Lục chỉ cầm ma - Hồi 40

Lục chỉ cầm ma - Hồi 40

Hồi 40

Ngày đăng: 21-02-2013
Tổng cộng 49 hồi
Đánh giá: 8.6/10 với 393025 lượt xem

Tại ngọn Tiên Nhân Phong, vô tình đã trở thành một cuộc hội họp quan trọng của các cao thủ võ lâm. Cuộc hội họp bất ngờ đó, chẳng hề có ai gởi thiếp mời ai, mà điều chủ yếu nhất, chính là việc Lữ Đằng Không tìm đến gây sự trả thù với Lục Chỉ Tiên Sinh.

Ngoài ra, một số người khác chỉ nghe phong thanh cũng đã ùn ùn kéo nhau đến Tiên Nhân Phong này.

Nhưng sau khi mọi người đã đến Tiên Nhân Phong, thì nhiều chi tiết rắc rối đã xảy ra.

Và cũng chính vì lẽ ấy, nên mãi đến bây giờ, Lữ Đằng Không mới nêu vấn đề chính của mình ra.

Sau khi Lữ Đằng Không dứt lời, ai nấy đều đổ dồn tia mắt về phía Lục Chỉ Tiên Sinh.

Lục Chỉ Tiên Sinh, Thiết Đạc Thượng Nhân và Bích Ngọc Sinh đang ngồi trên một phiến đá to. Bên cạnh họ, số người của Trúc Lâm Thất Tiên, đều khẽ nhắm đôi mắt, sắc diện của mỗi người đều khác nhau.

Trên hai bắp vế của Lục Chỉ Tiên Sinh còn để yên một chiếc đàn cổ, xem thái độ của ông ta hết sức nhàn tản, trái với thái độ hết sức nóng nảy, râu tóc dựng đứng của Phi Hổ Lữ Đằng Không.

Sau khi nghe qua lời nói của Phi Hổ Lữ Đằng Không, Lục Chỉ Tiên Sinh liền đưa tay khảy nhẹ lên sợi dây đàn, ngân lên thành tiếng tình tang, nói:

- Lữ Tổng tiêu đầu có việc chi, xin cứ nói thẳng.

Lữ Đằng Không hừ một tiếng, nói:

- Tại hạ xin hỏi tiên sinh, giữa Lữ mỗ và tiên sinh có mối oan cừu gì không? Lục Chỉ Tiên Sinh ngửa mặt nhìn lên, nói:

- Lời nói ấy của Lữ Tổng tiêu đầu, nghe ra thật không có căn cứ chi cả.

Lữ Đằng Không to tiếng nói:

- Lữ mỗ nếu không có mối oán cừu chi với tiên sinh, thì tại sao tiên sinh lại đi sát hại đứa con trai của Kim Tiên Chấn Càn Khôn Hàn Tốn, rồi mang xác chết của nó bỏ vào gian phòng đá bí mật của Lữ mỗ, nhằm mục đích giá họa cho Lữ mỗ? Kế đó tiên sinh lại mật sai người mang thủ cấp của đứa bé ấy, đêm tối áp tải đến tận nhà Hàn Tốn? Lúc bấy giờ, số người được mục kích sự việc xảy ra tại nhà của Hàn Tốn, gồm có Tây Nương Nhất Môn, Hàn Tốn và Hỏa Phụng Tiên Cô đều đã chết cả. Do đó, hiện tại chỉ còn có Lữ Đằng Không và Hàn Ngọc Hà mà thôi.

Riêng Hàn Ngọc Hà sau khi nghe qua lời nói ấy của Lữ Đằng Không mới biết Lữ Đằng Không trước đây đã lên tiếng giãi bày với nàng là hoàn toàn đúng sự thật, nàng nguyên là một cô gái tính tình nóng như lửa, nàng liền đưa mắt nhìn thẳng về phía Lục Chỉ Tiên Sinh.

Hai tia mắt nàng chiếu sáng ngời như nảy lửa, nghiến chặt đôi hàm răng trắng trong, sắc diện tỏ ra căm hận Lục Chỉ Tiên Sinh không tả xiết, như muốn ăn tươi xé nát đối phương ra từng mảnh vậy.

Đàm Dực Phi lúc nào cũng ở bên cạnh nàng, trông thấy thế vội vàng nắm nhẹ tay nàng, nói:

- Ngọc Hà, chớ nên nóng nảy, hãy chờ mọi việc sáng tỏ đã, rồi hãy lên tiếng sau cũng không muộn.

Câu nói vừa rồi của Lữ Đằng Không, thật sự đã làm cho Lục Chỉ Tiên Sinh phải kinh hoàng ngơ ngác. Trước mặt đông đảo quần hùng, nếu ông ta không biện bạch cho ra lẽ, thử hỏi từ nay về sau ông ta còn mặt mũi nào trông thấy mọi người nữa? Bởi thế Lục Chỉ Tiên Sinh liền lên tiếng cười dài, nói:

- Có lẽ Lữ Tổng tiêu đầu vì việc bà vợ già vừa chết, quá sức đau lòng nên lời nói không khỏi mất bình thường chăng? Tại hạ có lúc nào gặp ai tên gọi là Hàn công tử đâu? Hơn nữa tại hạ cũng chưa hề được biết ông có một gian hầm đá bí mật nào? Những lời nói ấy rõ ràng là đáng tức cười lắm.

Lữ Đằng Không ngửa mặt nhìn lên, cất tiếng cười to như sấm, trông chẳng khác một người đang lên cơn điên, nói:

- Ông chối thực là hay! Ông chối thực là khéo! Nếu ông thật sự không biết gian hầm đá bí mật của tôi, thì tại sao trên đường đi vào hầm đá lại có dấu một bàn tay sáu ngón? Lục Chỉ Tiên Sinh cười nhạt nói:

- Khắp trong thiên hạ, người có bàn tay sáu ngón, nào chỉ có một mình tôi đâu? Lữ Đằng Không quát to như sấm nổi:

- Nói thế, ngày hôm ấy tại sao ông lẩn quẩn trong vùng phụ cận thành Nam Xương để làm gì? Lục Chỉ Tiên Sinh và Thiết Đạc Thượng Nhân quả có đến vùng phụ cận Nam xương trong những ngày đó. Và khi Lữ Đằng Không và Tây Môn Nhất Nương vừa ra khỏi cửa thành, đã có dịp gặp họ trên đường đi. Nhưng sự thật vì Lục Chỉ Tiên Sinh nghe lời đồn đãi, bảo Lữ Đằng Không có một đứa con trai tên là Lữ Lân, tuy tuổi hãy còn nhỏ nhưng rất có khả năng, nên muốn thu làm môn đồ để truyền dạy võ công, nên mới tìm đến vùng ấy mà thôi.

