Hắc Thánh thần tiêu - Hồi 096
Khó đến Thiếu Lâm
Ngày đăng: 27-02-2012
Tổng cộng 156 hồi
Đánh giá: 8.5/10 với 2620030 lượt xem
Bạch Thiếu Huy mỉm cười :
- Sự thật là như thế. Chính ngu huynh đã mục kích tận tường!
Rồi chàng bắt đầu kể mọi việc từ lúc đến Bạch Nhược phố tìm Trương Quả Lão, gặp Nam Mạc đạo trưởng là Chưởng môn nhân phái Hành Sơn, có cả Ngọc Chân Tử trong phái Vũ Đương cùng Đại Thông thiền sư trong phái Thiếu Lâm, đến lúc cùng nhau đi tìm sư phụ Trương Quả Lão bị hãm hại như thế nào, sau cùng lên Nam Nhạc cung, phát giác ra cả Chưởng môn và Nam Vân đạo trưởng đều là những người giả mạo.
Phạm Thù chú ý theo dõi câu chuyện của Bạch Thiếu Huy kể, sau cùng hắn hỏi :
- Bọn giả mạo đó, thực sự là những ai?
Bạch Thiếu Huy đáp gọn :
- Hoán Hoa cung!
Phạm Thù cau mày :
- Lại có bàn tay của Hoán Hoa cung?
Bạch Thiếu Huy trầm ngâm một chút :
- Suy theo đó, chúng ta có thể ước đoán Hương Hương cũng bị bọn Hoán Hoa cung bắt đi, hoặc giả người bắt Hương Hương có liên quan đến Hoán Hoa cung.
Phạm Thù trầm giọng :
- Hoán Hoa cung là một tổ chức như thế nào? Chẳng lẽ bọn ta lại sợ chúng?
Bạch Thiếu Huy suy nghĩ một chút :
- Hiền đệ, bắt đầu từ ngày mai, chúng ta nên cải trang đi, như vậy chẳng còn sợ ai nhìn ra chúng ta nữa!
Dĩ nhiên, Phạm Thù chẳng hề biết hiện tại Bạch Thiếu Huy là một vị hộ pháp trong Thanh Long đàn của Hoán Hoa cung, và chàng lãnh mật lịnh truy nguyên tông tích của hắn, hắn không nghi ngờ gì chàng cả, nghe bảo cải trang, hắn lấy làm lạ, hỏi :
- Tại sao chúng ta cần phải giấu mặt? Chúng ta sợ gì ai theo dõi chứ?
Bạch Thiếu Huy lắc đầu :
- Chúng ta không sợ gì ai cả, nhưng nếu bọn tặc biết được chúng ta rồi, chúng sẽ chuẩn bị, đề phòng...
Chàng mỉm cười, tiếp nối :
- Như vậy, biết đến lúc nào mình mới thành công? Vả lại, rất có thể chúng tìm mọi cách lừa mình vào cạm bẫy.
Phạm Thù lại hỏi :
- Đại ca mang theo mình đủ loại thuốc cải dung mạo, chắc đại ca rành thuật đó lắm?
Bạch Thiếu Huy cười nhẹ :
- Không dám khoe rành, có điều cũng biết được phần nào cách sử dụng...
Phạm Thù hân hoan ra mặt :
- Đại ca truyền thuật đó cho tiểu đệ nhé?
Bạch Thiếu Huy không nói gì, chàng nhìn ra ngoài trời thốt :
- Đêm khuya quá rồi, mình nghỉ một lúc đi, hiền đệ ạ!
Từ đó đến sáng, chẳng còn việc gì xảy ra cho cả hai nữa.
Sớm hôm sau, khi rửa mặt mày xong rồi, Bạch Thiếu Huy cải sửa dung mạo cho chàng và cho Phạm Thù, họ biến thành hai chàng văn sĩ trạc trung niên, rồi họ dắt Tiểu Bạch cỡi ngựa tiếp tục cuộc hành trình.
Qua con sông Đại Ninh, họ tiến sâu vào vùng thê lương lạ lùng, quanh họ nếu không là hoang dã, thì cũng có núi non trập trùng.
Suốt một vùng hoang vu hiểm trở như vậy, lại chỉ có một con đường giao thông, con đường rất hẹp, quanh co khúc khuỷu khó vượt vô cùng.
Nhưng họ cứ đi, Tiểu Bạch trước, hai ngựa sau, chỗ nào suôn sẻ thì đi nhanh, chỗ nào khó khăn thì chậm lại.
