Liêu trai chí dị - Hồi 058

Liêu trai chí dị - Hồi 058

Bạch Thu Luyện

Ngày đăng: 19-02-2017
Tổng cộng 148 hồi
Đánh giá: 9.5/10 với 340013 lượt xem

Miền Trực Lệ có thư sinh họ Mộ, tự là Thiềm Cung, con một thương gia tên là Mộ Tiểu Hoàn, thông minh ham học. Vừa tròn mười sáu tuổi thì người cha cho rằng theo đuổi nghề văn chỉ là viễn vong, bắt bỏ học theo nghề buôn. Chàng theo cha tới đất Sở(1), mỗi khi trong thuyền rổi rãi, lại mở sách ngâm đọc.
Đến Vũ Xương, cha lên quán trọ để cất trữ hàng. Nhân những lúc cha ra ngoài, chàng cầm lấy sách đọc thơ, tiếng ngâm sang sảng. Bỗng chốc thấy ngoài cửa sổ có bóng ai lay động, tựa hồ như một người nào đó đang nghe trộm, nhưng cũng chẳng để ý ngờ vực. Một đêm cha đi uống rượu, lâu không về. Chàng ngâm nga càng réo rắc hơn. Tự nhiên có một người quanh quẩn ngoài song, ánh trăng soi rõ mồn một. Lấy làm lạ, vội chạy ra xem, thì là một thiếu nữ đẹp nghiêng thành, tuổi mười lăm mười sáu; thoáng trông thấy chàng đã lẩn đi mất.
Vài ba ngày sau, chở hàng quay về miền Bắc, chiều tối đậu thuyền bên bờ hồ. Cha vừa ra khỏi thuyền, một người đàn bà đã bước vào, nói:
- Chàng hại con gái tôi rồi.
Chàng kinh ngạc hỏi nguồn cơn, đáp rằng:
- Tôi họ Bạch, được một gái tên là Thu Luyện, cũng hơi am hiểu chữ nghĩa, nói rằng lúc ở quận thành được nghe giọng ngâm thanh tao của cậu bỗng đem lòng quyến luyến, đến nỗi bỏ cả ăn ngủ, ý muốn kết mối lương duyên, xin đừng cự tuyệt.
Chàng trong lòng thích lắm, song vẫn còn lo cha giận, nên lấy tình thực mà tỏ lại. Bà già không tin hẳn, bắt phải thề nguyền. Chàng không chịu. Bà giận nói:
- Việc nhân duyên ở đời, có kẻ cầu mong đem sính lễ đến mà không được. Nay lão tự mình đứng ra làm mối cho con lại không đắt. Còn gì nhục nhã hơn! Đã thế xin chớ nghĩ đến việc về đất Bắc nữa.
Nói rồi bỏ đi. Một lát sau cha về, chàng dùng lời khéo léo giải bày với cha, ngầm mong cha chấp thuận, chưng cha lấy cớ đường xá xa xôi, lại có ý khinh rẻ các cô gái “hoài xuân”(2), nên cười mà bỏ qua.
Chỗ đậu thuyền, nước chống con sào không thấu, đến đêm cát sỏi bỗng bồi lên, thuyền mắc cạn không sao quay trở được. Hàng năm, thuyền buôn trong hồ gặp nạn này vẫn phải đậu lại, chờ đến tận mùa nước hoa đào(3) năm sau. Bấy giờ hàng hóa các nơi chưa kịp gởi đến, những gì trong thuyền đều tăng giá gấp trăm; vì thế người cha cũng không thấy lo phiền, chỉ tính cách làm sao sang năm thuyền từ Nam về, hàng vẫn giữ được giá. Thế là ông để con ở lại, còn mình trở về nhà. Chàng mừng thầm chỉ tiếc không hỏi kỹ làng ở của bà cụ.
Trời chạng vạng, bà già cùng với con hầu dìu một nữ lang tới, cởi áo khoác và đặt nàng nằm lên giường, rồi quay nhìn chàng mà rằng:
- Bệnh người ta đã đến nước này, xin đừng ghếch đầu lên gối làm ra vô sự nữa.
Nói rồi đi liền. Chàng mới nghe thì hoảng, nhưng cầm đèn soi vào cô gái mới hay, bệnh trạng vẫn không giảm vẻ yêu kiều, làn thu ba vẫn không ngớt lóng lánh. Lại gần hỏi han, chỉ một nụ cười yếu ớt đáp lại. Chàng cố ép nàng lên tiếng, thì nói:
- Xin hãy vì thiếp mà ngâm cho nghe bài “Vì chàng tiều tụy, thẹn cùng chàng”.
