Bàn về Tam Quốc - Hồi 07

Bàn về Tam Quốc - Hồi 07

Chiến tranh Viên Tào

Ngày đăng: 23-02-2017
Tổng cộng 16 hồi
Đánh giá: 8.4/10 với 48848 lượt xem

Sách Tam Quốc Chí Ngụy Vũ Đế bản ký chép:
Đời vua Hoàn Đế, sao Hoàng tinh mọc sáng giữa ranh giới hai nước Tống, Sở. Ân Quỳ, một nhà thiên văn ở đất Liêu Đông đoán rằng: năm mươi năm về sau tất sẽ có chân nhân khởi nghiệp tại vùng Lương Bái, sức mạnh như sấm sét. Quả nhiên đúng 50 năm, thì Tào phá Viên Thiệu, thế lớn chẳng ai bằng.
Những lời ghi chép trên đây chứng tỏ đương thời rất coi trọng cuộc chiến tranh Viên Thiệu-Tào Tháo, dân đoán đó là một trận đánh quyết định cục diện chính trị lúc bấy giờ.
Tháo cướp đoạt chính quyền Trung Ương, chiếm lãnh toàn bộ khu vực Trung nguyên, các lực lượng đối lập đều bị đè bẹp chỉ duy Viên Thiệu là kẻ địch lớn của Tháo mà thôi. Viên Thiệu chẳng những đất rộng binh cường, danh vọng trong xã hội lại rất cao nữa.
Có thể nói, trước trận Quan Độ, thiên hạ còn trong tay Viên Thiệu. Nhưng sau trận Quan Độ, thiên hạ chuyển về tay Tào Tháo.
Sự thất bại của Viên Thiệu được hậu thế nhìn nhận như thế nào? Trước đó người ta thấy nhiều luồng dư luận khác nhau, hết thẩy đều chê Thiệu, hoặc nhẹ hơn thì ngậm ngùi đổ thừa cho số phận. Đặc biệt Tam Quốc Chí diễn nghĩa, nhà văn La Quán Trung cũng muốn tạo tính điển hình cho một nhân vật tiểu thuyết nên Viên Thiệu đã phải chịu những phê phán cực nghiêm khắc. Qua ngọn bút La Quán Trung, Viên Thiệu không khác gì một con khỉ, càng trèo cao càng khiến cho người ta trông thấy cái đít đỏ của nó.
Viên Thiệu dưới mắt La Quán Trung
Viên Thiệu là một nhà chính trị bất tài, múa rối và ngu xuẩn. Viên Thiệu không có lấy một đức tính nào tốt cần thiết cho địa vị lãnh đạo đoạt Ký Châu, Thiệu chỉ nhằm vơ vét của cải mà không biết thu dụng những tài năng. Tuân Úc, người mưu sĩ lỗi lạc của Tào Tháo, đã từng ở bên cạnh Thiệu. Vì trông rõ tác phong thấp hèn của Thiệu nên sớm bỏ sang bên Tào Tháo. Trong một cuộc đàm thoại với Tào Tháo, Úc nhận thấy Thiệu như sau:
a)  Ngoài mặt thì bao dung nhưng lòng lại đố kỵ.
b)  Do dự không quyết đoán để hỏng việc về sau.
c)  Trị quân lỏng lẻo, chấp lệnh không nghiêm, quân nhiều mà vô dụng.
d)  Cậy là kẻ quyền uy, chuộng hư danh nên chỉ có những kẻ hẹp hòi, thấy lợi thì giúp phụng.
Đại kế chính trị của Viên Thiệu lẽ ra là phải nghênh giá Hiến Đế tại Nghiệp quận. Bằng căn cứ rộng lớn, quân số trăm vạn, nếu Thiệu biết nghe lời Thư Thụ, sớm mượn ngay danh nghĩa Thiên Tử sai khiến khắp chư hầu thì đâu đến nỗi gia phá mạng vong. Thư Thụ khuyên Thiệu: “Ví như không biết tính sớm, tất có kẻ làm trước ta, quyền chỉ đến từng cơ hội. Tướng Công cần phải làm tấn tốc”. Nhưng Thiệu cứ dùng dằng, đến lúc Tào Tháo nhanh chân Thiệu mới quyết định thì đã muộn.
Về quân sự, Viên Thiệu hoàn toàn dốt nát. Chiến dịch Quan Độ, trên tương quan lực lượng, binh Thiệu ở ưu thế tuyệt đối, quân số gấp mười binh Tào, lương thảo đầy đủ hơn Tháo bội phần. Thế mà chỉ vì 5,000 kỳ binh của Tào Tháo, khiến toàn bộ lực lượng Thiệu tan tác như hoa rơi, bình vỡ. Trước hết Tào Tháo giải quyết hai võ tướng ưu tú của Thiệu là Nhan Lương, Văn Xú sau rồi mới dẫn binh tới Quan Độ. Ở Quan Độ, Tháo phân hóa hàng ngũ Thiệu, phân thế lực Thiệu rồi đánh tấp vào chỗ yếu nhất là kho lương Ô Sào. Thiệu thua trận là tại Thiệu không biết nghe lời Điền Phong chủ trương chiến tranh lâu dài với Tháo.