Đi độ mấy dặm đường, họ đến một sơn cốc, lối đi bằng phẳng hơn khoảng đã vượt qua, bỗng họ thấy hai tăng nhân, vận áo màu tro, thân hình to lớn, tay cầm thiền trượng bằng sắt, hướng ngược chiều.
Cả hai đưa mắt ngầm ra hiệu cứ tiến tới.
Không bao lâu, hai tăng nhân đến trước đầu ngựa của họ. Tăng nhân bên tả hoành ngang thiền trượng chắn đường, một tay đưa lên ngang ngực niệm Phật hiệu :
- A Di Đà Phật! Xin hai vị thì chủ dừng chân lại.
Bạch Thiếu Huy gò cương, cho ngựa đứng lại, vòng tay đáp lễ :
- Hai vị sư phụ chận đường anh em tại hạ chắc có điều chi cần chỉ giáo?
Nhà sư bên tả hỏi lại :
- Thí chủ từ đâu đến, và định đi về đâu?
Phạm Thù vội đáp :
- Anh em tại hạ từ đâu đến và đi về đâu, thiết tưởng điều đó chẳng liên quan gì đến các vị.
Nhà sư đối thoại có vẻ bất mãn :
- Con đường này không thông thương suôn sẻ, vào sâu một chút là cùng rồi, hai vị thí chủ trở về đi!
Phạm Thù quay lại nhìn Bạch Thiếu Huy một thoáng, đoạn cười lạnh :
- Mình là người xuất gia tu đạo, sao lại bịa chuyện làm gì? Có đường, là có thông thương, bất quá dễ đi hay khó đi mà thôi, sao gọi là cùng? Nếu cùng thì ai lại xẻ đường mở lối?
Nhà sư bên tả vẫn giữ thái độ vô tư :
- Bần tăng nói thật, xin các vị đừng nghĩ lầm, kẻ xuất gia nào dám vọng ngữ?
Bạch Thiếu Huy sợ Phạm Thù sinh sự, vội hòa giải :
- Anh em tại hạ có việc khẩn cấp, cần phải mượn con đường này, mới có thể kịp thời gian hành động, nếu con đường này có cùng hay không cùng anh em tại hạ cũng vẫn phải vượt qua, được đoạn nào hay đoạn ấy, hai vị sư phụ bỗng nhiên chận lại như thế này, ý hẳn chẳng muốn cho anh em tại hạ vào sâu hơn, có phải vậy chăng? Nếu không theo đường này đi, anh em tại hạ còn biết rẽ sang hướng nào khác? Xin hai vị chỉ cho đi!
Nhà sư bên tả trầm ngâm một chút :
- Quả đúng như thí chủ vừa nói, bọn bần tăng vâng lịnh thủ hộ khoảng đường này, không được để cho bất kỳ ai tiến tới. Xin hai vị thí chủ lượng hiểu cho!
Phạm Thù hừ lạnh :
- Làm gì có việc chận đường khách bộ hành qua lại? Đường là của chung, ai ai cũng có quyền qua lại, quan địa phương không viết bảng cấm, tư nhân nào có quyền cấm? Dám hỏi sư phụ từ ngôi chùa chiền nào đến đây?
Nhà sư bên tả đáp :
- Bần tăng chỉ biết tuân lịnh trên hành sự. Bổn phận là ngăn chặn đoạn đường này, ngoài ra không có việc phải cung khai lai lịch.
Phạm Thù bĩu môi :
- Cũng được đi, bọn tại hạ không cần tìm hiểu lai lịch hai vị làm gì. Nhưng các vị có biết mục đích của anh em tại hạ đến đây chăng?
Đến lúc đó, nhà sư bên hữu mới cất tiếng :
- Bọn bần tăng không cần hiểu mục đích của các vị thí chủ!
Phạm Thù cười mỉa :
- Không cần biết, anh em tại hạ đây cần phải nói cho biết, các vị không nghe, cứ bịt tai lại! Sở dĩ anh em tại hạ đến đây, và còn phải vượt qua đoạn đường này, cốt là theo dõi một tên tặc tử giết người, cướp gái mang đi, bọn tại hạ phải bắt cho được tên dâm tặc đó trị tội. Nếu các vị không tránh đường, là các vị có ý ngăn chận hành động của bọn tại hạ, che chở cho dâm tặc, phàm người tu hành có thể a tòng theo bọn cướp gái, sát nhân chăng?
Hai vị sư biến sắc. Nhà sư bên tả trầm giọng :
- Thí chủ nên nhẹ lời nói một chút.