Chàng mừng cuống lên, rất muốn chuyện thân cận, nhưng lại thương còn ốm yếu, nên chỉ lấy tay sờ vào bụng vuốt ve và ghé môi hôn hít làm vui. Cô gái chợt rạng rỡ mặt mày tưuơi cười nói:
- Hãy ngâm cho thiếp ba lần bài thơ “Từng nếp áo là” của Vương Kiến(4) bệnh sẽ khỏi.
Chàng nghe lời, mới ngâm xong lần thứ hai nàng đã xốc áo ngồi dậy nói rằng:
- Thiếp khỏi rồi.
Lại ngâm tiếp, thì nàng cất gịong yêu kiều run rẩy họa theo. Chàng bây giờ tâm thần ý chí đều phiêu diêu, bèn tắc đèn cùng nằm ngủ. Trời chưa sáng rõ nàng đã trở dậy bảo:
- Mẹ già sắp đến rồi.
Một chốc bà già quả nhiên bước vào. Nhìn thấy con gái đang ngồi vui tươi, mặt điểm trang lộng lẫy, bất giác cũng mừng rỡ. Giục về,, cô gái cúi đầu không nói. Bà lập tức về ngay, bảo con:
- Mày còn muốn vui đùa với lang quân, thôi thì mặc mày.
Chàng cũng nhân đó hỏi đến nơi ăn chốn ở của nàng. Nàng đáp:
- Thiếp với chàng chẳng qua mới là bạn sơ giao, việc cưới xin đã lấy gì làm chắc, cần gì phải biết đến nhà cửa.
Tuy thế, hai bên vẫn yêu thương nồng mặn, thề thốt keo sơn. Một hôm cô gái chợt ngồi dậy, khêu đèn, mở sách ra xem rồi bùi ngùi rơi lệ. Chàng cũng vội trở dậy hỏi han. Nàng nói:
- Ông về sắp trở lại. Câu chuyện giữa đôi ta, thiếp vừa giở sách bói một quẻ, đúng vào bài Giang Nam khúc của Lý Ích5 ý bài thơ chẳng được lành.
Chàng vỗ về khuyên giải bảo nàng:
- Câu đầu bài thơ là “Cưới được chàng lái buôn đất Cù Đường” thì đó là “đại cát”, chứ còn gì mà chẳng lành.
Nàng bèn tươi dần nét mặt, đứng lên từ biệt, nói:
- Xin tạm chia tay, kẻo trời sáng lại nhiều người nhòm ngó.
Chàng nắm tay nghẹn ngào hỏi:
- Nếu việc lương duyên êm thắm thì biết tìm đâu mà báo cho nhau?
Đáp:
- Thiếp vẫn thường cắt người dò la, việc êm thắm hay không thế nào mà chẳng biết.
Chàng định lên bờ tiễn chân, nhưng nàng cố ý từ mà đi.
Chẳng bao lâu ông Mộ quả trở lại. Chàng lân la kể tình thực. Cha ngờ là dắt gái lầu xanh về, nổi giận quát mắng tàn tệ. Đến khi xét thấy của cải trên thuyền tịnh không suy suyển, cơn giận mới nguôi. Một đêm ông không có mặt trong thuyền, nàng chợt tìm đến. Ca hai nhìn nhau âu sầu, chẳng biết cách nào xoay sở. Nàng bảo:
- Nên hay hư đã có số, hẳng lo việc trước mắt đã. Xin giữ chàng thêm hai tháng nữa, rồi sẽ bàn tính ở hay đi.
Lúc sắp chia tay, hẹn ước lấy tiếng ngâm thơ làm dấu hiệu gặp nhau. Từ đó hễ cha bước ra khỏi thuyền, chàng lại cao giọng ngâm nga thì thế nào nàng cũng đến.
Tháng Tư sắp hết, các thứ hàng đều mất giá, đám khách buôn không còn kế sách gì nữa, đành sắm lễ vật đến cầu đảo ở ngôi miếu thờ vị thần hồ. Sau tết đoan dương6 trời bỗng mưa to nước lớn thuyền mới đi lại được.
Chàng về tới nhà tưởng nhớ thành bệnh. Ông Mộ rất lo, bói toán thuốc thang đủ cách. Chàng nói riêng với mẹ:
- Bệnh con chẳng thuốc men cầu cúng nào thuyên giảm được. Chỉ có Thu Luyện đến đây mới mong.