Nhưng cái nguyên nhân to tát nhất tạo ra thất bại ê chề của Thiệu dưới mắt tác giả Tam Quốc Chí diễn nghĩa là:
Thiệu không có tư cách lãnh tụ để sử dụng nhân tài và ứng phó biến chuyển.
Mưu sĩ Điền Phong ở Quan Độ nói với Thiệu rằng: “Tào Tháo tài dùng binh, quân lực Tào tuy ít ta chớ nên khinh địch, chẳng bằng hãy giữ thế lâu dài. Tướng quân hiện có bờ cõi chắc chắn, dân chúng bốn châu đông đúc, bên ngoài nên kết nạp anh hùng, bên trong nên phát động nông chiến. Kéo dài chiến tranh để làm giảm nhuệ khí quân Tào rồi ta phân kỳ binh, tìm chỗ yếu mà đánh. Tào mà cứu bên tả thì ta đánh riết bên hữu, Tào cứu phía hữu thì ta đánh riết phía tả, khiến địch quân vất vả khó nhọc. Chắc trong vòng hai năm phần thắng phải về tay ta.
Ngoài ra Viên Thiệu thêm tật kiêu. Trước thời cục nguy ngập, bao giờ Thiệu cũng cho chỉ có mình cứu nổi tình thế. Tự kiêu, tự đại, tự mãn. Thiệu trở thành con người không thèm nghĩ điều hay lẽ phải. Mỗi ngày mỗi ngu tối, Thiệu như người sa chân xuống vũng lầy.
Lật lại chiến dịch Quan Độ - Xét lại trường hợp Viên Thiệu
Đọc Tam Quốc Chí diễn nghĩa mọi người thường nghĩ giống nhau trên một điểm: “Chê trách Viên Thiệu đất lớn, binh mạnh mà không sớm biết giành thiên hạ, ngay khi Tào Tháo còn chưa bình định xong Hà Nam, lại ngồi nhìn Tào Tháo phá Đào Khiêm, hạ Lã Bố, thâu tóm Lưu Bị, đánh đuổi Viên Thuật, chiếm quyền Lạc Dương rồi mới phát động chiến tranh với Tháo là một đường lối chính trị “trông đợi” đại bại.
Ông Mao tôn Cương bình luận chiến tranh Viên, Tào viết:
- Lúc Tháo đang đánh Lã Bố, Thiệu có thể đánh úp Hứa Đô mà không đánh là một điều lầm lỡ. Lúc Tháo đang đánh Lưu Bị, Thiệu cũng có thể giốc lực đánh úp Hứa Đô mà Thiệu cũng không làm là hai điều lỡ. Lã Bố thua rồi, Lưu Bị chạy rồi Thiệu mới đánh Tào thì đã muộn quá lắm. Quân đội ở Quan Độ lẽ ra Thiệu phải chia hai mặt, một chống ở tiền tuyến, một đánh thẳng vào hậu phương của Tào Tháo mà Thiệu không làm là ba điều lỡ.
Sự thực, biến cố chính trị không có tính cách một chiều như những lời phê phán kể trên.
Nói đến chiến tranh thì trước hết phải ổn định được nội bộ, phải có một phương an toàn, giàu mạnh đã. Phê phán chiến tranh Viên, Tào ta đừng nên quên những mối lo nội bộ của mỗi bên. Chiếu theo niên lịch nhà Hán thì Viên Thiệu mãi tới năm Kiến An thứ 4 tháng 3 mới giải quyết xong Công tôn Toản, trong khi Tào Tháo đánh bại Lã Bố từ mùa đông năm Kiến An thứ 3. Đến mùa xuân năm Kiến An thứ 4 quan Thái Thú đất Hà Nội là Trương Dương bị bộ hạ là Trương Xú giết chết.
Trương Xú lại bị Khuê Cố hại, Cố quy thuận Viên Thiệu. Tào Tháo liền khởi binh đánh Khuê Cố, tháng tám năm ấy Tào Tháo tiến binh đến Lê Dương đồng thời chia quân phòng thủ Quan Độ, thế lực lan rộng đến Hà Bắc.
Bên Viên Thiệu, sau khi diệt Công tôn Toản, Thiệu bèn phái con trưởng là Viên Đàm giữ Thanh Châu, con thứ là Viên Hy giữ U Châu, và cháu ngoại là Cao Cán giữ Tinh Châu. Bố trí như vậy không đến nỗi chậm.