Phạm Thù nhấn mạnh :
- Tại hạ nói thế, không hợp lý sao? Dâm tặc cướp gái, giết người, theo con đường này thoát đi, các vị lại ngăn chận không cho bọn tại hạ đuổi theo như thế là có ý tứ gì, nếu không phải để che chở cho kẻ ác?
Nhà sư đối thoại gằn giọng :
- Thí chủ dựa vào đâu quả quyết dâm tặc đã theo đường này chạy đi?
Phạm Thù cười nhạt, đưa tay chỉ con Tiểu Bạch :
- Tại hạ dựa vào con vật này! Sư phụ cũng biết nó là loại đánh hơi tài hơn các con vật khác chứ?
Cả hai nhà sư cùng nhìn Tiểu Bạch, cùng im lặng, có vẻ nhìn nhận Phạm Thù hữu lý.
Bạch Thiếu Huy vòng tay, cất tiếng với đầy đủ lễ độ :
- Hai vị được lịnh ngăn chận đoạn đường này, nếu ai muốn đi qua, phải xuất trình vật của quý tự?
Nhà sư bên tả gật đầu :
- Thí chủ nói đúng!
Bạch Thiếu Huy điềm nhiên :
- Tín vật như thế nào? Gươm, kiếm, giấy chứng, hay gì gì khác?
Nhà sư lạnh lùng :
- Bần tăng cũng chẳng biết nữa, bởi tùy nơi cấp trên, muốn trao vật gì cho kẻ cần đi ngang đây thì trao, làm sao bần tăng có quyết định về việc đó?
Phạm Thù nóng nảy :
- Giả sử anh em tại hạ không có tín vật, lại muốn đi qua? Nhất định phải đi qua thì sao?
Nhà sư càng lạnh lùng hơn :
- Các vị quyết đi qua, bọn bần tăng quyết chận lại, trong trường hợp đó, chắc chắn phải xuất thủ rồi! Võ công sẽ giải quyết mọi thắc mắc!
Nhà sư gằn giọng tiếp nối :
- Kẻ nào ngoan cố vượt một tấc đường, kẻ đó phải gặp tai họa!
Phạm Thù cười ha hả :
- Anh em tại hạ đã qua hơn hai mươi dặm rồi vẫn được an toàn như thường, nào có gặp tai họa gì đâu?
Nhà sư lùi lại mấy bước, trầm giọng :
- Hai vị thí chủ hãy suy nghĩ cho kỹ, hành động liều lĩnh sẽ đưa đến tai họa lớn lao đấy! Hiện tại, các vị nên trở ra đi, bằng cãi lời nhích tới một bước, bọn bần tăng bắt buộc không lượng tình cho các vị đó!
Phạm Thù càng cười lớn :
- Nào ai van xin các vị lượng tình? Không lượng tình thì liệu các vị làm gì được bọn này chứ?
Bạch Thiếu Huy nhận ra hai vị sư này có vẻ thiện lương, không thuộc thành phần hung ác, nên chàng không nỡ dùng nghiêm giọng đối thoại với họ, khi thấy Phạm Thù sắp sửa động thủ, chàng ngăn chận liền :
- Đừng nóng, hiền đệ! Để mặc ngu huynh xử trí!
Chàng nhảy xuống ngựa, rút thanh kiếm Thu Sương bên hông cầm tay, vừa cười vừa thốt :
- Các vị đã nói đến việc dụng võ, vậy xin các vị cho tại hạ được lãnh giáo mấy chiêu!
Nhận xét qua thân pháp của chàng từ trên ngựa nhảy xuống, hai vị sư thừa hiểu chàng không phải tay vừa, hơn nữa thanh kiếm ngời lên một ánh sáng xanh dờn, lạnh rợn, họ biết ngay là một thanh kiếm báu, cả hai có ý gờm, vội lùi lại thêm mấy bước nữa, đoạn nhà sư bên hữu hoành ngang thiết trượng, một tay đưa lên ngực, thốt :
- Xin mời thí chủ!
Trông thấy nhà sư hoành trượng, Bạch Thiếu Huy biết ngay đối phương sử dụng trượng pháp Phục Hổ của phái Thiếu Lâm, và chiêu thức đó có tên là “Từ Bi Vi Hoài”.
Chàng cau mày thầm nghĩ :
- “Quả đúng như chỗ ta dự đoán!”
Chàng vờ kêu lên kinh hãi :
- Trời! Đại sư phụ là cao tăng Thiếu Lâm tự!
Nhà sư bên hữu lạnh lùng :
- Xin thí chủ cứ động thủ, có nói nhiều cũng vô ích!