Mới đầu ông nghe thì nổi giận, nhưng về sau thấy chân tay con ngày càng rời rã, đâm sợ, bèn thuê xe chở con trở lại đất Sở, xuống thuyền đậu đúng chốn cũ. Hỏi người quanh vùng, tịnh không ai biết bà già họ Bạch là người nào. Vừa hay, có bà lão lái con thuyền ghé vào bờ bước ra tự nhận mình họ Bạch. Ông trèo lên thuyền thấy Thu Luyện, lòng mừng thầm. Nhưng hỏi kỹ về họ hàng, thì ra chỉ lấy thuyền làm nhà, nay đây mai đó lênh đênh trôi nổi mà thôi. Ông nhân đó nói thực bệnh của con, mong nàng đến thuyền mình, hẳng để giúp làm vơi căn bệnh trầm trọng. Bà lão lấy cớ hôn ước chưa thành, không chịu. Cô gái hé nửa mặt, chăm chú lắng nghe. Thấy lời lẽ của hai bên, rưng rưng muốn khóc. Bà mẹ nhìn con gái, lại nhân ông Mộ năn nỉ tha thiết quá, nên cũng nhận lời. Đến đêm ông ra ngoài, nàng quả nhiên đến thật. Lại gần giường mà than khóc rằng:
- Tình trạng thiếp năm trước, nay lại rơi vào chàng rồi ư? Mùi vị nó thế nào tưởng cũng phải để chàng nếm qua cho biết. Nhưng mà gầy rộc đi thế này, làm sao chữa khỏi ngay được? Xin vì chàng ngâm một bài thơ vậy!
Chàng cũng mừng. Nàng bèn ngâm lại bài thơ của Vương Kiến hồi trước. Chàng nói:
- Đấy là tâm sự của nàng, đem chữa cho cả hai người thì hiệu nghiệm sao được? Nhưng chỉ nghe gịong nàng, tâm thần cũng đã thấy sản khoái. Hãy thử ngâm cho nghe bài “Nghìn cành dương liễu hướng về Tây”7 xem nào?
Nàng vâng lời. Chàng thích thú kêu lên:
- Khoan khoái quá! Hồi trước nàng đọc tập Thi dư có bài Hái Sen trong có câu “Ngậm gương thơm ngát khắp mười gò” bụng vẫn chưa quên, nay phiền nàng tốt giọng ngâm lên lần nữa.
Nàng lại vâng lời. Vừa dứt tiếng ngâm, chàng đã nhót ngay dậy kêu lên:
- Tiểu sinh nào có bệnh chi đâu!
Rồi cùng ôm chầm lấy nhau. Chứng bệnh trầm trọng ngỡ như tiêu tán sạch. Xong xuôi chàng hỏi:
- Cha anh gặp bà cụ nói những gì? Việc có êm thấm hay không?
Nàng đã xét biết ý của ông, nói thẳng rằng “Không xuôi”. Sau khi nàng đi, cha về, đã thấy con đã ngồi dậy được, mừng lắm, nhưng chỉ lựa lời khuyên giải, nhân nói rằng:
- Con bé thậm xinh. Song từ thuở để chỏm đến nay, chỉ biết ôm dầm chèo, tựa bánh lái ca hát, chưa nói con nhà hèn mọn, cũng không thể là gái trinh được rồi.
Chàng không đáp. Cha vừa đi thì nàng đã trở lại. Chàng kể rõ ý của cha. Nàng bảo:
- Thiếp vừa nhòm đã biết hết rồi. Việc đời là thế, càng đeo đuổi thì càng xa lánh, càng săn đón thì càng cự tuyệt. Chi bằng cứ để cho ông tự đổi ý, rồi lại quay lại cầu cạnh nhau đấy thôi.
Chàng hỏi mưu kế, nàng đáp:
- Đại phàm đã là nhà buôn thì chí để vào chữ lợi. Thiếp có chút tài mọn biết được giá cả hàng hóa. Vừa xem qua các thứ chở trong thuyền, chẳng có một thứ nào có được một mảy may lời lãi. Hãy thưa lại với ông dùm thiếp, muốn lãi gấp ba thì mua trữ thứ hàng kia, lãi gấp mười thì thứ hàng này. Về đến nhà, nếu lời thiếp ứng nghiệm, thì cầm chắc thiếp là dâu hiền rồi. Lúc trở lại đây, chàng vừa mười tám tuổi, còn thiếp mười bảy, ấy là ngày ta vui vầy với nhau, việc gì mà lo.
