Sư phụ - Hồi 03

Sư phụ - Hồi 03

Sư Phụ

Ngày đăng: 20-06-2014
Tổng cộng 6 hồi
Đánh giá: 8.4/10 với 47469 lượt xem

Huỳnh Đệ được mười tuổi nhưng tâm trí như đứa trẻ lên năm. Đệ cao lớn so với tuổi, đứng ngang vai một người lớn. Tuy hình dáng Đệ khôi ngô, cử động lanh lẹ, nói chuyện nhanh nhẩu, và ứng biến giỏi, nhưng Đệ lại là đứa trẻ dốt.
Khuôn mặt Đệ thon đều, trán rộng, mắt to, chân mày rậm. Mũi Đệ cao, cánh mũi nhỏ. Miệng Đệ rộng, môi dày. Tóc Đệ đen nhánh và dài, thường được cha mẹ cột ra sau gáy. Nhưng Đệ không thích như vậy. Ra khỏi nhà, Đệ xỏa tóc lòa xòa xuống vai.
Hình hài và dáng dấp của Huỳnh Đệ như vậy. Rõ ràng, Đệ không phải là đứa trẻ trì độn. Nhưng Đệ có tật lớn là chẳng chịu học hành, chỉ thích rong chơi ngoài đồng. Hằng ngày Đệ câu được nhiều cá, bẫy được nhiều thú rừng. Nhờ vậy, cha mẹ Đệ không phải mua thức ăn.
Cha Đệ vốn là thầy giáo trong làng, thông thạo chữ nghĩa, thường mong muốn Đệ phải được học hành đến nơi đến chốn. Cha Đệ dạy được bốn chữ thì Đệ quên hết bạ Ngày hôm sau, không ôn lại thì Đệ quên hết, chẳng giữ được chữ nào.
Ngồi trong lớp học, Đệ thích nhìn qua cửa sổ. Thầy giáo bắt Đệ chăm chú thì Đệ mơ tưởng đến sông rộng, rừng rậm, tôm cá , và chim muông.
Cha mẹ Đệ buồn lắm, bèn gởi Đệ đến nhà một người bạn, vốn là thầy giáo giỏi và nghiêm khắc. Được ba tháng, người bạn trả Đệ về ông ấy bảo rằng, thằng nhỏ này coi vậy mà ngu độn, không thể dạy được.
Cha mẹ Đệ buồn lắm nhưng vốn hiếm hoi, chỉ có Đệ là con một nên ông bà quyết chí tìm thầy cho Đệ.
Một hôm có người mách bảo trên núi cao gần đó có ngôi chùa Bạch Vân là nơi thanh tịnh. Vị Phương trượng của chùa là người đạo hạnh, nghiêm túc, tinh thông chữ nghĩa. Bất cứ ai lên chùa học đạo đều trở thành người tốt. Nghe vậy, cha mẹ Đệ mừng lắm, liền chuẩn bị đồ cúng, hoa quả, và tiền bạc để đưa Đệ lên chùa.
Sáng hôm đó, cha mẹ dẫn Đệ lên núi. Đường dốc lên, khúc khuỷu. Cha mẹ Đệ mang nhiều hành trang nặng nề. Đệ tuy mười tuổi nhưng lớn xác, khỏe mạnh nên gánh vác đồ đạc cho cha mẹ.
Đệ không sợ làm việc nặng nhưng ngại lên chùa, phải học chữ. Đệ vừa đi lên chùa vừa nhớ sông, nhớ rừng. Đệ thèm câu cá bẫy thú. Tất cả không còn nữa. Đệ buồn lắm. Từ nay, Đệ không còn gặp lại bạn bè, cảnh cũ.
Đường lên cao, quanh co, dốc ngược. Đệ nhìn lại, làng xóm khuất sau mấy rặng cây xanh.
Trời về trưa, nắng càng gắt. Mặt trời lên cao, xéo trên đỉnh đầu. Nắng chiếu nóng bỏng, Đệ mệt, thở hồng hộc nhưng không dám than vãn.
Qúa trưa, ba người lên đến chùa.
Đệ ngồi chờ bên ngoài phòng đợi. Cha mẹ vào trong yết kiến Phương trượng.
Chùa rộng mênh mông. Đệ không biết có bao nhiêu phòng. Từng dãy nhà nối nhau san sát. Phía trước chùa có trồng nhiều cây lớn, tàng lá thật rộng, che mát cả một vùng. Phía sau chùa, Đệ không biết được, nhưng thấy cây rừng bát ngát, lá xanh vươn cao ngất tận trời.
Đệ mừng lắm, có rừng là có thú.
Chờ một hồi lâu. Cha mẹ trở ra, dẫn Đệ vào bái tạ Phương trượng. Đệ thấy một vị sư già, râu tóc bạc phơ, mặt hồng hào, dáng điệu hiền lành. Vị sư không nhìn tới Đệ, ra lệnh cho một chú tiểu hướng dẫn Đệ đi.
Cha mẹ Đệ bùi ngùi từ giã. Ông bà dặn dò Đệ đủ chuyện nhưng Đệ chẳng nhớ điều gì.
Căn dặn Đệ nhắm chừng đã đủ, cha mẹ vái lạy phương trượng, cám ơn mấy nhà sư chung quanh rồi cáo lui.
Đệ hết nhìn các tượng Phật, bàn thờ, lư hương,... rồi ngó vách tường, cột nhà .. ..
Lúc Đệ nhìn lại, bắt gặp ánh mắt Phương trượng nghiêm trang, sắc lạnh. Đệ rùng mình, ngơ ngác.
Một chú tiểu bước lại gần, nói như ra lệnh:
- Tôi là A Dụ Chú mang đồ đạc theo tôi.
Đệ nhìn chú tiểu A Du, định cự nự vì lối xưng hô kiểu đàn anh. Mặt A Du non choẹt nhưng có lẽ lớn tuổi hơn nên Đệ nhẫn nhịn.
Đầu A Du trơn láng, để tóc ba chỏm. Đệ nhìn A Du rồi tưởng tượng đến lúc các nhà sư trong chùa sẽ cạo đầu mình. Mái tóc dài xỏa vai của Đệ sẽ bị họ cắt phăng đi. Da đầu Đệ sẽ trọc nhẵn như vậy.
Đệ ngó A Du, chán nản. Nước da A Du trắng xanh, ánh mắt buồn bã.
A Du nói như đọc kinh:
- Chú Đệ, có nghe tôi nói không, mang đồ đạc theo tôi về phòng.
Đệ gật đầu, nối gót A Du, dật dờ bước đi. Chùa rộng quá, đường xá quanh co, phòng ốc ngổn ngang, Đệ không định được phương hướng. Đệ bắt đầu lo, tìm đường trốn ra khỏi chùa không phải dễ dàng như Đệ tưởng.
Đi được một khoảng, Đệ càng cố nhớ càng nhức đầu thêm. Rồi đi một hồi lâu, Đệ hoàn toàn mất phương hướng.
Bỗng dưng, A Du rẽ qua một hành lang âm ụ Chỗ này, phòng ốc làm bằng gỗ, cũ kỹ.
A Du dừng lại trước một căn phòng tối tăm, từ tốn nói:
- Đây là phòng của chú.
Đệ nản quá, lên giọng:
- Anh nói lớn một chút có được không? Anh nói sao giống như đọc kinh vậy.
A Du trừng mắt:
- Chú không được nói lớn, sư phụ sẽ quở phạt.
Đệ hậm hực hỏi:
- Sư phụ anh là Phương trượng phải không ?
A Du lạnh lùng đáp:
- Không phải, Phương trượng lớn hơn sư phụ tôi nhiều lắm.
- Thế thì, anh gọi Phương trượng bằng gì ?
- Tôi không biết, Phương trượng là sư phụ của sư phụ tôi.
Đệ lắc đầu hỏi lại:
- Anh nói khó hiểu quá. Phương trượng cao tới hai lần sư phụ, tu gì mà phân nhiều cấp quá vậy ?
A Du hoảng hốt bịt miệng Đệ:
- Chú coi chừng, nói bậy bị phạt nặng lắm.
Đệ hỏi:
- Bị phạt như thế nào?
- Gánh nước, bửa củi, nấu cơm, quét nhà...
Đệ bật cười:
- Phạt gì mà nhẹ quá vậy, tôi đâu có sợ. Có khi nào anh bị đánh đòn không ?
- Có chớ. Mấy thứ hình phạt mà tôi vừa kể cho chú nghe là dành cho tội nhẹ.
- Còn làm thế nào bị tội nặng ?
- Ăn mặn, nói dối, uống rượu, trộm cắp...
- Ăn mặn cũng bị tội hay sao ?
- Đương nhiên.
- Nếu gây tội ăn mặn, bị phạt gì ?
- Ngồi trong phòng sám hối từ một đến ba ngày, hay hơn nữa.
Đệ le lưỡi:
- Ngồi trong phòng sám hối thì chán thật.
A Du hất hàm nói:
- Chú vào phòng. Nhớ, không được nói lớn, không được cười giỡn, chỉ đi chớ không được chạy, còn nhiều chuyện lắm.. . Tôi sẽ dạy cho chú.
Đệ ngạc nhiên, trố mắt hỏi:
- Anh dạy cho tôi.
- Chứ sao. Tôi sẽ dạy chú chữ và nhiều thứ khác.
- Vậy anh là sư phụ của tôi.
A Du đáp:
- Không phải, tôi chỉ là sư huynh của chú mà thôi. Khi nào làm lễ xong, chú phải gọi tôi là sư huynh.
