Hắc Thánh thần tiêu - Hồi 094

Hắc Thánh thần tiêu - Hồi 094

Dừng chân trấn nhỏ

Ngày đăng: 27-02-2012
Tổng cộng 156 hồi
Đánh giá: 8.7/10 với 2619971 lượt xem

Bị Bạch Thiếu Huy chưởng phong đánh bay phấn thuốc mê hồn, lão đó kinh hãi, vội buông chèo, nhảy xuống dòng sông.
Nhưng lão quên rằng có con Tiểu Bạch trên thuyền, lão nhanh nhưng con Tiểu Bạch còn nhanh hơn lão một phần, nó phóng mình theo, ngoạm trúng đùi tả của lão.
Lão đò càng hoang mang hơn, cố gượng đau, nhào luôn xuống nước. Nếu lão lặn trong nước con Tiểu Bạch sẽ buông tha lão ngay, ý lão như thế.
Khi Phạm Thù đáp xuống lái thuyền thì lão đó đã chìm lỉm trong nước. Nơi lão nhảy xuống bọt nước chưa tan. Những vòng nước tròn tròn thuận theo dòng nước trôi đi, nhưng không rõ lão lội xuôi ngược hoặc giả rẽ vào bờ.
Thuyền không chèo, quay quay, trôi theo dòng sông, may lúc đó chẳng có sóng to nên không lật úp, tuy nhiên vẫn trôi tròng trành. Phạm Thù cấp tốc vớ tay chèo nhưng hắn nào có biết chèo, vì quýnh quáng mà với lấy, chứ có biết gay, biết nạy như thế nào để giữ thuyền cho vững?
Bạch Thiếu Huy cũng đáp xuống một lượt với hắn, thấy thế liền bước tới, mỉm cười :
- Nhường tay chèo cho ngu huynh đi!
Phạm Thù trố mắt :
- Đại ca biết chèo? Tập lúc nào thế?
Bạch Thiếu Huy cầm tay chèo, nạy mấy cái cho thuyền chong mũi vào bờ, cười nhẹ thốt :
- Nào ngu huynh có tập lúc nào? Bất quá chỉ thử lái thuyền một vài lần lúc nhỏ. Rất may, thuyền không xa bờ lắm!
Rồi chàng cố gắng đưa thuyền vào bờ.
Đột nhiên, nước từ đáy sông xịt lên ùng ục, lão đò nhô đầu lên, bơi theo phía sau.
Phạm Thù chỉ tay thẳng vào mặt lão, gọi Bạch Thiếu Huy :
- Đại ca xem kìa, lão ấy còn chưa ngán, còn lội theo đấy!
Bạch Thiếu Huy cứ nạy mái chèo, không buồn nhìn về phía hậu :
- Lão ấy, bất quá là một tay sai hạ cấp, chẳng xứng đáng gì cho chúng ta phải lưu ý. Để mặc lão.
Không bao lâu, thuyền cặp bờ đối diện.
Cả hai dắt ngựa, dắt chó lên đất liền, đứng nhìn ra xa, thấy núi non trập trùng, đỉnh cao, đỉnh thấp bất đồng nối dài thành một dãy vô tận.
Họ đã đến vùng Đại Ba sơn.
Phạm Thù mở dây, cho con Tiểu Bạch được tự do, nó vọt tới trước liền, mũi hỉnh hỉnh theo dọc đường. Còn hắn và Bạch Thiếu Huy lên ngựa, chạy theo sau.
Cả hai dò theo hướng Đông, đi mãi, ngày đi, đêm tìm nơi tá túc, một ngày qua, hai ngày qua, đến ngày thứ ba, họ đến một tiểu trấn, không rõ trấn đó tên gì, nơi đó có một khách điếm, bảng hiệu: Xuyên Tâm khách điếm...
Địa điểm của khách điếm khá đẹp, đối diện với mười hai ngọn núi thuộc dãy Vu Sơn.
Trong ba ngày qua, họ đã vượt hơn tám trăm dặm đường, vẫn không tìm ra một dấu vết nhỏ nào của tên tặc tử và Hương Hương.
Họ dừng chân tại tiểu trấn, nhưng không vào khách điếm Xuyên Tâm, chỉ đến một ngôi hàng quán nhỏ, gọi mấy thức ăn lót dạ rồi dắt Tiểu Bạch theo hướng Tây đi luôn.