Lục Chỉ Tiên Sinh là một người rất giỏi ăn nói, nên ông ta có đủ lời nói để biện minh cho việc làm của mình, mặc dù đối phương tin hay không là một chuyện khác. Nhưng vì lúc ấy trước thái độ hằn học thiếu lễ độ của Phi Hổ Lữ Đằng Không, đã làm cho lửa giận trong lòng của Lục Chỉ Tiên Sinh nổi lên bừng bừng. Ông ta liền cất giọng cười khanh khách nói:

- Lữ Tổng tiêu đầu, ông chẳng qua mở một tiêu cục nhỏ bé trong thành Nam Xương, vậy chả lẽ ông lại lên mặt hống hách, không cho phép ai đi ngang qua vùng phụ cận thành Nam Xương cả hay sao? Lời nói ấy chẳng hề giữ một tí khách sáo nào, mà còn tỏ ra miệt thị Phi Hổ Lữ Đằng Không.

Trong lòng Phi Hổ Lữ Đằng Không lửa căm hờn bỗng cháy lên hừng hực, nên sau khi nghe qua liền tức giận gầm lên tiếng to, nạt rằng:

- Lũ chuột kia, các ngươi đã có thể làm chuyện hèn mạt như thế, thì tại sao chưa chịu bước ra đây để lãnh cái chết? Lục Chỉ Tiên Sinh cất tiếng cười nhạt nhưng chưa kịp lên tiếng trả lời, thì Thiết Đạc Thượng Nhân đang đứng cạnh đấy đã tức giận quát to rằng:

- Lữ Tổng tiêu đầu quả là người ăn nói lớn lối! Ngày hôm ấy tôi cũng có đến vùng phụ cận Nam Xương, vậy chả lẽ tôi là người dính dấp đến chuyện ấy nữa hay sao? Trong khi Lữ Đằng Không vừa quát dứt lời, thì ông ta đã phi thân bay bổng lên không, rồi bước nhẹ nhàng lên đầu những thanh sắt nhọn, đưa tay tuốt lấy ngọn kim đao ra khỏi vỏ nghe một tiếng rẻng, dáng điệu oai phong lẫm liệt nói:

- Lũ súc sanh, các ngươi tụ tập tại ổ chuột hang rắn này, thì có tên nào đáng gọi là người nữa đâu? Câu nói của Lữ Đằng Không chẳng những mắng thẳng vào mặt Thiết Đạc Thượng Nhân mà còn ám chỉ đến số người giao thiện thân mật với Lục Chỉ Tiên Sinh, gồm Bạch Ngọc Sinh và nhóm Trúc Lâm Thất Tiên nữa.

Bởi thế tám người ấy vừa nghe qua, đều không khỏi sa sầm nét mặt.

Thiết Đạc Thượng Nhân nguyên là người tính tình nóng nảy như lửa, thử hỏi làm sao đè nén được cơn tức giận? Ông ta rung mạnh chiếc chuông sắt nặng bảy trăm tám mươi ba cân đang mang trên lưng ra phía trước, rồi cũng nhanh nhẹn bay vọt lên khoảng không, buông nhẹ đôi chân đáp xuống mặt đá bằng ấy to tiếng mắng rằng:

- Tên lão tặc kia, ngươi dám xuống đây đánh vài thế võ chăng? Quái nhân mang mặt nạ đó khi vừa xuất hiện trên đỉnh Tiên Nhân Phong, đã cố ý xúi giục các cao thủ trong các môn phái lớn ra tay giao tranh quyết liệt với nhau. Trước kia tuy ông ta xuất thân từ danh môn chính phái, song thái độ xử sự lúc nào cũng theo tình cảm riêng tư của mình, trong lòng muốn sao thì thế, nên ông ta mới bị đuổi khỏi sư môn.

Sở dĩ ông ta muốn các cao thủ đánh nhau, là có mục đích tìm hiểu suốt hai mươi năm ông ta vắng bóng võ lâm, các môn phái lớn có nhân vật nào xuất chúng nổi lên chăng. Sự kiện ấy sẽ giúp ông ta căn cứ vào trình độ võ công của các cao thủ võ lâm, để quyết định mình có nên tái xuất giang hồ hay không? Vì vậy khi xuất hiện tại đỉnh Tiên Nhân Phong, ông ta đã ngang nhiên bước ra làm trọng tài cho cuộc họp mặt của quần hùng. Đồng thời đã dùng những thanh sắt nhọn cắm sâu mặt đất, và dùng chân quét bằng phẳng một sân đá trống để làm hai nơi tỷ thí võ công cho mọi người.

Ông ta lại ra lệnh cho các quần hùng hiện diện, là muốn đánh nhau trên sân đá bằng phẳng, là mỗi bước đi phải để lại một dấu chân mới được.

Việc ấy mới nghe qua tựa hồ là đánh nhau trên mặt đất bằng phẳng, thì có phần dễ dàng hơn đánh nhau trên những que sắt nhọn, để làm nơi giao tranh, chứ chưa có ai chọn sân đá bằng phẳng bao giờ.

Riêng Thiết Đạc Thượng Nhân vì sở trường về nội ngoại công, nhưng lại kém sút về khinh công, hơn nữa món binh khí của ông ta sử dụng có thể nói lạ lùng số một trong võ lâm, nặng nề hơn cả gánh đá xanh của Phán Tiên Từ Lưu Bản. Như vậy nếu lên đánh nhau trên đầu những que sắt nhọn, thì e rằng đôi chân vừa mới đứng yên, là đã bị những que sắt nhọn ấy xuyên thủng lòng bàn chân rồi.

Bởi thế, nên ông ta đã chọn sân đá làm địa điểm giao tranh.

Lữ Đằng Không thấy thế, bèn to tiếng cười ha hả nói:

- Lũ chuột ngươi chẳng dám lên đây hay sao? Cũng được ta sẽ chiều theo ý các ngươi vậy.

Dứt lời ông ta khẻ nhún đôi chân, bay bổng lên khoảng không...

Nhưng lúc ấy bỗng nghe có tiếng của Hồng Ưng Cung Long quát to:

- Sư đệ, hãy chậm đã! Để hắn cho tôi đối phó được rồi.

