu. Hai phái Mê-linh với Tản-viên trước hứa trung lập. Bây giờ phái Mê-linh do công chúa Bình-Dương phái Tản-Viên do Bảo-Hòa làm chưởng môn, ắt theo Lý. Như vậy ông có được nước, cũng chỉ còn một nước điêu tàn. Tống kéo quân sang, liệu có giữ được không? Vạn nhất mất nước, ông trở thành thân bại, danh liệt, mà cái danh tiếng đánh Tống của vua cha cũng tàn phai.
Ông lẩm nhẩm:
- Khốn nỗi, mình đã bàn kế sách với đệ tử. Đã cầu viện được phái Đông-a, nhóm Sơn-tĩnh, châu Quảng-nguyên. Không lẽ nay lại rút lui? Như vậy còn gì thể diện? Trong ba điều kiện Lý Công-Uẩn đưa ra đều chính xác. Bấy lâu, y cai trị dân, làm cho nước giầu thịnh. Bây giờ mình có làm hết sức cũng không hơn.
Ông chưa biết sẽ lui hay tới, chợt nhìn Vũ Thiếu-Nhung. Lòng ông đau quặn lại:
- Huống hồ ta tôn kính Dương Ẩn. Nay, nảy ra y làm trưởng lão Hồng-thiết giáo. Bản phái bị vết nhơ quá lớn. Vợ ta bị Hồng-thiết giáo bắt đi làm điều ô nhục. Ta bất lực không cứu được, phải nhờ con trai Lý Công-Uẩn cứu ra. Việc này vỡ lở, ta không còn làm người được, chứ đừng nói làm vua.
Nét mặt ông đăm chiêu suy nghĩ. Ông nhìn sang bên cạnh: Lâm Huệ-Phương đẹp như thiên tiên. Nàng săn sóc, lo lắng cho ông đủ điều. Ông nghĩ:
- Nếu mình như Khai-Quốc vương, mình không bao giờ nhường nàng cho ai. Thế mà Quốc-Vương cắn răng cho nàng về với mình. Người như vậy, mình bằng thế nào được?
Chợt Huệ-Phương đứng dậy, đến trước Hồng-Sơn đại phu. Nàng lạy phục xuống đất liền bốn lạy. Đại phu kinh hoảng đỡ nàng dậy:
- Huệ-Phương! Có gì không? Tại sao lại hành đại lễ?
Ông phất tay, một kình lực đỡ Huệ-Phương dậy, ông kéo nàng ngồi xuống bên cạnh.
Huệ-Phương đầm đìa nước mắt:
- Anh ơi! Em nghĩ anh có làm vua, bất quá lo xây cái đức của mình cho cao lớn hơn. Trong khi học trò anh, và chính anh cứu chữa cho biết bao nhiêu người. Đức cao vòi vọi rồi. Em sợ anh làm vua, không còn thì giờ cứu chữa cái đau đớn cho vạn dân nữa.
Nàng ngồi sát lại bên đại phu:
- Còn như làm Vua để giầu có ư? Em sợ Thuận-Thiên hoàng-đế không giầu bằng anh. Anh muốn làm Vua để có uy quyền ư? Uy quyền của Vua khiến chúng nhân tôn phục, vì sợ cái đao, cái búa. Chứ chưa chắc họ kính mà sợ. Còn anh. Họ kính anh, sợ anh vì sợ cái đức. Cao quý biết bao. Xin anh đừng làm mất đi những cái đó.
Nàng mỉm cười:
- Còn như làm vua có nhiều cung tần mỹ nữ ư? Với tài, với đức của anh. Em tin rằng các thiếu nữ xinh đẹp thiên hạ, ai cũng muốn được hầu anh.
Hồng-Sơn đại phu nắm lấy tay nàng, dù ông biết rằng trước mặt ông có Minh-Không, Huệ-Sinh, Tịnh-Huyền, Nùng-Sơn tử là những nhà tu. Ông nói:
- Ta có Huệ-Phương như có tất cả.
Ông đứng lên, chắp tay hành lễ với Thiên-trường ngũ kiệt, rồi quần hùng:
- Trước hết tại hạ đa tạ các vị đã hứa giúp tại hạ. Nhưng nay trước thế nước chông chênh. Tại hạ quyết định như thế này.
Mọi người im lặng chờ ông nói. Ông hắng rặng một tiếng, rồi tiếp:
- Tại hạ xin rút lui, không tranh ngôi vua với họ Lý nữa.
Quần hùng kinh ngạc đến ngẩn người ra, mắt mở lớn, nghe ông nói tiếp.
- Lý Công-Uẩn huynh đã yêu cầu tại hạ ba điều, tại hạ cũng yêu cầu lại bốn điều. Bốn điều này phải được tất cả các vị đây bảo đảm.
Minh-Không bảo Khai-Thiên vương:
- Vương mời phụ hoàng sang đây họp.