Thời gian lúc đó vào hoàng hôn, họ không chịu nghỉ đêm tại trấn, định đi thẳng tới một hòn núi nhỏ phía trước mặt cách không xa lắm.
Lúc đó, mây đen theo gió lộng từ bốn phương kéo tới, giăng mắc khắp nơi, che kín cả nền trời, mây càng dày gió càng mạnh, một cơn mưa to sắp đổ xuống trần gian.
Dặm vắng đường dài, ngày tàn đêm xuống, ngang trời lại có mây vần, không gian gió lộng, trước cái cảnh gần như bão bùng, giông tố, lòng lữ khách cảm thấy phần nào xao động đến hãi hùng. Càng hãi hùng hơn nữa, trước mắt núi non ngăn trở, quanh mình hoang dã mông lung, gần không cây, xa không nhà, lui thì uổng phí công trình, tiến thì đêm về mưa đổ...
Nhưng lui thì cũng bị mưa, tiến cũng bị mưa, thà tiến còn hơn. Bạch Thiếu Huy và Phạm Thù theo chân con Tiểu Bạch chạy mãi.
Tiểu Bạch chạy nhanh, độ vài dặm đường, họ trông thấy một mái nhà tranh dựa ven rừng.
Không còn chọn lựa, họ gọi Tiểu Bạch rồi rẽ ngựa hướng về ngôi nhà đó.
Một ngôi nhà cô lập quanh vùng chẳng có một ngôi nhà nào khác, có vẻ bỏ hoang từ lâu.
Phạm Thù gọi Bạch Thiếu Huy :
- Đại ca! Rất có thể tặc tử đã ẩn trú trong ngôi nhà này!
Bạch Thiếu Huy gật đầu :
- Rất có thể hắn tạm thời dừng chân tại đây ngơi nghỉ, ngu huynh xem ngôi nhà này chẳng có kẻ ngụ cư, dù sao, ta cũng vào đấy xem có dấu vết gì hữu ích chăng. Hiền đệ hãy ở bên ngoài phòng thủ, ngu huynh vào trong đấy nhé!
Chàng vừa thốt đến đó, mấy giọt nước mát tạt vào chàng. Thì ra, mưa bắt đầu đổ, rồi sấm chớp sét nổ ầm ầm, vũ trụ như sắp vỡ tan dưới giông mưa to lớn.
Bạch Thiếu Huy không do dự nữa, vung tay đẩy chưởng bạt cánh cửa mở tung, nhảy vọt vào nhà.
Bên trong chẳng có vật gì cả, ngôi nhà trống trải lạ lùng, không khí hết sức ghê rợn trong bóng tối vừa âm u vừa lạnh.
Bạch Thiếu Huy thầm nghĩ :
- “Một ngôi nhà như thế này, chắc chắn là tặc tử không thể dùng làm nơi tạm trú được, trong khi hắn có Hương Hương bên cạnh, bởi họ nằm đâu?”
Mưa càng đổ ào ào, gió càng phút càng thổi vù vù, Bạch Thiếu Huy chán nản, trở ra ngoài, gọi Phạm Thù :
- Hiền đệ dắt ngựa và Tiểu Bạch vào đây trú mưa!
Phạm Thù vừa dắt thú tới vừa hỏi :
- Nhà không có người?
Bạch Thiếu Huy mỉm cười :
- Dù có thì chúng cũng đã đi rồi! Hiện tại, chẳng có ma nào trong nhà ấy cả!
Phạm Thù hằn học :
- Chúng ta đã vượt bao nhiêu ngày đường, không theo kịp hắn!
Một ánh chớp lóe lên, chiếu sáng cả khung trời, kế tiếp một tiếng nổ vang, chấn động cả không gian. Phạm Thù vừa đưa tay chụp vội chiếc cột, bỗng thấy một bóng người chạy nhanh dưới cơn mưa, về phía ngôi nhà.
Trong chớp mắt, bóng đó đã đến trước cửa nhà.
Phạm Thù thầm nghĩ :
- “Người này có lẽ lỡ độ đường như mình, nhân chớp sáng, trông thấy ngôi nhà, nên chạy bay đến, định trú mưa chắc”.
Người đó bước nhanh qua cửa, vừa giũ những hạt mưa trên y phục, vừa nhìn cả hai, lạnh lùng hỏi :
- Hai vị tên họ chi?