- Còn bảo Viên Thiệu ngồi chờ Tào Tháo vào Trung Ương dùng Thiên Tử sai chư hầu thì không đúng. Bởi vì, ngay khi Tào Tháo thiên Hiến Đế về Hứa Đô, Thiệu đã từng đem quân lực uy hiếp Tháo buộc phải đưa vua tới Yên Thành, thành này thuộc phạm vi thế lực Thiệu. Thiệu vốn vẫn chủ trương không nhận Hiến Đế. Hành động này chứng tỏ Thiệu không phải là con người chậm chạp xoay chuyển lập trường để ứng phó với tình hình thực tiễn. Tháo dĩ nhiên không nghe, lẽ ra chiến tranh Viên Thiệu bùng nổ ngay từ lúc ấy, nhưng nội bộ Thiệu lủng củng ở vùng Hà Bắc nên Thiệu đành bỏ qua để cho Tào Tháo thắng mình một bước. Hơn nữa nghênh giá hay không nghênh giá chẳng có liên quan chi đến sự thất bại của Viên Thiệu là mấy. Vậy không thể trách Thiệu là thất sách trên vấn đề tranh thủ “oai vua” được.
Bên Tào Tháo, thời gian đó không phải đã hoàn toàn rảnh tay, mối lo của Tào Tháo là bọn Trương Tú ở Nhương huyện. Địa thế Trương Tú mặc dầu phía Nam có thể liên kết với Lưu Biểu nhờ tiếp tế, nhưng Trương Tú nghe lời Giả Hủ đầu hàng Tào Tháo. Sở dĩ Giả Hủ khuyên Tú theo Tào vì hai lẽ:
1)  Thế của Tú khó thắng nổi Tào, Viên Thiệu thì ở xa, Lưu Biểu thì chỉ muốn nhàn không muốn động.
2)  Hủ cũng như các phần tử trí thức tiến bộ khác, bênh vực sự an toàn của đại cục, đấu tranh cho khuynh hướng thống nhất.
Trương Tú về với Tào Tháo tháng mưới một năm Kiến An thứ 4 thì tháng 12 Tào Tháo tiến binh tới Quan Độ. Nhưng vì Trương Tú lại nổi dậy, thành thử việc chiến tranh với Viên Thiệu đành phải dời sang một ngày khác. Giữa lúc Thiệu Tháo bắt đầu gay go, Trương Tú dấy binh, Tào Tháo tấn công Tú thì Viên Thiệu cũng ngọ nguậy. Lưu Bị nhanh chân xin Tháo cho đi đánh Viên Thuật, chẹn không cho Thuật liên minh với Thiệu.
Viên Thuật bấy giờ ở Hoài Nam, vì hoang dâm vô độ, khiến cho dân cùng tài tận, tự biết khó lòng đứng vững nên có ý đầu hàng Viên Thiệu. Tháo được tin liền phái Lưu Bị đem binh đi phá cuộc liên minh này. Lưu Bị thi hành xong sứ mạng, hiểu rằng không thể quay về với Tháo, liền đấy âm mưu chiếu chỉ bị lộ. Lưu Bị liền giết quan Thái thú Từ Châu là Xa Trụ rồi dồn quân đến Tiểu Bái, ra mặt chống Tào Tháo. Tháo sai Lưu Đại và Vương Trung đánh Bị đều bị Huyền Đức đánh bại.
Tháo sợ Lưu Huyền Đức mọc vây mọc cánh bèn quyết định động chinh diệt Lưu Bị. Việc này sách Tam Quốc Chí Ngụy Vũ Đế bản ký chép như sau:
Các Tướng nói: Người tranh thiên hạ với Ngài (chỉ Tào Tháo) là Viên Thiệu, nay Thiệu mới đến mà bỏ sang Đông, nhỡ Thiệu đánh vào phía sau thì làm thế nào? Tháo nói: Lưu Bị là nhân kiệt, Viên Thiệu tuy có đại chí nhưng xét việc chậm chắc không động ngay đâu.
Thiên Viên Thiệu truyện kể: “khi Tào Tháo đánh Lưu Bị, Điền Phong khuyên Viên Thiệu đánh úp phía sau Tháo. Thiệu nói: “Con ta mắc bệnh không lòng nào tính việc can qua”. Điền Phong ra ngoài lấy gậy đập xuống đất than rằng: “Chỉ vì đứa trẻ mà lỡ việc lớn”.