Câu nói vừa dứt, thì Hồng Ưng Cung Long đã lách mình lướt thẳng đến trước sân đá trống, đưa tay vào sườn, tuốt ngay thanh Long Đầu Quái Kiếm to cỡ cườm tay ra khỏi vỏ.

Thanh trường kiếm ấy có cái quái dị là không ai nhận ra được bề nào là lưỡi, bề nào là sống cả.

Lữ Đằng Không thấy Hồng Ưng Cung Long bước ra đối phó với Thiết Đạc Thượng Nhân, đúng với ý mình nên nhanh nhẹn buông nhẹ đôi chân bước trở xuống đầu những que sắt nhọn, đưa tay chỉ thẳng vào Lục Chỉ Tiên Sinh quát rằng:

- Lục Chỉ Tiên Sinh, sao ông chưa chịu bước ra thế? Lục Chỉ Tiên Sinh bị đối phương chỉ đích danh để khiêu chiến, vậy thử hỏi làm sao đè nén được cơn tức giận? Bởi thế ông ta liền phi thân bước thẳng lên đầu những que sắt nhọn, và sau khi đáp yên, liền nhanh nhẹn tràn tới bước thêm hai que sắt nữa, vung chưởng tung thế Thiên Hà Đảo Quái, đánh xéo ra một cách nhẹ nhàng, công thẳng vào Lữ Đằng Không.

Lữ Đằng Không cũng dùng ngay thế Lưu Bộc Đảo Quái vung đao lên nghe vun vút, gây thành một bức tường thép sáng ngời, chận thế chưởng của Lục Chỉ Tiên Sinh lại quát to rằng:

- Giữa hai ta phải có một mất một còn, thế tại sao ông chưa chịu lấy binh khí ra? Tuy Lữ Đằng Không xem Lục Chỉ Tiên Sinh là một kẻ thù đáng căm hận, cần phải sát hại ngay tức khắc, song ông ta cũng không để mất đi phong độ của một cao thủ chính phái, nên chẳng muốn đánh nhau với một kẻ địch không có binh khí trong tay.

Lục Chỉ Tiên Sinh nghe thế, bèn lướt xéo sang một bên quát rằng:

- Ông sốt ruột chi thế? Ta lấy binh khí ra đây.

Câu nói vừa dứt, Lục Chỉ Tiên Sinh nhanh nhẹn thò tay rút vũ khí vung mạnh trở ra.

Qua hai tiếng vút, vút ai nấy đều thấy hai quả Bát Lăng Cang Chùy to cỡ nắm tay, dính liền vào hai sợi xích sắt rất dài, đã nhanh nhẹn bay tới, nhằm tấn công vào phía trên và giữa của Lữ Đằng Không.

Thì ra món binh khí mà quần hùng vừa thấy có tên gọi là Lưu Tinh Song Chùy.

Đôi Lưu Tinh Song Chùy ấy là một trong những món binh khí khó sử dụng, và nó còn khó sử dụng và điều khiển hơn cả côn và phán quan bút nữa.

Nhất là, Lục Chỉ Tiên Sinh vừa vung chùy đánh ra là đã sử dụng ngay thế Song Long Xuất Hải rất lợi hại, kình phong dấy động ào ào, uy thế mãnh liệt khó tả.

Hơn nữa hai sợi xích sắt dính liền vào đôi chùy ấy lại dài đến một trượng rưỡi, nếu đánh nhau trên que sắt nhọn như vậy, tất Lục Chỉ Tiên Sinh sẽ được phần thuận lợi hơn.

Lữ Đằng Không khi thấy Lục Chỉ Tiên Sinh đã rút binh khí ra, ông ta tự biết nếu không tìm cách đối phó với món binh khí ấy thì chắc chắn không làm sao thủ thắng được. Do đó, khi đôi chùy của Lục Chỉ Tiên Sinh vừa công tới, Lữ Đằng Không đã nhanh nhẹn vung chưởng đánh vút ra, nhằm ngăn bớt sức tiến trái chùy đang công vào ngực lão ta, đồng thời quét ngược ngọn kim đao từ dưới trở lên, qua thế Độc Phong Kình Thiên nhắm ngay trái chùy thứ hai giáng xuống! Một tiếng xoảng ngân vang, lưỡi đao trong tay của Lữ Đằng Không đã chạm thẳng vào trái chùy sắt của Lục Chỉ Tiên Sinh.

Lữ Đằng Không vung tay đánh ra là đã sử dụng tám phần mười chân lực, nên lúc lưỡi đao va chạm thẳng vào trái chùy sắt, làm cho trái chùy sắt bị hất tung lên cao đến năm thước mộc. Cùng lúc đó, lưỡi đao của Lữ Đằng Không cũng nhanh nhẹn lướt theo sợi xích sắt, tiếp tục công về phía Lục Chỉ Tiên Sinh.

Lữ Đằng Không nhanh chẳng thua điện chớp, thừa cơ tràn tới nhắm lưỡi đao chém thẳng vào cổ tay của đối phương.

Thế võ ấy biến ảo thần tốc, không ai có thể tưởng tượng trước được.

Lục Chỉ Tiên Sinh thấy thế hết sức kinh hoàng, nhưng cũng may là võ công thật cao cường và đôi Lưu Tinh Song Chùy của ông ta cũng vô cùng linh động, nên cũng không đến nỗi bị hạ dưới tay đối phương.

Giữa cơn nguy cấp, Lục Chỉ Tiên Sinh vội vàng thu cánh tay trở về để tránh lưỡi đao đanh chém tới, đồng thời trái chùy vừa bị Lữ Đằng Không đánh tung lên cao ấy, giờ cũng được ông ta diễn biến thế võ, khiến nó bay thành một vòng bán nguyệt, nhằm sau lưng Lữ Đằng Không giáng xuống, với một sức mạnh như núi đồi sụp đổ.

Lữ Đằng Không bất ngờ cảm thấy sau lưng mình có một luồng cuồng phong công tới, nên không dám mong thủ thắng, nhanh nhẹn rùn thấp đôi chân, bước tránh một bên ngay tức khắc. Cùng một lúc ấy, lưỡi đao của ông ta dùng ngay thế Ngọc Phụng Chưởng Khí, vừa chém vừa đâm, phá vỡ được thế chùy đang công tới của Lục Chỉ Tiên Sinh rồi vung đao nhắm đối phương phản công liên tiếp.