Bạch Thiếu Huy thản nhiên :
- Nếu tại hạ đoán không lầm, đại sư là một cao tăng của La Hán đường!
Nhà sư bên tả bực dọc :
- Phàm môn đệ phái Thiếu Lâm xuất ngoại hành hiệp đều thuộc La Hán đường, điều đó chẳng có chi là lạ, xin thí chủ xuất chiêu đi!
Bạch Thiếu Huy vẫn thản nhiên, cố trì hoãn phút giây so tài :
- Tại hạ cùng vị chủ trì La Hán đường có quen biết nhau, tại hạ muốn hỏi các vị, hiện tại vị cao tăng ấy có mặt tại đây chăng?
Nhà sư bên hữu rùn vai :
- Vị cao tăng đó hiện được thăng nhậm chức vụ Giám tự, không xuất ngoại, làm gì có mặt tại đây được?
Bạch Thiếu Huy giật mình, thầm nghĩ :
- “Đại Thông thiền sư cùng Nam Nhạc quán chủ và Ngọc Chân Tử còn kẹt trong tay bọn ác gian kia, làm thế nào có mặt tại Thiếu Lâm tự mà được thăng nhậm? Nếu có trường hợp đó, thì quả đúng là bọn ác gian kia có người mạo nhận Thiền sư, vào tận sơn môn làm nội tuyến, chờ dịp thuận tiện hạ thủ đoạn! Chức Giám tự chỉ dưới Phương trượng một bậc, như vậy toàn thể môn đồ đều bị tên giả mạo Thiền sư ức chế cả rồi! Nguy hiểm thật!”
Nguy hiểm đây, chẳng những chỉ riêng một Thiếu Lâm phái, mà còn cho cả võ lâm, nhưng ngoài chàng và Nhất Bút Âm Dương Trương Quả Lão ra, còn ai hiểu được sự tình?
Bất giác chàng nhớ đến Trương Quả Lão, thầm hỏi không biết từ lúc chia tay đến nay, vị tiền bối đó có gặp sư phó của chàng chưa?
Rồi chàng nghĩ, đại cuộc giang hồ đã khai diễn như vậy, dù có gặp được sư phó của chàng, chưa chắc gì Trương Quả Lão và Du Long Tang Cửu có đủ sức vãn hồi tình hình nguy khốn của cả ba phái Vũ Đương, Thiếu Lâm và Hành Sơn.
Nhà sư bên hữu thấy chàng trầm ngâm, chưa chịu động thủ liền niệm Phật hiệu rồi giục :
- Nếu thí chủ không xuất thủ, bần tăng xin vô phép ra tay trước vậy!
Nói là làm, nhà sư đưa bàn tay tả lên, một đạo tiềm lực từ bàn tay đó xuất phát, lao vút đến Bạch Thiếu Huy.
Phạm Thù trước sau không thấy Bạch Thiếu Huy đối địch, cứ đứng ý tại chỗ, mơ mơ màng màng, như tưởng nhớ đến chuyện gì xa xôi quan trọng lắm, hắn kinh hãi khi thấy nhà sư phát chưởng vội kêu to :
- Đại ca, đối phương đã xuất chiêu rồi đó.
Bạch Thiếu Huy ngưng trọng thần sắc, như đã có một quyết định quan hệ lắm, khẽ nhích chân đảo bộ thân hình dịch qua một bên, cách vị trí độ hai thước, đoạn vung Thu Sương kiếm một vòng rồi phóng tới.
Nhà sư bên hữu vung trượng đón liền.
Trượng pháp Phục Hổ của phái Thiếu Lâm danh chấn giang hồ, khí thế vô cùng mãnh liệt, ảo diệu vô tưởng, một trượng biến mười, mười trượng biến trăm, vừa vung lên là không gian đầy trượng ảnh, hư hư thực thực, từ bốn phía công vào, từ bên trên phủ xuống bao bọc quanh mình địch.
Bạch Thiếu Huy bị bức thoái mấy bước, nhưng chàng không còn nhân nhượng nữa, dù sao cũng phải dằn mặt nhà sư nên vừa lùi lại, chàng tiến lên ngay, vung kiếm đánh ra một chiêu “Phân Vân Thủ Nguyệt”, với chiêu đó, chàng tập trung công lực đánh thẳng vào vùng trượng ảnh.
Kiếm báu và trượng sắt chạm vào nhau bật thành một tiếng keng vang dội.
Tiếng keng vừa dứt, trượng ảnh cũng biến mất luôn, không gian chỉ còn ánh kiếm Thu Sương chớp ngời, thân kiếm đè xuống thân trượng, áp lực ngang hòn núi.