Đệ lắc đầu:
- Anh lớn hơn tôi chừng năm tuổi là cùng. Ba tôi, các bác, các chú còn dạy chữ cho tôi không nổi nữa mà. Con nít như anh mà đòi dạy chữ cho tôi sao.
A Du lạnh lùng nói:
- Phương trượng đã cắt đặt công việc cho sư phụ tôi rồi. Sư phụ bảo tôi dạy chữ cho chú.
Biết cãi cũng không được gì, Đệ hỏi tiếp:
- Thế tên tôi sẽ là gì ? Tôi có được giữ tên cũ không ?
- Chú sẽ có tên mới.
- Pháp danh phải không ?
- Cái gì mà pháp danh.
- Tên chú có thể là A Đệ.
Đệ vừa thất vọng vừa bực bội:
- Cái gì mà A Đệ. Tên tôi là Huỳnh Đệ. Thế thì cứ thêm chữ A trước chữ Đệ là thành pháp danh.
- Đó không phải là pháp danh, chỉ là cái tên để mọi người gọi chú, biết không ?
A Du nói xong, khoác tay ra hiệu cho Đệ bước vào phòng và trừng mắt, ý chừng bảo Đệ khôn hồn thì câm họng. Đệ im lặng, chẳng phải vì sợ A Du mà chán hắn và cả mọi người trong chùa.
Đến chiều, A Du trở lại. Hắn cho biết, từ nay tên gọi của Đệ là A Đệ. Sau đó, hắn trao cho Đệ một mảnh giấy ghi lịch trình làm việc hàng ngày. Xem lướt qua tờ giấy, Đệ không hiểu gì cả, bèn hỏi:
- Giấy ghi chuyện gì vậy ?
A Du nhìn Đệ với ánh mắt giễu cợt rồi nói:
- Từ sáng, chú phải thức dậy sớm và đến phòng tụng niệm chung với mọi người để tụng kinh. Sau đó, chú đi xách nước, quét nhà, bửa củi, khiêng gạo, nhóm lửa. Rồi chú ăn trưa, sau đó tụng kinh và tiếp tục làm những việc ban sáng. Đến chiều, chú được ăn cơm, dọn dẹp, và tụng kinh cho đến tối.
Nghe qua, Đệ vừa kinh hãi vừa tức giận, xô A Du qua một bên, quát lớn:
- Tôi đi về.
A Du chậm rãi nói:
- Làm sao chú biết đường mà về. Hơn nữa ai cho phép chú.
Đệ nghe A Du nói có lý, bèn quay lại:
- Được, tôi sẽ làm việc, nhưng tôi có phạm tội gì đâu.
- Tất cả mọi người mới vào đây phải làm những công việc giống nhau như vậy, chứ không phải bị tội.
Đệ gật đầu vâng dạ. Từ đó, Đệ chăm chỉ làm việc với mưu toan trốn thoát khỏi chùa.
Đệ làm việc cật lực suất ngày như vậy gần một tháng thì một hôm A Du đến, bảo rằng:
- Ngày mai, chú sẽ bắt đầu học chữ.
Đệ vâng dạ:
- Được, anh sẽ dạy cho tôi phải không ?
A Du ưỡn ngực nói:
- Tôi sẽ dạy chữ cho chú. Khi chú thông thạo chữ, tôi sẽ dạy cho chú học kinh sách.
Đệ ngán ngẩm nói:
- Từ từ mà, tôi còn phải làm việc, đâu có thì giờ.
A Du nghiêm sắc mặt:
- Chú không được cãi. Ngày mai có người mới vào, sẽ phụ việc với chú. Lúc ấy, chú sẽ có thì giờ học chữ.
Biết thoái thác cũng không được, Đệ đành gật đầu:
- Tôi sẵn sàng.
A Du lên giọng:
- Bắt đầu ngày mai chú phải gọi tôi là sư huynh.
Đệ ngước lên nhìn A Dụ Mặt hắn trắng xanh, đầu trọc nhẵn, chỉ có ba chỏm tóc. Gọi hắn là sư huynh cũng được nhưng Đệ cảm thấy khó chịu quá :
- Này, tôi gọi anh là sư huynh cũng được nhưng anh không được bày đặt chuyện bắt tôi học nhiều.
A Du nghiêm giọng, ra vẻ quan trọng:
- Không dược. Ngày ta vào chùa, năm năm trước, ta cũng làm mọi chuyên như ngươi. Người sư huynh của ta đã hành hạ ta nhiều lắm.
Đệ trợn mắt nhìn A Du, gằn hỏi:
- Thế thì, bây giờ anh định hành hạ lại tôi phải không ?
A Du lạnh lùng hăm dọa:
- Nếu ngươi cãi lệnh ta, tức là cãi sư phụ ta, có nghĩa là bất tuân lệnh Phương trượng. Ta sẽ tâu lên Phương trượng, nhốt ngươi vào phòng sám hối.
Đệ nổi nóng, nhất định không nghe lời A Du, không chịu học chữ. Đúng như A Du hăm dọa, chiều hôm sau có mấy chú tiểu nữa đi cùng với hắn đến áp tải Đệ vào phòng tối. Họ nhốt Đệ nhiều ngày. Mỗi ngày, Đệ được hai bữa cơm nguội và nước lạnh.
Cứ cuối ngày, A Du đến hỏi:
- Chú đã hối tội chưa ?
Đệ đáp:
- Tôi không có tội.
Ngày hôm sau, A Du lại đến hỏi:
- Chú biết hối tội chưa ?
Đệ một mực trả lời:
- Tôi không có tội.
Được bảy ngày như thế, Đệ mệt lả và chán chường phòng tối quá. Đến chiều, khi A Du vừa đến, Đệ vội la lên:
- Tôi biết tội rồi.
A Du gật đầu:
- Tốt, ngươi chịu học chữ chứ gì ?
Đệ vâng dạ:
- Thưa sư huynh, tôi biết tội rồi.
Đệ nói vậy, nhưng trong óc tìm hết lời chửi A Du cho thỏa thích.
A Du nào biết như vậy, khoái chí lắm, đi gọi người đến thả Đệ ra.
Ngày hôm sau, Đệ bắt đầu học chữ.
Cũng y như lúc Đệ Ở với cha mẹ. A Du dạy được ba chữ thì Đệ quên hết hai. Ngày hôm sau Đệ quên nốt chữ đó . A Du giận lắm, cố sức dạy cho Đệ . Ban đầu A Du còn nói nhỏ nhẹ, khuyên bảo, sau lớn tiếng hơn, nhưng không có kết quả gì khả quan.
Một hôm A Du dạy hoài mà Đệ không nhớ, liền lớn giọng thóa mạ :
- Ngươi là một thằng ngu.
Đệ cãi lại:
- Tôi ngu mới để cho anh dạy.
A Du tức tối hỏi:
- Ngươi nói lời bất kính với ta phải không ?
- Đúng vậy. ..
A Du không dằn được cơn giận, liền tát Đệ một bạt tai nẩy đom đóm mắt. Nào ngờ, Đệ nổi hung đấm lại một phát khiến A Du té ngửa xuống đất, sặc cả máu mũi.
A Du bịt mũi, cố cầm máu, rồi chạy ra ngoài, tri hô lên.
Mấy nhà sư của Chấp Pháp Đường đến hài tội và bắt Đệ ra sau chùa. Từ đó Đệ phải ở trong một căn nhà chứa củi, không được tham dự các sinh hoạt tụng niệm và học hành của chùa nữa.
Ngoài ra, để đổi lại các bữa ăn, Đệ phải quét lá và dọn đẹp phía sau chùa.
Ngay hôm đó sau bữa ăn chiều, hai nhà sư trẻ đến áp tải Đệ ra sau căn nhà chứa củi. Họ dẫn Đệ đi quanh co một hồi rồi đẩy Đệ vào một căn nhà tối om.
Đệ không sợ hãi, tìm một xó, quấn mền rách mà ngủ.
Sáng hôm sau, Đệ tỉnh dậy đã nghe chim hót líu lo bên ngoài. Chung quanh yên lặng quá , ngoài tiếng chim và lá cây rung xào xạc, Đệ không nghe một âm thanh nào khác. Đệ lần mò đi ra ngoài, mới biết căn nhà chứa củi làm bằng gỗ, khá rộng. Nhà nằm hẳn ra ngoài vòng tường của chùa. Phía sau nhà là rừng cây. Từ nhà đi ra có con đường mòn nhỏ. Đệ không biết con đường này dẫn tới đâu.
Suy nghĩ một lúc, Đệ quyết chí trốn khỏi chùa nên gom góp vật dụng, theo con dường mòn mà đi.
Buổi sáng vừa bắt đầu, mặt trời chưa lên, sương đêm còn phủ mịt mờ. Không khí mát lạnh khiến Đệ cảm thấy dễ chịu.
Vừa đi được một quãng, bất chợt Đệ thấy một người đi loáng thoáng trong sương. Người này đi trước cùng chiều, nên quay lưng về phía Đệ. Đó là một ông già mặc áo xám. Đệ biết các nhà sư trong chùa đều mặc áo vàng. Chỉ những người làm chuyện tạp dịch , hay mới vào chùa như Đệ mới mặc áo xám. Như vậy, chức phận người này chắc hẳn rất thấp trong chùa.
Trong buổi sáng tinh mơ, Đệ không biết ông già ra đây làm gì. Đệ thấy ông ấy cầm cây chổi, vừa đi vừa quét lá. Ông già đi thật nhẹ nhàng, tựa như bay trên mặt đất.