Vì bóng tối khá dày, Phạm Thù không trông rõ mặt mũi người đó ra sao, bất quá hắn chỉ thấy y cử động chân tay, tuy nhiên hắn nghi ngờ, tự hỏi :
- Y bao mặt? Tại sao mặt y đen quá như thế? Dù đêm tối thế nào, da mặt người cũng không đen như vậy. Tại sao y lại bao mặt? Y là ai?
Bạch Thiếu Huy không đáp, lại hỏi y :
- Các hạ là ai?
Người đó đứng lặng, ngoài cử động giũ nước mưa trên y phục, y trơ trơ như tượng trồng, gương mặt lạnh như tiền, y nhìn đối tượng, buông gọn :
- Theo dõi nhau đã ba ngày trời, lúc gặp nhau lại hỏi vớ vẩn thế à?
Bạch Thiếu Huy giật mình! Thế này nghĩa là gì?
Chàng nhìn thẳng vào mặt người đó, lại hỏi :
- Lão trượng có phải là Hoàng Phủ đại hiệp Chưởng môn nhân Bát Quái môn chăng?
Chàng đã nhận ra đối phương, cho nên chàng lấy làm lạ trước câu hỏi của lão.
Vì người đó bao mặt, cả hai không thể nhận được thần sắc như thế nào, chỉ thấy được đôi mắt sắc và lạnh.
Người đó trầm giọng :
- Đúng vậy! Lão phu là Hoàng Phủ Kính Đinh. Còn hai vị?
Bạch Thiếu Huy không giấu :
- Tại hạ là Bạch Thiếu Huy, còn thiếu niên kia là nghĩa đệ Phạm Thù.
Chừng như Hoàng Phủ Kính Đinh chưa hề nghe nói đến tên của họ, nên có ý khinh thường :
- Hai vị theo dõi lão phu suốt ba hôm rồi, do bản ý hay do lịnh của ai khác?
Bạch Thiếu Huy lắc đầu :
- Lão trượng lầm rồi!...
Hoàng Phủ Kính Đinh chận lại :
- Đừng! Không ai dối trá được với lão phu cả! Các vị theo dõi lão phu suốt ba hôm nay, tưởng lão phu không hay biết gì hay sao?
Bạch Thiếu Huy cười lạnh :
- Nếu anh em tại hạ cùng lão trượng đồng đi chung một con đường, kẻ trước người sau, bất quá thì là một cuộc tấu xảo, anh em tại hạ chẳng những không có ý theo dõi lão trượng, mà cũng chẳng tuân lịnh ai sai sử cả. Xin lão trượng đừng lầm!
Hoàng Phủ Kính Đinh khoát tay :
- Lão phu tưởng các vị nên tỏ thật đi, tỏ thật là có lợi hơn, lão phu không dư thời giờ nhiều cùng các vị tranh biện!
Phạm Thù đã sôi giận từ lâu, nhưng thấy Bạch Thiếu Huy điềm nhiên, hắn phải dằn lòng cười lạnh chen vào :
- Ai cần tranh biện với lão trượng? Chính lão trượng theo dõi anh em tại hạ, rồi trở lại cho người ta theo dõi mình! Không có thì giờ thì cứ đi lo việc của lão trượng, có ai cầm chân ở đây đâu?
Hoàng Phủ Kính Đinh phẫn nộ, quắc mắt sáng ngời, gằn giọng :
- Ngươi ăn nói với ai thế? Ngươi có biết là đang đối diện với ai đây chăng?
Phạm Thù bĩu môi :
- Đối diện với ai thì đã sao? Tại hạ chẳng bao giờ sợ oai của ai cả. Thiết tưởng nếu anh em tại hạ không mở cửa nhà lao, không giải huyệt cho lão trượng, thì giờ này lão trượng còn chờ cơm chực nước của Dương trang chủ!
Hoàng Phủ Kính Đinh giật mình, trầm ngâm một lúc, đoạn thốt :
- Phải! Nếu không có hai vị giải thoát cho, lão phu còn phải chịu tù lâu tại Dương gia trang, không biết đến bao giờ mới trông thấy ánh mặt trời! Chỉ vì việc đó, lão phu mới dầm mưa chạy theo hai vị hỏi cho rõ sự tình!
Hoàng Phủ Kính Đinh dừng lại một chút, rồi hỏi tiếp :
- Chẳng hay hai vị mạo hiểm vào tận thạch lao của họ Dương để làm gì?