Một lát Thuận-Thiên hoàng-đế tới. Ngài chắp tay:
- Lý Công-Uẩn phái Tiêu-sơn xin nghe lời chỉ dạy của các vị tiền bối.
Minh-Không chắp tay:
- Thiện tai! Xin đại phu dạy cho bốn điều đó. Sư đệ bần tăng sẵn sàng nghe.
- Điều thứ nhất: Công-Uẩn huynh phải ban chiếu chỉ tha hết tù nhân ngay từ ngày hôm nay. Như vậy dù tại hạ không lên ngôi vua, cũng như lên ngôi vua.
Thuận-Thiên hoàng-đế dơ tay:
- Ngay ngày hôm nay, tại hạ xin ban chiếu chỉ đại xá thiên hạ. Đại xá thuế ruộng trong ba năm liền.
Quần hùng đồng reo:
- Đại phúc.
Hồng-Sơn đại phu tiếp:
- Điều thứ nhì, Lý huynh phải truyền xây đền thờ phụ vương, cùng trùng tu lăng tẩm của người. Hàng năm tế lễ như một vị tiên vương triều Lý.
Thuận-Thiên hoàng-đế chắp tay:
- Từ khi tại hạ lên ngôi, vẫn dành ra một khoản tiền lớn trùng tu lăng tẩm tiên vương. Mỗi tháng, ngày sóc, ngày vọng đều sai đại thần tế lễ. Xung quanh lăng tẩm luôn có giáp binh canh gác. Hôm nay trước mặt anh hùng, tại hạ xin hứa tiếp tục điều đó.
Hồng-Sơn đại phu tiếp:
- Điều thứ ba, xin tất cả anh hùng có mặt bảo đảm cho. Khi về già Công-Uẩn huynh phải truyền ngôi vua cho một đại anh hùng, một đại hào kiệt, một đại trí tuệ, nhã lượng. Người ấy là Khai-Quốc vương.
Mọi người kinh ngạc, chưa hiểu ý Hồng-Sơn đại phu. Ông tiếp:
- Chư vị ngạc nhiên ư? Tôi lùi, nhường ngôi cho Lý. Chỉ vì mấy năm nay Lý dùng đức cai trị dân. Tôi muốn kế tục sau Công-Uẩn huynh phải có người đức độ, tài hơn tôi. Thế thôi.
Nói rồi ông đem tất cả những điều Khai-Quốc vương đã làm để thu phục nhân tâm cho Thuận-Thiên hoàng-đế: Nào cứu thầy trò Đoàn Huy. Nào cứu Lão-qua, Chiêm-thành khỏi vướng vào bẫy Tống. Nào hy sinh cho Huệ-Phương về với ông. Cho Đào Hà-Thanh về với Trần Tự-An. Ông kết luận:
- Đại-Việt có một hoàng-đế như vậy, sau này e không thua vua Hùng vua Trưng.
Thuận-Thiên hoàng-đế long trọng đứng lên hứa:
- Hồng-Sơn huynh! Huynh xứng đáng một đại long của nước Việt. Những điều Bồ nhi làm, tiểu đệ không biết rõ bằng huynh. Đệ đang phân vân không biết chỉ định trong các em, các cháu, ai sẽ là trừ quân. Bây giờ được huynh chọn cho còn gì bằng.
Minh-Không thiền sư vẫy quần hùng đứng dậy, hướng vào Hồng-Sơn đại phu cùng vái ba vái:
- Chúng tôi muôn vàn cảm kích đại phu. Võ đạo đại phu cao quá. Muôn ngàn lần chúng tôi không bằng. Đại phu không xử dụng một chiêu võ, mà đánh tan mấy chục vạn quân Tống.
Hồng-Sơn đại phu khiêm tốn đáp lễ. Ông hướng vào Huệ-Phương:
- Em! Em mới chính sức mạnh, đánh tan sáu đạo quân Tống. Em xứng đáng làm một Thánh-Thiên thứ nhì của Đại-Việt.
Minh-Không hỏi:
- Xin đại phu cho biết điều thứ tư?
- Điều thứ tư, bằng mọi giá, Công-Uẩn huynh phải cho người đuổi theo bọn Tống đòi lại bộ Lĩnh-Nam vũ kinh.
Mọi người mặt nhìn mặt. Bởi đó là điều cực hó. Vì khi bộ võ kinh do Quách Quỳ chép được. Triệu Thành cho sao làm hai bản. Y dấu trong người một bản. Một bản cho người mang về Tống ngay từ lâu rồi. Còn bản chép trên cuốn sử, y mang theo, bị mất trên sông Hồng. Bây giờ làm sao mà đòi lại?