Những ghi chép trên đây chẳng qua chỉ là những lời phụ hội. Tháo giỏi dùng binh, hậu phương quyết nhiên không bỏ ngỏ, hơn nữa binh lực dồi dào, Tháo chắc đã giữ cẩn thận. Thêm nữa, căn cứ của Thiệu ở mãi tận Hà Bắc, muốn đánh úp Hứa Xương, trước phải vượt qua sông Hoàng Hà, khỏi Hoàng Hà còn phải đi hàng mấy trăm dặm nữa. Không thể chỉ trong vòng mười ngày mà có thể khắc phục nổi khoảng hành quân dài như thế. Bảo đem khinh binh mà đánh ư? Chống sao lại với lực lượng phòng thủ của Tào ở Hứa Đô. Còn lực lượng Lưu Bị thì rất có hạn, không đủ khả năng khiến chế quân Tào lâu được. Cho nên sự mong mỏi chính của Lưu Bị chỉ là chờ cho Viên Tào đánh nhau, rồi đứng đằng sau quấy rối mà thủ lợi. Cả Thiệu lẫn Tháo đều rõ điều này. Tháo sở dĩ tấn công Lưu Bị cũng là tại đã biết tinh tướng Lưu Bị. Tào Tháo không sợ chạm trán riêng với Lưu Bị, nhưng Tháo sợ Lưu Bị sẽ phá rối hậu phương giữa lúc chiến tranh với Thiệu bùng nổ.
Đụng độ, tự nhiên người thua là Lưu Bị, Lưu Bị chạy sang nương nhờ Viên Thiệu.
Ngoài ra có một yếu tố khác, nhiều người đọc Tam Quốc không lưu ý là: Tập đoàn vũ trang ở vùng núi Thái Sơn do Tang Bá cầm đầu. Bá trước kia phục tùng Lã Bố. Tháo đánh bại Lã Bố, chiêu hàng Tang Bá, rồi giao cho Tang Bá cai quản hai châu Thanh, Từ. Ở đây, Tang Bá có đủ lực để khiến chế Viên Thiệu cho nên Tào Tháo không sợ Thiệu tấn công mình từ mặt Bắc Sơn Đông, Tang Bá cũng có thể làm loạn ngay trong đất Hà Bắc của Thiệu.
Đến lúc vấn đề bình định nội bộ đã tạm xong. Thế là đã đến giờ phút tử chiến giữa Thiệu và Tào Tháo, vì tình trạng dằng co không cho kéo dài hơn được nữa, chiến tranh Viên Tào bùng nổ thực sự. Mở đầu là:
Tháng hai năm Kiến An thứ 5, Viên Thiệu phái Nhan Lương tấn công Bạch Hà thành thuộc Đông Quận của quan Thái Thú Lưu Diện còn Thiệu tự mình mang đại binh tới Lạc Dương. Tháng 4, Tào Tháo thống lĩnh binh đội đi cứu Lưu Diện, Tuân Du thấy Thiệu quân nhiều nên khuyên Tháo chuyển quân về hướng Tây thẳng đường Diên Tân giả vờ úp hậu phương của Thiệu. Quả nhiên Thiệu chia quân chống giữ mặt Tây. Tháo rút binh thật mau. Mặt khác lại sai Trương Liêu cùng Quan Công chặn đánh chém chết Nhan Lương. Tiếp luôn việc Thiệu qua sông. Lưu Bị cùng Văn Xú sang trước, Xú cũng bị Quan Công chém chết. Nhan Lương, Văn Xú hai danh tướng của Thiệu thất trận, làm cho thanh thế quân Tào vượt hẳn quân Thiệu. Tuy nhiên quân chủ lực của Viên Thiệu vẫn chưa hề hấn gì, cho nên thắng phụ còn phải đợi cuộc quyết chiến.
Tào Tháo thắng Nhan Lương, Văn Xú rồi, hồi binh về Quan Độ. Viên Thiệu tiến quân vào Dương Vũ, hai bên cầm cự nhau chẵn hai mươi tháng. Sau Viên Thiệu mới từ từ tiến binh, tựa vào các cồn cát mà đóng trại, suốt dọc từ Đông sang Tây trùng điệp ước mười mấy dặm. Tào Tháo chia quân chống giữ. Xuất binh quyết chiến thì thế của Tào Tháo hoàn toàn bất lợi. Viên Thiệu ồ ạt tấn công Quan Độ, trên đất đắp lũy, dưới sâu đào hầm. Thế trận Tào mười phần nguy cấp. Phòng thủ mặc dầu quân Tào Tháo còn đủ sức, nhưng lương thực đã cạn khó lòng giữ lâu đươc. Tào Tháo tính cách thoái về Hứa Đô, viết thư cho Tuân Úc thương nghị. Vấn đề thoái rút bây giờ thật trăm khó ngàn khó, chỉ hơi động bước là quân tình nao núng ngay và Thiệu sẽ đổ ra truy kích. Tuân Úc mới phúc đáp: “Ngài đem thế rất yếu đương đầu với thế rất mạnh, nếu không chế ngự nổi địch thì địch sẽ trùm lớp ta. Bây giờ chính là giờ phút phải dùng kỳ binh, xin đừng chậm trễ”.