Bạch Thiếu Huy đáp :
- Anh em tại hạ tìm một người.
Hoàng Phủ Kính Đinh lại hỏi :
- Ai thế? Rồi vì tìm một người nào đó trong thạch lao, các vị mới rong ruổi đường dài mấy hôm nay?
Bạch Thiếu Huy gật đầu :
- Đúng như lời lão trượng nói, vì tìm không gặp, nên anh em tại hạ phải bôn ba đến đây. Người đó, anh em tại hạ cũng chẳng rõ tánh danh thực sự là chi, người đó là một thiếu nữ, bị kẻ hung ác giết mẹ, rồi bắt luôn nàng mang đi mấy hôm nay, cứ theo sự dò xét của tại hạ, kẻ hung ác đã do hướng Đông thoát đi.
Phạm Thù tiếp nối :
- Anh em tại hạ từ Đồng Châu, theo đường bộ tiến tới, vì có sự ngộ nhận nên tạt vào Dương gia trang, nhờ đó mới có dịp giải cứu cho lão trượng!
Bạch Thiếu Huy mỉm cười :
- Chỉ vì chiếc quạt tai hại!
Rồi chàng thuật sơ lược tình hình cho Hoàng Phủ Kính Đinh hiểu, đại khái tại sao chàng lầm lẫn đến độ phải náo loạn Dương gia trang.
Hoàng Phủ Kính Đinh lắng nghe, chừng như lão hết sức chú ý đến vị công tử có chiếc Thiết phiến, lão trầm ngâm một lúc lâu, đoạn hỏi :
- Có đúng là chiếc quạt sắt không? Đó là một loại vũ khí đặc biệt, người sử dụng loại vũ khí đặc biệt, hẳn phải có một lai lịch đặc biệt, chẳng hay hình dáng của hắn như thế nào?
Bạch Thiếu Huy đáp :
- Cứ theo kết quả đã điều tra của tại hạ, người đó trạc hai mươi lăm tuổi, thường mặc chiếc áo dài màu xanh nhạt, gương mặt khôi ngô tuấn tú có vẻ phong lưu...
Hoàng Phủ Kính Đinh nóng nảy :
- Các vị có biết hắn đi về hướng nào chăng?
Bạch Thiếu Huy lắc đầu :
- Bọn tại hạ không thể hiểu được điều đó, bất quá tại hạ bằng vào khứu giác của con linh khuyển này mà đi như vậy đã ba hôm rồi.
Hoàng Phủ Kính Đinh lại trầm ngâm một lúc :
- Hai vị đã có cái ơn cứu mạng cho lão phu, không thể không lấy lời thành thật khuyến cáo các vị...
Bạch Thiếu Huy nhìn thẳng vào mặt lão :
- Lão trượng có điều chi dạy bảo, tại hạ thành kính chờ nghe!
Hoàng Phủ Kính Đinh hơi do dự một chút :
- Con đường trước mặt vô cùng hung hiểm, lão phu khuyên hai vị nen trở về, bỏ qua việc truy tầm người đó là hơn!
Bạch Thiếu Huy giật mình, trầm lặng suy tư qua lời nói của lão già họ Hoàng Phủ. Chàng luôn luôn dè dặt thận trọng, không biểu lộ thái độ quá vội vàng, nhưng bạn đồng hành của chàng là Phạm Thù lại nóng tính, hắn nghĩ gì là tỏ lộ liền, nghe lão già khuyên bỏ cuộc theo dõi tên tặc tử giả mạo Văn Hương giáo chủ, hắn bất mãn thốt :
- Anh em tại hạ là những phần tử trong võ lâm, hành đạo trên giang hồ, giúp yếu trừ mạnh, cứu nguy diệt bạo, tuy thiếu nữ đó không liên quan gì đến anh em tại hạ, nhưng giữa đường thấy sự bất bình, kẻ sĩ có bao giờ bỏ qua không ra tay giải cứu? Dù cho kẻ kia có ẩn nấp trong đầm rồng hang hổ, anh em tại hạ nhất định phải tìm đến tận nơi, trừng trị hắn mà cũng để cứu thiếu nữ!