Khai-Quốc vương móc trong bọc ra một gói vải dầu. Vương trịnh trọng mở trước mặt quần hùng. Bên trong có ba cuốn sách nhỏ. Vương nói:
- Đạ tạ đại phu dạy. Tiểu bối coi Khu-mật viện, mà để cho giặc vào nước lấy trộm di thư đem đi, còn chi thể diện người Việt nữa? Khi y sai Quách Quỳ chép làm ba bộ trong một khách điếm. Tại hạ đã biết hết. Tại hạ cho người giả làm cướp đuổi theo tên sứ mang sách, bắt y giam lại. Sau đó sai người giả dạng chữ Quách Qùy chép ra hai bản khác. Trong hai bản đó, giống hệt bản chính, nhưng mỗi câu đổi đi một chữ, để nếu chúng có đọc, luyện tập cũng không kết quả. Hôm sau, người của Khu-mật viện vờ như không biết tên mang sách là sứ, thả cho y đi, với bộ sách giả.
Quần hùng vỗ tay vang dội.
Khai-Quốc vương tiếp:
- Tiểu bối theo dõi Triệu Thành, bí mật đổi bản giả, lấy bản thực về. Còn bản mà Đoàn vương gia nước Đại-lý cướp lại được của Triệu Huy, rồi bôi thuốc độc cho cả bọn chúng trúng độc. Sự thực bản đó, tại hạ đã cho lấy trộm trước, sửa đổi lung tung. Thành ra bọn Tống có luyện cũng vô ích.
Đoàn Huy xấu hổ, mặt đỏ như gấc. Chính ông ăn cướp bản giả đó, về chép lại, rồi khi xẩy ra cuộc chiến trên sông Hồng. Ông bôi thuốc độc trả lại bọn Tống. Bọn Tống vô tình bị trúng độc. Ông tưởng bọn chúng sẽ chết hết. Nào ngờ bọn chúng được Đỗ Xích-Thập, Hoàng Liên cho thuốc giải, nên tuy chưa khỏi, mà không đến nỗi chết. Rồi chính bản sao lại đó, bị bọn Chu An-Bình ăn trộm, trốn đi mất. Không ngờ bọn Tống, bọn Chu An-Bình, cho đến ông đều bị Khu-mật viện Đại-Việt cho vào vòng ảo thuật.
Hồng-Sơn đại phu khoan khoái mỉm cười:
- Bây giờ chúng ta tuân theo mạng lệnh minh chủ là Khai-Quốc vương để đối phó với bọn
Hồng-thiết.
Khai-Quốc vương kính cẩn nói:
- Lát nữa đây, chắc chắn Nhật-Hồ lão nhân cũng như bọn trưởng lão sẽ dở giọng điên điên, khùng khùng, tự cho là được thánh Mã-Mặc, Lệ-Anh sai xuống trần cai trị nhân gian. Vì vậy cần một vị thực bác học, thực uy tín bẻ gẫy lý luận của họ. Trong chúng ta, tại hạ nghĩ Côi-sơn đại hiệp có thể đảm nhiệm.
Trần Tự-An vui vẻ:
- Tôi xin đảm trách việc đó.
Khai-Quốc vương tiếp:
- Lý luận bị yếu thế. Hồng-thiết giáo sẽ thách chúng ta đấu. Trong ba trận này ta phải nhường Nhật-Hồ thắng một trận. Còn hai trận, chắc chắn hai trong ba trưởng lão võ công cao nhất sẽ ra đấu. Đó là Vũ Nhất-Trụ, Lê Ba, Đỗ Xích-Thập. Đỗ Xích-Thập xin Côi-sơn đại hiệp thu thập y. Vũ-nhất-Trụ võ công rất kỳ ảo, xin sư bá Minh-Không thu thập cho. Còn như nếu Lê Ba xuất quân, hẳn Hồng-Sơn đại phu thanh lý môn hộ. Tuy vậy, biến chuyển còn nhiều. Bấy giờ tiểu bối sẽ liệu ứng phó.
Đến đó, Ngô Thuần-Trúc vào trình:
- Nhật-Hồ lão nhân cùng chư đệ tử trở lại. Lão thách anh hùng các nơi ra tranh phong.
Quần hùng thứ tự trở lại khu lễ đài.
Lê Đức chắp tay hướng vào anh hùng thiên hạ:
- Thưa các vị. Bên Trung-quốc cử vua cai trị có hai lối. Một là cử hiền. Vua Nghiêu nhường cho vua Thuấn. Vua Thuấn nhường cho vua Vũ. Gần đây con cháu Lưu Trí-Viễn tàn, anh hùng cử Sài Vinh lên thay. Sài Vinh chết, cử Triệu Khuông-Duẫn lên thay. Bên Đại-Việt ta, hồi xưa anh hùng cử Thục-Phán lên làm An-Dương vương. Đến thời Lĩnh-Nam, cử vua Trưng lên thống lĩnh quần hùng. Thứ nhì là cử giòng, theo lối cha truyền con. Anh truyền em.