Ý Tuân Úc là phải quyết chiến. Tình hình đã chống lại bất cứ một sự thoái rút nào. Không thoái rút được thì phải mạo hiểm. Mạo hiểm không có nghĩa là liều lĩnh, phiêu lưu, lao đầu vào chỗ chết mà phải tìm nhược điểm của địch mà đánh. Nhược điểm đó là vấn đề vận tải binh lương. Viên Thiệu có ước chừng hơn ngàn cỗ xe phụ trách việc này. Tào Tháo cho quân gắng sức đánh phá. Mặc dầu đốt khá nhiều, nhưng cũng không làm nổi quân Thiệu nao núng. Về sau mỗi lần đi tải lương, Thiệu đều có sai Thuần vu Quỳnh đi hộ tống, khiến cho kế hoạch đốt xe lương không thực hiện hiệu quả như trước. Tháo rất lo thì may thay:
Căn cứ sách Tam Quốc Chí thì Viên Thiệu có một mưu sĩ tên là Hứa Du, tính nết cực tham tiền, Thiệu không thỏa mãn được Du, Du chạy sang bên Tào, mang tin tức và bày mưu cho Tháo đánh Thuần vu Quỳnh ở chính kho chứa lương của quân Thiệu là Ô Sào.
Tháo, Tuấn Du, Giả Hủ tin theo bởi vì không còn đường nào khác hơn là nghe kế Hứa Du. Tháo liền tự mình dẫn năm ngàn bộ binh, người ngựa ngậm tăm đi đường tắt mà đến chỗ Thuần vu Quỳnh, Quỳnh thấy ít quân bèn xông ra bày thành trận thế tác chiến. Tháo hạ lệnh đánh gấp, giết chết Thuần vu Quỳnh. Ván bài Ô Sào đúng là ván bài cạn láng trong đời chính trị của Tào Tháo vậy.
Sách Tam Quốc Chí Ngụy Vũ Đế bản ký viết:
Trương Cáp nghe tin Tào Tháo công hãm Thuần vu Quỳnh nên chạy vào khuyên Thiệu nên đem ngay đại binh cứu Quỳnh. Nhưng mưu sĩ Quách Đồ gạt đi nói: “Cứu Quỳnh không bằng đánh thẳng vào chính doanh Tào Tháo”. Trương Cáp cãi nói: “Doanh trại Tào Tháo kiên cố, đánh chắc không xong”.
Viên Thiệu nghe lời Quách Đồ, không nghe Trương Cáp nên chỉ sai ít kỵ binh đến cứu Thuần vu Quỳnh và sai Trương Cáp, Cao Lãm lãnh đại binh tấn công doanh trại Tào Tháo. Quả nhiên doanh Tào không phá nổi, mà Thuần vu Quỳnh thì bị giết chết.
Quách Đồ thấy kế mình hỏng, xấu hổ nói với Thiệu rằng: “Trương Cáp nghe tin thất trận mừng lắm”. Cáp biết Đồ dèm mình cốt để che lỗi, lo sợ Thiệu sẽ vì lời Quách Đồ mà giết hại mình nên đem quân bản bộ tìm Tào Tháo đầu hàng.
Cũng ở trong một cuốn sách, mà chép chuyện trái ngược hẳn nhau, vậy thì những chuyện kể về Trương Cáp hàng Tháo cũng như về vụ cướp phá kho binh lương Ô Sào không có gì chứng thực là đúng cả.
Lấy lý luận mà suy, ta thấy rằng:
Nơi Thuần vu Quỳnh đóng trại, tức Ô Sào, chỉ cách xa đại doanh Viên Thiệu chừng 40 dặm. Nếu cứu mà kịp thì Viên Thiệu đâu đến nỗi quá ngu ngốc lại không cứu? Vả lại lực lượng Tào Tháo chỉ có 5.000 người, trong khi đó Thuần vu Quỳnh đã có 10.000. Lại thêm 5.000 kỵ binh mà Thiệu cho tiếp viện về sau, cộng tất cả là 15.000 người, so sánh gấp ba quân Tào. Còn một điều khác nữa là, quân Thiệu đâu phải ít, Thiệu có thừa khả năng vừa đánh doanh trại Tào, vừa cứu viện Ô Sào. Những sử liệu về trận Ô Sào rất lơ mơ nên sau này người ta không rõ sự thật Ô Sào thất thủ ra sao. Tuy nhiên, theo suy luận ta có thể quyết đoán rằng: “Ô Sào đã thua rất nhanh, nhanh hơn cả thời gian quân Thiệu vượt 40 dặm đến cứu viện. Lý do nào cho Tháo mức nhanh đó không rõ, kế Hứa Du hay một lối hành quân chớp nhoáng của Tháo? Sở dĩ Tháo chỉ dùng 5.000 quân vì dùng nhiều để (dễ?) lộ, lúc tin tức đến với Thiệu thì Ô Sào đã giải quyết xong. Việc sai Cao Lãm, Trương Cáp nhằm thẳng ngay trại Tào tấn công bất quá chỉ là đòn gỡ gượng ép mà thôi.