Chàng đem lời nàng khuyên về giá cả thuật lại với bố. Bố không tin lắm, song cũng đem nửa số tiền còn thừa mua theo lời nàng dặn. Sau khi về, những hàng hóa do ông tự ý mua đều lỗ nặng. May có chút hàng mua theo lời cô gái được lãi lớn, nên cũng bù lại được. Vì thế phục Thu Luyện như thần. Chàng còn thêm thắt vào, nói rằng theo lời nàng thì nàng có thể làm cho mình trở nên giàu có. Vì thế, ông bỏ thêm vốn liếng trẩy xuống miền Nam.
Trở lại bên hồ, tìm mấy ngày không thấy bà già họ Bạch. Lại qua mấy ngày nữa mới thấy bà đậu thuyền dưới gốc liễu. Bèn đem đồ sính lễ đến. Nhưng lễ vật gì bà cũng không nhận, chỉ chọn ngày lành cho con gái sang thuyền. Ông thuê một chiếc thuyền riêng để con mình làm lễ hợp cẩn. Cô gái bèn bảo ông trẩy thuyền quá xuống Nam, loại hàng nào cần mua đều chép ra giấy đưa ông. Còn bà già thì mời luôn chàng rể sang ở trong thuyền mình. Ba tháng sau, thuyền ông trở lại, hàng hóa chỉ mới về đến đất Sở giá đã tăng gấp đôi. Khi sắp trở lại nhà, cô gái xin chở thêm một ít nước trong hồ. Đến nhà rồi, mỗi lần ăn cơm, rưới vào một ít như chan tương, nêm dấm. Về sau mỗi bận trẩy xuống Nam thế nào ông cũng mang về cho một vài bình.
Được chừng ba bốn năm, nàng sinh một trai. Một hôm nàng khóc lóc nhớ nhà muốn về thăm. Ông bèn dẫn cả con và dâu cùg đi đến đất Sở. Khi đến nơi hồ cũ, không thấy bà lão ở đâu. Cô gái gõ vào mạn thuyền gọi mẹ, mặt mày thất đảm, giục chàng mau chạy ven hồ tìm hỏi. Gặp một lúc bọn câu cá “tầm hoàng”8 câu được một con cá ngựa trắng. Chàng đến gần nhìn xem, thì là một giống cá lớn, hình thù rất giống người, vú và âm hộ đủ cả. Chàng lấy làm lạ, trở về nói với nàng. Nàng hoảng hốt, nói rằng trước kia đã có lời nguyền phóng sinh, bảo chàng mua mà thả ra. Chàng tìm thương lượng với làng câu thì họ đòi giá rất cao. Cô gái bảo:
- Từ khi thiếp về nhà chàng, nghĩ cách kiếm ra tiền không dưới vạn bạc, thế mà chỉ tiêu một món vặt vảnh lại nỡ khư khư tiếc sẻn. Nếu chẳng nghe nhau, thiếp đâm đầu xuống hồ chết quách cho xong.
Chàng sợ hãi, không dám nói với bố, lấy trộm tiền mua cá thả ra. Khi quay về không thấy nàng đâu, tìm khắp nơi cũng chẳng thấy, đến tàn canh nàng mới trở về. Hỏi:
- Đi đâu thế?
Đáp:
- Vừa về nhà mẹ.
Hỏi:
- Mẹ ở đâu?
Nàng bối rối đáp:
- Hôm nay thì không thể không thưa thực, con cá chàng vừa chuộc ra chính là mẹ thiếp đấy. Xưa kia sinh sống ở hồ Động Đình, được Long Quân giao cho trông coi việc bộ hành qua lại. Gần đây, trong cung muốn tuyển phi tần, nhiều người đồn đại là thiếp xinh đẹp, nên mới có sắc chỉ cho mẹ, tự nhiên vô cớ bắt tìm thiếp bằng được. Mẹ thiếp cứ thực tâu lên nhưng Long quân không nghe, đày mẹ xuống bến Nam, chịu đói khát gần chết, vì thế mới mắc vào đại nạn vừa rồi. Nay tuy đã tai nạn qua khỏi nhưng tội vẫn chưa được xóa. Chàng có yêu, hãy thay thiếp khản cầu với Chân Quân9 may ra thì thoát. Nhược bằng thấy khác loài mà ghét bỏ thì xin trả con lại cho chàng, thiếp đi. Hàu hạ chốn Long cung vị tất đã không gấp trăm lần ở nhà chàng.
Chàng nghe mà rụng rời, lo rằng không có cách gì gặp Chân Quân được. Nàng bảo:
- Ngày mai giờ mùi, Chân Quân thế nào cũng đến. Cứ thấy một đạo sĩ chân thọt thì kíp phục xuống lạy, ông ta xuống nước cũng phải xuống theo. Chân Quân vốn thích các văn nhân học sĩ, tất rủ lòng thương mà nhận lời.