Y ngừng lại một lúc, rồi tiếp:
- Vừa rồi, vua Đinh băng, con còn thơ, triều đình cùng võ lâm anh hùng theo lối cử hiền, đưa Lê Hoàn lên làm vua. Mới đây vua Lê Ngọa-Triều băng, con còn thơ. Triều đình không tìm được con vua Lê Đại-Hành thay thế. Anh hùng, võ tướng muốn cử quan Tả thân vệ điền tiền chỉ huy sứ Lý Công-Uẩn lên làm vua, theo lối cử hiền. Nhưng triều đình, cũng như võ lâm đều chia làm hai, suýt xẩy ra chiến tranh. Thiền sư Vạn-Hạnh đứng ra hoà giải, xin để Lý Công-Uẩn tạm nhiếp chính. Trong một thời gian, nếu chính sự tốt hãy để nguyên. Bằng không phải tái cử.
Y ngừng lại, nhìn vào phái Sài-Sơn:
- Mới đây sứ đoàn nhà Tống tìm ra Hồng-Sơn đại phu chính là Nam-Quốc vương Lê Long-Mang, con thứ vua Lê Đại-Hành. Triều Tống muốn tái lập Lê triều. Điều này dễ hiểu. Vì Tống do các Nho thần cầm quyền. Vua tôi muốn tỏ ra rằng họ trọng giòng giống. Để sau này, dân Trung-nguyên cứ tôn họ Triệu mãi mãi. Triều Tống khẳng định, nếu Lê hưng phục sẽ để cho chúng ta dùng quốc hiệu Đại-Việt, vua được dùng niên hiệu. Bằng không quân Chiêm, Lào, đại quân Tống kéo sang. Chiến tranh khó tránh.
Y chỉ vào Nhật-Hồ lão nhân:
- Sứ đoàn Triệu thành khẳng định rằng: Nhất định không Lý. Một là Hồng-Sơn đại phu. Hai là đại tôn sư võ học. Hồng-Sơn đại phu dường như không muốn làm vua. Vậy, phải cử đại tôn sư võ lâm lên thay thế. Tôn sư võ lâm hiện thời chỉ Minh-Không đại sư với sư phụ tôi xứng đáng. Minh-Không đại sư đang tiêu dao hạc nội mây ngàn, tứ đại giai không. Người đâu muốn áo cà sa nhuốm bụi trần. Vì vậy chỉ còn sư phụ tôi.
Y nói thực lớn:
- Vậy các vị tôn sư, chưởng môn nhân. Xin các vị cho biết ý kiến.
Hồng-Sơn đại phu khoan thai lên đài. Ông hướng vào bàn thờ lễ tám lễ, rồi hướng vào quần hùng cúi đầu chào. Quần hùng vỗ tay vang dội. Vì đại phu nức tiếng Hoa-Việt về tài thánh y. Học trò đại phu có hàng ngàn, đang hành y đạo cứu người khắp nơi. Đại phu vận khí vào đơn điền, nói lớn:
- Thưa các vị anh hùng. Chúng ta có hai vấn đề phải bàn. Thứ nhất, ngôi vua Đại-Việt phải do người Việt quyết định. Triệu Thành không có quyền vì y không phải Tống đế. Ví dù y có là Hoàng-đế Tống. Y cũng không được phép xen vào quyền thiêng liêng của chúng ta.
Quần hùng vỗ tay rung động quảng trường.
Hồng-Sơn đại phu tiếp:
- Lý Công-Uẩn sư huynh làm vua, hay tại hạ làm vua, nước ta vẫn cứ xưng Đại-Việt. Ta muốn xưng hiệu gì mặc ta. Tống không được phép xen vào. Nếu Tống muốn xen vào, cứ mang quân sang. Đống xương cao hơn núi ở Chi-lăng mới mục hết. Nên có đống khác thay thế. Cá sông Bạch-đằng mới hết mồi ăn, cần thêm vài chục vạn xác Tống sang nuôi cá nữa. Nhưng miễn sao chúng ta vạn người phải kết thành một khối, tuyệt đối không có kẻ làm gian tế cho giặc.
Quần hùng lại vỗ tay rung động cả quảng trường. Hàng vạn người tới trước khán đài quỳ xuống lạy Hồng-Sơn đại phu. Đại phu chắp tay đáp lễ. Đợi cho họ lễ xong, ông tiếp:
- Đấy là nói theo lý bề ngoài. Còn thực sự bề trong thế nào? Trước khi Triệu Thành đi sứ, y đâu biết rằng trên thế gian này có tại hạ? Y hứa cho Vệ-vương Đinh Toàn mượn mười vạn quân về dành ngôi vua với triều Lý. Sau khi biết được tại hạ còn sống. Y liệng Vệ-vương vào thùng rác, kéo cao ngọn cờ Hưng diệt. Kế tuyệt,. Ôi! Xảo trá cùng cực. Thực ra, y chỉ muốn cho chúng ta đánh nhau, tinh lực hao tổn, rồi kéo binh sang. Sau khi chiếm được Đại-Việt, Lão-qua, Chiêm-thành, Chân-lạp, Xiêm-la không cần đánh cũng thu phục. Bấy giờ Tống có cả một vùng trù phú, dân đông, lương đủ, kéo qua chiếm Đại-lý. Cuối cùng hướng lên Bắc diệt Kim, Liêu, Tây-hạ.