Lực lượng Viên Thiệu bị tiêu diệt ra sao?
Thuần vu Quỳnh bị giết rồi, Trương Cáp đầu hàng rồi. Căn cứ theo Tam Quốc Chí thì: Quân Viên Thiệu vì thế mà vỡ. Viên Thiệu và Viên Đàm bỏ quân mà chạy, Tào Tháo toàn thắng. Lý lẽ của sự bại đó đại khái là: Quân Viên Thiệu đồn trú lâu ngày nên nhuệ khí tiêu tán, lòng quân giao động nên đến nỗi chỉ vài trận nhỏ đã khiến cho Thiệu không gượng dậy nổi nữa.
Tào Tháo dùng kỳ binh đánh Thuần vu Quỳnh thật là cuộc hành quân vô cùng táo bạo. Tuy nhiên, dù sao trận Ô Sào cũng không chứng tỏ tài ba chiến lược của Tào Tháo được. Tài ba ấy chỉ nổi bật lên ở chỗ Tào Tháo dám đương đầu lâu dài với Viên Thiệu, để chờ nhuệ khí bên Thiệu nhụt đi. Tháo quả biết đến ruột gan Thiệu. Thắng bại trong chiến tranh tùy thuộc phía nào đứng vững lâu nhất.
Sách Tam Quốc Chí, chương Viên Thiệu truyện viết:
-  “Viên Thiệu khi chưa xuất binh, Điền Phong đã khuyên rằng: chia binh làm nhiều cánh, thừa chỗ yếu, chỗ trống, đánh tả, đánh hữu, sẽ khiến cho quân đội mệt nhọc mà dân chúng chẳng an cư. Chi bằng buộc Tào Tháo phải quyết phân thắng phụ trong một trận lớn”.
Viên Thiệu không nghe. Đến khi Nhan Lương, Văn Xú bị giết, Thư Thụ lại tâu với Thiệu: “Quân Bắc nhiều nhưng không giỏi bằng quân Nam. Quân Nam thiếu lương, tài lực không sung túc bằng quân Bắc. Thế tất quân Nam có nhu cầu tốc chiến, tốc quyết, ta sẽ không cho địch thỏa mãn nhu cầu ấy bằng cách áp dụng kế hoạch chiến tranh lâu dài”.
Viên Thiệu cũng không nghe.
Đọc đoạn trên Viên Thiệu rõ ràng là một anh chẳng biết thưởng thức kế sách quân cơ bao giờ. Đáng đánh mau, không đánh. Đáng đánh lâu dài lại không lâu dài.
Điểm này thật oan cho Thiệu, vì sách đã xuyên tạc. Đành rằng kế Điền Phong, Thiệu không dùng. Nhưng còn kế Thư Thụ thì Thiệu đâu có bỏ. Bằng cớ là: Thiệu với Tháo dàn quân từ tháng tư mà mãi đến tháng tám mới thực sự đánh nhau. Có lần Tào Tháo đã muốn rút quân vì hết lương ăn, cái thư Tháo viết cho Úc chính là kết quả của chiến lược lâu dài Thiệu đã áp dụng.
Thiệu thua bởi tại Tháo kiên cố quá. Khả năng kiên cố của Tháo, Thiệu lại không biết dốc toàn lực đánh quyết liệt mà chỉ đánh “rỉa” nên thua vậy.
Viên Thiệu thua, tình thế xoay chuyển hẳn. Trước đây Bắc khỏe Nam yếu, bây giờ Bắc yếu Nam khỏe.
Nhưng Thiệu cũng chưa đến nỗi yếu đến mức để Tháo có thể quét sạch một cách dễ dàng. Bởi vì sau khi thoát khỏi Quan Độ, mặc dầu bị Tào Tháo truy đuổi ráo riết, nhiều Quận Huyện tại vùng Ký Châu hàng Tào, nhưng Thiệu chỉ ít ngày sau đã chấn chỉnh đội ngũ để giành các Châu Quận bị chiếm, khiến Tào Tháo phải chùn không dám tiến vào sâu nữa.
Tháo vốn vẫn tinh lắm về vấn đề thôn tính, nay phải chùn, đủ rõ quân Thiệu còn khỏe lắm.
Nhưng tại sao lực lượng Thiệu về sau bị hoàn toàn tiêu diệt?