Hai người đã dùng một lối đánh nhanh nhẹn, và những thế võ diễn biến kỳ ảo nhẹ nhàng, khiến người chung quanh đều bị hoa cả mắt, không còn nhận ra họ sử dụng những thế võ chi nữa. Họ chỉ còn trông thấy bóng đao chập chờn trên không trung, bóng chùy lóe sáng như cầu vòng, thanh thế mãnh liệt vô song, nhất thời không phân biệt được thắng bại.

Cùng lúc ấy, trên sân đá bằng phẳng, Thiết Đạc Thượng Nhân và Hồng Ưng Cung Long lại dùng một lối đánh trái ngược với lối đánh của Lục Chỉ Tiên Sinh và Lữ Đằng Không. Bộ pháp của hai người đều hết sức chậm chạp, thận trọng, cứ mỗi bước đi, quả nhiên đều lưu lại trên mặt đá một vết chân rõ ràng.

Chiếc chuông sắt trên tay của Thiết Đạc Thượng Nhân vung ào ào làm cho tà áo của Hồng Ưng Cung Long không ngớt tung bay, giũ nghe rèn rẹt khiến người chung quanh đều phải kinh khiếp.

Thanh Long Hình Kiếm trong tay của Hồng Ưng Cung Long sử dụng thong thả, nhưng mỗi thế võ đều thần ảo khó lường, trong sự tấn công có cả phòng ngự, làm cho Thiết Đạc Thượng Nhân không dám khinh thường, vội thu chuông trở về để bảo vệ cho mình.

Sự giao tranh giữa hai người vẫn chưa phân được thắng bại.

Số người hiện diện trên đỉnh Tiên Nhân Phong hầu hết đều tin là kẻ sát hại con trai của Hàn Tốn chính là Lục Chỉ Tiên Sinh chứ không còn ai khác hơn nữa.

Tuy Lục Chỉ Tiên Sinh từ trước đến nay, nếp sống rất đạm bạc, ai ai cũng đều nghe tiếng, song biết đâu ông ta vì ngồi yên một chỗ quá lâu nên bây giờ lại muốn hoạt động? Nếu việc ấy không phải chính ông ta làm ra, thì làm sao Lữ Đằng Không lại vu khống gây sự một cách vô cớ như vậy? Trong thực tế, Lữ Đằng Không đã chịu sự thiệt hại vô cùng to tát. Hơn nữa, trên con đường bí mật đi vào gian hầm đá của Lữ Đằng Không vì lẽ gì lại có một bàn tay sáu ngón in trên vách đá? Trong số người hiện diện, có lẽ người đang cuống quýt nhất là Đàm Dực Phi. Vì trước đây Đàm Dực Phi đã có nghe cha chàng cho biết, kẻ bí mật gây sóng gió trong võ lâm ngày nay chính là một kẻ khác chứ chẳng phải Lục Chỉ Tiên Sinh. Hơn nữa, chàng cũng biết cha mình nhất định tìm đến ngọn Tiên Nhân Phong, hầu lấy lời hơn lẽ thiệt khuyên giải mọi người, đánh tan việc hiểu lầm giữa nhau, để chấm dứt cuộc xô xát đẫm máu đáng tiếc này.

Thế nhưng cha chàng mãi đến giờ phút này vẫn chưa thấy tới, mà đứa em gái của chàng cũng lại tự nhiên mất tích một cách kỳ lạ.

Đàm Dực Phi biết em gái mình võ công không kém sút hơn mình là bao, nên dù nàng đi đâu cũng không có điều chi đáng lo ngại. Song, không rõ vì đâu, chàng vẫn bâng khuâng lo lắng mãi.

Bởi thế, Đàm Dực Phi không ngớt đưa mắt liếc nhìn về phía dãy tam cấp, trông ngóng xem phụ thân mình có đến hay không? Nhưng chàng trông ngóng mãi mà vẫn chẳng thấy hình bóng của phụ thân. Trái lại, chàng bất ngờ trông thấy có ánh sáng chói rực của loại châu ngọc quý báu, chiếu lập lòe tại nơi đó.

Trong khi Đàm Dực Phi đang còn kinh ngạc thì rừng ánh sáng rực rỡ đó đã lướt lên đến đỉnh Tiên Nhân Phong.

Đây chính là một chiếc kiệu do hai người khiêng. Chiếc kiệu được trang hoàng hết sức sang trọng, khắp xung quanh đều có khảm những viên ngọc quý giá, làm phản chiếu ánh sáng mặt trời làm hoa cả mắt mọi người.

Đàm Dực Phi vừa trông thấy chiếc kiệu ấy lên đến đỉnh núi, trong lòng không khỏi kinh hoàng, chàng đưa mắt nhìn kỹ hai người khiêng kiệu, thấy họ đều mang mặt nạ da người.

Sau khi nhìn kỹ hơn hình dáng của chiếc kiệu, Đàm Dực Phi đã nhận ra được nó, chính là cỗ xe ngựa trang hoàng sang trọng, nhưng đầy thần bí mà chàng đã gặp trước kia, đã bỏ đi hai bánh và thêm vào hai gọng dài để làm thành chiếc kiệu.

Bởi thế, chàng đoán biết mọi việc sắp xảy ra sẽ vô cùng nguy hiểm, nên vội vàng kéo Hàn Ngọc Hà nói:

- Hàn cô nương, chúng ta hãy đi mau, nếu chậm tất có biến! Hàn Ngọc Hà nói:

- Kẻ thù...

Nàng chỉ mới thốt lên được hai tiếng, thì thân người đã bị Đàm Dực Phi kéo chạy bay.

Họ thừa cơ chiếc kiệu vừa lướt đến đỉnh núi nhanh nhẹn nhắm chân Tiên Nhân Phong chạy bay xuống.

Trong khi đó, số quần hùng chung quanh đang chú tâm theo dõi cuộc giao tranh giữa bốn đối thủ nên chưa hay biết chi. Đến khi ai nấy bất thần trông thấy có một chiếc kiệu xuất hiện ai nấy đều hết sức kinh ngạc.

Mọi người chưa kịp trấn tĩnh đã nghe gã phu kiệu ở phía trước cất giọng lạnh lùng nói:

- Giờ chết của các vị đã đến rồi, vậy cũng nên tranh thủ thời gian trước khi nhắm mắt hãy nguyện cầu với trời xanh đi! Số người hiện diện trên Tiên Nhân Phong hầu hết đều là cao thủ võ lâm nên khi nghe qua lời nói của người ấy, biết y chỉ là một kẻ nội công rất tầm thường nên ai ai cũng không khỏi bắt tức cười.

Nhưng đột nhiên, từ trong chiếc kiệu, bỗng có mấy tiếng đàn tình tang nổi lên...