Đại phu ngừng lại, khiến cả quảng trường im lặng theo. Đại phu thở dài, tiếp:
- Nếu bây giờ, tại hạ với Công-Uẩn huynh tranh ngôi. Công-Uẩn huynh được phái Tiêu-sơn, Mê-linh, Tản-viên, Tây-vu trợ giúp. Tại hạ được phái Đông-a, Sài-sơn giúp. Cuộc chém giết kết quả sẽ không biết đâu mà lường. Nhưng... tại hạ vẫn muốn làm vua.
Quảng trường ồ lên những tiếng kinh ngạc. Hồng-Sơn đại phu mỉm cười:
- Làm vua để có vàng bạc đầy nhà ư? Vì thú thực Công-Uẩn huynh chưa chắc giầu bằng tại hạ. Làm vua để có uy quyền ư? Thú thực hiện tại hạ được quần chúng kính yêu vô cùng. Chưa chắc Công-Uẩn huynh được họ kính yêu hơn! Làm vua để có vợ đẹp ư? Thú thực tiện nội hiện là người đẹp nhất thiên hạ.
Đến đó Huệ-Phương khoan thai lên đài. Quần hùng suýt xoa không ngớt. Ánh nắng hè chiếu vào khuôn mặt nàng, tươi đỏ lên. Cả một vùng xung quanh nàng như rực ánh hoa đào.
Hồng-Sơn đại phu tiếp:
- Tại hạ muốn dành lại ngôi vua chỉ với mục đích thi hành chính sách nhân trị, kiến thiết, khuếch trương văn học võ bị. Ngoài liên kết Chiêm, Lào, Chân, Xiêm rồi cùng Đại-lý bàn truyện thống nhất đất nước. Sau đó kéo quân lên Bắc đòi lại Lưỡng-Quảng, vốn đất cũ của tổ tiên chúng ta. Thế nhưng, hôm nay đây, tại hạ tìm thấy một thiếu niên anh tài, khí hùng, trí dũng, văn võ kiêm toàn, mưu trí trùm hoàn vũ. Tại hạ cảm thấy thua xa. Nên tại hạ xin rút lui, và trao nhiệm vụ khó khăn này cho người đó.
Quần hùng im lặng, ngơ ngác, chờ Hồng-Sơn nói tên người anh hùng. Ông im lặng mấy khắc rồi tiếp:
- Người đó là Khai-Quốc vương, Lý Long-Bồ.
Quần hùng vỗ tay hoan hô, lẫn với những tiếng hô:
- Khai-Quốc vương vạn tuế.
Hồng-Sơn đại phu nói lớn:
- Mời Khai-Quốc vương lên đài.
Khai-Quốc vương khoan thai lên đài. Vương hướng vào quần hùng cúi đầu ba lần. Hồng-Sơn đại phu nắm tay vương:
- Lý huynh đệ. Người nhỏ hơn ta ít ra hai mươi tuổi. Lần đầu tiên ta biết đến người bằng một lượng cả của người mênh mông. Lần thứ nhì ta biết đến người bằng một cuộc cứu viện cho danh dự ta, nhà ta, môn phái ta. Cuối cùng muôn vàn lần ta không bằng người. Ta thích sắc đẹp. Người cũng thích sắc đẹp. Nhưng người chịu nổi, thoát ra được lòng ích kỷ. Người cho ta vay món nợ nhân tình quá lớn, muôn ngàn kiếp sau ta không trả nổi. Vậy hôm nay trước anh hùng tiền nhân. Ta trao trọng trách lại cho người.
Ông hướng vào phái Đông-a:
- Tại hạ kính cẩn cúi đầu đa tạ toàn thể huynh đệ phái Đông-a cùng Thiên-trường ngũ kiệt đã hết lòng phò trợ cho tại hạ. Hôm nay trao trọng trách vào tay Khai-Quốc vương. Tại hạ mong huynh đệ phái Đông-a dành cho Khai-Quốc vương sự hỗ trợ, như đã dành cho tại hạ.
Ông hướng vào phái Sài-sơn:
- Chúng ta nhất định cắp gươm cùng Khai-Quốc vương thực hiện chí cả.
Nói dứt, ông khoan thai xuống đài.
Phạm Trạch cười rung động quảng trường. Y lắc đầu:
- Hồng-Sơn đại phu không muốn làm vua, là truyện riêng của Hồng-Sơn đại phu. Đại phu không thể bắt chúng ta phải cúi đầu tôn một tên ôn con, miệng còn hôi sữa này lên làm Hoàng-đế.