Bên trên ép xuống, bên dưới cố vùng lên, song phương tương trì một lúc.
Thực ra, lúc xuất chiêu đánh hất thiết trượng, Bạch Thiếu Huy dùng công lực quan trọng, nhưng hiện tại lấy kiếm đè trượng chàng đã giảm công lực một phần, cốt thử xem công phu hàm dưỡng của đối phương đến độ nào, hiểu được điều đó, chàng dẽ dàng nhận ra thân phận nhà sư cao thấp trong La Hán đường.
Chứ nếu chàng tận dụng khí lực, thì ít nhất chàng cũng đè thiết trượng sát đất rồi, nếu không đánh vuột khỏi tay nhà sư!
Nhà sư cố gắng vùng trượng lên quá rõ rệt, gân xanh hằn vồng nơi trán chằng chịt, mồ hôi to bằng hạt đậu.
Nhà sư bên tả biết bạn đồng môn kém địch rất xa, vội quát lên :
- Sư đệ lui lại!
Đoạn y xách thiết trượng bước tới.
Bỗng nhà sư kia hét to lên một tiếng, nhún chân nhảy vút lên không, qua cái vọt đó, y đã rút được ngọn thiết trượng khỏi áp lực của thanh kiếm.
Nhưng y giật mình, nghe ngọn thiết trượng nhẹ hơn trước rất nhiều còn lơ lửng trên không, y nhìn xuống phát giác ra thiết trượng cụt mất một phần. Phần trượng bị tiện rơi trên mặt đất.
Thiết trượng bị tiện đúng lúc y cố vùng lên theo cái vọt của y, trượng bị kiếm gặt mạnh, chịu không nổi với cái sắc bén của Thu Sương kiếm.
Y vừa đáp xuống, vừa phẫn nộ quát lớn :
- Thí chủ ỷ vào thanh kiếm sắc bén mà thủ thắng, chứ tài nghệ chắc gì đã cao siêu?
Thực ra Bạch Thiếu Huy không có ý hủy hoại vũ khí của đối phương, nếu đã muốn vậy chàng có đợi gì lúc y vọt lên mới chặt mạnh? Bất quá tại y nóng lòng thoát khỏi áp lực của chàng, nên để cho thiết trượng chạm mạnh vào lưỡi kiếm.
Giờ nghe y bảo là chàng ỷ vào thanh kiếm sắc bén, chàng cười nhẹ, thốt :
- Tại hạ biết rõ, trong tay có bảo vật, nên cố tránh và chạm vào thiết trượng của đại sư, không ngờ đại sư vung mạnh, tự nhiên thiết trượng phải bị tiện, tại hạ đâu có ý hủy hoại vũ khí của đại sư? Nếu đã có ý đó, thì lúc đầu tiên, tại hạ không dùng sống kiếm đánh hất thiết trượng của đại sư trở về, và lúc đè thiết trượng, tại hạ chỉ cần ấn mạnh tay một chút là ngọn trượng bị chặt đứt rồi!
Nhà sư kia vội gạt ngang :
- Sư đệ lui lại đi, để mặc ta đối phó!
Y cũng hoành trượng đưa tay ngang ngực như đồng bạn, nhìn thẳng sang Bạch Thiếu Huy trầm giọng :
- Xin mời thí chủ!
Lần này, Bạch Thiếu Huy không dùng kiếm mà chỉ lấy chiếc Trúc tiêu cầm tay, điềm nhiên thốt :
- Nếu tại hạ dùng kiếm, đại sư lại nói là tại hạ nhờ kiếm báu mới thủ thắng nổi, vậy tại hạ xin dùng tiêu để lãnh giáo vài chiêu thức của đại sư!
Dĩ nhiên nhà sư khinh thường chiếc Trúc tiêu của chàng, bởi một chiếc Trúc tiêu thì làm sao chịu nổi một ngọn thiết trượng? Y khinh thường, nhưng y sôi giận cho rằng chàng miệt thị y chẳng xứng đáng cho chàng dùng kiếm, nên gằn giọng :
- Tài nghệ của thí chủ có cao siêu, nên sư đệ của bần tăng mới thảm bại, và thí chủ mới dám miệt thị tăng nhân Thiếu Lâm tự!
Buông xong câu nói, y xuất thủ liền!
"Ủng hộ" mình duy trì website nhé.
Đổi DNS sang 8.8.8.8 và 8.8.4.4 để vào web nhanh hơn, chi tiết search Google cách đổi dùm mình.
Link aff nếu mua hàng từ 2 sàn: shopee ở đây còn lazada ở đây.