Khi quần hùng nghe được tiếng đàn từ trong kiệu vọng ra, họ lại kinh hoàng, sửng sốt.

Sau hai tiếng đàn tình tang, mọi người lại nghe một bản đàn hết sức dồn dập, từ trong kiệu vọng ra.

Những tiếng đàn dồn dập đó khiến người nghe đàn cũng phải kinh tâm, bàng hoàng cả tâm thần, tựa hồ không còn giữ được tự chủ nữa.

Bỗng chốc tiếng đàn lại chuyển thành điệu êm ái, du dương nghe thật vui tai, khiến mọi người cảm thấy như mình đang đi vào một thế giới mộng ảo vậy.

Ngay từ lúc tiếng đàn chuyển điệu, Ngọc Diện Thần Quân Đông Phương Bạch là người có công lực cao cường trong số người có mặt trên đỉnh Tiên Nhân Phong, cảm thấy tâm thần bắt đầu bấn loạn.

Hơn nữa, suốt hai mươi năm qua, ông ta đã sống giữa vùng tuyết băng giá lạnh, nên sức trấn tĩnh hết sức vững vàng trên đời ít ai bì kịp, ngay đến Thủy Kính Thiền Sư cũng không thể so sánh nổi với ông ta. Bởi thế ông ta đã đoán biết mọi việc đang xảy ra trước mắt vô cùng hiểm nguy, nên vội vàng trấn tĩnh tinh thần, đem hết sức lực ra đối kháng với tiếng đàn đang vọng đến.

Kịp khi Ngọc Diện Thần Quân Đông Phương Bạch ngước mắt nhìn lên thì trông thấy số quần hùng chung quanh, sắc mặt đều có vẻ bơ phờ, ngơ ngác. Do đó ông ta càng kinh hoàng hơn.

Vì trong giây phút đó, Ngọc Diện Thần Quân Đông Phương Bạch chợt nhớ lại những lời nói của ân sư là Minh Đô Lão Nhân lúc tuổi ông hãy còn thơ ấu.

Trước kia, lúc Minh Đô Lão Nhân nắm giữ chức vị Chưởng môn của phái Nga My, môn phái này vẫn chia thành hai nhóm tại gia và tăng nhân. Nhưng vì Minh Đô Lão Nhân là người từ lúc tuổi trẻ đã có thiên bẩm trời ban đặc biệt, nên vừa mới hai mươi tuổi đầu đã trở thành một bậc anh tài hiếm có trong võ lâm, tên tuổi rung chuyển khắp thiên hạ. Do đó tuy Minh Đô Lão Nhân là người thuộc nhóm tại gia, nhưng đã kiêm nhiệm luôn chức vụ Chưởng môn của nhóm tăng nhân nữa.

Minh Đô Lão Nhân sở dĩ thu nhận Ngọc Diện Thần Quân Đông Phương Bạch làm môn đồ, chính vì thấy thân thể của Đông Phương Bạch có phần giống với lão ta lúc còn trẻ thơ.

Hơn nữa vì xương cốt của Đông Phương Bạch quả hiếm có trong võ lâm, tương lai sẽ chắc chắn trở thành một bậc kỳ tài. Vì thế nên lão ta đã mang hết võ công của mình, truyền hết cho Đông Phương Bạch, không hề giữ lại một môn nào.

Nhưng Minh Đô Lão Nhân không ngờ được là Ngọc Diện Thần Quân Đông Phương Bạch có chỗ khác nhau với mình. Vì lão ta là người tâm địa thuần hậu, lúc nào cũng trọng lẽ phải và hào hiệp. Trái lại, Đông Phương Bạch cá tính nóng nảy, lại nhiều tham vọng, nên chẳng hề chịu an phận thủ thường. Do đó, cuối cùng Minh Đô Lão Nhân bất đắc dĩ phải đuổi Đông Phương Bạch ra khỏi môn phái.

Minh Đô Lão Nhân là một người võ công cao cường tuyệt đỉnh, hơn nữa, đối với những giai thoại trong võ lâm, lão ta được biết rất nhiều.

Trong khi Đông Phương Bạch vào làm môn đồ của lão ta thì tuổi hãy còn nhỏ, nên Minh Đô Lão Nhân xem như đứa con trai ruột của mình. Vì vậy, mỗi ngày khi đã học xong võ công, còn dư thời giờ, Minh Đô Lão Nhân thường đem những giai thoại trong võ lâm kể lại cho Đông Phương Bạch nghe.

Hôm nay, Đông Phương Bạch bất thần nghe tiếng đàn, làm cho tâm thần ông ta phải ngây ngất bấn loạn, nên ông ta bỗng nhớ lại một sự việc xảy ra trước đây bốn mươi năm, mà ân sư đã kể lại cho mình nghe.

Đông Phương Bạch khẽ nhắm mắt và mọi việc lại hiện lên rõ ràng trước mặt ông ta, tựa hồ đó là chuyện mới vừa xảy ra.

Một đêm trăng thanh gió mát, sau khi tập luyện xong nội công trên Nga My Kim Đỉnh, bỗng Minh Đô Lão Nhân bước nhẹ tới, rồi cất tiếng thở dài ảo nảo.

Đông Phương Bạch thấy thế, liền hỏi:

- Sư phụ, vì sao lại thở dài? Minh Đô Lão Nhân nói:

- Trời đất tuy bao la, đời trước qua đời sau đến, nhưng những việc quái dị không ai tưởng tượng nổi trong võ học, quả thực khiến mọi người đều phải cảm thán! Đông Phương Bạch lại hỏi:

- Vì đâu ân sư lại nói thế?" Minh Đô Lão Nhân lại bảo rằng:

- Nếu sau này con được nghe Bát Long Thiên Âm xuất thế, ngày đó bắt đầu có những cuộc tàn sát đẫm máu trong võ lâm! Lúc bấy giờ Đông Phương Bạch hãy còn nhỏ tuổi, nên chẳng biết Bát Long Thiên Âm là vật chi. Tuy nhiên với sự phán đoán của tuổi trẻ, Đông Phương Bạch vẫn có thể biết được thứ Bát Long Thiên Âm ấy, chẳng phải là một món đồ chơi tầm thường. Đông Phương Bạch lại lên tiếng hỏi thêm, và được Minh Đô Lão Nhân cho biết:

- Bát Long Thiên Âm là tám chương âm nhạc, song chẳng rõ do ai sáng tác nên và lưu truyền từ bao giờ. Trong tám chương âm nhạc đó, mỗi chương mang một tên, và lấy thất tình trong Phật gia tức gồm có Hỉ, Nộ, Ái, Ố, Ai, Lạc và Dục. Ngoài ra còn một chương nữa, gọi là Sát Nhạc.