Mỹ-Linh cực kỳ tôn kính Khai-Quốc vương. Thấy Phạm Trạch nói lời vô lễ. Nàng rút kiếm, uốn cong người, vọt lên cao. Ở trên cao, nàng xỉa kiếm vào mặt Phạm Trạch. Chỉ thấy thấp thoáng, Phạm Trạch ôm miệng nhảy lui lại, máu me đầy mặt, trông thực thảm thiết. Không ai nhìn rõ Mỹ-Linh ra chiêu như thế nào. Nàng chỉ mặt y:
- Phạm trưởng lão! Người muốn nói gì cứ nói, nhưng người nhục mạ thúc phụ ta, đừng chê kiếm ta không sắc.
Phạm Trạch kinh hồn, chân tay run lẩy bẩy. Y nghĩ thầm:
- Vừa rồi con nhỏ này giết ta, e giờ này ta chỉ còn cái xác không hồn. Tránh voi chẳng xấu mặt nào. Ta để cho Lê Ba tranh phuông, nếu con nhỏ này giết, thị giết Lê Ba.
Nghĩ vậy y bưng miệng, im lặng.
Khai-Quốc vương bảo Mỹ-Linh:
- Cháu không nên quá tay với Phạm trưởng lão.
Lê Văn từ dưới đài bước lên. Nó mở hộp ra, lấy một chút cao, rồi đến trước Phạm Trạch:
- Phạm trưởng lão. Xin trưởng lão để tiểu bối trị thương cho.
Nó tiến tới bên cạnh y, tay thoa quanh miệng. Máu cầm lại liền. Phạm Trạch nói ấm ớ:
- Đa tạ bạn trẻ.
Lê Văn cười lớn:
- Phạm trưởng lão! Khi nãy đại sư huynh Dương Bình cứu mệnh cho Trịnh trưởng lão. Bị trưởng lão đánh gần mất mạng. Thế nhưng quý tôn sư còn chửi chúng tôi ngu muội theo Thích, theo Khổng, theo Mạnh. Bây giờ Phạm trưởng lão nói đa tạ, chắc phải hiểu ngược lại thành câu đồ chó chết hẳn?
Quần hào vỗ tay hoan hô Lê Văn. Nó méo miệng trêu Phạm Trạch, rồi xuống đài.
Đỗ Xích-Thập vẫy tay cho Phạm Trạch lui lại. Y hướng vào quần hùng:
- Nếu Hồng-Sơn đại phu rút lui, võ lâm chúng ta cử người khác lên thay. Hồng-Sơn đại phu làm chưởng môn nhân, cũng được quyền đề cử người. Người mà Hồng-Sơn đại phu cử tên Lý Long-Bồ. Tuy vậy, anh hùng mỗi phái đều có quyền cử người.
Y quay lại hỏi Trần Tự-An:
- Côi-sơn đại hiệp. Hồng-Sơn đại phu yêu cầu phái Đông-a dành cho Lý Long-Bồ sự ủng hộ như đã dành cho người. Vậy riêng tôi, tôi xin đại hiệp ủng hộ sư phụ tôi chứ đừng ủng hộ Lý Long-Bồ.
Đại hiệp Trần Tự-An vốn người trầm tĩnh, mưu trí. Mọi diễn biến xẩy ra, ông giữ thái độ thung dung. Bây giờ thấy bọn Hồng-thiết giở giọng điên điên, khùng khùng, ông cần phải chính đốn lại. Ông muốn cho bọn chúng mất chính nghĩa, rồi hạ mới dễ dàng. Ông nghĩ thầm:
- Tên Nhật-Hồ đang muốn loại bọn trưởng lão già nua. Vậy ta giết mấy tên làm gian tế cho Tống, ắt lão vui vẻ. Trong mấy tên trưởng lão này, tên Đỗ Xích-Thập lợi hại nhất. Ta phải trừ nó trước.
Ông đứng lên hướng vào Nhật-Hồ lão nhân:
- Lão nhân! Tại hạ không phục. Nếu lão nhân còn dung dưỡng bọn đệ tử mưu dâng giang sơn cho Tống, Hồng-thiết giáo sẽ trở thành kẻ thù của người Việt. Bấy giờ lão nhân có làm Vua, cũng không yên. Nếu lão nhân diệt mấy tên bán nước trong quý giáo, phái Đông-a sẽ tôn tiên sinh lên làm Vua.