Hoàng Phủ Kính Đinh thở dài :
- Lão phu dầm mưa mà đến, cốt ý khuyến cáo hai vị tỵ nguy, tìm an, cảm tình giữa nhau nếu còn hay dứt là tùy nơi hai vị. Nếu hai vị lui về, thì chúng ta còn cười vui với nhau trong những lần hậu hội, nếu hai vị cứ giữ ý chí tiếp tục theo dõi người đó, chúng ta sẽ trở thành đối lập trong những ngày sắp đến!
Thốt xong, lão quay mình bước ra ngoài cửa.
Bạch Thiếu Huy hiểu ngay lão già họ Hoàng Phủ có liên quan mật thiết với tên tặc tử cướp Hương Hương vội gọi to :
- Xin lão trượng dừng chân một chút!
Hoàng Phủ Kính Đinh không quay đầu lại, chừng như lão không nghe tiếng chàng gọi, cứ băng mình dưới cơn mưa như trút nước. Bóng lão khuất nhanh trong đêm tối.
Phạm Thù lấy làm lạ :
- Đại ca gọi lão lại làm gì?
Bạch Thiếu Huy nhìn ra ngoài trời, thong thả thốt :
- Ngu huynh ngờ là lão ấy biết rõ lai lịch tên tặc tử. Hoặc giả lão có liên quan mật thiết với hắn...
Phạm Thù giật mình :
- Thảo nào mà lão chẳng khuyến cáo mình nên trở về! Đúng lão ấy là đồng đảng của tên tặc tử rồi vậy!
Bạch Thiếu Huy trầm giọng :
- Tuy nhiên, rất có thể lão ấy có hảo ý đến đây cảnh cáo bọn mình. Lão ngại bọn mình không phải là địch thủ của tặc tử, lão muốn mình bỏ qua cuộc truy tầm, tránh cho mình cái thảm bại trong tay địch...
Phạm Thù hừ một tiếng :
- Hảo ý? Lão ấy hăm dọa mình đấy chứ, hảo ý gì?
Bạch Thiếu Huy giải thích :
- Hoàng Phủ Kính Đinh bị Nam Bắc bang chủ chế ngự, ký thác tại Dương gia trang, mình bất ngờ mà gặp, rồi giải cứu lão, lại tấu xảo làm sao mình đi cùng một con đường của lão thành ra lão nghi ngờ mình là người trong Nam Bắc bang, cố ý thả lão ra rồi âm thầm theo dõi lão, để biết căn cứ tổ chức trong đó có lão, và dĩ nhiên cũng có tên tặc tử. Vì lão chỉ nghi ngờ thôi, không quả quyết lắm, nên lão mới nhận mình là có thi ân với lão, lão tưởng nên dành một hảo ý cảnh cáo cho mình, cho lương tâm lão không thắc mắc.
Phạm Thù hằn học :
- Con người đa nghi quá! Người ta đã thành thật cứu nạn cho, lại còn không biết ơn, còn nghi kỵ! Nếu biết vậy, mình phóng thích họ làm gì?
Đột nhiên, con Tiểu Bạch gừ gừ mấy tiếng, nhảy vọt ra ngoài.
Nhanh như chớp, Bạch Thiếu Huy phi thân theo sát bên nó. Thân pháp đã nhanh, thủ pháp còn nhanh hơn, vừa thoát ra ngoài cửa chàng đưa tay hữu chụp tới trúng một người lôi vào nhà.
Người đó là một hán tử vận y phục chẹt màu xanh.
Phạm Thù vừa kinh hãi vừa thán phục Bạch Thiếu Huy, thầm nghĩ :
- Đại ca võ công cao, cơ trí lại linh mẫn, ta còn kém xa lắm!
Người áo xanh phẫn nộ, gằn giọng :
- Các ngươi có ý tứ gì lại bắt ta như thế?
Bạch Thiếu Huy lạnh lùng hỏi lại :
- Bằng hữu đến đây định làm gì?
Người áo xanh cố vùng vẫy nhưng không thoát khỏi sự kềm thúc của Bạch Thiếu Huy, hắn càng phẫn nộ :
- Mưa to gió lớn như thế, dù cho ai cũng vậy, đã lỡ độ đường tất phải tìm nơi ẩn trú, ta vào đây trú mưa, có gì lạ lắm đâu các ngươi lại hỏi lôi thôi? Thiết tưởng các ngươi không nên có hành động thô bạo với kẻ qua đường như thế này!