Bát Long Thiên Âm tuy là những chương nhạc, nhưng những cây đàn thông thường không thể làm sao tấu ra âm thanh được, ngoại trừ cây Bát Long Cầm mới tấu thành tiếng mà thôi.

Cây Bát Long Cầm gồm có tám sợi dây, mỗi sợi tấu lên một chương nhạc nói trên. Tuy chỉ với một sợi dây đó, song tiếng đàn biến hóa vô cùng vô tận, khiến người nghe trừ phi là kẻ có một trình độ nội công siêu phàm nhập thánh, có một sức tự trấn tĩnh cao tuyệt, lòng dạ lúc nào cũng thanh thản trong veo như một viên ngọc, thì mới tránh khỏi bị tiếng đàn ấy làm hại.

Trái lại, khi người nào nội công còn thấp kém khi nghe tiếng đàn lọt vào tai, tâm thần sẽ trở nên bấn loạn, chẳng khác chi một người đang cơn say lúy túy. Và sau đó, lần Chương sẽ bị tiếng đàn dẫn vào trong thế mộng ảo, hoàn toàn bị tiếng đàn thao túng cho đến khi chết mất mạng! Ba trăm năm trước, Bát Long Thiên Âm và Bát Long Cầm đã xuất hiện trong võ lâm một lần.

Lần ấy, Bát Long Cầm và Bát Long Thiên Âm đều lọt vào tay của một nhân vật cá tính rất hẹp hòi, tuy người ấy chẳng phải là người trong tà phái, nhưng ông ta vì hẹp hòi, nên đã gây ra một trận sát phạt đẫm máu, khiến nhiều phần tử tinh anh trong võ lâm đã bị mất mạng dưới tiếng đàn đáng sợ đó! Sau cuộc sát phạt đẫm máu, thực lực của võ lâm suy nhược mãi đến suốt hai trăm năm sau mới lần lần bình phục.

Nếu Bát Long Cầm và Bát Long Thiên Âm xuất hiện một lần thứ hai, mà chẳng may nó lại lọt vào tay một nhân vật tà phái, e rằng những cuộc chém giết đẫm máu trong võ lâm, sẽ càng trở nên trầm trọng hơn lần trước! Minh Đô Lão Nhân nói dứt lời, thì lại cất tiếng than dài không ngớt, tựa hồ với trình độ võ công của lão ta, vẫn không ngăn chặn nổi những cuộc sát phạt như vậy, nếu một khi nó xảy ra.

Ngọc Diện Thần Quân Đông Phương Bạch lúc ấy chỉ nghe rồi bỏ qua, chứ không chú ý tới lắm.

Bốn mươi năm trôi qua, Ngọc Diện Thần Quân Đông Phương Bạch từ một cậu bé trở thành một nhân vật khét tiếng trong võ lâm, và đã bị đuổi ra khỏi môn phái, nên ông ta đến vùng Đại Tuyết Sơn để tìm viên ngọc quý báu vô giá thời thượng cổ, tức viên Tuyết Hồn Châu. Và trong suốt thời gian đó, ông ta vẫn không được nghe người thứ hai nào nói đến chuyện Bát Long Cầm và Bát Long Thiên Âm nữa.

Như vậy, chuyện ấy trong võ lâm cũng ít người được biết. Giờ đây, sau khi ông ta nghe tiếng đàn đã đổi điệu ba lần, dù ông ta là người có trình độ nội công cao cường vào bậc nhất trong võ lâm tâm thần cũng không thể tránh khỏi bấn loạn, phải cố đem toàn lực tự trấn tĩnh để đối phó với tiếng đàn, thì mới thấy bình tâm được.

Chính vì thế, nên Ngọc Diện Thần Quân Đông Phương Bạch mới nghĩ đến chuyện Bát Long Thiên Âm mà ân sư ông đã nói trước đây.

Người đang đánh đàn vì ngồi ở bên trong chiếc kiệu nên không làm sao trông thấy rõ được diện mục như thế nào. Hơn nữa, cũng không thể trông thấy rõ được chiếc đàn ấy có phải là Bát Long Cầm không? Đông Phương Bạch tuy là người cá tính vui buồn bất thường ai làm phật lòng ông ta, thì không thể nào ông ta chịu buông tha cho, và nếu ông ta đã xuống tay trừng trị, tất đối phương mất mạng ngay, khiến cả võ lâm ai nói đến ông ta, đều kinh hoàng sợ hãi. Nhưng giờ đây khi ông ta nghĩ đến đông đảo cao thủ hiện diện trên ngọn Tiên Nhân Phong này, chỉ trong chốc lát nữa sẽ bị thương vong dưới Bát Long Thiên Âm, thì trong lòng không khỏi càng kinh hoàng mất hẳn bình tĩnh! Ông ta nhớ lại thái độ của ân sư mình lúc nói về lai lịch của Bát Long Thiên Âm cho ông ta nghe, dường như hy vọng sau này nếu ông ta gặp Bát Long Thiên Âm xuất hiện, phải nghiêng vai gánh vác trách nhiệm, ngăn chặn cuộc sát phạt ấy trong võ lâm.

Một con người cá tánh bất thường như Ngọc Diện Thần Quân Đông Phương Bạch, nếu hành động được như vậy, thì quả là một chuyện rất lạ lùng. Nhưng vì ông ta dù sao cũng là một con người lòng dạ hết sức hào hiệp, nên khi nghĩ đến đó, tự thấy mình có trách nhiệm cứu nguy cho võ lâm, chẳng hề sợ hãi do dự.

Đoạn, ông ta vội tập trung công lực suốt mấy mươi năm rèn luyện của mình, bất thần hú lên một tiếng dài, hầu đối kháng lại với tiếng đàn, cứu nguy cho số quần hùng xung quanh...

Nhưng chân khí trong châu thân của ông ta mới vừa tập trung về Đan Điền, bỗng tiếng đàn lại biến điệu lại một lần nữa! Khi tiếng đàn lọt vào tai mọi người, ai nấy đều có cảm giác hết sức sảng khoái, như được ngọn gió mát tháng năm thổi phe phẩy khắp châu thân, cảm thấy mình tựa hồ đang trầm mình dưới ngọn suối nhỏ, chung quanh lại có những nhành liễu xanh mượt đang bay lả lướt.