Đệ đi sau lưng ông già một lúc mà không thấy ông ta quay lại, liền bước nhanh qua mặt ông. Đi được vài bước Đệ tò mò ngoái đầu nhìn lại. Thì ra ông già áo xám là một nhà sư rất già, râu tóc bạc phợ Tóc ông để dài chứ không cạo như các nhà sư trong chùa. Ông vừa đi vừa quét lá nhưng nhắm nghiền hai mắt.
Lạ thay, ông đi không vấp mà cái chổi trên tay ông quét thật đúng lá khô trên đường.
Đệ thấy chuyện lạ, thích chí đứng dừng lại, đưa tay ra trước mặt ông. Đột nhiên ông già bước xéo qua bên trái, tránh bàn tay của Đệ rồi tiếp tục bước đi.
Hành động của ông già áo xám nhanh quá khiến Đệ nghi ngờ.
Đệ liền vòi tay nắm cái chổi của ông. Nhưng bàn tay Đệ còn cách cái chổi một gang tay thì ông già đưa tay nhanh ra trước, hất tung lá khô vào mặt Đệ.
Đệ nổi giận, chạy qua mặt ông già, đạp lên cái chổi. Thình lình, ông già xoay ngược cái chổi lại, dùng cái cán gạt mạnh vào chân khiến Đệ té lăn xuống đường.
Ông già áo xám cử động vừa nhanh vừa chính xác nhưng mắt không hề mở. Ông nhắm mắt mà như thấy hết mọi vật trước mặt.
Đệ tức giận nhưng thích chí, liền đi trước ông già, vừa bước vừa hất lá phía ngoài trở vào đường đi.
Lạ thay, Đệ hất chiếc lá nào vào thì ông già nhanh tay quét trở ra. Hai người cứ làm như vậy suốt một khoảng đường dài.
Được một hồi lâu, Đệ không nhịn nhục được nữa, phải lên tiếng:
- Ông giả bộ nhắm mắt phải không?
Ông già làm thinh, bước tới trước, tiếp tục quét lá. Cái chổi di chuyển thật nhanh nhưng không hề trúng chân Đệ.
Thấy vậy Đệ chờ cái chổi đến gần liền đá lá ra chỗ khác.
Nhưng mặc cho Đệ làm thế nào đi nữa, cái chổi của ông già vẫn bắt trúng lá và hất ra khỏi đường.
Đệ và ông già áo xám thi đua nhau như vậy cho đến khi mặt trời lên. Nắng bắt đầu gay gắt khiến Đệ mệt lả, thở hồng hộc.
Cuối cùng, Đệ nổi nóng thét lớn:
- Ông già, có chịu mở mắt ra không ?
Đệ vừa nói xong thì cái chổi trên tay ông già đột nhiên chuyển hướng, lông chổi quất vào chân Đệ rát rát, còn cán thì đập vào đít Đệ một phát.
Đệ bị đau quá la hoảng lên:
- Ê ông già không chơi như vậy chớ.
Đột nhiên, ông già lên tiếng:
- Thằng nhỏ kia, chịu thua chưa.
Đệ nhảy lùi ra sau, thảng thốt đáp:
- Con chịu thua.
Ông già áo xám mở mắt ra. Trời sáng tỏ, ánh nắng chiếu nghiêng một bên người ông. Râu tóc ông già bạc trắng nhưng khuôn mặt ông hồng hào, da trơn láng như trẻ thợ Ông nhìn Đệ, cười hiền hậu:
- Ngươi định trốn thoát khỏi chùa phải không?
Đệ sợ hãi, nhớn nhác nhìn chung quanh.
Ông già bật cười:
- Ngươi tưởng ta là người của Chấp Pháp Đường gởi tới để bắt ngươi sao?
Đệ lo lắng hỏi:
- Ông là ai ?
Ông già thản nhiên đáp:
- Ta là ta.
- Ông tên gì ?
- Ta không biết.
- Tên của ông mà ông không biết à?
Lâu quá, ta quên mất tên ta rồi.
- Vậy người trong chùa gọi ông là gì ?
- Họ gọi ta là Lão Cuồng. Ngươi cứ kêu ta như vậy được rồi.
Đệ lắc đầu:
- Ông già rồi, con không dám gọi ông như vậy.
- Lão Cuồng là Lão Cuồng. Có gì xấu đâu mà ngươi không dám gọi ta.
- Ông bao nhiêu tuổi rồi ?
- Sáu mươi năm trước, lúc vào chùa ta được mười tuổi.
Đệ thấy ông già nói chuyện hiền lành, cảm thấy bớt sợ:
- Vậy lúc đó ông bằng tuổi con.
Lão Cuồng nheo mắt nhìn Đệ:
- Thế ra ngươi được mười tuổi.
Ông già im lặng một lúc rồi hỏi:
- Ngươi là thằng bé thông minh. Tên ngươi là gì ?
Đệ ngạc nhiên nói:
- Con tên Huỳnh Đệ. Từ xưa tới giờ người ta nói con ngu độn, chưa có ai khen con thông minh.
Ông già gật gù:
- Người đời chỉ thấy bằng mắt, suy nghĩ bằng não làm sao mà biết được. Này, nhà ngươi phạm tội trong chùa rồi định tẩu thoát chứ gì ?
Đệ gật đầu:
- Dạ phải.
- Nhà ngươi đã gây tội gì ?
- Con đánh sư huynh.
Tại sao ngươi đánh sư huynh ngươi ?
- Hắn bắt con phải học chữ. Hắn ép con học. Con học không nhớ nên bị hắn chửi và đánh.
- Thế rồi ngươi đánh trả lại sư huynh ngươi ?
Đệ bực tức nói:
- Hắn không phải là sư huynh con. Từ nay con không gọi hắn là sư huynh nữa.
Ông già gục gặc đầu:
- Không ai bắt ép được ai. Được rồi, nhà ngươi lại đây.
Lão Cuồng dẫn Đệ đến bên một tảng đá, nhỏ nhẹ nói:
- Ngươi ngồi đây.
Lão Cuồng leo lên tảng đá. Lão moi phía sau tảng đá ra một chai nước và một gói giấy. Bên trong gói giấy có một ít cơm khô . Lão chia cho Đệ một nửa:
- Nhà ngươi ăn cơm với ta.
Đệ nhảy thót lên, ngồi bên cạnh Lão Cuồng. Hai người vừa ăn cơm khô vừa nhìn xuống phía rừng cây và thung lũng. Đệ vừa ăn vừa hỏi:
- Ông nói không nhìn bằng mắt thì nhìn bằng gì ? Còn không nghĩ bằng não thì nghĩ bằng gì ?
Lão Cuồng thong thả đáp:
- Nếu ngươi nhìn bằng mắt thì ngươi chỉ thấy được những gì phía trước mặt, không thấy được phía sau lưng. Nếu ngươi suy nghĩ bằng não thì ngươi chỉ hiểu những gì có mà không thể hiểu những gì không có.
Đệ lắc đầu:
- Ông nói gì con không hiểu.
Lão Cuồng thản nhiên nói:
- Nếu ngươi không chỉ nhìn bằng mắt mà nhìn bằng não thì không những ngươi thấy được những gì trước mặt mà còn thấy cả phía sau lưng và tất cả mọi vật ở mọi nơi. Nếu ngươi suy nghĩ bằng tâm linh thì ngươi hiểu cả những gì có mặt và cả những gì không có.
Đệ lắc đầu:
- Con không hiểu ông nói gì.
Lão Cuồng gật đầu:
- Ta quên, ngươi chỉ mười tuổi, làm sao hiểu được, nhưng sau này ngươi sẽ hiểu.
Lão Cuồng đưa chai nước cho Đệ:
- Ngươi uống chút nước này rồi muốn đi đâu thì đi.
Đệ lắc đầu:
- Con không biết đi đâu bây giờ. Về nhà, cha mẹ con sẽ đánh chết.
Lão Cuồng im lặng một lúc rồi nói:
- Ngày xưa, sáu mươi năm trước, ta bị đưa vào chùa cùng lúc với Phương trượng bây giờ. Người tự xưng là sư phụ ta đã dạy ta những điều xằng bậy trong kinh sách. Sau đó, sư phụ ta uống nhằm nước tiểu của tạ Rồi giày sư phụ ta bị trét phân. Vì thế, Phương trượng đời trước phạt ta ra sau chùa quét lá. Sau đó, mọi người quên bẵng tạ Đến khi Phương trượng chết, ta cứ sống ngoài này. Vậy mà đã sáu mươi năm rồi.
Đệ trố mắt nhìn Lão Cuồng:
- Ông ở ngoài này quét lá đã sáu mươi năm rồi à ?
Lão Cuồng gật đầu:
- Chứ sao. Sáu mươi năm, ta quen hết mọi vật.
- Hèn gì ông nhắm mắt mà thấy hết mọi thứ.
- Ta đã bảo ngươi, ta nhìn bằng não mà.
Đệ thích chí hỏi:
- Thế thì ông nhắm mắt mà thấy được tất cả mọi vật. Ông dạy cho con làm sao nhắm mắt mà câu được cá và bẫy được thú đi.
Lão Cuồng gật đầu:
- Ta chỉ cho ngươi biết cách chứ không phải dạy , rồi tự ngươi sẽ hành xử. Ta không dạy và ta không là sư phụ của ai cả.
- Vậy ông có bắt con học chữ hay không ?