Lực lượng Thiệu bị tiêu diệt không vì thất bại quân sự mà hoàn toàn do tranh chấp chính trị nội bộ gây nên.
Sự tình như kể sau đây:
“Tào Tháo không tiến sâu lên Hà Bắc nữa, bèn hồi binh về Hứa Đô. Trên đường về vòng đánh xuống để giải quyết ung nhọt Lưu Bị. Bị phải chạy nương nhờ Lưu Biểu.
Mùa xuân năm Kiến An thứ 7, Tào Tháo lại xuất binh đến Quan Độ, đến tháng 5 thì Viên Thiệu bị bạo bệnh chết. Các thủ hạ của Thiệu chia làm hai phe. Phe ủng hộ Viên Thượng, phe ủng hộ Viên Đàm. Anh em họ Viên liên tục tương tranh. Tào Tháo định lợi dụng tấn công, nhưng lần này cũng uổng công vì anh em họ Viên lại đoàn kết. Năm Kiến An thứ 8, Tào Tháo tạm gác việc đánh Hà Bắc, trở về Hứa Đô và thu xếp chinh Nam phen nữa, đánh thẳng vào căn cứ của Lưu Biểu.
Viên Đàm, Viên Thượng thấy Tháo rút rồi lại quay ra đánh nhau. Kết cục Thượng thắng Đàm. Đàm sai người cầu cứu với Tào Tháo. Tháo mới nhân cơ hội hiếm có này, quay binh trực chỉ Hà Bắc đánh Viên Thượng tại Nghiệp thành. Lúc này vào năm Kiến An thứ 9, đánh từ tháng hai đến tháng chín thì Thượng thua, bỏ thành chạy vào rừng. Viên Đàm nhờ Tháo chiếm lại Đông Quận thuộc Ký Châu làm bàn đạp tấn công Viên Thượng. Thượng lại phải chạy đến nương nhờ Viên Hy.
Năm Kiến An thứ 10, Tào Tháo tìm cớ triệt hạ Viên Đàm rồi tiến lên giải quyết nốt căn cứ của Viên Hy. Hy, Thượng thua, lên ẩn náu với bộ lạc Ô Hoàn. Đương đầu với Ô Hoàn mãi không xong, vì quân Ô Hoàn là Sơn Tặc với chiến thuật Du kích đánh rừng khiến Tào Tháo thiệt hại vô kể. Sau nhờ kế hoạch Điền Trù, quân Ô Hoàn mới chịu thua. Thượng và Hy lại đào tẩu lên Liêu Đông ở với Thái Thú Công Tôn Khang. Các mưu sĩ của Tháo khuyên Tháo đánh Liêu Đông, Tháo cười mà rằng: quân ta đã mệt mỏi phải cho nghỉ ngơi, chờ Khang với anh em họ Viên thanh toán nhau lúc đó ta ra tay chắc dễ dàng. Quả nhiên ít lâu sau, Khang cho người về gửi biếu Tháo hai chiếc thủ cấp của Viên Thượng và Viên Hy. Đến đây vấn đề họ Viên và Hà Bắc mới giải quyết hẳn.
Điền Trù
Đọc Tam Quốc Chí diễn nghĩa, độc giả thường lưu ý đến Hứa Chử, Điển Vi, Mã Đại, Bàng Đức chỉ vì Hứa Chử xoay trần đánh Mã Siêu, Điển Vi liều mình cứu Tào Tháo. Mã Đại vâng lệnh cẩm nang chém Ngụy Diên, Bàng Đức quyết tử chiến với Quan Vũ. Nhưng hầu hết đều quên một nhân vật: Điền Trù. Trong khi Điền Trù lại là người mang những ảnh hưởng to tát đến chính trị Tam Quốc chẳng kém gì Tào Tháo, Khổng Minh, Lưu Bị, Tư Mã Ý hay Đặng Ngải, Chung Hội.
Sở dĩ Điền Trù bị bỏ quên là tại độc giả chú trọng nhiều đến những âm mưu chính trị, những mưu mẹo chiến trận mà không ngó ngàng mấy đến những đại kế của thời đại. Đọc Tam Quốc Chí diễn nghĩa ai cũng nặng về tâm lý truyền kỳ hơn là tìm hiểu lịch sử.
Điền Trù tuy không đánh trận chém tướng như Quan Vũ, Triệu Vân, Mã Siêu, tuy không bỏ vua lập vua, bàn mưu tính kế như Tào Tháo, Khổng Minh, Giả Hủ, Tuân Úc. Nhưng ông vẫn đáng kể là một trong những người trọng yếu nhất của thời đại Tam Quốc.