Bạch Thiếu Huy cười nhẹ :
- Buông bằng hữu ra thì dễ lắm. Nhưng buôn ra rồi, làm sao hỏi bằng hữu những điều cần hỏi? Có chắc gì bằng hữu chịu nói sự thật đâu? Trong tình thế này, bắt buộc tại hạ vô lễ với bằng hữu, nhưng chỉ trong thời gian thôi. Thời gian đó, dài hay ngắn là do bằng hữu.
Hán tử áo xanh nhìn chàng :
- Các ngươi là ai?
Bạch Thiếu Huy lạnh lùng :
- Hãy đáp những câu hỏi của tại hạ, đừng mở miệng hỏi tại hạ gì cả, bằng hữu không nên ngoan cố!
Hán tử gằn giọng :
- Ngươi muốn hỏi gì?
Bạch Thiếu Huy cười nhẹ :
- Câu thứ nhất đây: Bằng hữu đến đây làm gì?
Hán tử áo xanh bĩu môi :
- Ta đã nói rồi! Vì cơn mưa mà đến!
Phạm Thù gằn giọng :
- Ngươi lại toan dở thái độ ngoan cố phải không?
Hán tử áo xanh lại bĩu môi :
- Các ngươi chẳng lạ gì, nam tử dù chết cũng không để mất danh dự! Đừng mong ta khuất phục trước bất cứ một uy vũ nào!
Bạch Thiếu Huy hỏi mãi, hỏi gì hắn cũng chẳng đáp đúng theo ý muốn của chàng, chàng chẳng biết làm sao hơn, trầm lặng một lúc lâu, đoạn cất tiếng :
- Bằng hữu có thể cho tại hạ biết môn phái của bằng hữu chăng?
Hán tử áo xanh buông gọn :
- Hành Sơn!
Bạch Thiếu Huy chợt nhớ lại, lúc đến tìm Trương Quả Lão, chang có gặp một thiếu niên vận áo xanh, đứng sau lưng Nam Nhạc quán chủ, Chưởng môn nhân phái Hành Sơn, thiếu niên đó tên gọi Triệu Thế Kỳ.
Triệu Thế Kỳ vận áo màu xanh, hán tử này cũng mặc áo màu xanh, có lẽ màu xanh là màu đặc biệt của phái Hành Sơn, rất có thể hán tử nói thật, tuy nhiên Bạch Thiếu Huy muốn thử xem có đúng như thế không, nếu hắn thật sự là người trong phái Hành Sơn, hắn phải biết Triệu Thế Kỳ..
Chàng điểm một nụ cười, hỏi :
- Thế ra, bằng hữu là người trong phái Hành Sơn! Tại hạ muốn biết tin tức một người trong phái đó, chẳng hay bằng hữu có thể giúp chăng?
Đại hán điềm nhiên :
- Ngươi cứ hỏi.
Bạch Thiếu Huy trầm ngâm một chút :
- Năm trước, tại hạ vâng lịnh gia sư đến Nam Nhạc cung bái kiến Quán chủ tại Hoa Sơn, có gặp một vị bằng hữu họ Triệu, tại hạ cung Triệu bằng hữu rất tương đắc trong lần hội ngộ đó, rất tiếc tại hạ không rõ được Triệu bằng hữu tên chi...
Đại hán áo xanh thốt nhanh :
- Có lẽ ngươi muốn nói đến tiểu sư đệ Thế Kỳ, hắn...
Bạch Thiếu Huy không đợi hắn dứt câu, thở phào một tiếng, cười nhẹ :
- Bằng hữu đúng là môn đệ phái Hành Sơn không còn nghi ngờ gì nữa!
Đại hán nhận thấy Bạch Thiếu Huy luôn luôn giữ tròn lễ độ, giờ chàng còn quen biết với sư đệ hắn, đổi giọng liền :
- Các vị là cao đồ môn phái nào, có thể cho tại hạ biết được chăng?
Bạch Thiếu Huy mỉm cười :
- Bọn tại hạ là những kẻ vô danh, có xưng lai lịch, vị tất các hạ biết được?
Đại hán áo xanh gật đầu :
- Các vị không tiện nói ra thì thôi, tại hạ không dám cưỡng ép!
Bỗng nhiên, hắn xoay mình lại, phóng chân chạy bay ra cửa...
Phạm Thù vội kêu lên :
- Tiểu đệ nghi ngờ tên đó quá! Tại sao đại ca lại...