Ông hướng vào quảng trường:
- Trước đây hơn giờ, các tôn sư, chưởng môn nhân họp nhau quyết định rằng: Mười hai phái, bốn đại bang cùng cương quyết thống nhất hành động. Nay tại hạ xin tuyên dương các điều quyết định đó:
- Một, các phái Kim-biên, Vạn-tượng, Cửu-long, Thiên-tượng, Trường-sa, Pha-Nôm. Các bang Hồng-hà, Quảng-nguyên, Đông-hải cương quyết hướng về đại nghĩa của Việt tộc. Đại-Việt là gốc đất tổ, nơi qui tụ Việt tộc đông đảo, vì vậy bất cứ biến cố gì của Đại-Việt, cũng thành biến cố của chính bản thân Lục-phái, Tam-bang.
Quần hùng vỗ tay vang dội. Thầy trò Nhật-Hồ lão nhân đưa mắt nhìn nhau, ngơ ngơ ngác ngác. Họ không hiểu bằng phép lạ nào, mà võ lâm lại thống nhất mau lẹ như vậy?
Tự-An tiếp:
- Thứ nhì, tôn Lý Công-Uẩn trong ngôi vị Thuận-Thiên hoàng-đế. Người kế tục ngôi hoàng-đế sau Thuận-Thiên hoàng-đế là Khai-Quốc vương.
Lập tức trống thúc nhịp nhàng. Hàng mấy vạn người vỗ tay reo hò. Đợi cho tiếng reo hò dứt, Tự-An tiếp:
- Thứ ba, không chấp nhận để Nhật-Hồ lão nhân làm vua Đại-Việt. Đại-Việt ta là nước văn hiến đã bốn nghìn năm, không thể để dân chúng chịu đi vào đường tà ma ăn thai nhi, uống máu đơ.
Lê Ba lắc đầu:
- Côi-sơn đại-hiệp! Đại hiệp nói vậy e sai. Nước Việt mình từ cổ vốn nước văn-hiến, nhưng tổ tiên ta dùng võ công xây dựng đại nghiệp. Cho nên cần có người văn võ kiêm toàn làm vua. Có như vậy, mới mong bảo toàn được giang sơn. Vừa rồi bọn Tống chẳng mưu làm nhục quốc thể đó ư? Sư phụ cùng anh em chúng tôi đã đem toàn lực ra đuổi được bọn chúng đi. Chúng khâm phục, nhắc rằng ngôi vua phải đo giòng dõi vua Lê hoặc do một tôn sư võ học. Tôi nghĩ tôn sư võ học còn ai xứng đáng hơn sư phụ tôi.
Y ngừng lại, hướng vào quần hùng:
- Huống hồ trong thiên hạ, cứ trăm người, chín mươi chín người quy phục Hồng-thiết giáo. Như vậy phi sư phụ chúng tôi ra, còn ai xứng đáng hơn?
Đến đó giáo chúng Hồng-thiết reo hò vang dội. Trống thúc rung động trời đất.
Nhật-Hồ lão nhân dơ tay một cái, chiêng trống im phăng phắc. Lão vuốt râu nói:
- Bây giờ thế này! Phái nào không phục việc tôn lão phu lên làm vua, cứ việc cử người lên đây đấu. Lão phu hứa rằng, nếu như trong cuộc đấu này, lão phu hay bất cứ đệ tử nào tử thương, giáo chúng Hồng-thiết giáo tuyệt không trả thù.
Tự-An chỉ vào Khai-Quốc vương:
- Nhật-Hồ giáo chủ. Giáo chủ chưa biết đó thôi. Mới đây, đại tôn sư cùng chưởng môn nhân các phái đã quyết định hợp nhất tôn sư huynh Lý Công-Uẩn lên làm hoàng-đế vĩnh viễn, và người kế tục Thuận-Thiên hoàng đế phải là Khai-Quốc vương. Tất cả các tôn sư đều đồng nhất tôn Khai-Quốc vương làm minh chủ mười hai phái, ba đại bang. Vì vậy sẽ không có việc mỗi phái cử người lên tranh phong cùng quý giáo. Nếu quý giáo muốn tranh phong cùng võ lâm Đại-Việt, đã có minh chủ định liệu.
Nhật-Hồ lão nhân cười ha hả, cười rung động quảng trường. Một lúc sau lão chắp tay hướng Khai-Quốc vương:
- Vương gia! Vương gia đã cứu lão phu khỏi chốn lao tù, lại đối xử cực kỳ tử tế với lão phu. Đó là việc tư. Còn những ai chống Hồng-thiết giáo, đương nhiên trở thành giặc của đất nước, lão phu cần tru diệt. Vậy lão phu không thể trả ơn Vương-gia. Mong Vương-gia đừng buồn.
Khai-Quốc vương biết Nhật-Hồ nói gì rồi. Vương muốn y nói rõ hơn, để quần hùng kinh tởm y:
- Lão nhân! Tiểu bối tối tăm qúa, không hiểu tại sao: Ai chống Hồng-thiết giáo, lại trở thành giặc. Cần tru diệt?