- Ta không bao giờ bắt ép ngươi. Đến một lúc nào đó, ngươi sẽ cần học chữ và tự ngươi tìm học. Lúc ấy, dù ta có ngăn cản ngươi cũng không được.
- Thế thì con ở đây với ông được không ?
- Ngươi muốn ở đây bao lâu cũng được. Ta với ngươi sẽ trò chuyện hàng ngày. Ngươi cùng ta quét lá.
Từ đó Đệ Ở lại sau chùa. Hàng ngày, Đệ cùng Lão Cuồng quét lá và rong chơi. Cơm nước, ngày hai bữa có nhà chùa lo.
Ngày qua, ban đầu Đệ nói chuyện chơi với Lão Cuồng, dần đần Đệ hiểu nhiều hơn. Lão Cuồng gợi cho Đệ suy nghĩ nhiều chuyện.
Lão Cuồng chăm chỉ đọc sách. Lão biết rất nhiều thứ. Bất cứ chuyện gì, Lão Cuồng cũng bàn bạc được. Cả chuyện câu cá và bẫy thú, Lão Cuồng chưa hề làm qua nhưng lão không những bàn được mà còn chỉ cho Đệ nhiều cách thức khác, làm sao câu được nhiều cá và bẫy được nhiều thú . Đệ không hiểu tại sao Lão Cuồng biết được. Lão trả lời, đọc sách mà biết được.
Sống với Lão Cuồng gần một năm. Đệ cảm thấy cần biết nhiều điều. Nhưng khi Đệ hỏi Lão Cuồng, có lúc lão giải thích, có lúc lão bảo tìm trong sách mà đọc. Đệ bèn năn nỉ Lão Cuồng dạy chữ. Bấy giờ, Lão Cuồng đem giấy mực ra dạy cho Đệ.
Xuân Hạ Thu Đông, bốn mùa thay đổi đến ba lần. Thấm thoát, Đệ sống với Lão Cuồng đã được ba năm. Đệ rất thích Lão Cuồng. Lão không bao giờ bắt ép Đệ làm điều gì, nhưng lão biết hết mọi chuyện sẽ xảy ra cho Đệ. Do đó, lão gợi ý điều gì cho Đệ là trúng ngay điều đó.
Một hôm, sau khi ăm cơm chiều, Lão Cuồng bảo:
- Tối nay, ngươi đi theo ta làm chuyện này.
Đệ gật đầu, không cần biết sẽ làm chuyện gì. Đến nửa khuya, Lão Cuồng đánh thức Đệ dậy, bảo mặc quần áo sậm màu, lấy vải quấn giày lại để đi cho êm.
Sau đó, Lão Cuồng ra dấu cho Đệ đi theo. Hai người ra khỏi căn nhà chứa củi, đi về phía chùa.
Đệ biết ý Lão Cuồng nên lẳng lặng làm theo mà không hỏi điều gì . Đệ theo lão, trèo qua tường vào chùa. Lão đi rất nhanh, thoăn thoắt.
Lão Cuồng rất rành mọi ngõ ngách, chứng tỏ lão thường vào ra chùa.
Lão Cuồng dẫn Đệ đi quanh co, khi núp vào chỗ này, khi lách qua ngõ khác để tránh các nhà sư tuần hành trong đêm.
Đi một hồi lâu, hai người tới một tòa nhà rất cũ. Lão Cuồng chỉ tấm bảng treo trên cao trước cửa.
Nhờ ánh trăng lờ mờ. Đệ đọc được mấy chữ, mới biết tòa nhà dó là Tàng Kinh Các của chùa.
Lão Cuồng lấy mấy que cây và một sợi dây, lòn qua khe cửa mở chốt bên trong. Lão hành động rất thuần thục, giỏi hơn cả một tên trộm rành nghề.
Đệ theo Lão Cuồng lẻn vào trong, đi men theo các dãy kệ sách.
Lão Cuồng rút một cuốn sách trong người ra, để lên kệ, rồi lựa hai cuốn sách, nhét vào trong bọc. Xong, Lão Cuồng đi trở ra, cài chốt y như cũ.
Bấy giờ, Đệ mới hiểu những cuốn sách mà Lão Cuồng đọc lâu nay là sách mượn của Tàng Kinh Các trong chùa.
Đến sáng hôm sau. Lão Cuồng lấy một cuốn sách ra dạy cho Đệ học. Cứ như thế, nhiều năm trôi quạ Lão Cuồng dạy cho Đệ học rất nhiều sách. Lão rất thông minh và sức hiểu biết sâu rộng vô bờ. Lần đầu lão bảo Đệ đọc sách cho thông. Sau đó, Đệ bàn luận với lão. Cách giải thích của Lão Cuồng khác hẳn trong kinh sách.
Lão bảo Đệ:
- Người đời dạy cho ngươi vui vì được, ta chỉ cho ngươi biết vui vì mất.
Đệ lắc đầu:
- Lão Cuồng à, con đi câu để sẩy một con cá, buồn cả một ngày. Con bẫy thú, để sổng một con thỏ. rầu đến ba hôm. Lão bảo con để sẩy cá. sổng thỏ mà vui thì vui làm sao được.
Lão Cuồng thản nhiên nói:
- Ngươi để sẩy một con cá, buồn một ngày. Nếu ngươi để sẩy ba con cá thì buồn ba ngày. Ngươi làm sổng một con thỏ, rầu ba hôm. Nếu ngươi để sổng hai con thỏ sẽ rầu sáu ngày. Sẩy cá và sổng thỏ đã là mầm mống nghiệp chướng của đời ngươi đó. Ngươi còn buồn rầu là còn chìm đắm trong đạo đời khổ ải. Khi nào, ngươi cảm thấy mất mà vui thì mới nên người.
Mặc cho Lão Cuồng nói gì thì nói. Đệ ấm ức không chịu được. Để sẩy cá và sổng thỏ, lại lấy chuyện đó làm vui thì Đệ không nghe lọt tai được.
Một lúc khác, Lão Cuồng nói:
- Người đời dạy cho ngươi phải đi tới, ta chỉ cho ngươi biết nơi đâu nên dừng lại và phải biết đi lùi.
Đệ bật cười:
- Đi tới thì dễ và đi lùi cũng có gì là khó đâu.
Lão Cuồng bảo:
- Ngươi đi tới thì nhanh và dễ dàng. Ngươi đi lui khó khăn và chậm chạp. Tại vì mắt ngươi ở phía trước mặt.
Đệ mỉm cười hỏi:
- Nếu con có hai mắt ở sau lưng thì sẽ lùi dễ hơn phải không ?
Lão Cuồng lắc đầu.
- Mọi người được sinh ra chỉ có hai mắt phía trước. Ngươi đừng có tham lam đòi hỏi nhiều mắt. Ngươi cứ tưởng tượng xem, một người có bốn mắt sẽ trông quái dị như thế nào. Tại vì ngươi nhìn bằng mắt cho nên chỉ thấy được phía trước. Như ta đã nói, ngươi nhìn bằng não không những thấy được phía trước mà luôn cả phía sau và khắp mọi bề.
- Như vậy, con phải làm sao để nhìn bằng não ?
Chừng nào con mới nhìn bằng não được ?
Lão Cuồng thong thả đáp:
- Con người có lục quan, thông thường chỉ xử dụng một quan cho một việc.
Đệ bật cười:
- Ai cũng nói con người có ngũ quan, sao lão bảo có tới lục quan?
Lão Cuồng giải thích:
- Thật sự con người có tới lục quan. Năm quan đầu là thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, và xúc giác. Đồng thời con người có thất khiếu là hai mắt, hai tai, hai lỗ mũi, và miệng. Người ta dùng mắt cho thị giác, dùng tai cho thính giác, dùng mũi cho khứu giác, dùng miệng lưỡi cho vị giác, dùng da cho xúc giác. Nhưng con người không biết dùng cái gì cho giác quan thứ sáu là trực giác.
Đệ lắng tai nghe. Những điều mà Lão Cuồng nói quả nhiên hợp lý, nhưng Đệ không hiểu được giác quan thứ sáu là gì.
Lão Cuồng hỏi:
- Ngươi dùng cái gì cho giác quan thứ sáu ?
Đệ lắc đầu:
- Con không biết.
Lão Cuồng từ tốn giải thích.
- Giác quan thứ sáu là trực giác quan trọng hơn cả . Trực giác vô hình, vô sắc, vô thanh, vô vị. Ngươi phải biết dùng trực giác, phải dùng tâm linh cho trực giác. Giác quan thứ sáu này có uy lực vô biên, phối hợp cả ngũ quan kia.
Đệ lắc dầu:
- Con không hiểu.
- Nhưng ngươi có nhớ không?
- Dạ có.
- Được lắm. Với trực giác, ngươi không mở mắt mà thấy, không dùng tai mà nghe được, không cần mũi mà ngửi được, không dùng lưỡi mà biết vị, không sờ mà biết được.
- Con vẫn không hiểu.
- Nhưng ngươi có nhớ không?
- Dạ có.
- Hay lắm. Cho thị giác, ngươi không chỉ dùng mắt mà còn dùng não để thấy. Cho thính giác, ngươi không chỉ dùng tai mà còn dùng mắt để nghe. Cho khứu giác, ngươi không chỉ dùng mũi mà còn dùng não để ngửi. Cho vị giác, ngươi không chỉ dùng lưỡi mà còn dùng mắt để nếm. Cho xúc giác, ngươi không chỉ dùng tay mà dùng mắt và tay để sờ.
Lão Cuồng nói huyên thiên một hồi khiến Đệ hoang mang, không biết lão nói cái gì.