Nói rồi, lấy ra một vuông lụa bóng mượt như bụng cá, đoạn bảo chàng:
- Như ngài có hỏi muốn cầu điều gì thì đưa ngay cái này ra, xin ngài viết cho một chữ “miễn”.
Chàng theo lời nàng dặn, cố chờ. Quả nhiên có một đạo sĩ khập khiễng đi tới. Chàng nằm phục xuống lạy. Đạo sĩ rảo chân bước gấp, chàng cũng bám gót theo sau. Đạo sĩ ném chiếc gậy xuống nước, rồi nhảy vọt theo, đứng trên gậy. Chàng cũng lội xuống nước leo lên, thì không phải là gậy nữa mà là một chiếc thuyền. Chàng lại sụp xuống lạy. Đạo sĩ hỏi:
- Cần gì?
Chàng đưa vuông lụa ra xin viết chữ. Đạo sĩ nhìn kỹ nói:
- Đây là vẩy cá ngựa trắng, anh làm sao gặp được?
Thiềm cung không dám giấu, bày tỏ đầu đuôi mọi sự. Đạo sĩ cười:
- Loài này đặ biệt phong nhã, tên Long Vương già kia sao dám hoang dâm như vậy.
Bèn rút ngay ngọn bút lông ra, viết một chữ “miễn” theo lối chữ thảo, hình dáng giống như một đạo bùa. Rồi quay thuyền lại cho chàng ghé vào bờ. Thoắt đã thấy đạo sĩ đạp lên cây gậy nổi trên nước mà đi, chỉ phúc chốc đã mất dạng.
Chàng trở lại thuyền. Nàng mừng lắm, chỉ dặn đừng nói hở ra với bố mẹ.
Sau khi trở về nhà được vài ba năm, một lần ông trẩy xuống Nam mấy tháng không về. Bình nước hồ đem về dần dần đã cạn hết mà chờ mãi vẫn không thấy tăm hơi. Cô gái bỗng lâm bệnh, ngày đêm thở dốc. Dặn chồng rằng:
- Nếu thiếp có chết thì đừng chôn, cứ đúng các giờ mão, ngọ, dậu lại ngâm một lần bài thơ Đỗ Phủ mộng thấy Lý Bạch, thì chết rồi thây vẫn không nát. Chờ khi có nước về, rót vào bồn, rồi đóng cửa, cởi hết quần áo của thiếp ra, ôm thiếp dầm vào trong nước, hẳn sẽ sống lại.
Thở thoi thóp được mấy ngày, cô gái lịm đi mà chết. Nửa tháng sau ông Mộ trở về, chàng vội vã làm theo lời đặn. Ngâm nước khoảng một giờ thì nàng lại dần dần tỉnh lại.
Từ đó, nàng thường có ý muốn trở lại miền Nam. Sau khi ông mất, chàng chiều ý vợ, dời nhà xuống sống ở đất Sở.
NGUYỄN HUỆ CHI dịch
Chú thích:
(1) Đất Sở: tên gọi chung hai tỉnh Hồ Nam và Hồ Bắc.
(2) Hoài xuân: chỉ những người phụ nữ tơ tưởng việc hôn nhân
(3) Mùa nước hoa đào: mùa nước lớn, cũng là lúc hoa đào ra hoa, nên gọi là mùa hoa đào.
(4) Vương Kiến (768- 830?) là nhà thơ Đường, sáng tác một trăm bài Cung Từ. Trên đây là một trong số bài đó.
(5) Lý Ích: (748-827) là nhà thơ đời Đường.
(6) Đoan dương: cũng là tết đoan ngọ, tức ngày mồng 5 tháng năm Âm lịch.
(7) Tức bài Xuân oán của Lưu Phương Bình (710 -?) nhà thơ đời Đường.
(8) Cá tầm hoàng: một giống cá lớn và hiếm, ở hồ và biển, hình dạng rất giống phụ nữ.
(9) Chân Quân: tức Lão tử, vốn là nhà triết học TQ thời cổ đại, được Đạo giáo suy tôn thành thần.

Hồi trước Hồi sau

Bán sạc cáp, linh kiện máy tính
Anh em cùng cài Pi Network đào tiền ảo nhé, nhập mã mời "kiemhieptruyen" lấy ngay 1 Pi.
Trước khi thanh toán tiền mua hàng thì nhấn hộ dùm mình link nầy nhé: shopee ở đây còn lazada ở đây.