Nhật-Hồ cười lớn:
- Dẽ hiểu qúa. Hồng-thiết giáo do thánh Mã-Mặc, Lệ-Anh lập ra, để phá bỏ bọn Thích đần độn, bọn Khổng hủ lậu, bọn Mạnh tham ăn. Hồng-thiết giáo phá bỏ tất cả những gì chúng xướng ra như từ-bi, bác ái, tam cương, ngũ thường. Vì vậy ai chống Hồng-thiết giáo sẽ bị coi như theo thằng Thích-Ca, thằng Khổng, thằng Mạnh cần tru diệt.
Lão chỉ vào đám đệ tử:
- Bây giờ lão phu cả gan xin Vương-gia cử ra ba người đấu với lão phu. Bằng như Hồng-thiết giáo thắng hai cuộc, võ lâm phải tôn lão lên làm vua. Còn ngược lại, Hồng-thiết giáo nguyện quy phục triều đình.
Khai-Quốc vương ung dung đáp:
- Giáo chủ muốn thế, tại hạ đành cam thất lễ. Không biết bên quý giáo, ai sẽ xuất trận đầu? Nhưng này thưa giáo chủ. Nếu giáo chủ muốn lên ngôi vua hay hưng thịnh quý giáo, cũng nên giải thích cho anh hùng Đại-Việt biết rằng quý giáo có phải do bọn Tống đưa lên ngôi vua hay không?
Nhật-Hồ lão nhân vuốt râu:
- Anh hùng thiên hạ, chỉ có Hồng-thiết giáo với phái Đông-a là chống ngoại xâm đến cùng. Vương gia không lẽ không biết điều đó?
Khai-Quốc vương chỉ Đỗ Xích-Thập:
- Thế tại sao trong quý giáo lại có một trưởng lão lĩnh ấn phong hầu của Tống triều. Xin giáo chủ dạy cho một lời.
Tự-An thêm vào:
- Tại hạ cũng chờ giáo chủ minh xác rồi mới quyết định ủng Lý hay ủng Nhật-Hồ.
Nhật-Hồ lão nhân nghĩ nhanh:
- Tên này muốn ta giết bọn trưởng lão gian tế của Tống, chính điều ta cầu mà không được. Huống hồ diệt mấy tên trưởng lão già nua, vô dụng để được phái Đông-a, còn gì hay hơn.
Lão đưa mắt nhìn Xích-Thập:
- Người phải chứng minh rằng không làm gian tế cho Tống ngay. Bằng không sẽ nguy lắm đấy.
Đỗ Xích-Thập nghe Nhật-Hồ nói; cảm thấy lạnh gáy, y chỉ tay vào mặt Tự-An:
- Tên nhà quê kia! Mi không đủ tư cách bàn việc nội bộ của Hồng thiết giáo. Xuống đài ngay. Từ lúc đến đây, tên ôn con Tự-Mai đã làm ta muốn điên tiết lên rồi. Mi không xuống đài, đừng trách ta.
Quảng trường có tới mấy vạn người, khi nghe Xích-Thập nói câu đó đều nín thở, rùng mình, kinh khủng. Vì võ lâm Đại-Việt có hai môn phái hùng mạnh cực kỳ là Tiêu-sơn với Đông-a. Tiêu-sơn do Bồ-tát Minh-Không làm chưởng môn, dù người nào phạm vào phái này, với lòng từ bi hỉ xả, ngài bỏ qua. Nhưng phái Đông-a lại khác. Thiên-trường ngũ kiệt lòng dạ như biển, ai nhờ gì cũng xả thân ra giúp. Ngược lại ai xâm phạm vào họ, e khó sống được dưới trần gian.
Tự-An nhìn Xích-Thập với con mắt khinh bỉ:
- Quân mặt dầy. Mi không có nước, mà còn mưu bán nước. Mi không đủ tư cách nói truyện với ta.
Xích-Thập vung tay phát chiêu Ác-ngưu nan độ tấn công Tự-An. Y biết, võ công Tự-An cao thâm không biết đâu mà lường, nên y vận đủ mười thành công lực. Công lực y cực kỳ thâm hậu nên kình phong ào ào ập xuống.
Tự-An xuất chiêu Đông-a chưởng pháp Đông-hải lưu phong đánh thẳng vào người y. Bình một tiếng, đài rung rinh như muốn muốn sập. Tự-An cảm thấy khí huyết đảo lộn, trong khi Xích-Thập lùi liền ba bước, tai y kêu lên những tiếng vo vo không ngừng.
Khai-Quốc vương nói lớn:
- Trận thứ nhất võ lâm Đại-Việt đấu với Hồng-thiết giáo.

Hồi trước Hồi sau

Bán sạc cáp, linh kiện máy tính
Anh em cùng cài Pi Network đào tiền ảo nhé, nhập mã mời "kiemhieptruyen" lấy ngay 1 Pi.
Trước khi thanh toán tiền mua hàng thì nhấn hộ dùm mình link nầy nhé: shopee ở đây còn lazada ở đây.