Bạch Thiếu Huy đáp :
- Hắn là đệ tử phái Hành Sơn, mình đã biết như vậy rồi thì thôi, hỏi nữa làm gì, hỏi thêm vị tất hắn đã chịu nói những điều mình muốn hiểu?
Phạm Thù trầm ngâm :
- Chưởng môn nhân Bát Quái môn! Hòa thượng Thiếu Lâm! Đạo sĩ Võ Đương! Họ đã theo con đường này mà đi, giờ mình lại phát hiện thêm đệ tử phái Hành Sơn! Tất cả đều qua đây, họ đi về đâu? Họ sẽ làm gì?
Bạch Thiếu Huy bước đến một góc nhà, ngồi xuống, gọi hắn :
- Hiền đệ hơi đâu lo nghĩ viển vông? Hãy ngồi xuống dưỡng sức một lúc đi!
Phạm Thù vừa ngồi xuống cạnh chàng, vừa thốt :
- Mấy tháng nay, tiểu đệ có ý tìm tông tích Hắc Thánh Thần Tiêu Du Long Tang Cửu lão tiền bối, đã tìm không gặp người lại trải qua nhiều tao ngộ hãi hùng có, bí hiểm có, thật tình tiểu đệ không còn biết trên chốn giang hồ, các môn các phái đang chuẩn bị công cuộc gì? Tất cả đã làm gì? Những việc họ đã làm, sẽ làm, những việc đó đưa họ về đâu? Dù đưa về đâu, mọi việc đều có vẻ huyền bí cả, lịch sử vũ lâm từ bao giờ rồi, chưa hề trải qua một giai đoạn nào lạ lùng như hiện tại. Chúng ta không thể nhận định rõ rệt, môn phái nào thật sự đồng sinh với môn phái nào! Phức tạp vô cùng, chả hạn, nội cái việc tên tặc tử giả mạo Văn Hương giáo chủ, cướp Hương Hương mang đi! Để làm gì chứ? Và hắn đã ẩn nấp nơi đâu?
Tại sao mãi đến hôm nay, sau bao nhiêu ngày truy tìm tông tích hắn, chúng ta không thâu lượm được một tin tức gì cả?
Bạch Thiếu Huy cũng đồng cảm nghĩ như hắn, luôn luôn chang tìm hiểu tên tặc tử thuộc môn phái nào trên giang hồ, mục đích cướp Hương Hương...
Đột nhiên chàng nhớ đến lời nói của lão lái đò tại bến Gia Lăng, vào sáng sớm ngày trước, có một toán người dắt một đàn chó sang sông. Theo sự mô tả của lão, thì toán người đó, hẳn do Hạo Thiên Cẩu Thạch Trung Long điều động.
Toán người đó đi đâu?
Hiện tại, có suy nghĩ gì cũng thế, không tìm thấy bất cứ ánh sáng trong sự việc nào, chang bỏ qua tất cả, nhắm mắt dưỡng thần, khôi phục nguyên khí, chuẩn bị chịu đựng cho ngày mai.
Phạm Thù không ngủ. Hắn nghe một giọt mưa rơi trên mái lá, lắng nghe tiếng gió lay động cành lá xa xa. Mưa bắt đầu thưa lại, gió bắt đầu dịu lại, một ánh sáng bàng bạc mông lung bao trùm vạn vật do vầng trăng mờ tỏa xuống.
Hắn định đứng lên bước ra ngoài, nhìn quanh một lượt quan sát động tịnh, chợt nghe tiếng chân người vang lên từ xa vọng lại, càng lúc càng gần, chứng tỏ có người nào đó đang tiến về phía nhà cỏ.
Tiểu Bạch đứng lên, nhảy vọt ra cửa.
Phạm Thù búng ngón tay kêu bốc một tiếng gọi con chó, nó quay mình trở vào, ngồi bên cạnh hắn.
Bạch Thiếu Huy mở mắt ra hỏi :
- Lại có người đến phải không hả hiền đệ?
Phạm Thù lấy làm lạ :
- Vậy ra đại ca không ngủ?

Hồi trước Hồi sau

"Ủng hộ" mình duy trì website nhé.
Đổi DNS sang 8.8.8.8 và 8.8.4.4 để vào web nhanh hơn, chi tiết search Google cách đổi dùm mình.
Link aff nếu mua hàng từ 2 sàn: shopee ở đây còn lazada ở đây.