Đệ thảng thốt nói:
- Con không hiểu gì cả.
- Nhưng ngươi có nhớ không?
- Con cảm thấy mơ hồ, không chắc có nhớ hay không.
Lão Cuồng mừng rỡ nói:
- Tốt lắm, ngươi là đứa trẻ thông minh và thành thật.
Rồi Lão Cuồng và Đệ đi quét lá, xong, họ trở về căn nhà chứa củi ăn cơm.
Được vài ngày, đến đêm, Lão Cuồng lại dẫn Đệ vào Tàng Kinh Các của chùa tìm sách khác. Nơi đây, nhà chùa có đủ loại sách, không chỉ có sách về Phật giáo mà còn có đủ sách của các đạo khác. Lão Cuồng lần lượt, qua nhiều năm, chọn cho Đệ hết sách này đến sách khác.
Thời gian trôi qua, Đệ Ở sau chùa quét lá với Lão Cuồng được bảy năm. Bấy giờ Đệ đã lớn, trở thành một thanh niên tuấn tú.
Trong khoảng thời gian đó, cha mẹ Đệ bệnh nặng, lần lượt qua đời. Đệ về lo chôn cất cha mẹ rồi trở lên sống với Lão Cuồng.
Một hôm, trong khi quét lá, Lão Cuồng nói:
- Tuần sau, chùa sẽ có buổi thi quan trọng.
Đệ nhìn Lão Cuồng, không nói gì. Lâu nay sống với Lão Cuồng, dần dà Đệ chẳng màng chuyện gì khác. Nhưng lần này, vẻ mặt lão Cuồng có vẻ quan trọng, khiến Đệ phải suy nghĩ.
Lão Cuồng nói tiếp:
- Cứ bảy năm một lần, triều đình cho người đi tuyển sư phụ cho vuạ Chùa Bạch Vân này có tiếng tăm như nhiều nơi khác nên được triều đình chọn là một địa điểm thi.
Đệ thản nhiên nói:
- Người trong chùa dự thi đâu có liên can gì đến chúng ta.
- Có chớ, ta và ngươi cũng thuộc về chùa. Bao nhiêu năm nay chúng ta ăn cơm và quét lá cho chùa, ngươi không nhớ sao.
- Con nhớ chớ. Chúng ta vẫn quét lá hàng ngày mà.
- Này, ta bảo cho biết. Ta già rồi, nhưng ngươi còn trẻ, phải ra dự thi.
Đệ lắc đầu:
- Lão đã dạy con phải biết đi lùi. Hôm nay, lão xúi con đi tới
Lão Cuồng mỉm cười:
- Ngươi học những gì của ta thì phải biết vận dụng. Ngươi phải đi tới rồi mới lùi được, có phải không? Từ trước tới giờ, ngươi chưa đi tới bao giờ mà, thế thì ngươi lui chỗ nào.
Đệ ngẫm nghĩ một lúc, gật đầu:
- Lão nói đúng.
Lão Cuồng gục gặc đầu. giải thích tiếp:
- Tới và lui dựa nhau mà hành xử. Người ta chết vì biết tới mà không biết lui. Người ta trở thành ngu si, đần độn vì biết lui mà không biết tới. Ngươi chỉ lui sau khi đã đi tới. Ngươi không thể tới mãi mà cũng không thể lui mãi. Khi nào tới và khi nào lui, ngươi phải thông hiểu điều đó.
Đệ gật đầu:
- Dạ.
Lão Cuồng tiếp:
- Hơn nữa, nhà ngươi còn trẻ, ngươi phải ra đời lập thân, lấy vợ đẻ con, làm nên công danh sự nghiệp cho đất nước.
- Dạ.
- Tốt. Mỗi bảy năm, triều đình cử người tới chùa này để tuyển sư phụ cho vuạ Nhưng hơn nửa thế kỷ qua, chùa Bạch Vân này cũng như các nơi khác, chưa có ai được chọn.
Đệ suy nghĩ một lúc rồi hỏi:
- Vậy thì đề thi chắc khó lắm?
- Khó hay không, tùy ở con người. Bao nhiêu năm qua đề thi chỉ có một không hề thay đổi, mà không ai trúng tuyển. Những kẻ lớn tuổi như Phương trượng và ta đều biết rõ, chỉ có một đề thi mà thôi. Đề thi này do một vị vua đời trước bày ra gần một thế kỷ rồi.
Đệ ngồi im lặng. Dự thi hay không, Đệ không suy nghĩ tới nên không hỏi.
Lão Cuồng biết vậy nên nói tiếp:
- Ngày xưa, vị vua đó cho làm ra một bia đá, khắc một bài thơ bằng một thứ chữ cổ. Cách thi rất đơn giản, thí sinh phải đọc và nhớ thuộc lòng bài thơ, chép lại nguyên bản trên giấy và dịch ra cho mọi người hiểu. Vị hoàng đế ấy cho biết rằng, khi nào có người nhớ hết cả bài thơ trong thời gian ngắn như vậy là lúc ngài tái sinh, và phải chọn người đó làm sư phụ cho vua.
Đệ lắc đầu:
- Lão nói cách thi đơn giản nhưng phải có khó khăn như thế nào nên bao nhiêu năm nay không có người trúng tuyển.
Lão Cuồng gật đầu:
- Đúng vậy. Họ để tấm bia vào trong một bồn nước rồi cho quân sĩ múc nước đổ vào bồn. Khi nước đầy bồn thì ngập hết tấm bia. Lúc đó thời gian của buổi thi chấm dứt.
Đệ vẫn lắc đầu:
- Con đi thi làm gì, sống nơi đây với lão cũng được rồi.
Lão Cuồng ung dung nói:
- Ta không ép ngươi nhưng cha mẹ ngươi luôn luôn muốn ngươi trở thành người có công danh và sự nghiệp. Ngươi hãy suy nghĩ cho kỹ.
Lão Cuồng nói xong, cùng Đệ đi quét lá. Lão ung dung làm việc, thư thái mà sống. Từ đó, lão không nhắc gì tới chuyện dự thi nữa.
Đệ chờ Lão Cuồng đề cập đến chuyện dự thi nhưng không nghe lão nói gì. Hình như lão quên bẵng chuyện đó.
Một hôm, trời vừa hừng sáng, Lão Cuồng đánh thức Đệ dậy:
- Ngươi có đi với ta xem lễ hay không ?
Đệ sống với Lão Cuồng quá lâu, hiểu rõ tính lão, vốn không ưa náo nhiệt. Đột nhiên, sáng nay lão rủ Đệ đi xem lễ khiến Đệ ngạc nhiên:
- Lễ ở đâu ?
- Hôm nay, trong chùa có làm lễ thi tuyển sư phụ cho vuạ Ngươi theo ta đi xem cho vui.
Đệ biết Lão Cuồng có dụng ý khác, chẳng phải vì vui và náo nhiệt mà lão mời mọc Đệ đi chơi. Đệ nhớ tới lời đề nghị của lão hôm trước nên lòng rộn rã , muốn biết người ta tổ chức thi như thế nào. Đệ gật đầu:
- Con đi với lão.
Lão Cuồng ậm ừ nói:
- Ngươi muốn đi thì theo, chứ ta không ép.
- Dạ, con muốn đi mà.
- Được.
Lão Cuồng moi sau đống củi ra một cái gói bọc bằng giấy dầu. Lão mở ra, bên trong có bộ quần áo màu xám còn mới. Lão nói:
- Ta cho ngươi áo mới đi dự lễ.
Đệ ngạc nhiên hỏi:
- Lão tìm bộ quần áo này ở đâu ?
Thấy Đệ nhìn với ánh mắt nghi ngờ, Lão Cuồng liền cải chính:
- Bộ quần áo này của mấy tên sư trẻ trong nhà bếp cho ta.
Đệ gật đầu nói:
- Con tin lão, nhưng chẳng phải lão xin đâu.
- Ta không ăn trộm quần áo của ai.
- Lão không ăn trộm nhưng lão lại gạt mấy tên trong nhà bếp chuyện gì đó để lấy bộ quần áo này.
Lão Cuồng gật đầu:
- Đúng vậy, chúng nó thua trí ta.
Đệ bật cười:
- Lão cá với họ chuyện gì ?
Lão Cuồng mỉm cười, thú thật:
- Đâu có chuyện gì lạ . Bọn chúng đâu biết ta nhắm mắt mà thấy được, nên cá với tạ Thế là cả bọn đều thua.
- Lão cá với họ chuyện gì.
- Ta đưa chúng nhiều viên sỏi . Bảo chúng nó giấu mấy viên sỏi trong lòng bàn taỵ Nếu ta nói đúng số viên sỏi, ta thắng, thì họ thua.
- Con biết đương nhiên họ thua, nhưng làm cách nào mà lão thắng được.
Lão Cuồng thản nhiên nói:
- Ngươi theo ta khá lâu mà chưa biết sao? Mỗi khi tên nào giấu bao nhiêu viên sỏi, chúng nó đều nhìn vào lòng bàn tay trước. Thế rồi, ta nhìn vào mắt chúng, ta đọc được hết. Ta có bao giờ thèm nhìn vào bàn tay nắm chặt của chúng đâu.
Nói xong, Lão Cuồng thúc giục:
- Ngươi thay quần áo rồi chúng ta đi.
Đệ cởi bộ quần áo rách nát ra, mặc bộ mới vào. Lão Cuồng nhìn Đệ, tấm tắc khen:
- Quả nhiên ngươi không xấu, thật xứng đáng là sư phụ của vua.