Bất thần từ trong tiếng đàn ấy, lại có những âm thanh sát phạt vô cùng mãnh liệt.

Chẳng mấy chốc sau, âm thanh sát phạt ấy cứ mỗi lúc càng dữ dội, càng quyết liệt hơn.

Cứ mỗi tiếng đàn ngân lên, thì mọi người đều có cảm giác như thiên binh vạn mã đang lướt tới, uy thế mãnh liệt vô song, thực không gì so sánh được nữa.

Nhưng có một điểm làm cho ai nấy đều hết sức khó hiểu, ấy là chen lẫn giữa âm thanh sát phạt dữ dội đó, lại tựa hồ có vô số những tiếng gào la thảm thiết, những tiếng khóc than ai oán, những tiếng cầu cứu bi thương.

Hàng mấy chục thứ âm thanh khác nhau đó, đã hòa lại làm một khúc nhạc vô cùng quái dị, khiến người nghe có cảm giác như đây là tiếng khóc than của một quả phụ bị bọn cường đồ hành hạ cướp bóc, của một cô gái non dạ bị lũ gia nhân ngược đãi, và khi nghe kỹ hơn, thì âm thanh ấy cũng tựa hồ tiếng kêu than oán trách vô cùng thống thiết của hàng vạn hàng triệu dân lành đang sống khổ sở dưới một chế độ hà khắc!

Đông Phương Bạch đang cảm thấy hết sức ngạc nhiên thì tâm thần của ông ta không khỏi bị phân tán ít nhiều, nên cảnh vật trước mắt ông ta bất thần biến đổi hẳn...! Thế là, ông ta trông thấy khắp ngọn Tiên Nhân Phong, đâu đâu cũng phủ kín mây sầu, không khí như trở nên lạnh buốt, bầu trời tối tăm rất đáng sợ. Hơn nữa, lại có mấy cô gái yếu đuối, mấy lão bà bơ vơ đang bị mấy mươi tên đàn ông lực lưỡng, đánh vụt roi đánh vào người vun vút, cứ mỗi một ngọn roi giáng xuống, thì thân người những cô gái ấy, những lão già ấy, lại thấy máu tươi bắn ra tung tóe! Ngọc Diện Thần Quân Đông Phương Bạch nhìn thấy những ảo ảnh trước mặt, trong lòng liền có ý nghĩ bước ra cứu nguy cho những người yếu đuối, trừ đi những lũ bạo ngược gian tham. Bởi thế ông ta không hề do dự, cất tiếng thét dài, phi thân lao thoát về phía trước, vung cả hai chưởng xô mạnh tới, khiến hai tên cuồng đồ trong bọn, liền bị luồng chưởng phong của ông ta bay đi ra xa, rơi thẳng xuống mặt đất nghe phịch, phịch!

Sau khi Ngọc Diện Thần Quân Đông Phương Bạch lướt tới vung chưởng đánh vào đối phương, và tự cho rằng đấy là một hành động nghĩa hiệp thì trong lòng ông ta lóe lên một ý nghĩ. Ông ta thấy rằng số người quy tụ về Tiên Nhân Phong này, hầu hết đều là cao thủ thượng thặng trong võ lâm, vậy họ đâu lại ỷ mạnh hiếp yếu bao giờ? Vì vậy, ông ta đã chợt hiểu ra, là vì mình đang phân tán tâm thần, nghĩ ngợi đến những vấn đề khác, nên bị tiếng đàn của đối phương lung lạc, và đã bị nó thao túng rồi! Khi biết thế, ông ta hết sức kinh hoàng, vội vàng nhảy ra lui sau một trượng, té ngồi xuống mặt đất! Việc làm trước tiên của ông ta, là nhắm nghiền đôi mắt, tập trung tinh thần để vận chuyển chân khí, hầu xua đuổi tất cả những ý nghĩ vẩn vơ trong đầu óc.

Vừa rồi, khi trước mắt Ngọc Diện Thần Quân Đông Phương Bạch, đang hiện lên những ảo ảnh đó, thì đôi tai của ông ta cũng không còn nghe được tiếng đàn nữa. Lẽ tất nhiên đấy không phải tiếng đàn đã ngưng, mà ông ta đã bị tiếng đàn thao túng, tâm thần của ông ta đã hòa làm một với tiếng đàn, không còn biết có tiếng đàn đang tấu nữa.

Nhưng trong khi ông ta không nghe được tiếng đàn như vậy, cũng là lúc ông ta bị tiếng đàn sai khiến, làm những việc mà chính mình không hề hay biết.

Một người có thể từ trong cảnh bị lung lạc như vậy bừng tỉnh trở lại, kịp thời nhảy lùi ra sau một cách sáng suốt. Thật ra ngoài Ngọc Diện Thần Quân Đông Phương Bạch, chẳng còn có người thứ hai nào nữa! Đông Phương Bạch nhảy lui và té ngồi trên đất, đôi tai vẫn còn nghe văng vẳng tiếng khóc than chung quanh, chẳng khác nào đang ở một địa ngục giữa trần gian. Nhưng sau khi ông ta đã vận chuyển chân khí khắp châu thân mấy lượt, thì đã từ từ đối kháng được với sự mê hoặc của tiếng đàn, rồi tinh thần trở nên phấn chấn muốn nhảy tới cứu nguy cho số người yếu đuối kia. Chừng đó, ông ta mới bừng mở đôi mắt ra.

Sau khi Ngọc Diện Thần Quân Đông Phương Bạch mở mắt nhìn khắp chung quanh, thì không khỏi thoát mồ hôi lạnh khắp cả người! Vì khắp đỉnh Tiên Nhân Phong, cơ hồ đã trở thành một chốn a tỳ địa ngục! Xác chết ngổn ngang khắp nơi nơi, đồng thời có những người bị trọng thương đang rên la hết sức thảm thiết.

Những tiếng rên la đó, đã làm tăng thêm không khí ghê rợn, bi thương, trời sầu đất thảm do tiếng Bát Long Thiên Âm gây ra! Ông ta lại trông thấy có mấy mươi người đang đánh nhau quyết liệt, chẳng khác chi một lũ người điên.

Mấy mươi nhân vật ấy, đều là những phần tử tinh anh trong võ lâm ngày nay, ngoại trừ các cao thủ của hai môn phái Điểm Thương và Nga My, lại còn có Lục Chỉ Tiên Sinh, Thiết Đạc Thượng Nhân, Bích Ngọc Sinh, Trúc Lâm Thất Tiên, và các cao thủ của phái Võ Đang nữa.