Trù nguyên quán Bắc Bình, sinh nhằm cuối đời Hán. Ông rất chăm đọc sách, luyện kiếm. Năm đầu Bình Nguyên, Điền Trù mới 24 tuổi, Đổng Trác ăn hiếp vua Hiến Đế ở Tràng An, thiên hạ loạn lạc, ông ra giúp việc cho Lưu Ngu. Ít lâu sau Điền Trù được vời về Tràng An làm việc. Khi trở lại quê nhà thì tình trạng đã đổi thay, Công Tôn Toản làm phản, chiếm địa vị của Lưu Ngu. Trù chống lại Toản, nhất định không chịu cộng tác.  Cảm thấy khó yên thân với Toản, Điền Trù đem theo hơn trăm gia nhân chạy ẩn lên vùng núi Từ Vô. Tại đây ông lập kế hoạch khai phá đất hoang. Dân chúng quy tụ mỗi ngày mỗi đông.
Rút  kinh nghiệm cuộc khai phá này, Điền Trù phát hiện ra chính sách đồn điền để phát triển thế lực Trung Quốc ở các vùng biên duyên.
Vùng ông khai phá người đương thời gọi là tiên cảnh, ở đấy xã hội sống hoàn toàn trật tự, lễ nghĩa và sung túc.
Viên Thiệu sai người đến vời, Trù từ chối. Thiệu chết, Viên Thượng lại vời, Trù vẫn khước từ. Đến lúc Tào Tháo Bắc chinh Ô Hoàn liền cho triệu, thì ông nhận lời ngay. Môn nhân hỏi ông rằng: “Cớ sao lần trước cha con họ Viên mời ông không nhận, nay lại ra giúp Tào Tháo?” Điền Trù đáp: “Đó là điều mà có giải thích ra các ông cũng chưa ý thức ngay được”. Sau khi đàm luận với Tháo, Trù được Tháo coi như làm cố vấn. Cố vấn cho họ Tào, Điền Trù lập lại kế lớn là:
a)  Khuyên Tào Tháo đánh Ô Hoàn từ mạn Lư Long.
b)  Áp dụng chính sách đồn điền.
Tào Tháo nghe, quả nhiên thắng lợi to.
Chính sách đồn điền là gì?
Ngược dòng sử, quay về đời Tây Chu,  ta thấy Tây Chu vốn là một bộ tộc nông canh đã đánh bại Ân triều và mở  rộng bờ cõi. Tây Chu sở dĩ thắng lợi là nhờ ở một chính sách nông nghiệp tiến bộ. Tây Chu tổ chức nhiều tập đoàn vũ trang đi giồng cấy để vừa tấn công vừa chiếm đất cư ngụ, khai điền phá mương, vừa mở rộng thế lực quân sự, vừa phát triển thế lực chính trị và văn hóa. Vừa đánh nhau vừa tự cung tự cấp. Điền Trù đặt tên cho chính sách ấy là chính sách đồn điền. Kèm theo nhiều kinh nghiệm cùng hiểu biết của ông về địa lý, Điền Trù đã đem lại cho Tào Tháo một kế hoạch phá Ô Hoàn rất tinh vi.
Kế hoạch của Điền Trù đã giải quyết cho Tào Tháo hai nỗi khó khăn:
Thứ nhất: tiêu diệt lối đánh du kích của dân tộc du mục sơn dã Ô Hoàn luôn luôn làm tổn hại lớn cho lực lượng Tào Tháo. Tháo y theo kế hoạch, cũng cho tổ chức những tập đoàn võ trang khẩn thực, mang nhiệm vụ đồn trú thường kỳ, một mặt đánh giặc, một mặt vỡ hoang xây dựng kinh tế nông nghiệp tiêu diệt du mục. Đi đến đâu, các tập đoàn võ trang khẩn thực đều vượt đất thành làng, đắp hào đắp lũy án ngữ ngay các cứ điểm quân sự để dồn quân Ô Hoàn vào thế bất lợi.
Thứ hai: Giải quyết vấn đề lương thực cho quân Tào chống lại với tình trạng kinh tế nông nghiệp theo chế độ bộ khúc, sản phẩm của loạn ly liên tiếp lúc bấy giờ.
Thấy công lao Điền Trù to tát, Tào Tháo muốn phong tước cho ông, ông không nhận, xin trở về nơi “thế ngoại đào nguyên” của ông để vui thú tiêu dao. Ông mất năm 46 tuổi. Sau này nhà thơ Đào uyên Minh có nhắc đến ông trong 2 câu:
-  Văn hữu Điền tử xuân
-  Tiết nghĩa vi sĩ hùng.

Hồi trước Hồi sau

Bán sạc cáp, linh kiện máy tính
Anh em cùng cài Pi Network đào tiền ảo nhé, nhập mã mời "kiemhieptruyen" lấy ngay 1 Pi.
Trước khi thanh toán tiền mua hàng thì nhấn hộ dùm mình link nầy nhé: shopee ở đây còn lazada ở đây.