Đệ giật mình hỏi:
- Lão vừa nói gì ?
Lão Cuồng nói lảng sang chuyện khác:
- Ngươi theo ta đi mau.
Hai người ra khỏi nhà chứa củi, trèo qua bức tường, vào phía sau nhà bếp của chùa. Sáng nay, trong chùa thật vắng lặng, chỉ còn vài người lo chuyện nấu bếp và canh phòng.
Lão Cuồng nói nhỏ:
- Họ ra ngoài chánh điện rồi.
Lão vừa nói vừa đi thật nhanh. Đệ sống với Lão Cuồng đã lâu, chỉ thấy lão đi khoan thai, nhẹ nhàng. Chưa bao giờ Đệ thấy lão đi nhanh. Người Lão Cuồng tuy đi nhưng tựa như bay trên mặt đất. Đệ rán sức chạy theo nhưng không đuổi kịp, đành gọi vòi theo:
- Lão làm gì mà chạy nhanh quá vậy.
- Ta đang đi mà.
Hai người vừa đi vừa nói chuyện, thoáng chốc đã đến một tòa nhà thật rộng. Lão Cuồng đi vào cửa phía bên phải. Đệ thấy bên trong có rất nhiều người. Các nhà sư của chùa ngồi hai bên thành ba dãy. Phía trên bày hương án, ngay dưới là một dãy bàn, có nhiều người ngồi. Chính giữa có bốn vị quan mặc triều phục xanh, đỏ, đen, vàng. Kế đó là Phương trượng và ba nhà sư già nữa.
Đệ thấy Lão Cuồng ngang nhiên đi vào. Mọi người trong sảnh đường đều nhìn lão, lấy làm kinh ngạc.
Một nhà sư đứng gần cửa đưa tay chận Lão Cuồng lại:
- Nam mô A Di Đà Phật, xin thí chủ dừng chân.
Lão Cuồng ung dung hỏi:
- Ta vào trong kia được không?
Nhà sư liền hỏi:
- Thí chủ là ai?
- Ta là Lão Cuồng.
Nhà sư ngơ ngác hỏi:
- Lão Cuồng là ai ? Tại sao thí chủ xâm nhập vào bổn chùa ?
Lão Cuồng ngạc nhiên hỏi:
- Ta ở trong chùa này mà.
Nhà sư liền nạt:
- Thí chủ đừng nói những điều không thật.
- Ta ở đây đã sáu mươi năm rồi mà ngươi không biết sao ?
Trong sảnh đường đang im lặng nên cuộc đối thoại của hai người vang rõ mồn một.
Hai vị sư phía trên thềm điện liền bước xuống. Một trong hai người là Phương trượng của chùa.
Vị sư kia liền hỏi:
- Thí chủ là ai ? Tại sao dám đường đột vào đây ?
Lão Cuồng nhíu mày nhìn sắc phục của nhà sư rồi nói:
- À, ngươi là thủ tọa của Chấp Pháp Đường. Ngươi vào chùa được bao nhiêu lâu rồi?
- Ta vào chùa được bao lâu có liên can gì đến thí chủ?
- Có chứ. Có lẽ ngươi vào chùa sau này nên không biết ta.
Hai người đang đối đáp, chợt Phương trượng lên tiếng:
- Vô Chấn, lâu nay ông mạnh giỏi chớ?
Lão Cuồng bật cười:
- Thế ra cũng có người nhớ tên tạ Vô Chung, ta vẫn khỏe mạnh, nhưng ông chắc thường đau ốm luôn.
Lão Cuồng vừa nói xong thì các nhà sư trong chùa đều đứng lên, lộ vẻ giận dữ.
Lão Cuồng thản nhiên nói:
- Tên thầy của các ngươi có gì đâu mà phải úy kỵ.
Nhà sư thủ tọa Chấp Pháp Đường liền lên tiếng:
- Lão Cuồng, Phương trượng đời trước đã phạt ông không được vào chùa, tại sao ông cãi lệnh ?
Lão Cuồng bật cười:
- Chuyện Phương trượng đời trước phạt ta cách đây hơn năm mươi năm rồi. Lúc ngài viên tịch đã quên mất tạ Nếu nhớ, ngài đã tha tội cho ta rồi. Ta lỡ để cho sư phụ ta uống nhằm nước tiểu
của ta, hay trét phân vào giày sư phụ ta, chẳng lẽ tội ấy nặng đến nỗi phải phạt hơn năm mươi năm hay sao ? Ngươi là thủ tọa Chấp Pháp Đường, làm việc tắc trách, không nhớ ai bị phạt trong chùa để đem ra duyệt xét. Ngươi bỏ ta sau chùa bao nhiêu năm nay, tội làm việc thiếu xót ấy đáng bị xử như thế nào ?
Lão Cuồng nói thao thao bất tuyệt, tranh luận thật hùng hồn. Đệ không ngờ, cứ tưởng lão không biết nói chuyện.
Nghe Lão Cuồng hạch sách thủ tọa Chấp Pháp Đường, Phương trượng liền can thiệp:
- Vô Chấn, ông không được nói chuyện vô lễ như vậy. Chuyện của ông, ta sẽ cứu xét sau buổi thi này.
Lão Cuồng ung dung nói:
- Hơn năm mươi năm nay ta không chính thức vào chùa, nhưng hôm nay ta trở lại chẳng phải vì chuyện năm xưa. Ta chỉ xin Phương trượng cho thằng nhỏ kia được dự thi.
Lão Cuồng vừa nói vừa chỉ về phía Đệ. Mọi người đều quay lại nhìn.
Đệ mặc quần áo xám, tăng chúng đều biết chức phận Đệ rất thấp. Đệ lại quá trẻ nếu so với ba người được chùa tuyển lựa để dự thi, đều đã hơn bốn mươi.
Thủ tọa Chấp Pháp Đường kề tai phương trượng nói nhỏ.
Vừa nghe xong, Phương trượng lên tiếng ngay:
- Thí chủ , trẻ đó phạm tội đánh sư huynh, chưa mãn hạn tội.
Lão Cuồng điềm nhiên nói:
- Ta không bàn về chuyện đó. Ta chỉ muốn nói rằng, nước tiểu tạ..
Lão Cuồng chưa nói xong thì Phương trượng cất cao giọng nói át:
- Vô Chấn, ngươi không được nói chuyện điên giữa chỗ trang nghiêm như thế này.
Mọi người đang theo dõi cuộc đối đáp của Phương trượng và Lão Cuồng thì vị quan mặc triều phục đỏ đứng dậy, bực tức nói:
- Qúi vị muốn giải quyết chuyện nội bộ Ở đây hay là chúng ta hủy bỏ cuộc thi.
Giọng người này vang lên sang sảng trong sảnh đường.
Phương trượng nghe xong, liền quay lại cúi đầu:
- A Di Đà Phật, xin đại nhân cho bắt đầu cuộc thị Ta đồng ý cho thí chủ trẻ kia được tham dự cuộc thi.
Lời tuyên bố của Phương trượng làm mọi người ngỡ ngàng. Tuy vậy, họ lại nghĩ rằng Phương trượng vì danh dự của Phật môn mà phải chịu như vậy.
Sau lời tuyên bố của Phương trượng mọi người trở về chỗ cũ.
Lão Cuồng tiến lại gần Đệ, nói nhỏ:
- Ngươi phải nhớ, không chỉ nhìn bằng mắt mà còn nhìn bằng não. Người ta đi tới thì ngươi phải biết đi lui. Người ta đi thuận thì ngươi phải đi ngược.
Lão Cuồng vừa dứt lời thì một nhà sư bước tới, dẫn Đệ đến ngồi trên một cái ghế bên cạnh ba nhà sư dự thị Họ đang ngồi phía trước, gần thềm đại điện.
Lão Cuồng lẳng lặng lui ra phía sau.
Một người trong bốn vị quan giám khảo gõ một tiếng chuông.
Tức thì tất cả mọi người trong sảnh đường đều quay mặt ra sau, ngó vào tường. Rồi mỗi người rút ra một khăn đen, tự bịt mắt.
Ba nhà sư dự thi cũng hành động y như vậy.
Đệ còn đang ngơ ngác thì một nhà sư bước tới, lấy khăn đen bịt mắt Đệ rồi xoay Đệ ra phía sau.
Một tiếng chuông nữa vang lên.
Bốn quân sĩ khiêng một bia đá từ phía sau, để vào bồn nước thật lớn ở giữa sảnh đường.
Thí sinh ngồi trên ghế, có thể nhìn trọn tấm bia và đọc được hết chữ của bài thợ Thời gian thi không lâu mà cũng không mau. Khi nào nước trong bồn ngập hết tấm bia là xong một lần thi.
Một tiếng chuông vang lên.
Nhà sư đầu tiên bên phải được quay lại và mở khăn bịt mắt ra. Trước mắt người dự thi là tấm bia bằng đá hoa cương có khấc nguyên một bài thơ bằng chữ cổ. Nét khắc thật sâu và rõ ràng.
Trong khi nhà sư dự thi ra sức đọc và cố nhớ bài thơ trên tấm bia đá thì bốn quân sĩ gánh nước đổ vào bồn. Tiếng chân người di chuyển rầm rập và tiếng nước đổ xào xát, ùng ục. Bốn người này mang áo giáp, đeo gươm, gắn lục lạc, nên mỗi khi di chuyển phát ra những tiếng leng keng, lẻng xẻng.