Cuộc giao tranh giữa họ, quả thực đáng kinh khiếp. Chưởng phong cuốn đất bụi tối sầm cả đất trời, kiếm khí cuốn ào ạt khắp nơi nơi. Có một số người tuy đang bị thương khắp châu thân, nhưng vẫn một mực cố đánh nhau quyết liệt với đối phương, mặc cho máu tươi đẫm ướt cả y phục chẳng hề chịu lùi bước! Có một điều làm cho Ngọc Diện Thần Quân Đông Phương Bạch cảm thấy vô cùng đau xót, ấy là số nhân vật nọ đều là người trong chính phái cả, thế mà giờ đây, họ lại chém giết lẫn nhau không biết gớm tay.

Trong số người đang đem toàn lực đánh nhau không kể sống chết, có lẽ Phi Hổ Lữ Đằng Không và sư huynh của ông ta là Hồng Ứng Cung Long đánh nhau quyết liệt nhất! Đồng thời vị Chưởng môn nhóm tăng nhân của phái Nga My là Thủy Kinh Thiền Sư, lại dùng Kim Cang Đại Bang Nhược Chưởng của Phật môn, đánh nát đầu của người sư đệ mình là Thiết Đầu Tăng! Ngoài ra Trúc Lâm Thất Tiên là số người đã kết nghĩa sống chết từ nhiều năm nay, thế mà giờ đây lại tương tàn với nhau vô cùng kinh khiếp! Ngọc Diện Thần Quân Đông Phương Bạch trông thấy thế, trong lòng hãi kinh không bút mực nào tả được! Bởi thế, ông ta muốn bay vọt lên, để tràn ngay về phía trước, ngăn chặn mọi người hãy dừng ngay cuộc sát phạt đẫm máu lại...

Nhưng ông ta tự biết là lúc bấy giờ, mình đang tập trung hết tinh thần để đối kháng với tiếng đàn, thế mà chân khí trong người vẫn bị dao động, phải khó khăn lắm mới giữ tâm thần tự chủ được. Vậy, nếu ông ta phân tán tâm thần, nghĩ đến những chuyện khác, thì tất nhiên sẽ bị tiếng đàn ấy lung lạc ngay tức khắc. Và nếu thế, ông ta sẽ lại mất hết sáng suốt, gia nhập vào cuộc tương tàn kinh khiếp ấy ngay.

Chính vì lẽ ấy, nên mặc dù Ngọc Diện Thần Quân Đông Phương Bạch trông thấy rõ thảm cảnh đang diễn ra trước mắt, nhưng vẫn đành ngồi yên, không có biện pháp chi đối phó cả! Ngọc Diện Thần Quân Đông Phương Bạch đoán biết, số người đang liều chết giao tranh quyết liệt với đối phương kia, chắc chắn không khi nào tự biết mình đanh chém giết những người thân yêu, bè bạn của mình. Trái lại, lúc ấy trước mặt họ đang thấy những ảo ảnh vô cùng bi thảm, nên họ cho rằng mình đang ra tay hành hiệp, cứu nguy cho kẻ yếu, tức một việc làm rất cần thiết của một nhân vật võ lâm, trong phe chính phái, bởi họ đều là những nhân vật rất căm thù kẻ gian ác, có lòng nghĩa hiệp rạt rào.

Nên biết, chỗ lợi hại của Bát Long Thiên Âm chính là ở chỗ đó. Lúc bấy giờ, người tấu đàn đang đánh hai chương Ố và Ai, nên tiếng nhạc đã làm cho người nghe cảm thấy như có vô số tiếng kêu cứu, bi thương, tự cảm thấy mình có trách nhiệm cứu nguy cho kẻ yếu đuối, đồng thời, sẵn sàng liều thân để trừ lũ cường bạo, không hề khiếp sợ! Khi một người đã có ý nghĩ đó, thì tiếng đàn xâm nhập vào tâm não họ sâu hơn, và vì thế, ảo ảnh liền hiện rõ trước mắt họ. Nếu chẳng phải là một người đại trí tuệ, có một sức trấn tĩnh cao cường, thì chắc chắn họ sẽ đắm chìm mãi trong ảo ảnh đó, chẳng làm sao tự cứu được nữa! Các cao thủ trong chính phái, đối với sự quyến rũ về vật chất chung quanh, họ đều có thể tự kềm chế được. Nhưng đứng trước một khung cảnh bi thương, gây ra bởi kẻ tàn bạo gian ác, lấn hiếp kẻ yếu hèn thì họ không khi nào chịu khoanh tay đứng nhìn bao giờ. Chính vì lẽ ấy, nên ai ai cũng tràn tới giao tranh.

Ngay như Hỏa Tiều Đảo Chủ Thất Sát Thần Quân là người công lực hết sức cao cường, thế mà vẫn không tránh khỏi được Bát Long Thiên Âm ám hại. Vậy, cũng đủ biết tiếng đàn ấy lợi hại đến mức nào? Trong khi Ngọc Diện Thần Quân ngồi im đưa mắt nhìn, thì lại trông thấy có mấy người bị trọng thương, ngã lăn quay ra đất! Riêng Phi Hổ Lữ Đằng Không và Hồng Ưng Cung Long, trong tay đều có cầm vũ khí.

Họ đã dùng những thế hiểm độc nhất để đánh chết sống với nhau, tựa hồ giữa họ là một đôi kẻ thù bất cộng đái thiên, quyết liều mạng để cùng kéo nhau về cõi chết vậy! Bởi thế, chẳng hơn ba thế võ mãnh liệt, hai người đã mang ba vết thương hết sức nặng nề! Hai người ấy đều là sư đệ của Ngọc Diện Thần Quân Đông Phương Bạch cả.

Hơn nữa, lúc Ngọc Diện Thần Quân Đông Phương Bạch bị ân sư là Minh Đô Lão Nhân đuổi ra khỏi môn phái, dù ông ta bỏ ra đi chẳng hề van xin ân sư tha lỗi, song số sư huynh đệ đồng môn đều quỳ cả xuống đất, lạy lục xin tội giúp cho ông ta. Đứng trước việc ấy, Đông Phương Bạch thực cùng hết sức cảm động.

Hồi trước Hồi sau

Bán sạc cáp, linh kiện máy tính
Anh em cùng cài Pi Network đào tiền ảo nhé, nhập mã mời "kiemhieptruyen" lấy ngay 1 Pi.
Trước khi thanh toán tiền mua hàng thì nhấn hộ dùm mình link nầy nhé: shopee ở đây còn lazada ở đây.