Nước trong bồn càng lúc càng dâng cao lên, thời gian càng thu ngắn lại. Dần dần, trên trán nhà sư bắt đầu lấm tấm mồ hôi, vẻ mặt căng thẳng hơn, và thần sắc càng mệt mỏi.
Khi nước ngập đầy bồn thì cũng vừa che lấp tấm bia.
Một tiếng chuông vang lên.
Nhà sư dự thi được dẫn đến cái bàn đối diện với bốn vị quan. Nơi đó có giấy bút sẵn sàng. Nhà sư liền ngồi xuống hí hoáy chép ngay.
Kết quả không khả quan. Bốn vị giám khảo đều lắc đầu. Nhà sư này không nhớ được một phần sáu bài thơ, lại nhớ loạn lên, đảo lộn cả thứ tự trước sau, trên dưới.
Đến nhà sư thứ hai, kết quả không khá hơn: Chỉ nhớ được chừng một phần năm và lộn xộn chữ và câu.
Phiên nhà sư thứ ba , khá nhất, nhớ được một phần tư, giữ đúng được thứ tự.
Bốn vị quan mỉm cười thoải mái.
Cuối cùng, đến phiên Đệ.
Mọi người trong sảnh đường nhìn thấy Đệ còn quá trẻ, bộ dạng ngơ ngác, đều tỏ vẻ xem thường.
Tiếng chuông bắt đầu.
Bốn quân sĩ cũng di chuyển, đổ nước vào bồn. Những âm thanh của họ phát ra thật ồn ào. Nào tiếng chân đi, tiếng lục lạc, áo giáp, gươm chạm nhau, rồi tiếng nước đổ chạm vào thành bồn. Hình ảnh xoay chuyển và âm thanh náo động làm Đệ xao lảng ngay từ phút đầu.
Đệ thấy những chữ trên bia đá bắt đầu nhảy múa loạn lên, chữ này trợt lên chữ kia, hàng này chồng lên hàng nọ. Đệ đang hoang mang, chợt nghe lời Lão Cuồng văng vẳng bên tai, không chỉ nhìn bằng mắt mà còn nhìn bằng não... , không chỉ nhìn bằng mắt mà còn nhìn bằng não...
Ráng trấn tỉnh, Đệ nhìn thẳng vào tấm bia, cố nhớ thật kỹ rồi từ từ nhấm mắt lại. Lạ thay, bao nhiêu hình ảnh và âm thanh rối loạn không còn nữa. Giữa một vùng tối mờ, hiện ra trước mặt Đệ nguyên tấm bia đá với trọn cả bài thơ.
Đệ lại nghe lời Lão Cuồng nhắc nhở, người ta đi tới thì ngươi phải biết đi lùi, người ta đi thuận thì ngươi phải biết đi ngược...
Vừa nghe xong, Đệ tỉnh ngộ ngaỵ Đệ bắt đọc ngược từ chữ cuối cùng, đi trở lên. Người ta đọc từ phải qua trái thì Đệ nhớ từ trái qua phải. Lạ lùng thay, khi đọc ngược thì nghĩa bài thơ bày tỏ ra rõ ràng.
Đệ vừa đọc vừa cố nhớ. Đệ nhớ được chừng phân nửa bài thơ thì tấm bia đá với bài thơ trước mặt Đệ vụt biến mất. Đệ mở mắt ra, bị chi phối ngay bởi hình ảnh rối loạn và âm thanh xao động ầm ĩ.
Trong bồn, nước đã ngập gần nửa tấm bia. Đệ nhìn kỹ, cố nhớ rồi nhắm mắt lại.
Lần này, Đệ nhớ được thêm một phần tư nữa của bài thơ thì hình ảnh trong não lại biến mất. Đệ mở mắt ra, nước trong bồn dâng lên xấp xỉ ba phần tư tấm bia rồi.
Đệ theo phương pháp của Lão Cuồng đã chỉ, nhắm mắt lai cố nhớ phần còn lại.
Khi Đệ vừa nhớ trọn bài thơ thì tiếng chuông vang lên. Đệ mở mắt ra, trong bồn, nước đã ngập phủ hết lấm bia. Cả bài thơ đã bị chìm trong nước, Đệ chầm chậm đứng lên, bước theo nhà sư hướng dẫn đến trước mặt bốn vị quan. Đệ ngồi xuống nhắm mắt lại và cầm bút lên.
Bốn vị giám khảo và bốn nhà sư ngồi kế cận là Phương trượng, thủ tọa Chấp Pháp Đường, La Hán Đường, Tàng Kinh Các đều trố mắt ngạc nhiên. Họ không ngờ Đệ có hành động lạ lùng như vậy. Trong đời, họ chưa bao giờ thấy ai vừa nhắm mắt vừa viết chữ.
Đệ ngồi đối diện với bốn vị giám khảo. Khi Đệ chép tới nửa bài thơ thì thần sắc bốn vị bắt đầu thay đổi. Đệ cứ chép thong thả. Từ trong ngọn bút của Đệ, chữ cứ tuôn ra không ngừng.
Đột nhiên vị quan áo đỏ cười lên hăng hắc như một đứa trẻ.
Vị quan áo xanh đổi sắc mặt tái nhợt.
Vị quan áo vàng khóc rưng rức, tức tưởi.
Còn vị quan áo đen ngơ ngác nhìn quanh.
Bốn người đều già, da mặt nhăn nheo và tóc bạc, biểu lộ ra bốn sắc thái khác nhau.
Khi Đệ viết xong chữ cuối cùng của bài thơ thì bốn vị giám khảo đã đến trạng thái quá độ.
Vị áo đỏ gập người mà cười hăng hắc.
Vị áo xanh ngồi im tái nhợt như một xác chết.
Vị áo vàng khóc hu hu, kêu gào thảm thiết.
Vị áo đen ngơ ngẩn như một kẻ mất hồn.
Tăng chúng trong sảnh đường không biết Đệ làm chuyện gì mà khiến bốn vị giám khảo đang oai vệ trong triều phục lộng lẫy, đột nhiên biểu lộ như bốn kẻ điên khùng.
Nguyên bốn vị quan này. Vị áo đỏ là hoạn quan đã phục vụ cho Hoàng đế, người làm ra tấm bia và bài thơ đó, còn ba người kia là học trò của ngài.
Mọi người trong hội trường đang ngơ ngác thì bốn vị quan, đột nhiên đứng lên, bước ra trước mặt Đệ, sụp xuống lạy.
Vị áo đỏ kêu lên:
- Thái thượng, thái thượng.
Ba vị kia tung hô:
- Sư phụ, sư phụ,...
Đệ hoảng hốt đứng dậy, loạng choạng bước ra sau.
Bốn vị quan bước tới bằng đầu gối, không ngớt gọi:
- Thái thượng, sư phụ, sư phụ, sư phụ.
Cả sảnh đường xôn xao. Phương trượng phải đứng lên, ra hiệu cho mọi người im lặng.
Ba vị thủ tọa của Chấp Đường, La Hán Đường, và Tàng Kinh Các lần lượt bước ra cúi đầu chào:
- A Di Đà Phật, các bần tăng xin chúc mừng ngài.
Đệ còn hoảng hốt, lắp bắp hỏi:
- Tôi đã làm gì ?
Thái độ thất thần của Đệ càng làm cho bốn vị quan tin hơn nữa. Họ quì lạy liên hồi, dập đầu xuống nền đá đến chạy máu trán.
Phương trượng thấy cảnh tượng thương tâm quá liền bước lại gần Đệ, khuyên nhủ:
- Ngài hãy mau mau cho phép họ đứng dậy.
- Tôi, tôi...
Phương trượng giải thích:
- Họ nghĩ rằng ngài là Hoàng đế đời trước tái sinh.
Bấy giờ Đệ mới hiểu ra, liền hỏi:
- Tôi phải làm sao ?
Phương trượng ôn tồn nói:
- Bây giờ ngài là một người khác rồi. Tiếng nói của ngài có uy lực vô biên. Ngài hãy cho phép họ đứng lên.
Đệ liền dõng dạc nói:
- Bốn người đứng lên mau.
Bốn vị quan lật đật đứng dậy. Họ đứng xuôi tay thật nghiêm túc. Trên nét mặt họ vẫn giữ nguyên sắc thái ban đầu.
Bấy giờ, tăng chúng trong sảnh đường mới trông thấy họ rõ ràng.
Vị áo đỏ vẫn cười toe toét.
Vị áo xanh còn tái nhợt.
Vị áo vàng khóc rưng rức, nước mắt chảy xuống đầy mặt.
Vị áo đen ngơ ngẩn, thất thần.
Bọn quân sĩ đã dọn dẹp mọi thứ, cùng đám tùy tùng tiến lên, xếp thành hai hàng chờ lệnh.
Một lúc lâu sau, bốn vị quan dịu bớt xúc động. Vị áo đỏ nói với phương trượng:
- Hơn năm mươi năm, qua biết bao kỳ thi chúng tôi chưa thấy ai nhớ nỗi quá nửa bài thợ Mà bây giờ... thật may mắn, Thái thượng đã chọn chùa Bạch Vân làm chỗ tái sinh.
Vị áo xanh tiếp lời:
- Chúng tôi sẽ tâu với hoàng thượng sắc phong cho chùa Bạch Vân làm Quốc Tự.
Vị áo vàng cũng nói:
- Chúng tôi cũng xin hoàng thượng chu cấp bổng lộc cho chùa đời đời.
Vị áo đen phụ họa:
- Chúng tôi cũng xin Hoàng thượng một ngân khoản lớn để trùng tu chùa Bạch Vân.
Phương trương và các Thủ tọa cúi đầu nói:
- Đa tạ các đại nhân.
Vị áo đỏ nói tiếp:
- Chúng tôi phải hộ tống Thái thượng về ngay kinh đô.
Các vị quan kia cùng gật đầu:
- Chúng tôi cử người cấp báo cho Hoàng thượng ngaỵ Bây giờ xin phương trượng cho chúng tôi được cáo từ.
Trong khi mọi người đang nói chuyện, Lão Cuồng đi lại gần.
Vị áo đỏ chỉ lão hỏi nhỏ:
- Người này là ai?
Phương trượng đáp:
- Người này tên là Vô Chấn, một người làm việc trong chùa.
Vị áo xanh hỏi:
- Ông ấy liên hệ như thế nào với sư phụ ?
Phương trượng còn đang ngập ngừng thì Lão Cuồng bước lại gần:
- Chúng tôi chỉ là bạn hữu.
Lão Cuồng quay sang phía Đệ:
- Ngươi phải cẩn thận, từ nay trở đi không còn ta bên cạnh nữa đâu.
Đệ cúi đầu vâng dạ:
- Con biết.
Lão Cuồng quay lưng bước đi. Lúc đi ngang Phương trượng, lão nói:
- Nước tiểu của ta không khai và phân ta không thối như vậy.
Mọi người nghe Lão Cuồng nói đều ngơ ngác. Họ tưởng lão nổi cơn điên. Nhưng Phương trượng vừa nghe xong, chợt biến sắc mặt, chân tay run rẩy.
Lão Cuồng vừa đi vừa nói vòi lại:
- Ta chỉ nói thế thôi.
Đệ nhớ lại câu chuyện mà Lão Cuồng đã kể năm xưa. Lão Cuồng bảo rằng, sư phụ lão uống nhằm nước tiểu của lão. Ngoài ra giày sư phụ của lão bị trét phân. Vì những chuyện đó mà Lão Cuồng bị phạt ra quét lá sau chùa đã gần sáu mươi năm. Tại sao bây giờ, lão nói ra những điều này?
Đệ còn đang thắc mắc thì Lão Cuồng đã đi gần tới cửa. Đệ chạy theo, run giọng nói:
- Lão ở lại nhớ bảo trọng.
Lão Cuồng cười hiền hậu:
- Ngươi nghe đây. Giữ làm chi cho nhiều không bằng thôi bỏ bớt. Trau chuốt chi cho bén nhọn mà không giữ được lâu dài. Của cải chi cho nhiều để mang thêm phiền lụy. Công thành, việc trọn, nên lui.
Đệ cúi đầu ngẫm nghĩ Lão Cuồng lặp lại:
- Giữ làm chi cho nhiều không bằng thôi bỏ bớt. Trau chuốt chi cho bén nhọn mà không giữ được lâu dài. Của cải chi cho nhiều để mang thêm phiền lụy. Công thành, việc trọn, nên lui.
Lão Cuồng vừa nói vừa bước đi.
Đệ chạy theo, gọi vòi:
- Sư phụ.
- Ta không phải sư phụ ngươi. Hãy nhớ những lời ta dặn.
Thoáng qua, Lão Cuồng đã khuất sau khung cửa. Tiếng lão còn vọng lại:
- Giữ làm chi cho nhiều không bằng thôi bỏ bớt...
Bốn mươi năm sau. Buổi chiều đông lạnh, mưa phùn, gió bấc. Dinh Tể Tướng nằm im lìm trong sương mờ. Bên trong dinh tối tăm. Chỉ có một căn phòng còn để đèn.
Tể Tướng Huỳnh Đệ đã gần lục tuần, tóc hoa râm, nhưng ông còn khỏe mạnh. Ông ngồi trên chiếc ghế bành, mơ màng nhìn ra khung cửa sổ. Bao nhiêu năm qua, Tể Tướng được từ vua tới dân nể trọng. Ông không những là Thái sư, thầy của vua, mà còn là Tể Tướng có quyền hành cao nhất nước, chỉ dưới vua mà thôi. Tể Tướng được vua trao gươm vàng, tiền trảm hậu tấu. Ngài được quyền đeo gươm, bước lên thềm điện trong buổi chầu. Ngài được quyền mang gươm vào cả trong hậu cung vua.
Phu nhân ngài mất sớm, còn hai con, một trai một gái, đã lớn, đều có công danh, sự nghiệp, và gia đình. Tuy quyền cao, chức trọng, giàu sang như vậy nhưng Tể Tướng không vui bao giờ. Lúc nào ông cũng đăm chiêu, suy nghĩ.
Chiều nay, ngài ngồi bên cửa sổ như trông đợi chuyện gì.
Chợt có lính hầu vào thông báo có sứ giả phương xa về tới.
Một người trung niên bước vào, quần áo đẫm ướt nước mưa và sương lạnh. Người ấy quì xuống:
- Thưa đại nhân, thuộc hạ vừa về tới, vội vàng đến báo cáo cho đại nhân rõ.
- Ta nghe đây.
- Thưa đại nhân. Thuộc hạ vâng lệnh ngài, nhờ các nhà sư trong chùa chuyển thức ăn và quần áo cho người ấy trong bao nhiêu năm qua nhưng ông ấy vẫn từ chối. Tiểu nhân nghĩ rằng, đại nhân đã biết những chuyện đó rồi.
- Ta biết. Còn những chuyện gần đây thì sao?
- Thưa đại nhân, các nhà sư cho biết, người ấy càng ngày càng điên nhiều lắm.
Tể Tướng bực bội hỏi:
- Tại sao họ bảo ông ấy điên?
- Dạ, ông ấy, chẳng những không nhận quần áo và thức ăn mà còn lấy phân và nước tiểu ném vào người các nhà sư.
Tể Tướng trầm ngâm một lúc rồi nói:
- Người ấy không bao giờ điên.
- Thưa đại nhân...
- Ta bảo ông ấy không điên là không điên. Nếu có điên thì ta điên, ngươi điên, hay thiên hạ đều điên.
- Thưa đại nhân...
- Chuyện gì ?
- Các nhà sư...
- Ta đã nói với ngươi rồi. Các nhà sư trong chùa không sao hiểu nổi ông ấy. Nếu thiên hạ chỉ có một người sáng suốt, người đó phải là ông ấy.
Tể Tướng đứng lên, bước lại gần cửa sổ. Ông nhìn ra ngoài trời lạnh giá. Ông lẩm bẩm:
- Ta phải về với ông ấy.
- Thưa đại nhân, ngài vừa nói gì ?
- Ta đã viết sẵn lá thư cho Hoàng thượng. Ngày mai, ngươi mang thư cùng với ấn tín, và thanh gươm này vào đệ trình cho Hoàng thượng.
Người sứ giả run giọng hỏi:
- Thưa đại nhân, tại sao ngài quyết định như vậy ?
- Ngươi đừng hỏi. Vì ngươi có biết cũng không thể hiểu nổi. Gần bốn mươi năm nay, ngươi đã theo phò tá ta, một lòng trung kiên. Khi ta đi, một phần tư gia sản của ta, thuộc về ngươi, còn lại ba phần tư, ngươi phân phát hết cho người nghèo.
- Thưa đại nhân. Kẻ hèn này chỉ muốn theo ngài.
- Ngươi theo ta sẽ không được gì. Bởi vì ta chẳng còn thứ gì.
- Đại nhân.
- Đây là lệnh.
- Dạ, thuộc hạ xin tuân theo.
- Trong thư, ta đã căn dặn mọi điều. Ngươi cứ làm theo những gì ta dặn. Ngày mai, ngươi sẽ không còn gặp ta nữa. Cho ngươi lui.
- Dạ , thuộc hạ cáo từ. Xin đại nhân bảo trọng.
- Ngươi đi đi.
Chùa Bạch Vân trông cũ kỹ hơn, quanh chùa, cây cối nhiều và già cỗi. Tăng chúng trong chùa đã thay đổi quá nhiều. Chùa đã hai lần đổi Phương trượng.
Một buổi sáng, sau chùa Bạch Vân. Trong sương sớm có hai người vừa đi vừa quét lá. Người đi đầu là một ông già, râu tóc bạc phợ Người đi sau tuổi quá trung niên, râu đen nhánh, tóc hoa râm. Cả hai vừa đi, vừa nhắm mắt.
Ông già đi đầu, từ tốn nói:
- Có một chiếc lá vừa rơi sau lưng ngươi.
- Dạ, con vừa biết được.
- Tốt.
- Có một chiếc lá vừa rơi trước mặt sư phụ.
- Ờ, ta cũng biết, nhưng ngươi vừa gọi ta bằng gì ?
- Dạ, sư phụ.
- Sao ngươi lại gọi ta là sư phụ ?
- Sư phụ là sư phụ mà cũng không là sư phụ. Tại sao sư phụ lại trói mình trong hai chữ sư phụ.
Ông già bật cười:
- Ngươi giỏi lắm. Bây giờ ngươi gọi ta như thế nào cũng được, Lão Cuồng hay Sư Phụ, có khác gì đâu.
- Có một con chim vừa đậu trên vai sư phụ.
- Ờ , cứ mặc kệ nó.

Hồi trước Hồi sau

"Ủng hộ" mình duy trì website nhé.
Đổi DNS sang 8.8.8.8 và 8.8.4.4 để vào web nhanh hơn, chi tiết search Google cách đổi dùm mình.
Link aff nếu mua hàng từ 2 sàn: shopee ở đây còn lazada ở đây.